Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam phản đối việc Trung Quốc dùng công hàm cố thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Trung Quốc cách đây nửa thế kỷ để nói về chủ quyền. Chủ nhật vừa qua là đúng 50 năm ngày Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ủng hộ quyết định lãnh hải của Trung Quốc. Bản công hàm gửi ngày 14/9/1958 nay bị cho là 'văn bản thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc', nhất là đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đã có nhiều kêu gọi phản đối và hủy bỏ văn bản gây tranh cãi này. Nội dung công hàm ngắn do ông Phạm Văn Đồng ký, nói "Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc". Tuyên bố 4/9/1958 khẳng định hải phận 12 hải lý, trong có Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền Trung Quốc. Đài BBC đã có cuộc phỏng vấn nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi, cựu trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam (1978-1989) về bản công hàm này. Ông Lưu Văn Lợi: Bản công hàm này rất đơn giản. Lúc đó ông Chu Ân Lai ra tuyên bố rằng lãnh hải của TQ rộng 12 hải lý, ông Phạm Văn Đồng gửi thư cho ông Chu Ân Lai nói đại ý VN ghi nhận và chỉ thị cho các cơ quan tôn trọng hải phận đó. Chỉ có thế thôi. Trong tuyên bố 12 hải lý của Chu Ân Lai có bao gồm cả bốn quần đảo TQ gọi là của mình, nhưng ông Phạm Văn Đồng không nói gì tới lãnh thổ hay quần đảo, mà chỉ nói tôn trọng quyết định của TQ. BBC: Vâng nhưng nay TQ sử dụng công hàm đó như một minh chứng là VN đã công nhận chủ quyền của TQ đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa... Ông Lưu Văn Lợi: Đó là họ xuyên tạc. Nội dung công hàm của ông Phạm Văn Đồng chỉ có ba câu thôi, có nói gì đến lãnh thổ hay quần đảo nào đâu. BBC: Nếu nay có kêu gọi hủy bản công hàm này thì có thể thực hiện được về luật pháp không, thưa ông? Ông Lưu Văn Lợi: Tôi chưa hiểu chính phủ quyết định ra sao, nhưng theo nội dung công hàm mà tôi hiểu thì không nói đến lãnh thổ hay quần đảo. BBC: Thưa ông, tại sao ông Phạm Văn Đồng lại quyết định gửi công hàm vào thời điểm đó? Ông Lưu Văn Lợi: Đây là một điều đáng buồn. Lúc bấy giờ đang xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan.
Đài Loan lúc đó còn giữ hai đảo nằm giáp lãnh thổ TQ là Kim Môn và Mã Tổ. Hải quân Mỹ đến vùng eo biển Đài Loan, khiến TQ lo sợ rằng Mỹ có thể tấn công xâm phạm chủ quyền của TQ. Và đó là lý do ông Chu Ân Lai ra tuyên bố về hải phận. Công hàm của ông Phạm Văn Đồng chỉ là một cử chỉ tốt đẹp về tình hữu nghị, ủng hộ TQ trong lúc Mỹ đưa hạm đội 7 tới eo biển Đài Loan mà thôi. BBC: Gần đây có chỉ trích là chính phủ VN đã nhượng bộ quá nhiều trong đàm phán lãnh thổ với TQ. Là người chịu trách nhiệm về lĩnh vực này trong thời gian dài, ông nghĩ sao ạ? Ông Lưu Văn Lợi: Hoàn toàn không có chuyện đó. Các đàm phán đều thực hiện trên phương pháp quy định hai bên đã thỏa thuận, thống nhất từ trước. Không có chuyện nhân nhượng TQ. BBC: Thưa Chủ nhật vừa rồi là đúng 50 năm ngày ông Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho TQ. Cảm xúc của ông nhân ngày này ra sao? Ông Lưu Văn Lợi: Tất nhiên chúng tôi phản đối việc sử dụng công hàm này (với mục đích tranh chủ quyền các quần đảo). Đó là một sự xuyên tạc, biến một cử chỉ hữu nghị của ông Phạm Văn Đồng thành tuyên bố chủ quyền của TQ đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là chuyện của chính phủ, chúng tôi thì đã về hưu lâu rồi. Nhưng nhất định đây là một điều không hay. Ông Lưu Văn Lợi, sinh năm 1913, là nhà báo, cựu Chánh văn phòng-Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới thuộc Hội đồng Bộ trưởng (1978-1989). Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bài viết về chủ đề biên giới. Các bài liên quan, kể cả ý kiến của giới nghiên cứu Trung Quốc có ở bên phải trang. Trung Lập Tôi nghĩ chính phủ hiện nay cũng đau xót trước việc mất đất, mất đảo lắm nhưng thế nước còn yếu đành phải dùng biện pháp ngoại giao mà thôi, chứ đao to bùa lớn liệu sẽ làm được gì. Hoặc kêu gọi Mỹ giúp đỡ ai dám chắc hay hơn hay lại cõng rắn cắn gà nhà (lịch sử nước nhà đã chứng minh bao lần rồi, chẳng ai tốt hoặc cho không mình cái gì đâu). Do Thanh Cong, HN Tính chất của văn kiện rất đơn giản, mang tính hữu nghị thân ái của ông PVD, nhưng bài học rút ra cho người Việt Nam là: Thứ nhất, bài học đầu tiên của Việt Nam là bài học dựng nước và giữ nước. Trong đó câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy là bài học muôn đời. Đối với Trung Quốc, dù là tình cảm hữu nghị hay tình yêu lứa đôi, dù là mưu đồ hay là "chân thật nhất thời" thì đến cuối cùng nhà cầm quyền TQ đều sử dụng cho mưu đồ bành trướng. Thứ hai, vị trí của Việt Nam nằm ở vị trí yếu hầu của trong thế tiến xuống phía nam của TQ. Theo lý thuyết về không gian 03 chiều: không thể cạnh tranh với Mỹ về kinh tế, không thể cạnh tranh với Nga về quân sự, con đường của TQ là bành trướng về phía Nam (các nước nhỏ, nhiều tài nguyên biển và dầu mỏ, vị trí đường biển và đầu mối giao thông chiến lược 2 đại dương lớn). Vấn đề này chỉ là vấn đề thời gian, và với tiềm năng quân sự và hải quân ngày càng được hiện đại hóa, vấn đề này càng đến gần cho "quyết định của TQ". Tu Viet My Trong cuốn sách Southeast Asia: an introductory history của Dr Milton Osborne người Úc, ông nói rằng VN chỉ là nước trong vùng ĐNÁ ảnh hưởng nặng nề văn hóa (kể cả chính trị) của TQ vì qua thu nhận hơn là tự sáng tạo (“as a mere receiver of ideas, unable to offer traditions of its own”) mặc dù ngôn ngữ VN là yếu tố đoàn kết của dân tộc. CP trong quá khứ cũng như hiện tại chỉ bắt chước cái mà họ nghĩ là hay của người khác rồi làm theo thì VN sẽ thành một tiểu bang của TQ trong thế kỷ này. DT Tôi xin bổ sung thông tin vì ông bạn Pinochio có hỏi tôi. Tôi khẳng định từng câu chữ của Pinochio là chính xác khi ông nói rằng :"...Hải quân VNCH đã có một trận hải chiến để bảo vệ chủ quyền...". Vâng, chỉ có một trận đó là duy nhất. Đó chính là trận hải chiến năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện này xảy ra sau khi Mao Trạch Đông và Nixon bắt tay nhau vào năm 1972. Đây có thể xem là "sự bán đứng đồng minh" của người Mỹ! Hạm đội 7 của Mỹ lúc đó đã làm ngơ để Trung Quốc thôn tính quần đảo Hoàng Sa của miền Nam! Lúc Đài Loan chiếm đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa) vào năm 1956 thì chẳng có trận hải chiến nào của Hải quân VNCH cả! Pinochio Tôi không biết DT lấy thông tin từ đâu? Có được thẩm định hay không? Nhưng tôi biết chắc một điều là Hải Quân của VNCH đã có một trận hải chiến để bảo vệ chủ quyền của những quần đảo trên, cho nên nói họ không biết bảo vệ chủ quyền (im lặng) là không chính xác. Ngang tang TQ Không phải TQ ngu không hiểu, nhưng rõ ràng là ỷ mạnh muốn làm gì thì làm. Xét về vị trí địa lý, thì Hoàng Sa và Trường Sa là gần VN nhất, mà không thuộc VN mà lại thuộc của TQ hay của các nước cũng có tranh chấp. Vậy Mỹ cũng có thể nói Hoàng Sa và Trường Sa là của Mỹ và đem Chiến Hạm tới đóng chắc không ai dám cản đường. Cũng may ông Mỹ hiểu lý lẽ không như ông TQ đang muốn trở thành tướng cướp kia. Một ý kiến khác nữa là, khi 1 người lỡ để bị thương thì phải biết giữ vết thương cho khỏi hôi thối bằng không thì côn trùng thừa cơ hội tấn công--Hay đại loại là 'Thừa nước đục thả câu!' Canh Tân NY Nếu công hàm PVD công nhận HS và TS là của TQ thì tại sao họ ko lấy lại ngay năm 1958 mà chờ đến 1974 lúc Mỹ đã bỏ rơi Nam VN, rồi đến 1988 chiếm TS khi VN trở nên yếu kém và thân với Liên Sô. Vấn đề là thời điểm, lúc VN bất ổn, yếu thế là lúc chiếm