Tác giả: HUỲNH PHAN
Carl Robinson rất đắc ý khi đặt tên cho những tour đưa người Úc sang VN là Monkey Bridge (Cầu Khỉ) Tours. “… Sẽ rất khó đi và trơn trượt, bạn có thể ngã xuống nước bất cứ lúc nào. Nhưng chúng tôi có kỹ thuật và sự am tường để giúp khách hàng nối liền khoảng cách giữa hai nền văn hóa”. Carl và nhóm phóng viên chiến trường phương Tây không ngã khi quay lại vùng sông nước Cửu Long, nhưng có những lúc lại bị kẹt đường ở giữa Sài Gòn.
>> Bài 1: Tìm lại đồng đội đã ngã xuống
>> Bài 2: Con đường ký ức của một phóng viên chiến trường
Cuộc Hội ngộ Sài Gòn của các cựu phóng viên chiến trường vào năm 2005 đã từng được coi là lần cuối. Bởi đa số họ đều đã bước sang tuổi lục tuần, và hàng tháng đều có người ra đi.
"Nhưng sự ra đi của Hugh Van Es vào tháng 5 năm ngoái đã khiến chúng tôi quyết định sẽ tổ chức thêm một cuộc hội ngộ nữa vào dịp kỷ niệm 35 năm kết thúc chiến tranh. Không chỉ ở Sài Gòn và không chỉ là sự kiện của riêng cho chúng tôi nữa", Carl Robinson - cựu phóng viên của hãng tin AP, và cũng là người đưa ra ý tưởng này - giải thích với người viết cách đây một năm tại Khách sạn Le Royal, vào ngày đầu tiên của cuộc Hội ngộ Phnom Penh.
Phóng viên ảnh người Hà Lan Hugh Van Es là người đã chụp bức hình lịch sử về cuộc di tản bằng trực thăng của người Mỹ khỏi Sài Gòn vào ngày 29.4.1975, được coi là biểu tượng của sự sụp đổ của Sài Gòn. |
Ngay từ đầu năm 2010, Carl đã thông báo với các thành viên khác của cộng đồng mạng của các cựu phóng viên chiến trường Đông Dương rằng đây không chỉ thuần tuý là "cuộc hội ngộ cuối cùng từng được tổ chức ở Sài Gòn", mà còn là "một cơ hội cuối cùng để được công chúng công nhận tại một đất nước Việt Nam đang hiện đại hoá nhanh chóng".
Theo dự kiến, khác với 3 lần trước, lần này ở Sài Gòn họ mong muốn tổ chức một buổi giao lưu với công chúng, bao gồm cả người Việt lẫn người nước ngoài, tại Khách sạn Caravelle, kết hợp với một cuộc triển lãm ảnh.
"Hai người hoặc hơn trong số chúng ta sẽ là người dẫn chuyện, hay thậm chí có cả nhóm tranh luận, để thu hút sự chú ý của công chúng tham dự", Carl thông báo với các đồng nghiệp, những người chờ đợi sự kiện này với sự phấn khích cao.
Ông cho biết thêm rằng để được dễ dàng chấp nhận, họ sẽ chọn một chủ đề chung chung như "sống và làm việc ở Sài Gòn trước tháng 4.1975".
Thứ hai, họ mong muốn có một cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với nhóm phóng viên chiến trường từ "phía bên kia".
Cả hai mong ước gần như cuối cùng của những ông bà già trên dưới 70 tuổi này đã được đặt trọn vào ông Nguyễn Tuấn, một quan chức của Sở Ngoại vụ TP HCM - người thay thế cho ông Phạm Hoàng Ân, con trai của cố nhà báo Phạm Xuân Ẩn của Tạp chí Time, đã sang Mỹ công tác.
Sự khích lệ ở Phnom Penh
Trước khi qua Sài Gòn, Carl và một số đồng nghiệp đã có những ngày đáng ghi nhớ ở Campuchea. Đặc biệt là ở khía cạnh giao lưu với công chúng.
Sau Lễ Cầu siêu ở Wat Po, trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng và giới truyền thông quốc tế và bản địa, ngay buổi tôi hôm đó các cựu phóng viên chiến trường Campuchea cũng đã có cuộc giao lưu với công chúng, kết hợp với triển lãm ảnh, tại khách sạn Himawari. Trong số khoảng 300 khách tham dự, có không ít người Campuchia, đặc biệt là giới trẻ.
Cuộc giao lưu giữa phóng viên chiến trường và công chúng ở Phnom Penh |
"Tôi đã được học nhiều về giai đoạn kinh hoàng trong lịch sử Campuchea dưới thời Khmer Đỏ ở trường phổ thông, và được xem một số tấm ảnh được in trong sách. Nhưng, việc được tham dự triển lãm ảnh như thế này, và được nghe chính những phóng viên chiến trường kể về sự khốc liệt mà họ đã cảm nhận được giai đoạn trước đó, với tôi chính là những trang sử sống và để lại ấn tượng lâu dài",Chanda, 23 tuổi, hiện đang làm cho hãng viễn thông Wing ở Phnom Penh, nói với người viết.
Tin tốt và tin xấu
Trên đường từ Phnom Penh về Sài Gòn, khi dừng chân tại Bà Vẹt, người viết có hỏi Carl về những thông tin cập nhật cho chương trình Hội ngộ Sài Gòn.
Carl nheo mắt hóm hỉnh hỏi lại: "Good news first, or bad news first? There are two bad news, and a long list of good news" (Tin tốt trước, hay tin xấu trước? Có hai tin xấu và một danh sách dài những tin tốt.)
"Vậy thì tin xấu trước đi", người viết đáp.
