07:41 | 23/10/2011
Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ, các ĐBQH cho rằng, việc nâng Pháp lệnh Lưu trữ lên thành Luật phản ánh nhu cầu đời sống xã hội, nhu cầu đương đại và nhu cầu nhận thức về quá khứ. Đối với đương đại, xã hội càng sống theo pháp luật thì công tác lưu trữ càng quan trọng. Đối với nhu cầu nhận thức về quá khứ, với bề dày lịch sử của quốc gia, dân tộc và của chính thể của chúng ta thì lưu trữ là cơ sở để nhận thức những bài học lịch sử, những quy luật lịch sử.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh): Định nghĩa không rõ thì chính sách cũng không rõ
Tôi băn khoăn về định nghĩa một số tài liệu và tài liệu lưu trữ trong dự thảo Luật. Nếu không rõ về định nghĩa thì chính sách về sau cũng không rõ. Bây giờ, chúng ta định nghĩa tài liệu là thông tin; tài liệu lưu trữ là tài liệu có giá trị, nói cách khác là những thông tin có giá trị. Tài liệu bao gồm văn bản, dự án, bản vẽ. Chỗ này chưa rõ tài liệu là thông tin hay là những vật mang thông tin, bởi vì hai cái này chế độ bảo quản, chế độ lưu trữ khác nhau. Ví dụ chúng ta nói tài liệu là thông tin, một nghị quyết Đảng chẳng hạn, thì toàn bộ thông tin của nó được công khai hết rồi, không việc gì phải bảo mật và người ta còn khuyến khích nhân dân sử dụng, tiếp cận, nghiên cứu, trích dẫn. Còn nghị quyết Đảng được đóng dấu ký tên bởi Tổng bí thư thì chúng ta lưu trữ vì đó là bản chính, bản gốc, nó có giá trị lịch sử, 100 năm sau nó có giá trị quý hiếm. Chỗ này tôi thấy chưa rõ.
Điều 5 quy định về lưu trữ tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ. Tôi thấy điều 5 quá rộng. Cụ thể: tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ có giá trị với quốc gia, xã hội thì đưa vào thành phần phông lưu trữ quốc gia. Nhưng trong tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ, tôi thấy có những cái thuộc về thư từ trao đổi cá nhân, có rất nhiều cái thuộc về cá nhân thì nó đụng tới 2 luật. Một là luật về sở hữu. Và hai là luật về bảo vệ đời tư trong Bộ luật Dân sự. Tôi đề nghị bổ sung một điều nói rõ là tài liệu có giá trị là như thế nào? Ai sẽ là người quyết định, thẩm định nói là tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ này có giá trị để đưa vào phông lưu trữ quốc gia. Khi đưa tài liệu vào phông lưu trữ quốc gia thì có nghĩa tài liệu thuộc diện Nhà nước quản lý. Tôi cũng đề nghị chia Điều 5 làm 2 diện: một diện là những loại bắt buộc phải đăng ký, chứ không phải cá nhân, gia đình, dòng họ được quyền quyết định. Và diện thứ hai là dạng tự nguyện, tự do, tức là nếu người ta không đăng ký thì anh không được quyền xâm phạm, không được quyền công khai hay không được quyền có biện pháp nào áp dụng hạn chế đối với người ta cả. Cần lưu ý Điều 5 vì nếu không sẽ vi phạm một số quyền công dân quy định trong Hiến pháp và Bộ luật dân sự.
ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông): Nên quy định lưu trữ lịch sử được hình thành ở ba cấp Trung ương, tỉnh và huyện để phù hợp với logic thực tiễn ở địa phương
Khoản 1 Điều 19 của dự thảo Luật quy định: lưu trữ lịch sử được tổ chức ở cấp Trung ương và cấp tỉnh để lưu trữ tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn thuộc danh mục tài liệu nộp vào lưu trữ lịch sử. Việc quy định chỉ tổ chức lưu trữ lịch sử ở hai cấp là Trung ương và cấp tỉnh, không quy định lưu trữ lịch sử ở cấp huyện, cần cân nhắc và làm rõ việc bỏ quy định lưu trữ lịch sử ở cấp huyện. Điều này nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất, hiện đại hóa kho tàng, trang thiết bị làm việc để bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ; đồng thời đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, góp phần thực hiện cải cách hành chính.
Tôi đề nghị cần phải đánh giá đúng những ưu điểm và hạn chế của tổ chức lưu trữ lịch sử. Không thể nói dễ dàng là bỏ lưu trữ ở cấp huyện vì thực tiễn tài liệu lưu trữ ở cấp huyện rất phong phú và đa dạng. Không ít những tài liệu lưu trữ ở cấp huyện rất quan trọng, gắn liền với các phong trào khởi nghĩa nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống quý báu của lịch sử. Vẫn biết rằng nếu bỏ lưu trữ lịch sử ở cấp huyện thì cấp tỉnh sẽ gánh vác công việc này để phát huy lưu trữ, để khai thác và ứng dụng vào nghiên cứu khoa học kỹ thuật cũng như phát huy truyền thống quý báu của lịch sử dân tộc. Nhưng tôi không đồng ý bỏ lưu trữ lịch sử cấp huyện để giảm cấp trung gian góp phần thực hiện cải cách hành chính. Cải cách hành chính là tạo mọi điều kiện cho tổ chức, cá nhân đặc biệt là nông dân khai thác lưu trữ một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, do đó nếu có tổ chức lưu trữ lịch sử cấp huyện sẽ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận để khai thác, nhất là người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiết kiệm thời gian hơn khi phải đến khai thác tại lưu trữ cấp tỉnh. Đây là hoạt động thường xuyên ở địa phương và đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Vì vậy, tôi đề nghị nên quy định trong dự án Luật: lưu trữ lịch sử được hình thành ở 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện để phù hợp với logic thực tiễn ở địa phương.
ĐBQH Trần Dương Tuấn (Bến Tre): Nên tách nội dung Điều 5 thành hai điều
Điều 5 của dự thảo Luật Lưu trữ quy định về quản lý tài liệu của cá nhân, gia đình và dòng họ, theo tôi chưa được rõ về quyền và nghĩa vụ cá nhân có tài liệu để hiến tặng, ký gửi, bán, cho lưu trữ lịch sử. Tôi đề xuất nên tách nội dung Điều 5 thành 2 điều. Cụ thể Điều 5 mới quy định về những tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ thuộc thành phần không lưu trữ quốc gia Việt Nam gồm toàn bộ nội dung của Khoản 1, Điều 5 cũ. Điều 6 mới quy định về quyền và nghĩa vụ cá nhân có tài liệu nêu tại Điều 5 gồm nội dung của các Khoản 2, 3, 4 Điều 5 cũ được bổ sung, chỉnh sửa lại thành Khoản 1, 2 của Điều 6 mới.
Khoản 1 của Điều 6 mới quy định về cá nhân hiến tặng, ký gửi, bán tài liệu cho lưu trữ lịch sử có các quyền: điểm a là cá nhân có tài liệu có giá trị đối với quốc gia và xã hội được đăng ký thống kê tại lưu trữ lịch sử được hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật bảo quản và tạo điều kiện để phát huy giá trị; Điểm b, việc hiến tặng ký gửi, bán tài liệu của cá nhân cho lưu trữ lịch sử do chủ sở hữu tài liệu quyết định. Việc mua, bán tài liệu lưu trữ cá nhân được thực hiện theo thỏa thuận. Điểm c là khi cá nhân hiến tặng tài liệu thì được Nhà nước khen thưởng theo quy định của pháp luật và được ưu tiên sử dụng tài liệu đã hiến tặng.
Khoản 2, Điều 6 mới quy định: cá nhân hiến tặng, ký gửi, bán tài liệu lưu trữ lịch sử có các nghĩa vụ: điểm a, đối với tài liệu lưu trữ liên quan đến an ninh quốc gia, cá nhân chỉ được hiến tặng hoặc bán cho lưu trữ lịch sử khi sử dụng tài liệu đã hiến tặng hoặc bán cho lưu trữ lịch sử phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo mật. Tại điểm này tôi đề xuất bổ sung vào điểm a ý quy định khi sử dụng tài liệu đã hiến tặng hoặc bán cho lưu trữ lịch sử phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về bảo mật. Điểm b, trường hợp ký gửi phải trả phí bảo quản đối với tài liệu ký gửi theo quy định của pháp luật, trừ tài liệu đã được đăng ký thống kê cho phép người khác sử dụng tài liệu ký gửi.
Nếu tách Điều 5 thành hai điều như trên thì quy định của pháp luật sẽ rõ ràng thêm và dễ thực hiện trong thực tế hơn.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Tôi quan tâm đến mảng lưu trữ lịch sử
Việc nâng Pháp lệnh Lưu trữ lên thành Luật phản ánh nhu cầu đời sống xã hội, nhu cầu đương đại, nhu cầu nhận thức về quá khứ. Đối với đương đại, rõ ràng chúng ta thấy, xã hội càng sống theo pháp luật thì công tác lưu trữ càng quan trọng. Tác nhân dẫn đến hiện tượng rất nhiều vụ án khiếu kiện không được giải quyết dứt điểm là vì công tác lưu trữ của chúng ta trải qua một thời kỳ nhiều biến động và chưa được đúng mức. Nó dẫn đến việc chúng ta không có tư liệu để giải quyết.