thêm đất, đảo VN. Dễ hiểu mà, nếu VN giàu mạnh, có vũ khí hiện đại, TQ ko đến nỗi làm càng như vậy. Nam Saigon Trung Quốc trong lịch sử từ xưa đến nay luôn là kẻ xâm lược nước ta, không thể không đề phòng hết sức cẩn thận. Ngay cả bây giờ, lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam người VN phải có trách nhiệm bảo vệ đến cùng, dù có phải trả giá đắt đi chăng nữa. Trung Quốc Không thể vin vào cái cớ một công hàm ngoại giao từ thời chiến tranh, không có số liệu cụ thể mà tranh lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam. Ngay một việc tôi xin nói thêm về vấn đề Trung Quốc là hiện nay các đài truyền hình của Việt Nam suốt ngày này qua ngày khác chỉ biết chiếu phim của Trung Quốc, đó là một mối nguy hiểm tiềm tàng, chỉ biết đến cái lợi trước mắt, quên mất cái lợi lâu dài. Le Quang Một ngày nào đó, khi tiềm lực kinh tế và quốc phòng Việt Nam chúng ta hùng mạnh, nhất định chúng ta hoặc con cháu chúng ta phải lấy lại Hoàng Sa và các đảo tại quần đảo Trường Sa do Trung Quốc xâm lược. Nhưng trước tiên, chúng ta phải dạy cho bọn chúng bài học thế nào là bị xâm lược. U49, VN Biên giới, địa giới hành chính Việt Nam do Quốc hội thảo luận, quyết định, thông qua lệnh của Chủ tịch nước lúc đương thời là Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có giá trị pháp lý trong nước và quan hệ quốc tế (Giới chức khác không có thẩm quyền). Công hàm ngắn không mang ý nghĩa quy phạm pháp luật, tuổi thọ của nó ngắn vô cùng ngắn về mặt thời gian, có ý nghĩa là người này làm hài lòng người kia do "lịch sự ngoại giao" mà thôi. Tran Thanh Mai, Tokyo Tóm lại có thân hay không thân với TQ thì VN luôn là kẻ thiệt thòi trước dã tâm của họ. Chỉ buồn là khi thanh niên VN biểu tình ôn hòa phản đối TQ năm ngoái thì nhà cầm quyền đã dẹp bỏ theo chỉ đạo từ xa của TQ. Thu Thuy Người dân VN không thể nào quên được trận chiến biên giới Việt Trung, trong khi lực lượng và quân đội VN đang trừng phạt Khmer Đỏ thì TQ bất ngờ tấn công VN, điều làm cho Hà Nội bất ngờ. Đối với TQ chúng ta luôn phải đề phòng, về Trường Sa chúng ta không bao giờ nhân nhượn , vì TS mất sẽ rất nguy hiểm cho VN. Good citizen, VN Ông TT-HN chắc chắn không phải người VN, theo tôi đoán không lầm ông là "chinois" (Tàu) hay dân tộc nào khác? Chúng ta chỉ biết và phải biết trân trọng và giữ gìn đất nước ta đang ở do tiền nhân tổ tiên ta đã đổ bao nhiêu xương máu trong nhiều thế kỷ để dựng nên. Chúng ta chỉ biết và phải biết TQ đã xâm lăng nước ta, vậy toàn thể người VN yêu nước phải cùng nhau bảo vệ tổ quốc chống kẻ xâm lược, thế thôi! Thật đáng buồn cho những quan điểm lệch lạc và lẻ loi! Thử hỏi nếu đại đế Quang Trung và con cháu VN của ông sau này có ý định đánh lấy lại 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây mà theo lịch sử ngàn xưa là của VN thì có hợp lý không? Bản đồ trên thế giới phải vẽ lại tất cả à? DT Tôi thấy nhiều bạn đọc người Việt trên diễn đàn này do chính kiến chủ quan của mình nên đã phát biểu rất thiếu hiểu biết về cái "công hàm ngày 14/9/1958". Một số vị cứ lên diễn đàn mở miệng ra là chỉ biết đổ lỗi cho chính quyền cộng sản! Về vấn đề này theo ý kiến của tôi: Công hàm đó không có tính pháp lý quốc tế đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi vì năm 1958 chính quyền Sài gòn, theo hiệp định Geneve, được giao quản lý phần lãnh thổ và lãnh hải bên dưới vĩ tuyến 17. Chính quyền Sài gòn lúc đó mới chính là người có tư cách pháp nhân để quản lý 2 quần đảo này! Vì vậy tôi tin ông Lợi đã nói chính xác : "TQ đã xuyên tạc cử chỉ hữu nghị của VNDCCH", vì vào thời điểm đó TQ đang xảy ra cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan, VNDCCH có ra công hàm thỉ cũng chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần mà thôi! Nói đến Đài Loan, tôi