Sunday, May 22, 2011

22/05 Nơi khởi đầu dải đất chữ S

Chủ Nhật, 22/05/2011, 07:10

TT - “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, không chỉ một tấm bảng khẳng định chủ quyền, một rừng dương vi vút hát trong chiều muộn, đứng ở mũi Sa Vĩ - điểm khởi đầu của dải đất hình chữ S - chúng tôi còn thấy cả một nỗi niềm bâng khuâng, tự hào về Tổ quốc.




Nơi “Vành đai biên giới” - Ảnh: Thu Phố
Ai tới Sa Vĩ cũng chụp ảnh với tấm bảng giản dị này  - Ảnh: Hương Liên


Từ bờ vịnh Hạ Long, dù khó mua vé một chút, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng có mặt trên chiếc tàu cao tốc thiếu thốn tiện nghi để vượt biển đến thị xã Móng Cái - nơi có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc.

Thị xã không ngủ

]Người Việt và người Hoa ngày ngày có thể đi lại qua cây cầu Bắc Luân để bán mua tấp nập. Vì thế, du khách đến đây để tìm mua hàng hóa cũng có, mà để thử cảm giác lần đầu tiên được “xuất ngoại” cũng nhiều. Chỉ cần một tờ “giấy thông hành” mà bất kỳ khách sạn, nhà nghỉ, quán cà phê hoặc anh xe ôm cũng có thể lo trọn gói là du khách có thể đặt chân sang Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc).

Có cảm giác thị xã không ngủ. Nhà cửa san sát, xe máy, ôtô nườm nượp. Không chỉ các trung tâm thương mại, các cửa hàng, cửa hiệu cũng mở từ sớm đến khuya. Dòng sông Ka Long rộn rã những chuyến tàu chở hàng hóa ngược xuôi, những vải vóc quần áo, giày dép, đồ gia dụng, và hơn cả là hải sản đậm đà mùi biển cả, những tiếng nói dường như cũng nhuốm màu sóng gió để trở nên nặng hơn, lạ hơn nhiều vùng đất miền Bắc khác. Vì thế, gặp được anh xe ôm tên Đức nói rặt giọng Hà Tây cũ, tự dưng cảm thấy thân thuộc.

Bình yên Trà Cổ

Sáu năm trước, lần đầu đến đây với chiếc xe máy cũ, Đức không xác định gì ngoài mục đích kiếm cơm. Rồi từ chạy xe ôm, anh đã lấy vợ, sinh con và mua nhà ngay tại làng biển Trà Cổ. Ngồi sau tay lái thiện nghệ của Đức, khách thu vào mắt đủ sự lạ lẫm.

Chỉ ra khỏi thị xã vài cây số, tự dưng thấy trời như rộng ra, đất đai bằng phẳng đi. Cứ thế, hơn chục cây số đường nhựa thẳng tắp, chỉ thấy hai bên là bãi sú mênh mông. Hết đường, Đức khoát tay chỉ, rẽ phải là Mũi Ngọc, rẽ trái là đường đến Trà Cổ - ngôi làng biển cổ kính nằm dọc con đường nhỏ và vắng vẻ. Bên kia là rừng dương, là bãi biển, là bờ biển bao quanh vùng biên cương Tổ quốc. Đi qua Trà Cổ, hết con đường ấy là đã có thể cùng mũi Sa Vĩ hướng ra biển.

Lạ thế, chỉ cách Móng Cái hơn chục cây số, Trà Cổ dường như đứng ngoài sự náo nhiệt mua bán, vẫn giữ được vẻ yên bình hiếm có của riêng mình như bao đời nay vẫn thế. Những ngôi nhà nhỏ, thấp với gạch ngói rêu phong đặc trưng nơi hứng chịu nhiều bão tố. Con đường cũng nhỏ, người đi lại thưa thớt và chậm rãi. Làng chạy dọc đường đi nên có nhiều ngõ nhỏ, vì thế rẽ vào ngõ nào cũng gặp những điều bất ngờ. Nhiều ngôi nhà cũ, thẫm rêu, trên cổng còn ghi rõ năm xây dựng từ những thập niên đầu thế kỷ trước.

