UBTVQH vừa thống nhất chủ trương xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của QH với quan điểm nhất quán là đổi mới từng bước vững chắc. Các nội dung đổi mới cần kế thừa thành tựu của các nhiệm kỳ trước, bảo đảm dân chủ, khoa học và đúng pháp luật. Những vấn đề nào chưa thực sự chắc chắn hoặc chưa được quy định trong luật thì cần thí điểm tổ chức thực hiện. Song có những việc có thể làm ngay để trình QH xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Hai tới như: đổi mới công tác điều hành tại Kỳ họp; đổi mới công tác tổ chức hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại Phiên họp của UBTVQH…
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Hoạt động của QH phải bắt đầu từ ĐBQH
Chúng ta đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước thì cũng phải đổi mới hoạt động của QH. Nhưng khẳng định rõ là đổi mới cách làm, đổi mới cách tổ chức thực hiện các chức năng nhiệm vụ của QH; trên cơ sở nâng cao chất lượng mà đổi mới chứ không làm một cách tùy tiện được. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của QH tạm thời giữ như hiện nay để chờ sửa đổi Hiến pháp và pháp luật. Chủ trương của UBTVQH không đặt vấn đề đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH theo luật định mà đổi mới trên tinh thần kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn này một cách có hiệu quả nhất và chất lượng nhất. Yêu cầu đổi mới là phải bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đồng thời rút ngắn thời gian. Muốn làm được như vậy, cần đổi mới hoạt động để thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH. Tất cả các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của một ĐBQH theo luật định đều có thể tiến hành đổi mới. Ví dụ cách thức tiếp xúc cử tri cũng phải đổi mới. ĐBQH vừa phải nâng cao năng lực, vừa phải được bảo đảm điều kiện hoạt động để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định tốt nhất, gần dân nhất, đại diện cho ý chí của dân nhất, đúng chuyên đề, đúng năng lực sở trường, đúng tính chuyên nghiệp, đúng ngành nghề của mình, lĩnh vực mình được theo dõi. Cho nên cách hoạt động, cách tiếp xúc cử tri, cách tập hợp ý kiến, cách phát biểu ý kiến... đều phải từ ĐBQH. Hoạt động QH phải bắt đầu từ ĐBQH.
Hoạt động, cách thức tổ chức hoạt động của các cơ quan của QH bao gồm Hội đồng Dân tộc, 9 Ủy ban và các cơ quan khác của QH, cơ quan của UBTVQH, VPQH, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp... đều phải tiến hành đổi mới. Các cơ quan cũng phải tiến hành đổi mới để làm sao tập hợp được ý chí của ĐBQH một cách tốt nhất. Luật của chúng ta quy định một Ủy ban chỉ có khoảng 30 - 40 thành viên. Những ĐBQH không ở trong Ủy ban thì có sinh hoạt Ủy ban không? Khi Ủy ban chủ trì thẩm tra một luật nào đó thì tất cả những ĐBQH khác ở các Ủy ban khác mà quan tâm hoặc liên quan sát sườn đến lợi ích của người đại diện ý chí của dân thì các đại biểu đó phải đến thảo luận. Phải tổ chức lại, không phải họp Ủy ban, không phải họp Thường trực Ủy ban nữa mà họp thảo luận dự án luật này thì thông báo rộng rãi, gửi tài liệu rộng rãi và mời các ĐBQH quan tâm tới dự án luật đó đến để cùng thảo luận. Làm như vậy sẽ nâng cao được chất lượng các dự án luật.
UBTVQH cũng phải đổi mới hoạt động trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp để phục vụ cho kỳ họp của QH. UBTVQH phải kết nối được tất cả các đại biểu. Một đại biểu không thành được QH, một ủy ban cũng không thành được QH, UBTVQH cũng không thành được QH mà phải 500 ĐBQH mới trở thành QH được nên UBTVQH phải đổi mới hoạt động, là cơ quan chuẩn bị, giúp việc và với chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện vai trò giữa hai kỳ họp và ngay trong kỳ họp để kỳ họp có chất lượng.
