thứ bảy, 23 tháng 5, 2009
Cảnh sát liên bang Úc được yêu cầu điều tra theo sau cáo buộc của một tờ báo rằng công ty làm giấy nền polymer để in tiền ký các hợp đồng đáng ngờ qua trung gian ở nhiều nước, liên quan đến cả con trai cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Sau khi báo Úc, tờ The Age, chạy bài Đặc Biệt về đề tài này, BBC Tiếng Việt đã liên lạc với Ngân hàng Trung ương Úc hôm 23/05 và được xác nhận là cảnh sát Úc sẽ vào cuộc.
The Age, đặt ở Melbourne, cáo buộc những môi giới viên cho hãng Securency đã "trả hàng triệu đôla tiền hoa hồng cho công ty CFTD của Việt Nam, có công ty con Banktech thuộc quyền quản lý của con trai Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vào lúc ngân hàng trung ương quyết định chuyển sang loại tiền polymer năm 2002".
CFTD là công ty đã tham gia việc thực hiện bộ tiền mới và cung cấp vật tư, thiết bị in tiền ở Việt Nam.
Điều tra năm 2007 của Thanh tra Chính phủ Việt Nam nói việc con trai ông Lê Đức Thúy, Thống đốc NHNN lúc đó, có thời gian làm cho Banktech "tuy không trái quy định của pháp luật, nhưng đã gây nghi ngờ về sự khách quan, minh bạch".
Cảnh sát Úc vào cuộc
Ngày hôm nay, Securency đã ra thông cáo liên quan bài viết trên The Age.
Thông cáo nói: "Một bài báo của The Age hôm nay tố cáo Securency đã trả tiền cho người môi giới mà tiền này lại có thể bị dùng để lo lót cho các viên chức chính phủ nước ngoài."
"Mặc dù The Age không nói Securency dính líu hối lộ, nhưng Ban Quản trị của Securency xem các cáo buộc là nghiêm trọng. Ban Quản trị đã thảo luận cáo buộc với Cảnh sát Liên bang Úc, và chuyển cáo buộc cho Cảnh sát để điều tra."
Securency International Pty Ltd là liên doanh giữa Ngân hàng Trung ương Úc và một công ty đặt ở Anh.
Ban Quản trị đã thảo luận cáo buộc với Cảnh sát Liên bang Úc, và chuyển cáo buộc cho Cảnh sát để điều tra.
Thông cáo ngày 23/05 của Securency
Nói chuyện với BBC Việt ngữ hôm nay, bà Vanessa Crowe, Phòng báo chí của Ngân hàng Trung ương Úc (Reserve Bank of Australia), cho biết Ngân hàng nắm 50% cổ phần của Securency.
Bà nói thêm: "Trước hết, đây là vấn đề cho cảnh sát. Chúng tôi sẽ xem chuyện sẽ diễn tiến ra sao."
Giới chức Ngân hàng vừa làm việc với cảnh sát sáng nay (giờ Úc), và BBC được cho biết cuộc điều tra có thể sẽ bắt đầu ngay trong thứ Hai tuần sau.
Ông Bob Rankin, Chủ tịch của Securency, nói với Reuters qua điện thoại rằng công ty sẽ áp dụng mọi hành động cần thiết nhưng không bình phẩm liệu nó có bao gồm việc cắt đứt quan hệ với đối tác kinh doanh nào không.
Reuters trích lời ông: "Chúng tôi trông chờ báo cáo từ AFP (Cảnh sát Liên bang Úc) sau kết quả điều tra. Dù phát hiện có thế nào cũng sẽ giúp chúng tôi có phản ứng phù hợp."
‘Lo lót'
Hai phóng viên điều tra Richard Baker và Nick McKenzie của The Age viết rằng một số người môi giới của Securency "gần gũi với chính phủ hoặc viên chức ngân hàng trung ương ở các nước bị Transparency International xếp hạng là rất tham nhũng".
Ngoài cáo buộc về Việt Nam, The Age nói những kẻ trung gian đã "trả khoản tiền lớn cho công ty ở London Contec Global, mà công ty này bị cuộc điều tra tham nhũng chính thức của Uganda cáo buộc có quan hệ mờ ám với một bộ trưởng Uganda bị buộc tội ‘ngụy trang và vận động' cho công ty".