Chợt gặp một biển chỉ lối rẽ vào đình Trà Cổ - di tích lịch sử đã được xếp hạng, nơi đã khởi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Cường viết nên ca khúc Mái đình làng biển nổi tiếng. Đình được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 đời Hậu Lê (1462), thờ sáu vị thành hoàng đã có công lập nên làng Trà Cổ. Ẩn sau những mái đao cong vút là biết bao câu chuyện về lịch sử, chuyện đời, chuyện người. Đình vắng, mấy cậu bé say mê với trò chơi tự chế từ chiếc lốp xe máy hỏng bên gốc cây bàng, cây phượng. Bãi cát trắng sạch, nước biển trong xanh, biển Trà Cổ cũng thu hút nhiều người đến đây vui chơi. Nhưng với chúng tôi, đến Trà Cổ bởi nơi đây còn có điểm đầu tiên của nét bút tạo hóa vạch nên bản đồ hình chữ S.

Thiêng liêng Sa Vĩ

Rời làng biển, vẫn con đường thẳng tắp, tràn ngập vị mặn mòi của biển, Đức chỉ tay: “Trước mặt chính là mũi Sa Vĩ”. Tấm biển “Vành đai biên giới” nằm ngay cuối con đường, nơi nhô ra phía biển như ngón tay chỉ về đại dương xa ngút mắt. Ngay chót mũi Sa Vĩ, phía tay trái có một mảnh vườn nhỏ trồng rất nhiều cây. Đó là khu vườn do các nguyên thủ quốc gia trồng khi về thăm điểm đầu tiên của dải đất hình chữ S.

Chúng tôi đã uống một hớp nước ở điểm đầu này, ngắm những hoa sim, hoa mua như cũng tím hơn trong chiều biên giới, giẫm chân lạo xạo trong bùn cát và hưởng trọn nắng gió biển trời Sa Vĩ. “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”. Nhúm một nhúm cát, nhặt lên một hòn đá cuội, nắm chặt trong tay để thấy cát và đá cũng ấm tình Tổ quốc...



Trà Cổ nằm ở cực đông bắc đất nước, cách thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 10km. Có thể đến Trà Cổ bằng nhiều cách: canô, tàu thủy chạy từ Hải Phòng đến Móng Cái với hành trình 200km, hoặc từ Hòn Gai (130km). Nếu đi đường bộ có thể lên ôtô từ Hà Nội, theo đường 18, Hà Nội - Hòn Gai đến Tiên Yên rồi rẽ đường số 4 đi thị xã Móng Cái để ra biển Trà Cổ.


HƯƠNG LIÊN - THU PHỐ

13/05 Mỹ công bố 'Hồ sơ Lầu Năm Góc' về chiến tranh Việt Nam

Cập nhật lúc 13/05/2011 01:26:00 PM (GMT+7)

Từ tháng tới, công chúng có thể tiếp cận "Hồ sơ Lầu Năm Góc" liên quan tới chiến tranh Việt Nam tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở Yorba Linda, bang California.

Chính phủ Mỹ ngày 12/5 thông báo tập tài liệu nổi tiếng "Hồ sơ Lầu Năm Góc" liên quan tới chiến tranh Việt Nam không còn được xếp vào loại tài liệu mật nữa.
Như vậy, 40 năm sau khi tài liệu tối mật của Lầu Năm Góc về cuộc chiến tranh Việt Nam bị tiết lộ và gây nhiều tranh cãi, Chính phủ Mỹ đã quyết định đưa ra công khai những tài liệu và sách lịch sử liên quan tới cuộc chiến này.

Với tên gọi chính thức "Quan hệ Mỹ - Việt giai đoạn 1945-1967: Nghiên cứu do Bộ Quốc phòng thực hiện", tài liệu tối mật này nêu chi tiết hành động can dự quân sự và chính trị của Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn 1945-1967.

Tài liệu do Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Robert McNamara đặt làm vào tháng 6/1967 nhằm ghi lại thấu đáo lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, tài liệu này đã tiết lộ mức độ can dự quân sự của Mỹ ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với những gì đã được công bố.

