Con số được quan tâm trong tuần này là khoản nợ nước ngoài 32,5 tỷ USD của nước ta tính đến cuối năm 2010, được công bố trong một bản tin chính thức của Bộ Tài chính. Tương đương 42,2% GDP năm 2010, đây là mức nợ cao nhất kể từ năm 2005 nhưng không gây bất ngờ.
Nguồn: ITN |
Nợ công, trong đó có nợ nước ngoài, đã được đề cập suốt năm 2010, đặc biệt là sau sự đổ vỡ của Vinashin. Tại cả hai kỳ họp của Quốc hội Khóa XII trong năm trước, các đại biểu liên tục bày tỏ lo ngại về quy mô, tính an toàn và tài trợ nợ công, dù Chính phủ luôn khẳng định nợ công vẫn đang “nằm trong giới hạn an toàn cho phép”. Khi đó, theo báo cáo chính thức của Chính phủ gửi tới Quốc hội, tính đến 31.12.2010, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 42,2% GDP. Bản tin nợ nước ngoài mới nhất của Bộ Tài chính cũng cho biết, tỷ lệ nợ công/GDP là 44,2%, tương đương 32,5 tỷ USD, tăng thêm gần 4,6 tỷ USD so với năm 2009. Tuy nhiên, đáng lưu ý là, lãi suất vay nợ nước ngoài của nước ta đang có xu hướng tăng lên vì 2 lý do: nước ta đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình nên các ưu đãi bị cắt giảm và mức tín nhiệm quốc gia ít nhiều có giảm. Một điểm nóng khác: dịch vụ nợ đang tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ giảm nhanh hơn hẳn. Chỉ trong năm 2010, dịch vụ nợ nước ngoài (trả nợ gốc, lãi, phí) là 1,67 tỷ USD, tăng gần 30% so với con số 1,29 tỷ USD của năm 2009 (riêng tiền lãi và phí là hơn 616 triệu USD). Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2010 chỉ còn tương đương 187% tổng dư nợ ngắn hạn, giảm mạnh so với con số 290% và 280% của các năm 2009 và 2008).
Những con số trên không gây bất ngờ. Việc vay nợ nước ngoài cũng như xu hướng tăng quy mô nợ đã diễn ra nhiều năm nay. Câu hỏi liệu Việt Nam đã tính đúng và tính đủ nợ công hay chưa, những bất cập đang tồn tại trong quản lý tài chính công sẽ được khắc phục như thế nào… dường như vẫn là nỗi băn khoăn không nhỏ.
Với nhu cầu tiếp tục đầu tư để phát triển, chắc chắn nợ công của Việt Nam sẽ còn tăng trong nhiều năm tới. Đặc biệt là khi tỷ lệ tiết kiệm nội địa/GDP ngày một giảm. Theo chuyên gia Bùi Trinh của Tổng cục Thống kê, tiết kiệm là nguồn cơ bản để tái đầu tư, nếu không đủ sẽ phải đi vay và nếu tình trạng như hiện nay (tiết kiệm chiếm trên 20% GDP trong khi đầu tư luôn chiếm trên 40% GDP) kéo dài thì việc tiếp tục đi vay là không tránh khỏi.
Nguồn: fotolial.com |
Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển đến mức độ nào là hợp lý cần được cân nhắc kỹ lưỡng trong tổng thể chính sách vĩ mô. Hiện nay, các chỉ tiêu nợ công, trong đó có nợ nước ngoài, theo quan điểm của Bộ Tài chính là vẫn trong tầm kiểm soát. Nhưng cũng đã từ lâu, các chuyên gia kinh tế luôn nhấn mạnh, mức độ an toàn hay nguy hiểmcủa nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ/GDP, mà quan trọng hơn, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của nền kinh tế. Có những nước tỷ lệ nợ quốc gia cao hơn GDP rất nhiều nhưng không đáng lo vì nền công nghiệp của họ phát triển mạnh nên được vay với lãi suất thấp, trái phiếu chính phủ được nước ngoài tìm mua. Đối với nước ta, nợ công tăng nhanh trong khi thâm hụt ngân sách cao và kéo dài nhiều năm, đầu tư lại không ngừng mở rộng đẩy cả lạm phát và lãi suất lên cao khiến cho việc tài trợ nợ công ngày càng trở nên đắt đỏ. Hiệu quả sử dụng vốn vay cũng chưa cao, chưa được quản lý giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP chủ yếu do tăng lượng đầu tư, mà đầu tư thì không thể tăng mãi, nên đến một lúc nào đó, tốc độ tăng trưởng sẽ phải giảm. Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, chính vào lúc tốc độ tăng trưởng GDP giảm cũng là lúc nhiều khoản nợ nước ngoài của Chính phủ đáo hạn.
Rõ ràng, tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng là giải pháp toàn diện, tác động trực tiếp đến những nguyên nhân căn bản của bất ổn kinh tế vĩ mô, nhưng cần thời gian dài hơn và những nỗ lực mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, cần tính toán thật cẩn thận trước khi quyết định vay nước ngoài, kể cả phát hành trái phiếu quốc tế và Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nước ngoài. Cũng nên ưu tiên vay USD trong nước trước. Khi quyết định vay nước ngoài, cần tính toán chặt chẽ lãi suất vốn vay, dự báo kỹ lưỡng xu hướng biến động lãi suất. Theo PGS. TS. Trần Văn Giao (Khoa Quản lý Tài chính công, Học viện Hành chính), trong đàm phán vay vốn, tính toán chi tiết các điều khoản, cân nhắc những cam kết tránh thua thiệt, bất lợi hay những rủi ro tiềm ẩn trong các điều khoản của hiệp định, đặc biệt là chỉ định nhà thầu, nhà cung cấp thiết bị máy móc, rút vốn, các loại phí kèm theo… Quan trọng không kém là phải tính toán chính xác nhu cầu sử dụng, tiến độ giải ngân với việc vay vốn, tránh trường hợp vay vốn rồi lại đem gửi tại ngân hàng thương mại vì chưa sử dụng đến trong khi vẫn phải trả lãi cao. Nói cách khác, chủ trương huy động và sử dụng vốn cần gắn kết hơn với ngưỡng an toàn nợ. Và nữa, phải chăng, đã đến lúc không thể chậm trễ hơn trong việc ban hành Luật Đầu tư công? Bởi vì, dù chúng ta tự tin và thận trọng, nhưng có một thực tế rất rõ ràng: mức nợ nước ngoài của Việt Nam đã và đang tiếp cận giới hạn chịu đựng của nền kinh tế so với khả năng trả nợ.