08:41-20/03/2012
Nguyễn Sỹ Phương |
Việc hạn điền hết vào năm 2013 sau 20 năm sử dụng đất nông nghiệp hiện chưa có tiền lệ giải quyết, đang trở thành nan đề sừng sững trước mắt cả người dân lẫn chính quyền, liên quan trực tiếp tới 3 phạm trù luật học: Hiến pháp, Đất đai, Quyền sở hữu, trong 3 mối quan hệ, Hiến pháp - Đất đai, Hiến pháp - Quyền sở hữu, Quyền sở hữu - Đất đai.
I. Hiến định quyền sở hữu và đất đai trên cơ sở nào?
Trong luật học, quyền sở hữu, bất kỳ sở hữu gì, đều được cấu thành bởi 3 quyền: Quyền chiếm hữu, quyền định đoạt và quyền sử dụng. Quyền chiếm hữu đất được thể hiện trên văn bản nhà nước xác định toạ độ, độ lớn mảnh đất đó, có tên điạ chỉ cá nhân hoặc pháp nhân sở hữu nó, cũng đồng nghĩa với xác lập trách nhiệm pháp lý chủ sở hữu đó đối với nó, như ở Đức được đưa cả vào Hiến pháp, quy định tại Điều 14, khoản 2: “Sở hữu phải chịu trách nhiệm, và khi sử dụng nó phải đồng thời vì lợi ích chung“. Quyền định đoạt là hệ dẫn của quyền chiếm hữu, bao gồm: thừa kế, hiến tặng, thế chấp, mua bán, trao đổi, chuyển nhượng, cho thuê... Quyền sử dụng có thể được chủ sở hữu khai thác hoặc chuyển cho người hay pháp nhân khác, nhưng họ hoàn toàn không có quyền chiếm hữu và định đoạt. Nhờ 2 quyền trên, tài sản sở hữu mới có thể thoả mãn nhu cầu sử dụng của chủ sở hữu, hoặc sinh lợi, và luôn được bảo tồn.