Một phần tài liệu trên lần đầu tiên được công bố trên trang nhất của tờ New York Times năm 1971, ngay lập tức tạo ra làn sóng dữ dội phản đối chiến tranh Việt Nam và khiến Tổng thống khi đó Lyndon Johnson quyết định không ra tái tranh cử.

Tài liệu do Daniel Ellsberg - cựu binh Thủy quân lục chiến Mỹ - cung cấp cho báo trên cho thấy chính quyền Johnson đã nói dối có hệ thống không chỉ với công chúng mà còn nói dối cả với Quốc hội về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam.

Theo TTXVN

16/05 Không vận động bầu cử bằng quà từ thiện

Cập nhật lúc 16/05/2011 01:40:00 PM (GMT+7)

- Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Nguyễn Văn Pha đề nghị các địa phương "nhắc" ứng viên, nhất là những người thuộc khối doanh nghiệp, đang vận động bầu cử bằng cách tặng quà từ thiện ở thời điểm sát bầu cử là không công bằng.

>> Toàn cảnh bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp

Sáng 16/5, Bộ Nội vụ đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến lần cuối cùng về công tác bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, khi ngày bầu cử (22/5) đã đến rất gần.

19h mới đóng hòm phiếu

Đề xuất được nhắc lại nhiều lần là việc cho kết thúc bầu cử sớm khi toàn bộ 100% cử tri đã đi bầu. Như đại diện Sở Nội vụ Đắk Lắk cho hay, với các xã vùng sâu vùng xa đang mùa gieo trồng, bà con sẽ đi bỏ phiếu rất sớm để về làm rẫy, lại không có cử tri vãng lai, đề nghị cho kết thúc sớm để có thể chuyển phiếu đi ngay trong ngày.

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn (đứng): Phải thực hiện đúng luật, chỉ đóng hòm phiếu vào 19h ngày 22/5. Ảnh: Lê Anh Dũng
Còn đại diện Sở Nội vụ Kiên Giang, tỉnh thành rộng lớn với nhiều đảo thì đề nghị với 25 điểm bỏ phiếu của lực lượng vũ trang, việc bỏ phiếu luôn rất tập trung, thường xong trong 2 tiếng, nên cho kết thúc bầu cử sớm, vì rất cần lực lượng này trong ngày bầu cử. Tuy nhiên, cả Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cũng như Thiếu tướng Bùi Song Nhâm, đại diện Bộ Quốc phòng đều khẳng định phải thực hiện đúng luật, chỉ đóng hòm phiếu vào 19h.

Riêng với khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, đến nay vẫn còn khoảng 800.000 phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã phải viết tay, Bộ Nội vụ yêu cầu Thanh Hóa khắc phục ngay, nếu xã gặp khó trong khâu in ấn thì huyện phải hỗ trợ xã.

Đại diện Sở Nội vụ Đồng Nai chia sẻ về trường hợp có những ứng viên phải rút hoặc bị đưa ra khỏi danh sách, dẫn đến không đảm bảo số dư ứng viên theo quy định. Theo đó, Ủy ban bầu cử tỉnh Đồng Nai đã báo cáo Hội đồng bầu cử trung ương và quyết định giảm số đại biểu HĐND được bầu, bởi việc đưa các trường hợp đã bị loại sau vòng hiệp thương thứ 3 vì tỷ lệ tín nhiệm thấp hơn nhiều so với những người được chọn (dù vẫn trên 50%), nay lại đưa họ vào danh sách bầu chính thức (để thay thế ứng viên đã bị đưa khỏi danh sách) thì rất khó thuyết phục họ cũng như cử tri.

Cá biệt có trường hợp một ứng viên bị thương rất nặng vì tai nạn giao thông, Bộ Nội vụ cũng khẳng định ứng viên đó vẫn ở trong danh sách bầu bình thường.

Đừng làm từ thiện vào thời điểm này

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các địa phương "nhắc" ứng viên, nhất là những người thuộc khối doanh nghiệp, đang tiến hành vận động bầu cử bằng cách tặng quà từ thiện nhân đạo, hay khởi công xây dựng công trình cho địa phương ứng cử ngay trong thời điểm sát bầu cử là không khách quan, không bình đẳng, không đúng quy định về vận động bầu cử.