nhắc cho mọi người biết rằng chính quyền Đài Loan đã đổ quân lên chiếm đảo Ba Bình (trong quần đảo Trường Sa) vào năm 1956, tức là thời điểm mà chế độ miền Nam Việt Nam chưa đủ sức quản lý vùng biển này! Hơn 50 năm qua người Đài Loan đã xây dựng một căn cứ rất lớn ở đảo Ba Bình mà chế độ Sài gòn hồi trước năm 1975 cũng không có ý kiến ý cò gì cả! Phía TQ khi vin vào một cái "công hàm nặng tính chính trị, nhẹ tính pháp lý" để làm bằng chứng chủ quyền thì chính TQ đã cho thế giới thấy cái lý lẽ quá yếu ớt của họ về chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Huy NT, SG Ở đây tôi không dám bàn về cái lợi hay hại của chế độ VN trước và sau 1975. Nhưng nếu người TQ vẫn giữ thái độ xâm lược đối với 2 quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa,có lẽ đã đến lúc Chính phủ VN nên chuẩn bị cho việc sử dụng 1 biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ quyền lợi cho dân tộc là vừa. Thien Phong, Saigon Ông Đồng cũng chỉ là 1 người Việt Nam như bao người Việt Nam, tại sao tài sản chung mà ông ta lại có quyền cho người này người nọ. Hiệp ước Geneve 1954 đã phân chia rạch ròi vĩ tuyến 17 Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam. Hiệp ước này có Trung Quốc tham dự hẳn hòi. Nếu như chỉ trong vòng 4 năm mà Trung Quốc quên điều này thì đây là 1 chính phủ hành xử vô luật lệ với thế giới - không thể chấp nhận được. Còn ông Đồng đúng là đang lừa người anh em TQ, dám đem cho người khác cái không phải của mình. S. Bản chất của TQ là bành trướng và bá chủ TG. Họ phát triển kinh tế , nghiên cứu khoa học, ... cũng chỉ nhằm vào mục đích đó mà thôi. Biết được mối nguy này thì phải luôn đề phòng và có đối sách thích hợp từng thời điểm, không những VN mà cả thế giới nữa. Mỹ, Nga gì cũng vậy. Tu Viet My Cứ réo tên PVĐ, chứ biết đâu đấy là chỉ thị của bộ CT TƯ ĐCSVN. Nước VN cũng xui, nếu miền nam thắng thì công hàm ấy đâu có giá trị mà VN còn có pháp thẩm là có hải chiến để giữ đất vì HS và TS đều nằm dưới vĩ tuyến 17. Tại sao chính ĐCSVN không nói ra là đã chỉ đạo sai lầm và đã không qua QH thẩm định? TT, HN Đây đều là vấn đề do lịch sử để lại thôi. Theo tôi biết, ở bên TQ, cũng có rất rất nhiều người như các bạn VN để bảo vệ lãnh thổ cũng như lãnh hải của nước nhà, họ cũng có rất rất nhiều lý do để chứng minh đây là lãnh thổ lãnh hải của họ, họ cũng chửi bới chính quyền cộng sản TQ đã nhường bộ và bán đất biên giới cho VN. Mặt khác, trước thời Tây sơn, lãnh thổ VN có phải rộng lớn như bây giờ đâu? Nước Chăm biến đi đâu rồi, là ai đã huỷ diệt nước này? Trên trang web của Campuchia, họ còn nói tất cả miền nam và miền đông nam đều là của họ mà bị VN chiếm mất, phải giải thích thế nào? Rian Tôi nghĩ là ông Lợi đây đang cố chống chế thôi. Chuyện Trung Quốc công khai chủ quyền là việc của TQ, còn Việt Nam vẫn có quyền phản đối chứ, sao lại gửi công hàm chẳng rõ ý nghĩa gì như vậy. Tôi không tin là chính phủ mình bấy giờ lại ngây thơ nghĩ đây chỉ là một hành động hữu nghị và Trung Quốc cũng không tự dưng trong thông cáo đe doạ Đài Loan lại gộp luôn cả Trường Sa và Hoàng Sa vào. Dẫu gì thì tôi nghĩ rằng thời ấy Trường Sa và Hoàng Sa nằm ở phía Nam Việt Nam, nếu bây giờ chính quyền đồng ý phát ngôn rằng công hàm hồi ấy không có giá trị đối với hai quần đảo mà hồi bấy giờ đang ở phía Nam là lí lẽ xác đáng nhất, chứ đừng viện hai chứ "hữu nghị" ra biện minh, chẳng ai nó tin cho đâu. Bây giờ cứ nghĩ đến lịch sử "hữu nghị" giữa VN và TQ mà trong tôi cũng thấy lo sợ. Zhu, HN Vấn đề này chúng ta đã nói nhiều, quan điểm chung là phản đối Trung Quốc có điều về lý Việt Nam đang ở thế bất lợi hơn. Việc rất nhiều tài liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam không nhiều giá trị so với Công hàm 1985 của Ông Phạm Văn Đồng. Và giờ chúng ta có