19:53 | 20/09/2011
Ngày 20 – 21.9, tại Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức Hội thảo pháp luật về ĐBQH trong giai đoạn hiện nay, những vấn đề lý luận và thực tiễn.
Hiện nay, nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐBQH. Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến Hiến pháp năm 1992 và các văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Tổ chức QH, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật... Các văn bản này hầu hết đã được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Hầu hết các quy định pháp luật hiện hành về ĐBQH đều được quy định tương xứng với chức năng, nhiệm vụ và vị trí đặc biệt quan trọng của QH trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Các quy định cũng thể hiện rõ bản chất giai cấp Nhà nước; quán triệt và thể chế kịp thời những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động của ĐBQH, cơ quan của QH cũng như QH trong tình hình mới. Tuy nhiên, giữa các văn bản về ĐBQH vẫn còn trùng lắp; nhiều vấn đề quan trọng quy định còn thiếu cụ thể, thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện; tính ổn định của pháp luật về ĐBQH chưa cao nên các văn bản thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung...
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống các văn bản về ĐBQH. Theo đó, luật hóa trách nhiệm và vai trò của ĐBQH một cách cụ thể hơn, trước hết ĐBQH phải chịu trách nhiệm rõ hơn về tiếng nói của mình trước QH và nhân dân; bổ sung quyền bãi nhiệm ĐBQH vào trong Hiến pháp; xây dựng cơ chế để một ĐBQH có thể tham gia nhiều Ủy ban của QH...
Hoàng Ngọc
No comments:
Post a Comment