"Luật pháp không cấm làm từ thiện nhân đạo, nhưng đừng làm vào thời điểm này. Dù có bao nhiêu tiền, công sức, cũng không thể vận động được tất cả cử tri nơi mình ứng cử", ông Pha thẳng thắn.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Tất Tiệp cho hay Nam Định nhận được 45 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo và đã giải quyết thấu đáo. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trước đề nghị của các tỉnh với Bộ Công thương phải có trách nhiệm đảm bảo có điện đầy đủ trong đợt bầu cử, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn khẳng định Bộ Công thương sẽ có trách nhiệm, nhưng các tỉnh vẫn phải linh hoạt, đề phòng những trường hợp bất khả kháng. Bộ trưởng cũng hứa sẽ đề nghị Trung tâm khí tượng thủy văn dự báo kỹ lưỡng thời tiết của ngày bầu cử, nhưng vẫn đề nghị các tỉnh chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những diễn biến bất thường.

Riêng về công tác giải quyết khiếu nại liên quan đến các ứng viên, như báo cáo của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hùng - Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, rất nhiều trường hợp có liên quan đến chuyện bằng cấp, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định phải thực hiện theo đúng luật.

Khánh Linh

22/05 Ly kỳ Hoa khôi Sài Gòn 'sát' công tử (kỳ 2)


Cô Ba Trà không lúc nào vắng người yêu. Cô vẫy tay một cái là có hàng lô chạy tới xin "yết kiến nữ hoàng" - đông đến nỗi phải lấy số chờ đợi.

Kỳ 2: Xem người tình... nhẹ như không!

Vốn coi đời “lạnh như băng”, cô Ba Trà một lúc cặp kè với ba đại công tử, đang hôn người này, người kia đến, bỏ người này đi với người kia… vì chính cô cũng không biết mình yêu ai, hoặc không yêu ai cả. Rồi thậm chí, có tình, có tiền, Huê khôi Nam kỳ vẫn chưa thỏa mãn...

Cô Ba Trà và Hắc công tử. Ảnh tư liệu

Sắc đẹp "khuynh nước khuynh thành" của cô Ba Trà đã gây ra cuộc đối đầu của hai tay chơi nổi tiếng khi đó là Bạch công tử (tức Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước), con trai của đốc phủ Lê Công Sủng, tỉnh Mỹ Tho và Hắc công tử (tức công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy) - ai cũng tranh nhau phá của cha mẹ để lại để cung phụng người đẹp. Chuyện kể rằng, không cần cô Ba Trà mở lời, hễ Bạch công tử nghe nói Hắc công tử tặng cô Ba Trà món đồ gì quý, ông hỏi giá và tìm mua cho kỳ được món quà đắt hơn để tặng. Đến lượt Hắc công tử cũng làm tương tự, vì vậy cô Ba Trà sở hữu không biết bao nhiêu quà tặng quý giá của hai ông, từ túi xách tay, quần áo hàng hiệu, dây chuyền, nhẫn hột xoàn, nhà cửa, xe cộ…

Trong việc “giành gái” là cô Ba Trà, có giai thoại được nhắc đến nhiều nhất là cuộc thi đốt tiền, không phải 1 lần, mà đến 2 lần. Bạch công tử là người bị động, không tham gia, chính Hắc công tử đã chứng tỏ là người sành đời, đã tung độc chiêu hạ gục đối thủ. Cụ thể, nội dung thách đấu là mỗi người dùng giấy bạc, đốt từng tờ nấu nồi chè 1kg đậu xanh, ai nấu nồi chè sôi trước người ấy thắng. Địa điểm được tổ chức là trước sảnh nhà của Hắc công tử và người làm chứng là cô Ba Trà.

Lửa của tiền giấy rất kém nhiệt, chỉ cháy nhỏ, vì thế nấu chè rất lâu trong sự căng thẳng của nhiều người chứng kiến. Cuối cùng, nồi chè của Bạch công tử sôi trước, Công tử Bạc Liêu đành thua cuộc nhưng ông tuyên bố là đã thua trong danh dự.