thể lật lại vấn đề nếu có những những yếu tố sau: - Đầu tiên phải dựa vào các văn bản giữa 2 bên từ 1958 trở lại đây, và xác minh rõ giá trị mang tính pháp lý hoặc cam kết về các vấn đề này(Điều này thực sự rất khó khả thi). - Việc thứ 2 và cuối cùng chúng ta có thể làm là con đường ngoại giao trong bối cảnh Trung Quốc đang tạo ra sự quan ngại của các nước lớn về sự trỗi dậy đầy bành trước của mình. Trung Quốc luôn hiểu họ sẽ trả giá đắt nếu giải quyết các vấn đề trên bằng con đường quân sự với chúng ta, nhưng chúng ta lại không hiểu rằng nguyên nhân từ đâu chúng ta rơi vào hoàn cảnh này? Chiphoi, VN Sao Việt Nam không đặt vấn đề với phía Mỹ xem họ có cần đặt "lá chắn tên lửa"ở khu vực này không nhỉ? Lịch sử đã chứng minh rằng VN & TQ không thể là anh em, 1000 năm đô hộ giặc Tàu(TQ), 100 năm đô hộ giặc Tây(Pháp, Mỹ, Anh..).Vậy giặc nào âm mưu nhiều hơn nhỉ? Khái niệm về XHCN, TBCN giống như lối sống của mỗi người, nhưng không phải có lối sống khác nhau thì không thể làm bạn với nhau. Phodem Cái câu vừa là đồng chí vừa là anh em- Núi liền núi sông liên sông, môi hở răng lạnh bây giờ phải nghĩ lại Răng cắn môi đã có sẹo lại muốn biến Biển gần đất liền? Dựa lưng vào cái Núi này trước sau cũng gãy lưng mất, hình như Lịch sử cứ lập đi lập lại mãi như vậy? Thế kỉ XXI rồi đất nước ta dù nhỏ nhưng chí khí ta cũng như ai, họ có gì ta có đó, tôn trọng nhau thì cùng sống, hiếp đáp nhau thì người sứt mũi thì kẻ cũng xụi tay. Cái gì của ta ta cứ làm tới đâu thì tới, cứ cho đấu thầu hết xem họ làm gì nhau? Windy, HN Thế đấy Người Trung Quốc đểu giả, rõ ràng họ cũng hiểu rằng ông Phạm Văn Đồng không hề có ý như họ xuyên tạc nhưng họ cứ nói thế. Còn người VN thì thật không biết nói sao...có thể gọi đó là...thật thà. Tóm lại quả thật Trung Quốc là kẻ thù đầu tiên và là kẻ thù nguy hiểm nhất của người VN. Người VN hãy nhớ đấy... Michael Nguyen, Saigon Gửi đến tất cả những người cho rằng Việt Nam nên thân thiết với Trung Quốc và đừng để cho vì việc riêng mà trở thành Gruzia thứ 2 của biển Đông. Nếu ai nói vậy thì hãy mở con mắt cho to ra. Gruzia nhờ chơi với phương Tây mà khi bị Nga đánh còn được phương Tây can thiệp. Còn Việt Nam, ôm Trung Quốc đi rồi khi nó đánh cho thì Mỹ cũng không moi ra được nổi một cái lí do gì để can thiệp. Pinochio Trong việc này thì tôi công nhận là TQ đúng, họ không hề xuyên tạc cử chỉ hữu nghị nào cả! Trong tuyên bố của TQ thì họ đã khẳng định chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa, thì việc ghi nhận và tán thành đồng nghĩa với chuyện đồng ý về khẳng định chủ quyền này. Nói là không phải thì đúng là ngây ngô như con nít lên ba, không ai chấp nhận được; đặc biệt là người đại diện cho cả một quốc gia. Nói thẳng ra thì lúc đó nước VN DCCH không làm chủ 2 quần đảo này nên họ không quan tâm cũng đúng. Mất vào tay giặc Mỹ hay mất vào tay giặc Tàu thì cũng...y như nhau nên công nhận cho xong. Nó giải thích cho tại sao khi Mỹ bắt tay với TQ thì TQ có đủ điều kiện để đánh chiếm 2 quần đảo này vào 1974. Họ không còn sợ lực lượng nào cản trở việc này (VN DCCH có thể đưa hải quân ra chặn đánh để tiếp sức hải quân VNCH, nhưng chuyện này đã không xảy ra!!! Và sau đó cũng không thấy VNDCCH lên tiếng phản đối.) Hoang Nguyen, USA Hơi đâu mà nói chuyện lý lẽ với kẻ đang tìm cách ăn cướp, hơn nữa kẻ ăn cướp này lại có đao to búa lớn. Một điều duy nhất là dân tộc VN phải đoàn kết một lòng, từ ông bí thư cho đến thường dân. Xa lánh cái chiêu bịp bợm XHCN anh em, kết thân với các nước tự do dân chủ, Tây phương va Hoa Kỳ, mới may ra thoát khỏi hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc ... Trần Bình, Canada Tôi thấy sự cãi lí của ông Lợi rất cùn. Công hàm Phạm văn Đồng này rất khó hủy, phải có 1 hành động cụ thể thế nào, như từ QH. Chứ cứ cãi ngang kiểu này thì chỉ có dân Việt phải nghe, đời nào nói với TQ như thế? Ngọc Minh, Hải Phòng Nhìn chung mỗi quốc gia đều có những toan tính riêng cho vấn đề lãnh hải của mình. Ngoài nguồn tài nguyên thì đây là một điểm trọng yếu của an ninh quốc phòng, ai cũng nghĩ bị đe dọa về an ninh mà thực chất chính họ đe doạ người khác, ai cũng nghĩ mình chịu thiệt thòi nếu chia theo luật quốc tế nhưng chính họ lại được lợi nhiều nhất. Việt Nam tự thấy cái lợi lớn nhất là sự hợp tác, cái lợi lớn nhất là đừng để "miếng bánh nhỏ phá hỏng bữa tiệc lớn". Để thưởng thức đầy đủ xin các nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau. Bữa tiệc không thể thiếu món cay nhưng đừng để nó là món chính. Bên cạnh những người ngồi vào bàn tiệc còn có những nhà phê bình ngoài cuộc, đừng để bị chi phối bởi họ vì họ cũng muốn ăn lắm chứ.Tốt nhất đừng để! bàn ăn thêm trật chỗ. Chẳng ai muốn thấy một "Gruzia" mới ở biển Đông cả. Lê Duy Theo tôi ông PVĐ đã làm một việc lợi bất cập hại. Chẳng lẽ ông PVĐ lại không hiểu thâm ý của Trung Quốc? Nhưng đó là vấn đề lịch sử. Nhà nước Việt Nam cần phải làm gì để lấy lại Hòang Sa chứ chỉ to miệng tuyên bố chủ quyền và trấn áp nhân dân biểu tình chống TQ thì được gì trong lúc Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự tại Hòang Sa. tranquangthien, HCMC Bây giờ ông Lưu Văn Lợi mới nói chuyện TQ xuyên tạc cử chỉ hữu nghị. Sao ông không nói sớm. Tuy vậy có còn hơn không. Tôi nghĩ chính phủ nên có công hàm giải thích cho TQ rõ ý định của cố TT Phạm Văn Đồng trong công hàm 14/9/58 không có bao hàm việc nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của TQ. Có dư luận nói rằng cựu NT Nguyễn Mạnh Cầm lại bảo rằng công hàm này là vì thời chiến tranh nên phải làm để tranh thủ sự ủng hộ của TQ. Như vậy có phải ta tự mâu thuẫn hay không dám dứt khóat trong lập trường? Ẩn danh Quan hệ Việt Nam, Trung Quốc vẫn tốt đẹp như cái "bắt tay và ôm của hai nhà lãnh đạo" Nhiều người nghĩ đó là viên đạn bọc đường, là sự bằng mặt mà không bằng lòng? Nhưng theo tôi Việt Nam cần Trung Quốc cũng như Trung Quốc cần Việt Nam vậy, nhất là tình hình thế giới biến động này, chỉ cần mất một đồng minh đã là mất cả một hậu phương vững trắc. Việt Nam với ảnh hưởng ngày càng lớn trên thế giới, Trung Quốc với sự phát triển mạnh mẽ, cả hai đang rất cần một tiếng nói chung để cùng đưa thế giới về trạng thái cân bằng. Hai thái cực Nga-Mỹ đang cho thấy sự bất ổn tiềm tàng, và cả hai bên đều kêu gọi đồng minh. Trung Quốc- một người khổng lồ đang đứng ngoài cuộc, và Việt Nam một trung gian hoà giải liệu đây có phải là lúc để chúng ta bàn cãi về lãnh thổ. Nếu nói Việt Nam sợ Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ thì cũng nên xem lại phải chăng Trung Quốc sợ những động thái của Mỹ đối với Việt Nam? Giữa các thái cực giằng co này việc nguy hiểm nhất là mất đi "tám chữ vàng" trong quan hệ ngoại giao của hai bên. MCR Ngoại giao là nghệ thuật chơi chữ. Bây giờ càng mắng TQ thì càng làm cho họ cười mình. Chỉ còn một cách là quốc hội phải ra nghị quyết diễn giải công hàm của ông PVĐ như cách ông Lợi nói. Quốc hội sẽ không bác bỏ công hàm của ông PVĐ, vì làm như thế vừa không có lợi về ngoại giao (người ta cười mình trước sau bất nhất), vừa không có lợi về chính trị (vì ông PVĐ dù sau cũng là khai quốc công thần của nhà nước VN hiện tại). Sau khi có nghị quyết thì lúc ấy chắc chắn là sẽ làm mếch lòng TQ nhưng chắc họ cũng chửi mấy ngày là cùng, sau đó thì họ không thể trưng công hàm đó ra nữa vì thế giới biết họ đang lợi dụng tình hữu nghị. Minh Quang, Sài Gòn Tôi thấy mỗi lần ông Nông Đức Mạnh gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc là ông ta ôm hôn dữ lắm? quan hệ tốt vậy sao lại chiếm đất của nhau? DR, TP HCM Dã tâm của Trung Quốc