Wednesday, September 17, 2008

16/09 Đánh giá yêu sách của TQ với ExxonMobil và BP


16 Tháng 9 2008 - Cập nhật 13h12 GMT 

 
 
Bản đồ vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn.
Bản đồ vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn.

Dù Mỹ không nghiêng về bên nào trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, Đại sứ Mỹ và Thứ trưởng ngoại giao Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam mới đây cũng đã khẳng định rằng các vùng mà ExxonMobil đang hợp tác là thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Những động thái này không phải là không có lý do, bởi Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn, trong khi những tranh chấp của Trung Quốc đối với những vùng này lại hoàn toàn không có căn cứ.
Chủ quyền không thể chối cãi
Nhiều người hiểu lầm rằng những phản đối của Trung Quốc liên quan đến các khu vực nói trên là sự tranh chấp chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa.
Thế nhưng, theo luật quốc tế, giả sử như Hoàng Sa và Trường Sa có thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp đi nữa, thì vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn nằm ở phía bắc ranh giới với Indonesia vẫn thuộc về Việt Nam. Bởi, tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam ở những vùng này.
Theo Điều 57 và 76 của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển quốc tế), các quốc gia ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý từ đường cơ sở và một vùng thềm lục địa; nếu địa lý đáy biển cho phép thì có thể rộng tối đa là 350 hải lý từ đường cơ sở hay 100 hải lý từ độ sâu 2500 mét.
UNCLOS cũng quy định là nếu có tranh chấp, trong trường hợp vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của hai quốc gia chồng lấn lên nhau, thì tranh chấp phải được giải quyết một cách công bằng (Điều 74 và 83).
Giới thiệu tác giả
Lê Minh Phiếu, nghiên cứu sinh ở Đại học Montesquieu - Bordeaux IV, Pháp.
Dương Danh Huy, tiến sĩ vật lý tại Đại học Southampton, Anh Quốc, hiện làm IT consultant tại Oxford

Khi xét xử tranh chấp biển, Toà án Công lý Quốc Tế thường vạch đường trung tuyến giữa hai nước làm ranh giới thử nghiệm, sau đó Toà sẽ xem xét tỷ lệ diện tích được chia cho mỗi nước có gần như tỷ lệ chiều dài bờ biển liên quan tới tranh chấp hay không.
Trong việc vạch ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, luật biển quốc tế không tính những đảo nhỏ, xa bờ, không có các điều kiện cho sự cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng. Nguyên tắc này được pháp điển hóa tại Khoản 3 Điều 121 của UNCLOS và cũng đã áp dụng trong các vụ kiện như thềm lục địa Bắc Hải, Lybia/Malta, Vịnh Maine, Guniea/Guniea-Bisseau.
Toàn thể vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn phía bắc ranh giới với Indonesia và Malaysia, hoặc nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, hoặc nằm trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam. Do vậy, theo Điều 57 và 76 của UNCLOS, những vùng này hiển nhiên thuộc về Việt Nam.
Ngoài Trung Quốc ra, các nước Malaysia, Philippines và Indonesia không tranh chấp chủ quyền của Việt Nam ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Riêng Brunei tranh chấp một phần nhỏ của vùng Tư Chính – Vũng Mây, nhưng không tranh chấp lô 133 và 134. Như vậy, những nước Đông Nam Á, dù có tranh chấp Trường Sa, vẫn tôn trọng UNCLOS và không có đòi hỏi lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam.
Về yêu sách của Trung Quốc
Năm 1992, Trung Quốc ký hợp đồng thăm dò dầu khí ở vùng Tư Chính – Vũng Mây với công ty Crestone. Năm 1994, Trung Quốc phản đối hợp đồng dầu khí giữa Việt Nam và Mobil ở vùng Thanh Long. Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí ở hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch. (Các vùng Thanh Long, Mộc Tinh, Hải Thạch nằm trong bồn trũng Nam Côn Sơn).
Năm nay, Trung Quốc gây áp lực với ExxonMobil yêu cầu không được cộng tác với Việt Nam trong một dự án thăm dò dầu khí ở bồn trũng Nam Côn Sơn.
Nhưng, chiếu theo luật quốc tế, những yêu sách này hoàn toàn không có cơ sở.
Vùng Tư Chính - Vũng Mây nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý của các đảo Trường Sa. Các vùng Thanh Long (05-1B), Mộc Tinh (05-3), Hải Thạch (05-2), Lan Tây, Lan Đỏ (06-1) nằm ngoài phạm vi đường trung tuyến từ Trường Sa.


Tất cả các đảo trong quần đảo Trường Sa đều có diện tích dưới 0,5 km vuông, tự thân chúng không có các điều kiện cho sự cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng. Theo các quy tắc pháp lý quốc tế đã dẫn, những đảo này không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chúng chỉ được hưởng lãnh hải tối đa là 12 hải lý (Điều 121, khoản 2 và 3 UNCLOS).
Bản đồ 2 cho thấy lãnh hải 12 hải lý của tất cả các đảo trong quần đảo Trường Sa nằm ngoài vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Vì vậy, tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa không cho Trung Quốc cơ sở pháp lý để tranh chấp vùng này.
Hơn nữa, vùng này nằm về phía Việt Nam của đường trung tuyến giữa bờ biển Việt Nam và các đảo Trường Sa trên thuỷ triều cao (Bản Đồ 2).
Vì vậy, Trung Quốc tranh chấp vùng Tư Chính – Vũng Mây, vùng Thanh Long, Mộc Tinh, Hải Thạch, hay bất cứ vùng nào khác trong bồn trũng Nam Côn Sơn, với Việt Nam là một điều hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, ngay cả khi đang tồn tại tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhằm bảo toàn tính toàn vẹn toàn lãnh thổ trên biển, điều tiên quyết là Việt Nam cần phải giữ vững và thực thi chủ quyền ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Việc Trung Quốc thành công trong việc xâm lấn vùng này sẽ là một tiền lệ nguy hiểm cho tất cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam ở Biển Đông.
Hơn nữa, không nên lẫn lộn giữa tranh chấp những vùng biển rõ ràng thuộc về Việt Nam, bao gồm các vùng biển được đề cập trên đây, với tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Không để cho Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa để ngụy trang cho việc xâm lược các vùng đó của Việt Nam, cũng như việc chiếm phần diện tích 75% trên Biển Đông.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Minh Phiếu từ Pháp và Dương Danh Huy từ Anh. Quý vị có ý kiến xin gửi về địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk .


Hoàng Mai
Các nhà lãnh đạo VN nghỉ gì khi ký hiệp định vịnh Bắc Bộ lại lấy trung tuyến Hải Nam và Cồn Cỏ để phân chia vùng lãnh hải và khu đặc quyền kinh tế. Họ có để ý đến nguyên tắc "Toà sẽ xem xét tỷ lệ diện tích được chia cho mỗi nước có gần như tỷ lệ chiều dài bờ biển liên quan tới tranh chấp hay không". Phân chia như thế là họ bóp họng ta rồi còn gì.
Patriot
Tin này vừa là tin buồn vừa là tinvui! Buồn thì mọi người cũng biết rồi: sẽ gây hấn lâu dài với TQ. Một khi đã thua trên biển Đông thì gần như mất hết biển, rất tai hại với sự phát triển của VN.
Tin vui là vì qua việc này cho cả thế giới thấy bộ mặt thật của TQ: 1 kẻ xâm lược già mồm và quá sức ngang ngược! Bản thân TQ cũng sẽ "cứng họng" khi viện dẫn luật pháp trong khu tranh chấp này!