Theo tính toán của nhiều người, để nấu sôi được nồi chè có 1kg đậu xanh, trong thời gian gần 1 giờ, mỗi công tử đã đốt gần 100 tờ giấy bạc. Nếu Hắc công tử đã đốt toàn giấy 50 đồng trở lên, thì chí ít ông cũng phải đốt 5 ngàn đồng Đông Dương, số tiền có thể mua được 3 ngàn giạ lúa lúc đó, tương đương với khoảng 300 triệu đồng hiện nay.

Bạch công tử Lê Công Phước. Ảnh tư liệu

Lại nói về Georges Lê Văn Phước - đã sang Pháp du học, về nước không theo đường công danh hoạn lộ, chỉ thích ăn chơi bay bướm, người lại trắng trẻo hào hoa nên được giới phong lưu thời ấy tặng cho mỹ danh là Bạch công tử. Với phong độ đang lên, Bạch công tử không thiếu gì người đẹp vây quanh nhưng vẫn thấy hụt hẫng vì đeo đuổi bao lâu mà chưa chinh phục được hoa khôi Trần Ngọc Trà.

Lúc bấy giờ Trà đã nắm trong tay sức mạnh kim tiền lẫn nhan sắc trời cho đang vào độ "mãn khai" và đã trở thành bà hoàng trong các sòng bạc thâu đêm và được gọi bằng một cái tên rất Tây ghép với tên một nữ tài tử nổi tiếng trên màn bạc thành: Yvette Trà. Để được gần gũi Yvette Trà, một bữa Georges Phước lái một chiếc xe bốn bánh thuộc loại lộng lẫy đương thời đến rước Trà xuống Cần Thơ đổi gió.

Khi hai người vào khách sạn Bungalow, Georges Phước lột chiếc nhẫn kim cương trị giá hơn 3.000 đồng (thời đó vàng chỉ 60 đồng một lượng) đặt lên bàn để vào phòng tắm. Khi bước ra thấy Yvette Trà đang lấy chiếc nhẫn của mình đeo thử vào tay ngắm nghía, Georges Phước liền buột miệng nói chiếc nhẫn coi vừa ngón tay Trà quá, vậy Trà đeo luôn đi. Chỉ trong nháy mắt, chiếc nhẫn kim cương "nặng ký" kia đổi chủ nằm ôm ngón tay thon đẹp của Ngôi sao Sài Gòn.

Biết chuyện, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, cũng đang theo đuổi Yvette Trà, liền đến gặp và tặng cô một chiếc nhẫn khác trị giá gấp đôi chiếc nhẫn của Georges Phước. Thế nhưng, cô Ba Trà không chọn chiếc nào để đeo hết, mà "lạnh lùng" ném chúng vào một cuộc chơi. Cô cầm cố, rồi bán tháo cả hai món quà, trút sạch vào trận bài bạc đỏ đen.

Tưởng chỉ Hắc – Bạch công tử mới gặp sự cố như vậy? Trên thực tế, nhiều món quà có trị giá lớn của những tay chơi đa tình trong giới phong lưu Sài Gòn, Nam Vang, Băng Cốc tặng cô, cũng chóng "đến và đi" như thế. Cô đánh bài, khi ăn bạc vạn, khi thua cháy túi… nhưng thản nhiên như không. Mỗi lần đứng lên, phủi tay rời sòng bạc, cô Ba Trà lại nói: tiền của như bụi đất - tình nghĩa mới thiên thu… Thế nhưng, tại sao Hắc công tử và Bạch công tử đổ rất nhiều tiền chinh phục trái tim của Yvette Trà, mà cuối cùng không ai sở hữu được đóa hoa rực rỡ nhất Nam kỳ thời đó?

(còn nữa)
(Theo Báo Đất Việt)

22/05 Bầu cử rộn ràng trên cả mạng xã hội

Cập nhật lúc 22/05/2011 06:35:00 AM (GMT+7)
- Những ngày nay, không khí trên các blog, các diễn đàn lại rộn ràng hơn mọi ngày. Rất nhiều lá cờ Tổ quốc, ảnh Hồ Chủ tịch được treo trang trọng tại vị trí đầu tiên của nhiều blog.