Carl cho biết cuộc giao lưu giữa các cựu phóng viên chiến trường với công chúng sẽ không diễn ra. Lý do: Sở Ngoại vụ không xin được giấy phép. Chính vì thế, cuộc triển lãm ảnh cũng sẽ chỉ diễn ra giữa các phóng viên chiến trường với nhau.
Thứ hai, cuộc gặp gỡ với các cựu phóng viên chiến trường từ "phía bên kia" cũng không thực hiện được. Lý do: Trong dịp nghỉ lễ kéo dài tới 4 ngày, những người này đều có kế hoạch đi chơi xa cùng gia đình, hay bạn bè, từ trước rồi.
"Anh tin vào những lời giải thích đó không?", Carl hỏi người viết.
"Ờ, có thể", người viết trả lời sau một thoáng ngập ngừng.
Carl phẩy tay rồi, kể ra một loạt tin tốt: Đó là những chuyến tham quan, từ Khu Công nghệ cao, đến địa đạo, bảo tàng, toà thánh. Đó là những cuộc gặp, từ lãnh đạo thành phố, đến cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử ...
Carl Robinson và Mike Morrow, đại diện cho nhóm Hội ngộ Sài Gòn, dự bữa tiệ tri ân nhưng người nước ngoài có công lao với Việt Nam trong 65 năm qua. |
Tất cả đều nằm trong chương trình thiết kế chung cho đoàn phóng viên quốc tế, cứ 5 năm, theo thông lệ, lại được lãnh đạo thành phố mời vào để chứng kiến và đưa tin về những thay đổi tích cực của Sài Gòn, kể từ ngày giải phóng. Mọi người tham gia đều được đưa rước miễn phí, và có cả những bữa tiệc mời. Dường như, lãnh đạo thành phố muốn có một sự bù đắp nào đó.
Với tư cách nhà tổ chức, Carl có thể đã không vui.
Đưa người Úc, trong đó có các cựu binh chiến tranh Việt Nam, sang đất nước Đông Nam Á này, Carl Robinson rất đắc ý khi đặt tên những tour đó là Monkey Bridge (Cầu Khỉ) Tours.
"Đối với khách hàng, chúng tôi nói với họ rằng gắn kết hai nền văn hóa Việt và phương Tây cũng giống như đi trên cây cầu khỉ. Sẽ rất khó đi và trơn trượt, bạn có thể ngã xuống nước bất cứ lúc nào. Nhưng chúng tôi có kỹ thuật và sự am tường để giúp khách hàng nối liền khoảng cách giữa hai nền văn hóa", Carl nói.
Nhưng đối với chuyến trở lại Sài Gòn năm ngoái của nhóm phóng viên chiến trường phương Tây, kỹ thuật đó dường như là chưa đủ. Carl và du khách của ông không ngã khi quay lại vùng sông nước Cửu Long, nhưng có những lúc bị kẹt đường ở giữa Sài Gòn.
Sự bù đắp ngoài mong đợi
Thế nhưng, đối với không ít người, sự thay đổi chương trình này lại có những ý nghĩa riêng của nó. Edie Lederer là một trong số đó.
Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Duy đang chia sẻ trải nghiệm ở Khe Sanh cùng Raymond Wilkinson, cựu phóng viên hãng tin UPI, tại cuộc gặp giữa phóng viên chiến trường hai phía vào tối 1.5.2010 |
Trong bài viết về cuộc hội ngộ sau đó ít ngày, bà đã viết: "Lần đầu tiên, những người tham gia cuộc hội ngộ bị bám theo bởi một nhóm phóng viên trẻ Việt Nam. Và cũng là lần đầu tiên, chính phủ Việt Nam chính thức ghi nhận sự hiện diện của chúng tôi, bằng việc mời một số người trong chúng tôi ngồi trên khán đài xem duyệt binh nhân dịp 30.4, và tổ chức môt bữa tiệc vào tối 1.5 cho chúng tôi và 5-6 phóng viên đưa tin chiến tranh từ phía bên kia."
Về nhận xét đầu tiên, người viết hoàn toàn chia sẻ với Edie, qua sự chứng kiến các đồng nghiệp khác tác nghiệp, cũng như trải nghiệm riêng của mình. Có đến một nửa các cuộc phỏng vấn được người viết thực hiện trên xe buýt, hoặc bên lề những sự kiện do thành phố tổ chức.
Về nhận xét thứ hai, người viết xin được bổ sung, nếu không nói là nhấn mạnh thêm. Bởi sự ghi nhận chính thức đối của chính phủ Việt Nam đối với sự hiện diện của họ không chỉ dừng ở mấy chỗ ngồi trang trọng trên khán đài.
Trong bữa tiệc tối hôm trước, với mục đích tri ân những người nước ngoài có công lao đối với Việt Nam trong suốt 65 năm qua, người ta thấy sự có mặt của một số người trong nhóm Hội ngộ Sài Gòn. Bên cạnh những người Nga, người Pháp, người Cuba, hay những nhân vật nổi tiếng như cựu Thủ tướng Nhật Kiichi Miyazawa, hay Lady Burton.
Còn đối với nhận xét thứ ba, người viết xin được đính chính. Bữa tiệc vào tối 1.5 năm ngoái, với sự tham gia của một nhóm nhỏ phóng viên chiến tranh của Việt Nam, hoàn toàn không phải là một món quà bất ngờ, tuy hơi muộn, từ phía nhà chức trách Việt Nam, dành cho Carl và những đồng nghiệp của mình.
Đây hoàn hoàn là một nỗ lực mang tính cá nhân. Và bản thân cuộc gặp đó là một câu chuyện thú vị mà người viết sẽ kể cho độc giả vào đúng dịp kỷ niệm một năm ngày nó diễn ra.
Kỳ 4: Những thiên thần của Laurie