Nỗ lực vượt lên chính mình
Ở Bảo tàng (BT) TP.HCM, kiểu trưng bày dàn trải các hiện vật đã được thay bằng cách trưng bày theo từng chủ đề gắn liền với sự phát triển của TP. Theo phương thức cuốn chiếu, đến nay BT TP đã hoàn tất các chuyên đề triển lãm cố định: Văn hóa TP.HCM, Thiên nhiên khảo cổ, Đấu tranh cách mạng, Thương cảng-thương mại-dịch vụ, Tiền Việt Nam, Địa lý hành chánh… Cùng với việc khánh thành khu trưng bày mới rộng 1.500m2, BT Mỹ thuật cũng thay đổi toàn bộ nội dung và hình thức của phòng trưng bày mỹ thuật hiện đại.
BT Chứng tích chiến tranh đặc biệt chú trọng đến công tác trưng bày, đa dạng hóa các hoạt động. Ngay từ đầu năm, BT đã khánh thành phòng trưng bày Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam bằng nền tường màu cam với nhiều góc nhìn khác nhau. Hai phòng trưng bày văn hóa Óc Eo (thế kỷ I - VII) và Chămpa (thế kỷ VII - XV) với các trang thiết bị hiện đại ở BT Lịch sử TP.HCM, khánh thành đầu năm 2010, cũng mở ra cho người xem niềm hy vọng về một hướng đi chuyên nghiệp. Nền tường vàng đơn điệu của BT được thay bằng màu trắng xám, hệ thống bục bệ được thiết kế cùng tông với nền nhà. Cường độ ánh sáng được chú ý đến từng chi tiết. Các hiện vật là những bức tượng nhỏ được che chắn để giảm bớt ánh sáng trời, nhờ vậy ánh sáng từ đèn chiếu trực tiếp có thể phát huy hết hiệu quả trong việc thể hiện sự độc đáo của hiện vật. Khoảng 400 hiện vật nghệ thuật và điêu khắc độc đáo trên các chất liệu vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm, gỗ, sa thạch… được trưng bày theo từng chủ đề trên những bệ đỡ cao thấp khác nhau dọc theo tường hoặc những bệ đỡ hình khối đặt ở không gian giữa phòng, đã phát huy hết giá trị di sản văn hóa, mang lại cảm giác mới lạ cho người xem.
Khu trưng bày văn hóa Óc Eo của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM được thực hiện
theo hướng chuyên nghiệp hơn
Ước mơ chuyên nghiệp
Các BT tại TP.HCM đều đang lưu giữ rất nhiều hiện vật giá trị, tiếc rằng kiểu thiết kế, trình bày vẫn cứ đi theo lối mòn xưa cũ, hạn chế khả năng làm bật lên hiện vật và những câu chuyện của chúng. Đơn cử, chiếc thuyền độc mộc cổ ở BT Lịch sử được bảo vệ chắc chắn bằng khung kính, nhưng lại không đủ ánh sáng, thiếu điểm nhấn, nên người xem khó cảm nhận hết nét độc đáo của chiếc thuyền hàng trăm năm tuổi.
Hầu hết các giám đốc và những người làm công tác BT đều thừa nhận, dù đã thay đổi rất nhiều, nhưng BT ở TP.HCM vẫn chưa đạt đến sự chuyên nghiệp và hiện đại so với các nước trên thế giới. Lý do chủ yếu là thiếu kinh phí. PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho biết: “Vì ít kinh phí nên các BT càng gặp khó khăn trong đổi mới và tiến trên bước đường chuyên nghiệp hóa”. Tuy nhiên, ông nhìn nhận: “Có kinh phí cũng chưa chắc có những BT tốt. Những phòng trưng bày tốt do trình độ làm BT ở VN vẫn không thay đổi so với 50-60 năm trước”.
Thực tế, nước ta hiện đang rất thiếu đội ngũ các nhà thiết kế nội thất BT và họa sĩ trình bày được đào tạo chuyên ngành. Việc thực hiện chuyên đề, thiết kế trưng bày BT… vẫn được làm theo kiểu mỗi phòng ban thực hiện phần việc của mình. “Dù có chuyên nghiệp, ăn ý đến đâu cũng khó có thể đạt được hiệu quả cao bởi thiếu sự lĩnh xướng của một chuyên gia am hiểu để dung hòa cả hai yếu tố mỹ thuật và giá trị hiện vật”, như trăn trở của bà Ngọc Vân (GĐ BT Chứng tích chiến tranh) và bà Thu Huyền (GĐ BT TP.HCM).
Bên cạnh đó, BT chưa có một đội ngũ curator-(những người tổ chức trưng bày) sáng tạo những kịch bản tốt. Xu hướng trang trí bảo tàng chủ yếu sử dụng tranh minh họa, phù điêu... Điều này làm hạn chế khả năng tôn vinh hiện vật và những câu chuyện của chúng. Không gian ở các BT cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính chuyên nghiệp. Diện tích các phòng trưng bày nhỏ hẹp, nhiều góc cạnh, cột nhà… khiến việc xử lý không gian, ánh sáng ít nhiều bị hạn chế. Một số tòa nhà lại có diện tích khá rộng, nhiều cửa, nhiều lối đi. Chỉ cần đi chệch hướng, mạch dẫn câu chuyện bị ngắt đoạn, thiếu tính liên hoàn, làm giảm ấn tượng của người xem.
Con đường hiện đại hóa để sánh bằng BT các nước, nói theo một số giám đốc BT “vẫn là ước mơ”. Dự án nâng cao năng lực cho BT do Pháp tài trợ chỉ tạo ra cú hích cho việc đổi mới BT. Điều quan trọng là: “Chính sách đầu tư, sự quyết tâm của các ban ngành liên quan, quan niệm, tư duy mới về công tác làm BT là những yếu tố không thể thiếu”, như TS Nguyễn Văn Huy khẳng định.
Thảo Vân