Bầu cử “rộn ràng” trên cả các mạng xã hội

Những ngày nay, không khí trên các blog, các diễn đàn lại rộn ràng hơn mọi ngày. Rất nhiều lá cờ Tổ quốc, ảnh Hồ Chủ tịch được treo trang trọng tại vị trí đầu tiên của nhiều blog. Blogger Milky Babie treo lá quốc kỳ đỏ thắm lên avatar, phía dưới là tấm ảnh Bác Hồ và kèm theo dòng blast: “Lần đầu tiên đi bầu cử - thực hiện quyền công dân của 1 nước XHCN”.

Trên báo chí và nhiều diễn đàn trẻ, Nguyễn Tiến Nghị, sinh viên năm cuối khoa Triết trường ĐH Khoa học Huế đang khiến rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ quan tâm với việc ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Nhiều bạn trẻ quan tâm bởi Tiến Nghị là người trẻ nhất (đến thời điểm này) ứng cử đại biểu Quốc hội, bên cạnh đó, họ cũng băn khoăn rằng một chàng trai trẻ như thế này có hoạch định như thế nào để tự tin tiếp xúc với cử tri. Và hơn hết, quyết định của Nghị đang thắp lửa cho những trái tim trẻ tuổi một khát khao được hành động.
Giới trẻ háo hức đưa không khí bầu cử lên các trang mạng xã hội (Ảnh minh họa, Nguồn: SGTT)
“Sinh viên nào đã ứng cử đại biểu quốc hội?”- câu hỏi trở thành topic đinh trên nhiều diễn đàn. Và đã nhanh chóng nhận được rất nhiều lượt xem và bình luận của các thành viên.

Bạn có nick name phaletuyet nói: “Một phiếu cho con người trẻ này. Tớ ủng hộ. Quốc hội nên chào đón những con người trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo, tư duy mới để có thể vận hành bộ máy nhà nước hiệu quả hơn.Thật vinh dự cho tầng lớp sinh viên vì có bạn. Mình rất nể phục ý chí và con đường tương lai bạn chọn. Chúc bạn thành công.”

Háo hức lần đầu đi bầu cử

Đây là lần đầu tiên mình thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân thông qua lá phiếu bầu đại biểu tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước ở trung ương và địa phương.

“Hồi hộp lắm, mới đầu mình chưa hiểu nhiều về thể lệ bầu cử và làm thế nào lựa chọn người có tài, đức. Nhưng qua những buổi tuyên truyền cũng như các thông tin trên báo chí mình đã có thể tự tin chờ ngày mình được thể hiện quyền làm chủ của công dân, được cầm lá phiếu bầu lựa chọn những người có năng lực vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, mình thấy mình đã trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Mình hi vọng những người được lựa chọn sẽ là những người biết nói, dám nói để phản ảnh những vấn đề cử tri, trong đó có mình đề đạt”. – đó là những tâm sự rất chân thành của bạn Hữu Đạt sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền.

Còn với bạn Phương Anh ( Sinh viên khoa Tài chính Ngân hàng - Đại học Công Đoàn ): “Với mình, cầm lá phiếu đi bầu là trách nhiệm và nghĩa vụ”: là cử tri, mình mong các ứng viên mà mình bầu chọn phải là người có kiến thức sâu rộng, gần gũi với đời sống nhân dân. Theo mình, một chi tiết mà ít ai quan tâm là ứng viên ĐBQH phải là người cao, khoẻ và thông minh. Có như thế mới có đủ sức khoẻ và trí tuệ để lắng nghe ý kiến của dân để kịp thời phản ánh trước Quốc hội. Đặc biệt, khi được dân bầu, các ứng cử cần quan tâm hơn nữa đến những vùng sâu, vùng xa và những vùng đang khó khăn, để cho cuộc sống ngày càng tốt hơn”.