Thứ hai, đối với nhu cầu về nhận thức về quá khứ với bề dày lịch sử của quốc gia, dân tộc và kể cả của chính thể của chúng ta thì việc lưu trữ này là cơ sở để nhận thức những bài học lịch sử, những quy luật lịch sử. Điều mà chúng ta bàn nhiều là có 2 bộ phận trong lưu trữ quốc gia, tôi nghĩ nó phản ánh đặc thù riêng Việt Nam thôi. Vì nếu nhìn phổ quát thì chỉ có một Nhà nước, nhưng vì thực tiễn hai bộ phận lưu trữ này đã tồn tại khá lâu và có đặc thù riêng của chế độ chính trị nên phải tìm một hình thức mang tính chất quá độ tình huống. Theo đó, lưu trữ quốc gia bao gồm cả lưu trữ Nhà nước và lưu trữ của Đảng. Chính vì thế nó có những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Tôi quan tâm đến mảng lưu trữ lịch sử. Trong lưu trữ lịch sử, chúng ta vẫn phân biệt gồm có lưu trữ lịch sử Đảng Cộng sản, nó được thu thập tài liệu thuộc phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam, theo quy định của luật này và quy định của các cơ quan có thẩm quyền Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng từ Điều 20 sang Điều 30 về việc sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử thì hầu như không có sự phân biệt. Như thế chúng tôi biết rằng khi tiếp cận sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi những quy định về khai thác lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam có những quy định rất nghiêm ngặt, rất khó có thể tiếp cận được. Những nguyên tắc như giải mật 40 năm, 60 năm quy định trong dự thảo Luật liệu có được thực thi đối với lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam không? Chúng tôi nghĩ, nếu không giải quyết cái này thì thực ra luật có mà như không, đặc biệt đối với mảng lưu trữ lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là Đảng cầm quyền và ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của nước ta.
Tôi cũng quan tâm đến một vấn đề mà dự thảo Luật chưa đề cập là quyền khai thác lưu trữ của người nước ngoài đối với lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Đây là nhu cầu rất cần thiết khi chúng ta mở rộng hợp tác, hội nhập với thế giới, kinh nghiệm thực tiễn hoạt động nghề nghiệp cho thấy, nhiều nhà sử học nước ngoài đến Việt Nam quan tâm đến lưu trữ. Đây thực sự là nguồn quan trọng để họ có thể nghiên cứu, đặc biệt là đối với lịch sử đương đại. Vì thế chúng tôi nghĩ phải có quy định, nếu không quy định thì gần như đóng cửa; nếu đóng cửa là tước bỏ một phần quyền thông tin mà chúng ta muốn bạn bè biết đến chúng ta. Đương nhiên, đối với người nước ngoài có thể có một số nguyên tắc chặt chẽ hơn để bảo đảm tính chính thống trong những thông tin chúng ta đưa ra, nhưng hầu như trong Luật này không đề cập đến nước ngoài tham gia khai thác lưu trữ.
ĐBQH Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang): Phải phân định rõ cơ chế bồi thường trong trường hợp xâm phạm đến tài liệu lưu trữ
Theo quy định của dự thảo Luật, Điều 18 chỉ xác định hội đồng xác định giá trị tài liệu để đưa vào lưu trữ lịch sử và xác định khi tài liệu hết giá trị để tiêu hủy. Nhưng vấn đề đặt ra ở hai điều luật khác chúng tôi đề nghị nên cân nhắc. Bởi lẽ, đối với lưu trữ tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ thì luật cho phép được mua bán theo cơ chế thỏa thuận. Nhưng đối với trường hợp phải trưng mua, trưng dụng tài liệu đó mà không thỏa thuận được thì ai sẽ là người có thẩm quyền xác định giá trị của tài liệu đó để thực hiện việc trả tiền?
Khoản 2, Điều 42 của dự thảo Luật quy định: trong trường hợp cá nhân có hành vi xâm phạm thì ngoài việc bị xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Bồi thường trong luật này khác với cơ chế bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự về tài sản, về tinh thần. Vậy giá trị tài liệu lưu trữ là giá trị của tài liệu hay giá trị của thông tin? Nếu gây thiệt hại thì xác định thiệt hại đó như thế nào để bồi thường? Đề nghị trong dự thảo Luật này phải phân định rõ cơ chế bồi thường trong trường hợp xâm phạm đến tài liệu lưu trữ là giá trị thông tin lưu trữ hay bản thân tài liệu, nếu không sau này khi xảy ra những trường hợp như vậy khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án căn cứ vào đâu để xác định thiệt hại để bồi thường, rồi còn vấn đề giám định.
Nguyễn Vũ ghi, ảnh: Thái Bình, Mạnh Dũng