Tuesday, September 20, 2011

20/09 Chỉ 5,7% doanh nghiệp có dịch vụ trông trẻ


▪  NAM ANH
08:47 (GMT+7) - Thứ Ba, 20/9/2011

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm đang đề nghị nâng mức nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng và sẽ được quy định rõ trong bộ Luật Lao động sửa đổi.

Tại hội thảo lấy ý kiến về chính sách thai sản 6 tháng trong dự thảo bộ Luật Lao động sửa đổi do Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 19/9, nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại hầu khắp các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, tình trạng không có nhà trẻ khiến nhiều lao động sau khi hết thời gian nghỉ sinh 4 tháng theo qui định hiện hành thì vẫn phải tiếp tục xin nghỉ không lương để ở nhà chăm con.  

Kết quả điều tra của Ban Nữ công Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về nghỉ thai sản và nuôi con bằng sữa mẹ của lao động nữ tại một số khu công nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động nữ của 12 tỉnh, thành phố trên cả nước cũng cho thấy, hiện mới có 5,7% doanh nghiệp có dịch vụ trông trẻ, nhưng 97,2% không nhận trông trẻ dưới 4 tháng tuổi… 

Theo bà Nguyễn Thu Hồng, Phó ban Nữ công, trong khi mức thu nhập của công nhân còn thấp thì việc thiếu chỗ gửi trẻ, thiếu người trông trẻ, đặc biệt là khoản tiền để gửi con chính là áp lực dồn lên họ sau khi sinh con. 

Bà Hồng cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng lao động nữ ở nhiều khu công nghiệp không trở lại làm việc sau thời gian nghỉ sinh.

Tại thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội, nơi có khu công nghiệp Thăng Long với hàng trăm doanh nghiệp lớn nhưng công nhân nơi đây cho biết, kiếm được một nhà trẻ để gửi con với họ là cực kỳ khó khăn. 

Giải pháp mà lao động ở đây lựa chọn là phải đón người nhà ở quê lên làm “ô sin” bất đắc dĩ, đợi cho đứa bé cứng cáp hơn một chút sẽ gửi về quê nhờ ông bà nuôi.

Tại Hưng Yên, đại diện Tổng công ty May Hưng Yên, đơn vị đang sử dụng 12.000 lao động, trong đó 70% là lao động nữ cũng đã nêu thực trạng lao động nữ thường nghỉ 5 tháng sau khi sinh con, nhưng sau đó vẫn phải xin nghỉ thêm không lương. 

Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, trong thời gian nghỉ thai sản, có 81,5% nữ công nhân lao động được hưởng lương hoặc bảo hiểm xã hội từ 4 đến 5 tháng; Tuy nhiên, mức lương trong thời gian nghỉ thai sản còn quá thấp, chỉ từ 700 nghìn đồng đến 1, 2 triệu đồng/tháng. Vẫn còn 9% không được doanh nghiệp trả lương và bảo hiểm xã hội. 

Trong khi đó, Quỹ Bảo hiểm xã hội chế độ ốm đau, thai sản số hiện vẫn còn dư trên 7.100 tỷ đồng. 

Ông  Nguyễn Hùng Cường, Phó trưởng ban thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ năm 2007 đến 2010, quỹ ốm đau và thai sản do người sử dụng lao động đóng bằng 3% quỹ lương đã thu được hơn 19,8 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền chi cho chế độ ốm đau, thai sản và dưỡng sức chỉ đạt 68,07%, trong đó chi cho trợ cấp sinh con và nuôi con chiếm 46%. Như vậy, số tiền dư quỹ đến cuối năm 2010 (kể cả lãi đầu tư) còn hơn 7,1 nghìn tỷ đồng, chiếm đến hơn 30%. 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính toán, nếu giữ nguyên mức hưởng các chế độ thai sản theo quy định hiện hành, thì khi tăng thời gian thai sản lên 6 tháng, số tiền chi trả trợ cấp ốm đau và thai sản cũng chỉ đạt ở mức hơn 85% và đến năm 2030 số chi bằng 92% số thu. Như vậy, quỹ dự phòng vẫn còn 8%, quỹ vẫn đảm bảo ở mức an toàn. 

Vì vậy, cùng với việc đồng tình nâng chế độ thai sản lên 6 tháng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng kiến nghị không tăng mức đóng của doanh nghiệp, nhưng tăng quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản của người tham gia bảo hiểm xã hội, nhằm cải thiện đời sống cho lao động nữ. 

No comments:

Post a Comment