Những người môi giới cho Securency cũng bị cáo buộc dính líu các phi vụ hối lộ ở Nam Phi và Ấn Độ.
The Age không ám chỉ Securency "tham gia hối lộ, nhưng hoạt động của hãng với những kẻ môi giới ở những nước dễ xảy ra tham ô dấy lên lo ngại về thủ tục đối phó rủi ro của hãng".
Tờ báo dẫn lời người bên trong Securency nói rằng hãng này đặt ra khoản thù lao cho việc môi giới hợp đồng lên đến 10-20%, trong khi mức tiêu chuẩn chỉ là 2-6%.
Một thông cáo của Securency gửi cho The Age nói hãng này có quy trình nghiêm ngặt khi bổ nhiệm môi giới viên, bao gồm kiểm tra của Ủy ban Thương mại Úc (Austrade) và tuân thủ các công ước chống tham nhũng quốc tế.
Securency nói những người môi giới của họ đều đã ký thỏa thuận nghiêm cấm trả tiền cho các viên chức và chính trị gia nước ngoài.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Úc Ric Battellino nói với The Age rằng ông sẽ yêu cầu Securency phải trả lời ngay về việc sử dụng người môi giới.
Polymer ở Việt Nam
Cáo buộc của báo The Age hâm nóng lại cuộc tranh cãi quanh đồng tiền polymer ở Việt Nam ba năm trước đây.
Một số bài báo trong giai đoạn này chuyển đi các thông điệp rằng tiền polymer chất lượng kém và giá thành cao và đề cập tới sự liên hệ trong khâu in tiền ở một công ty có sự tham gia của ông Lê Đức Minh, là con trai Thống đốc Lê Đức Thúy.
Tháng Mười 2006, ông Lê Đức Thúy, khi đó còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã phải ra thông cáo dài giải thích với công luận.
Ông Lê Đức Thúy nói từ khi phát hành bộ tiền mới, cùng với những kết quả trong đấu tranh với tội phạm buôn bán tiền giả, tình hình tiền giả trong lưu thông đã giảm xuống.
Nhưng thông cáo không nhắc gì đến các tin đồn rằng con trai của thống đốc, ông Lê Đức Minh, có công ty liên quan đến công nghệ in tiền.
Khi đó, một đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Việt Nhân, cáo buộc bà từng nhận được những tài liệu do chính các cán bộ cấp dưới của ông Thúy đưa cho, có cả hình ảnh tố cáo vai trò môi giới của ông Lê Đức Minh, phó giám đốc công ty BankTech.
Đến tháng Sáu 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cùng các Phó Thống đốc làm kiểm điểm sau khi có kết luận thanh tra nhiều nội dung tại cơ quan này.
Mặc dù nội dung trong báo cáo thanh tra của của chính phủ nói rằng không thấy có vấn đề về tham nhũng hay gây ra hậu quả xấu về kinh tế thì các cụm từ như phát hiện một số vi phạm, khuyết điểm cũng như việc NHNN không lấy ý kiến cơ quan chức năng là trái với qui định cho người ta thấy phần nào về mức độ nghiêm trọng.
Báo cáo cũng nói đề án Bộ tiền in bằng chất liệu polymer là một công việc được mô tả là hệ trọng của ngân hàng nhưng không được thống đốc Lê Đức Thúy, Bí thư Ban cán sự đảng, đưa ra thảo luận trong tập thể lãnh đạo và chính trong ban cán sự đảng.
Thanh tra kết luận việc sử dụng tiền mới bằng giấy polymer không gây ra hậu quả xấu về kinh tế, tuy vậy, phê bình ông Thúy đã chỉ trình Thủ tướng về dự án tiền giấy polymer trong khi đề xuất của NHNN có nhắc đến lựa chọn giấy cotton.
Báo cáo của thanh tra chính phủ kết luận rằng việc tham gia của con ông Thống đốc, Lê Đức Minh, vào dự án in tiền tuy không trái qui định của pháp luật nhưng đã gây sự nghi ngờ về tính khách quan, minh bạch của Thống đốc Lê Đức Thúy.
BBC sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn tiến cuộc điều tra và ghi nhận phản ứng từ phía nhà chức trách Việt Nam về vụ việc. Độc giả có thông tin, xin gửi thư cho BBC ở vietnamese@bbc.co.uk.