đã quá rõ ràng không gì bàn cãi. TQ muốn chiếm bằng được hai quần đảo này của Việt Nam( Thậm chí còn nhiều hơn nữa) nên dùng mọi lý lẽ. Là dân Việt Nam nên nhớ rằng có thể làm bạn với bất kỳ ai nhưng với anh hàng xóm phương bắc thì không. Hoang Nguyen, HN Theo tôi, bây giờ không phải là lúc chúng ta tranh cãi với Bắc Kinh mà chúng ta phải đoàn kết sẵn sàng bảo vệ, cũng như giành lại lãnh thổ mà ông cha ta đã dùng xương máu để gây dựng. Bài học năm 1979 nói lên rằng Trung Quốc luôn là kẻ thù của dân tộc ta. A soldier, VN Tôi không hiểu rõ hải phận 12 hải lý (nautical mile # 5.5 km) theo tuyên bố của Chu Ân Lai căn bản tính từ ở đâu của lãnh thổ TQ để từ đó bao gồm luôn các quần đảo HS và TS của VN ta? Thời điểm năm 1958 ông PVĐ làm TT, việc công nhận lãnh hải 12 hải lý theo công hàm của TQ có phải do mình ông quyết định? Tại sao cứ đổ lỗi một mình ông? Là một TT kỳ cựu của VNDCCH, chẳng lẽ ông TT PVĐ còn bị phía TQ "chơi chữ" (jeu de mots) trong một văn bản ngoại giao hay sao? Theo ông Lợi, công hàm của TT PVĐ chỉ có 3 câu, trong đó chỉ tán thành bản tuyên bố của TQ và không đề cập gì đến lãnh thổ lãnh hải của họ; tuy nhiên khi họ chủ yếu đề cập đến vấn đề lãnh hải, ta gửi thư tán thành, điều đó có nghĩa là mặc nhiên công nhận "hoàn toàn" ý kiến theo gi! ải thích của họ. Vừa là TT vừa là một nhà ngoại giao kinh nghiệm chẳng lẽ ông PVĐ không biết ghi thêm vài câu "khẳng định rõ" lãnh thổ, lãnh hải của hai bên cho chắc ăn? Việc "lấy điểm" với TQ khi họ ra công hàm phản đối hạm đội Mỹ đến gần đảo Kim Môn, Mã Tổ của Đài Loan xem ra là "tai họa khôn lường". Chu Ân Lai dù gì cũng một thời là bạn của Bác Hồ mà đối xử "bất nghĩa" với VN như thế sao? TQ rất nguy hiểm và mãi mãi là mối nguy hiểm, hãy luôn đề phòng! Saigon 01 Sống bên cạnh ông hàng xóm đểu thì thật khổ. Năm 1979 nếu dạy cho Việt Nam bài học dễ dàng thì TQ có dạy tiếp đến tận Sài Gòn không nhỉ?! Như vậy thì Đông dương bây giờ là của ai? |
Friday, September 19, 2008
18/09 'TQ xuyên tạc cử chỉ hữu nghị'
Labels:
ASEAN-China,
BBC,
China Hegemony,
China Power,
conflicts,
Vietnam-China
Wednesday, September 17, 2008
16/09 Đánh giá yêu sách của TQ với ExxonMobil và BP
Dù Mỹ không nghiêng về bên nào trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, Đại sứ Mỹ và Thứ trưởng ngoại giao Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam mới đây cũng đã khẳng định rằng các vùng mà ExxonMobil đang hợp tác là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những động thái này không phải là không có lý do, bởi Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn, trong khi những tranh chấp của Trung Quốc đối với những vùng này lại hoàn toàn không có căn cứ. Chủ quyền không thể chối cãi Nhiều người hiểu lầm rằng những phản đối của Trung Quốc liên quan đến các khu vực nói trên là sự tranh chấp chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa. Thế nhưng, theo luật quốc tế, giả sử như Hoàng Sa và Trường Sa có thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp đi nữa, thì vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn nằm ở phía bắc ranh giới với Indonesia vẫn thuộc về Việt Nam. Bởi, tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam ở những vùng này. Theo Điều 57 và 76 của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển quốc tế), các quốc gia ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý từ đường cơ sở và một vùng thềm lục địa; nếu địa lý đáy biển cho phép thì có thể rộng tối đa là 350 hải lý từ đường cơ sở hay 100 hải lý từ độ sâu 2500 mét. UNCLOS cũng quy định là nếu có tranh chấp, trong trường hợp vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của hai quốc gia chồng lấn lên nhau, thì tranh chấp phải được giải quyết một cách công bằng (Điều 74 và 83).