Hoạt động của QH, các cơ quan của QH, các cơ quan của Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát.... trong toàn bộ quá trình phối hợp cũng phải đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả để thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo đúng luật định. Muốn làm được như vậy thì rõ ràng công tác hậu cần là chủ đạo; thông tin, tuyên truyền, chỉ đạo, phối hợp phải chu đáo; cơ quan tham mưu phải chu đáo để có thể giúp ĐBQH, giúp cơ quan của QH mở rộng diện hoạt động, thu hút các nhà khoa học, các nhà quản lý, các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc gắn bó được với công việc của QH.
Tôi nói tất cả các việc đó để chúng ta hình dung công việc sắp tới, phải đổi mới cách làm, kế thừa toàn bộ những thành tựu của các nhiệm kỳ trước nhưng phải tiếp tục đổi mới cho được. Phải có bài có bản, việc gì có thể đổi mới được ngay thì trình QH để QH xem xét, ra nghị quyết; việc gì phải sửa quy chế, sửa luật thì cần lên danh mục để lần lượt trình QH, đồng thời với việc sửa đổi Hiến pháp. Thời gian không cho phép chúng ta chần chừ. Những việc có thể làm ngay được từ nay đến kỳ họp thứ Hai thì cần bắt đầu làm ngay.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong quá trình chuẩn bị dự kiến chương trình Kỳ họp
Hiệu quả hoạt động của QH phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động tại Kỳ họp, hiệu quả hoạt động của UBTVQH Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn ĐBQH và các ĐBQH. Nói rộng ra nữa thì hiệu quả hoạt động của QH còn liên quan đến việc đổi mới tổ chức hệ thống chính trị, các điều kiện bảo đảm cho QH, UBTVQH, các cơ quan của QH và các ĐBQH hoạt động. Quan điểm xây dựng Đề án phải đặt việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH trong tổng thể như vậy thì mới đầy đủ, sâu sắc được. Các nội dung đổi mới cần bảo đảm dân chủ, khoa học và đúng pháp luật. Đề án chưa đặt vấn đề nghiên cứu, đổi mới chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của QH, các cơ quan của QH mà trên cơ sở các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH, các cơ quan của QH hiện nay cần đổi mới cái gì. Xác định rõ, đổi mới về nội dung, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hay là đổi mới về cách thức, phương thức làm việc của QH, các cơ quan của QH để có cách thức tiếp cận hợp lý.
Về đổi mới cách thức tiến hành Kỳ họp thì ngay từ việc chuẩn bị kỳ họp đã phải bảo đảm chất lượng. Điều này rất quan trọng. Trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan của QH, các tổ chức đoàn thể khi chuẩn bị Chương trình kỳ họp như thế nào cần được làm rõ. Tiếp đến là sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc chuẩn bị các báo cáo, các đề án, các dự án trình QH. Việc chuẩn bị các báo cáo thẩm tra này cần bảo đảm nêu bật được những vấn đề QH cần thảo luận, giảm thiểu thời gian, không cần nhắc lại nhiều những ý kiến, những vấn đề đã được đánh giá nhận định trong tờ trình. Nội dung nào cơ quan thẩm tra đồng ý, nội dung nào không đồng ý thì phải phân tích lý lẽ thuyết phục và có thể đưa ra phương án để giúp QH xử lý khi có những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn: Đổi mới từng bước, thật vững chắc
Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của QH nên nhất quán quan điểm đổi mới từng bước vững chắc, không vội vàng. Những vấn đề gì chưa chắc chắn thì cần thí điểm tổ chức thực hiện. Nội dung của Đề án nên bám sát vào các chức năng lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của QH. Trước mắt, nên tiến hành nghiên cứu cải tiến và thí điểm tổ chức một số vấn đề về quy trình, thủ tục hoạt động của QH mà chưa cần sửa luật để trình UBTVQH cho ý kiến. Ví dụ, vừa qua, chúng ta đã rút ngắn thời gian đọc các Tờ trình tại Kỳ họp của QH rồi nhưng vẫn còn dài, nên rút gọn hơn nữa để tiết kiệm thời gian của QH. Có thể quy định rõ hơn về thời gian đọc bao nhiêu phút đối với Tờ trình gì, bao nhiêu phút đối với Báo cáo giải trình. Về thảo luận tại Tổ và thảo luận tại Hội trường, cần đổi mới công tác tổng hợp ý kiến phát biểu của các ĐBQH. Tôi thấy tổng hợp như vừa qua là chưa đầy đủ, nhiều ý kiến phát biểu không được đưa vào Báo cáo tổng hợp, có khi người tổng hợp thấy ý kiến nào
vướng vướng là bỏ luôn, không tổng hợp nữa... Cũng nên xem lại cách thức chia tổ thảo luận cho hợp lý hơn. Trước đây, chúng ta chia 2 Đoàn ĐBQH thành một Tổ, sau đó là 3,4 Đoàn ĐBQH thành một Tổ nhưng khi thảo luận lại có tình trạng có Tổ các ĐBQH phát biểu rất nhiều nhưng có Tổ lại ít vì có những dự án, những nội dung mang tính chuyên ngành rất cao. Nên nghiên cứu để sớm đổi mới cách chia Tổ thảo luận.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Có những việc có thể làm ngay...
Phạm vi Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của QH rất rộng. Có 3 cơ sở để tiến hành triển khai Đề án là: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, một số văn bản liên quan đến công tác tổ chức, bài phát biểu của Tổng bí thư tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Hai, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH và các cơ quan của QH, các đề án mà Đảng đoàn QH đã thực hiện. Có những việc có thể làm ngay, có những việc cần làm trong suốt nhiệm kỳ, thậm chí có những việc nhiệm kỳ sau mới có thể triển khai được. Vì thế cần xây dựng kế hoạch rất cụ thể, từng bước triển khai Đề án một cách vững chắc. Việc nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của QH cần bảo đảm đầy đủ các công việc của QH theo luật định cả về số lượng và chất lượng nhưng tiết kiệm được thời gian. Cần bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, phục vụ các hoạt động của QH ở mức độ hợp lý, nhất là bảo đảm thông tin cập nhật và đầy đủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Bảo đảm đầy đủ các điều kiện cho đổi mới
Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH cần đề cao tính ứng dụng. Các đề án khác có thể nghiên cứu sâu, rộng, lý thuyết, quan điểm này, quan điểm khác nhưng đề án này phải làm rõ cụ thể là ứng dụng được điều gì vào đổi mới hoạt động của QH.
Hiện nay chúng ta đã có nhiều đề án nghiên cứu cụ thể từng lĩnh vực hoạt động của QH từ nhiệm kỳ QH Khóa XII và đưa ra nhiều kiến nghị. Nên tập hợp các kiến nghị này để đưa vào Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của QH, rút ra những vấn đề gì có thể áp dụng được ngay, những vấn đề gì cần sửa luật, sửa Hiến pháp mới thực hiện được thì để sau. Đề án nên tiến hành sớm hơn. Nếu trình QH quyết định được ngay tại Kỳ họp thứ Hai tới là tốt nhất. Trong vòng 2 tháng có thể chuẩn bị kịp để trình QH. Những vấn đề có thể trình QH quyết định ngay tại Kỳ họp thứ Hai tới như: đổi mới công tác điều hành tại Kỳ họp; đổi mới công tác tổ chức hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại Phiên họp của UBTVQH. Điều quan trọng là cần bảo đảm các điều kiện để có thể thực hiện được các cải tiến, đổi mới này.