Trong khi đó bạn Trịnh Đức Tiến (Khoa Quản trị Kinh doanh – Học viện Ngân hàng ) chia sẻ - “Hãy làm sao xứng đáng với tên gọi Đại biểu Nhân dân”: Tôi luôn băn khoăn về câu hỏi: Với tư cách là một sinh viên, bạn mong muốn gì ở các đại biểu Quốc hội? Điều đầu tiên tôi muốn nói đến đó là việc trẻ hoá đội ngũ đại biểu Quốc hội. Trong thời đại toàn cầu hoá, thời đại của hội nhập và hiện đại nước ta cần những bước bứt phá táo bạo, những nước đi vừa vững chắc lại vừa mang tính đột phá. Huy động và phát huy điều đó ở lớp trẻ là một điều mang ý nghĩa rất quan trọng.

Việc theo dõi, nắm bắt thông tin về các kỳ đại hội của bản thân tôi chưa được nhanh nhạy và đầy đủ lắm. Nhưng tôi có một niềm tin sâu sắc về sự chuyển mình đi lên của cả nước trong thời đại mới, vai trò của Quốc hội cũng sẽ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Bầu cử đại biểu lần này sẽ lần đầu tiên tôi được cầm lá phiếu đi bầu, lá phiếu thiêng liêng mà mang nặng trách nhiệm của mình trong đó. Nó vừa thể hiện sự trưởng thành lại vừa đem đến một áp lực lớn về trách nhiệm của bản thân đối với đất nước và với tất cả mọi người.

Giới trẻ mong đợi gì ở Quốc hội?


Bạn Trung Tuyến, Sinh viên Đại học Xây dựng nói:- “Người đại diện cho tiếng nói của nhân dân trước hết phải hiểu dân”: Là một cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, Quốc hội phải là đại biểu trung thành cho quyền và lợi ích của nhân dân, có trách nhiệm đại diện nhân dân bầu ra các vị trí chủ chốt của đất nước, giám sát công việc chung của Nhà nước.

Theo dõi các kỳ họp Quốc hội trong thời gian qua, tôi có cảm giác rằng số lượng các đại biểu Quốc hội “hoàn thành nhiệm vụ” rất thấp bởi phần lớn họ là những người làm công tác kiêm nhiệm. Nguyên nhân ở đây xuất phát từ lý do cơ cấu và trách nhiệm của từng đại biểu, nhiều người vẫn chưa thực sự toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ chung, chưa xứng đáng với vai trò và vị trí của mình. Năm nay, luật bầu cử mới của chúng ta cho phép mở rộng hơn thành phần đại biểu tự ứng cử, tôi nghĩ đó cũng là một giải pháp để cải thiện những hạn chế này, đồng thời cũng tạo điều kiện để người đại biểu phát huy vai trò thực thụ của mình...

Nguyễn Thị Ngát, sinh viên năm 3 Đại học Khoa học Tự Nhiên ( Đại học Quốc gia Hà Nội ) tâm sự: Vấn đề bầu cử là một vấn đề quan trọng. Làm sao có những chính sách, cách thức tuyên truyền thu hút được nhân dân tham gia, để dân nhận thực được tầm quan trọng của vấn đề bầu cử. Từ đó phải có một cơ chế buộc các ứng cử viên phải tranh cử. Thực chất vấn đề tranh cử là vấn đề quan trọng nhất trong bầu cử. Đó là hoạt động nhằm cho cử tri biết đến mình và làm tốt nhất để có được sự ủng hộ, qua đó làm cho dân quan tâm và cảm thấy được tôn trọng, nhận thức đúng vai trò của mình.

Một cư dân mạng có nick name Luckystar2010 lại khẳng định: “ Đại biểu Quốc hội phải tăng cường tiếp xúc với cử tri, đặc biệt là cử tri sinh viên của các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Đây là cơ hội để các đại biểu hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng cũng như yêu cầu của giới trẻ, từ đó hoạch định đường lối, chính sách có lợi hơn cho những… người trẻ chúng mình”.

Mỗi sinh viên, thế hệ tương lai đang thể hiện niềm kiêu hãnh, tinh thần trách nhiệm của một “con dân” nước Việt trong ngày trọng đại của đất nước.

Lê Nho Việt