Khi xét xử tranh chấp biển, Toà án Công lý Quốc Tế thường vạch đường trung tuyến giữa hai nước làm ranh giới thử nghiệm, sau đó Toà sẽ xem xét tỷ lệ diện tích được chia cho mỗi nước có gần như tỷ lệ chiều dài bờ biển liên quan tới tranh chấp hay không. Trong việc vạch ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, luật biển quốc tế không tính những đảo nhỏ, xa bờ, không có các điều kiện cho sự cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng. Nguyên tắc này được pháp điển hóa tại Khoản 3 Điều 121 của UNCLOS và cũng đã áp dụng trong các vụ kiện như thềm lục địa Bắc Hải, Lybia/Malta, Vịnh Maine, Guniea/Guniea-Bisseau. Toàn thể vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn phía bắc ranh giới với Indonesia và Malaysia, hoặc nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, hoặc nằm trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam. Do vậy, theo Điều 57 và 76 của UNCLOS, những vùng này hiển nhiên thuộc về Việt Nam. Ngoài Trung Quốc ra, các nước Malaysia, Philippines và Indonesia không tranh chấp chủ quyền của Việt Nam ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Riêng Brunei tranh chấp một phần nhỏ của vùng Tư Chính – Vũng Mây, nhưng không tranh chấp lô 133 và 134. Như vậy, những nước Đông Nam Á, dù có tranh chấp Trường Sa, vẫn tôn trọng UNCLOS và không có đòi hỏi lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam. Về yêu sách của Trung Quốc Năm 1992, Trung Quốc ký hợp đồng thăm dò dầu khí ở vùng Tư Chính – Vũng Mây với công ty Crestone. Năm 1994, Trung Quốc phản đối hợp đồng dầu khí giữa Việt Nam và Mobil ở vùng Thanh Long. Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí ở hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch. (Các vùng Thanh Long, Mộc Tinh, Hải Thạch nằm trong bồn trũng Nam Côn Sơn). Năm nay, Trung Quốc gây áp lực với ExxonMobil yêu cầu không được cộng tác với Việt Nam trong một dự án thăm dò dầu khí ở bồn trũng Nam Côn Sơn. Nhưng, chiếu theo luật quốc tế, những yêu sách này hoàn toàn không có cơ sở.
Tất cả các đảo trong quần đảo Trường Sa đều có diện tích dưới 0,5 km vuông, tự thân chúng không có các điều kiện cho sự cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng. Theo các quy tắc pháp lý quốc tế đã dẫn, những đảo này không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chúng chỉ được hưởng lãnh hải tối đa là 12 hải lý (Điều 121, khoản 2 và 3 UNCLOS). Bản đồ 2 cho thấy lãnh hải 12 hải lý của tất cả các đảo trong quần đảo Trường Sa nằm ngoài vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Vì vậy, tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa không cho Trung Quốc cơ sở pháp lý để tranh chấp vùng này. Hơn nữa, vùng này nằm về phía Việt Nam của đường trung tuyến giữa bờ biển Việt Nam và các đảo Trường Sa trên thuỷ triều cao (Bản Đồ 2). Vì vậy, Trung Quốc tranh chấp vùng Tư Chính – Vũng Mây, vùng Thanh Long, Mộc Tinh, Hải Thạch, hay bất cứ vùng nào khác trong bồn trũng Nam Côn Sơn, với Việt Nam là một điều hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, ngay cả khi đang tồn tại tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa. Nhằm bảo toàn tính toàn vẹn toàn lãnh thổ trên biển, điều tiên quyết là Việt Nam cần phải giữ vững và thực thi chủ quyền ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Việc Trung Quốc thành công trong việc xâm lấn vùng này sẽ là một tiền lệ nguy hiểm cho tất cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam ở Biển Đông. Hơn nữa, không nên lẫn lộn giữa tranh chấp những vùng biển rõ ràng thuộc về Việt Nam, bao gồm các vùng biển được đề cập trên đây, với tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Không để cho Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa để ngụy trang cho việc xâm lược các vùng đó của Việt Nam, cũng như việc chiếm phần diện tích 75% trên Biển Đông. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Minh Phiếu từ Pháp và Dương Danh Huy từ Anh. Quý vị có ý kiến xin gửi về địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk . Hoàng Mai Các nhà lãnh đạo VN nghỉ gì khi ký hiệp định vịnh Bắc Bộ lại lấy trung tuyến Hải Nam và Cồn Cỏ để phân chia vùng lãnh hải và khu đặc quyền kinh tế. Họ có để ý đến nguyên tắc "Toà sẽ xem xét tỷ lệ diện tích được chia cho mỗi nước có gần như tỷ lệ chiều dài bờ biển liên quan tới tranh chấp hay không". Phân chia như thế là họ bóp họng ta rồi còn gì. Patriot Tin này vừa là tin buồn vừa là tinvui! Buồn thì mọi người cũng biết rồi: sẽ gây hấn lâu dài với TQ. Một khi đã thua trên biển Đông thì gần như mất hết biển, rất tai hại với sự phát triển của VN. Tin vui là vì qua việc này cho cả thế giới thấy bộ mặt thật của TQ: 1 kẻ xâm lược già mồm và quá sức ngang ngược! Bản thân TQ cũng sẽ "cứng họng" khi viện dẫn luật pháp trong khu tranh chấp này! |
Labels:
BBC,
Biển Đông,
China Hegemony,
China Power,
China View,
China World,
conflicts,
Vietnam-China
Subscribe to:
Posts (Atom)