Tác giả: HUỲNH PHAN
"Cái giá của 30 năm chiến tranh (1945-1975) nó nặng nề lắm. Mọi người phải hiểu, để bình tĩnh mà phát triển" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nói trong cuộc họp báo với phóng viên quốc tế nhân 35 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.
>> Một tháng sau 30.4: Sự mở đầu và kết thúc
Trong hồi ức của mình, Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, người có mặt khi ông Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa 30.4.1975, đã viết:
"... Dẫu sao ông cũng đã hy sinh danh dự của một tướng lãnh (dù là một tướng bại trận) để cứu thành phố này khỏi cảnh tàn phá và đổ nát. Sau này tôi mới biết là ông và bộ tham mưu từ mấy ngày qua đã quyết định đầu hàng dẫu có bị đối xử không tương xứng của phía đối nghịch.
Đó cũng là một hành động can đảm và đáng ca ngợi của một Phật tử vào cuối đời. ... Ít ra ông còn giữ được nguyên vẹn Sài Gòn và phần còn lại của miền Nam tránh khỏi đổ nát và đổ máu thêm một cách vô ích...
Nhận xét của người cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã được một nhân chứng lịch sử - cựu Đại uý Phạm Xuân Thệ (nay là Trung tướng) - khẳng định một phần trong các bài viết về ông.
Phần còn lại cũng đã được nói tới bởi những nhân chứng lịch sử khác, ở một lát cắt lịch sử khác, và từ một góc nhìn khác. Họ là ông Nguyễn Hữu Hạnh, chuẩn tướng Quân đội Việt Nam Cộng hoà, Luật sư Triệu Quốc Mạnh, hay nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu - những thành viên của cái nội các cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Thường là trong các cuộc họp báo quốc tế, được tổ chức 5 năm một lần.
Ngày 28.4 năm ngoái, họ lại tiếp tục thực hiện cái nhiệm vụ định kỳ này. Nhưng với họ, cuộc họp báo hôm đó không hề mang tính nghĩa vụ nữa, mà đã có thêm ý nghĩa của một sự sẻ chia một hồi ức chung. Và những câu hỏi từ dưới cử toạ lại mang ý nghĩa của một sự gợi mở.
Bởi trong số cử toạ ở dưới có một nhóm nhỏ phóng viên quốc tế - những người đã từng có mặt trên mảnh đất Sài Gòn này trên dưới bốn thập kỷ trước, và cũng chứng kiến được nhiều điều tương tự như họ. Mặc dù, không nhất thiết phải là những ngày cuối của tháng Tư năm 1975.
Đó là những cái tên như Simon Dring và Jim Pringle (Reuters), Don Kirk (Washington Star), Mike Morrow (Dispatch News Service), hay James Caccavo (Red Cross).
Các phóng viên nước ngoài tại cuộc họp báo quốc tế tổ chức ngày 28.4.2010 tại TP.HCM |
Tất cả những điều đó gộp lại đã khiến cho người viết, từng tham dự ba cuộc họp báo tương tự trước đó, kể từ năm 1995, tại Sở Ngoại vụ TP HCM, cảm nhận được một sự cởi mở chưa từng có, đúng hơn là sự "mở lòng". Nhất là khi các nhân chứng nói về ông Dương Văn Minh, đại tướng, Tổng thống VNCH - một nhân vật gây tranh cãi trong những ngày cuối cùng của tháng Tư lịch sử ấy, trước khi Đại uý Thệ và các đồng đội của ông tiến vào Dinh Độc Lập.
Và qua đó, người viết cũng hiểu thêm rằng, tại sao cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận xét về ông Dương Văn Minh trong bài trả lời phỏng vấn tuần báo Quốc tế nhân 30 năm thống nhất đất nước (30.4.2005)
"Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ".
Tuần Việt Nam giới thiệu lại cuộc họp báo quốc tế tại TP.HCM ngày 28/4/2010 như một tư liệu để tham khảo.
Simon Dring: Vào thời điểm cuối 1964, khi lực lượng Việt Cộng hoạt động rất mạnh và rất gần khu vực Sài Gòn, một số người nghĩ rằng Sài Gòn sẽ nhanh chóng bị thất thủ. Lúc đó, Mỹ chưa đưa quân vào Việt Nam.
Xin cho biết cảm nghĩ của ông lúc đó. Ông muốn chiến tranh kết thúc với sự thất thủ của Sài Gòn, hay người Mỹ đưa quân vào?
Ông Nguyễn Hữu Hạnh |
Tất cả những nhân vật quan trọng (của Mỹ) đến Việt Nam đều đến thăm ông Minh hết, và (những lần đó) đều có mặt tôi hết. Họ đều hỏi ý kiến ông Minh về việc đưa quân Mỹ vào Việt Nam. Nhưng ông Minh đều từ chối.
Khi đảo chính Ngô Đình Diệm, ông Minh đã phá tất cả những ấp chiến lược mà Mỹ đã làm. Điều đó đã khiến Mỹ không bằng lòng.
Mỹ lại yêu cầu đổ quân vào miền Nam, và ông Minh lại từ chối. Mỹ yêu cầu ném bom miền Bắc và phá đê sông Hồng, ông Minh cũng lại từ chối. Lúc đó, người Mỹ nói rằng ông Minh là người khó hợp tác. Thế là năm 1964, Nguyễn Khánh đảo chánh Dương Văn Minh.
Dương Văn Minh là người muốn chấm dứt chiến tranh cho đất nước Việt Nam, mặc dù ổng cầm súng của Mỹ. Có nhiều người có nhiều cách nói về ông ấy lắm. Khi ông ấy lên Tổng thống, ông ấy ký một cái giấy yêu cầu cố vấn của Mỹ phải rút đi trong vòng 24 tiếng đồng hồ, để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam.
Mike Morrow: Tôi được biết Dương Văn Minh có người em trai ở phía bên kia. Vậy ông Minh, và có thể là cả ông nữa, lần đầu tiên liên hệ với Mặt trân Dân tộc Giải phóng là khi nào? Những năm 50, 60, hay chỉ đến khi Sài Gòn chuẩn bị sụp đổ?
Nguyễn Hữu Hạnh: Câu hỏi tốt. Tôi có thể nói rằng người Việt Nam chúng tôi có tới 95% là có người thân ở cả hai phía. Tôi cũng có những người bà con là đảng viên cộng sản. Hay ông Võ Văn Kiệt, một người lãnh tụ ở miền Nam này, cũng có người thân bên phía chúng tôi.
Có điều, lúc đó người Mỹ chưa có hiểu người Việt Nam đâu. Nếu có ai đó mà có tội do liên quan đến cộng sản, ngay ở chính quyền Sài Gòn cũng vẫn có người cảm thông, giúp đỡ. Tôi không hiểu người Mỹ, hay CIA, có hiểu được điều này không, nhưng đây là một đặc điểm quan trọng của người Việt chúng tôi.
Vào ngày 2.5.1975, khi mà ông Dương Văn Minh gặp ông Trần Văn Trà - một tướng cộng sản, người nhận lãnh thành phố này -, ông Trà đã nói rằng giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng, mà dân tộc Việt Nam chúng ta thắng đế quốc Mỹ.
Don Kirk: Tôi có nghe về những trại cải tạo sau 4.1975. Chẳng hạn, đến năm 1985, tôi được nghe rằng có những người đi cải tạo mà vẫn chưa được về. Điều này có ngược lại tinh thần của Tướng Trà nói với Tướng Minh hay không?
Câu hỏi này cũng rất hay. Chắc ông cũng biết là trong lúc mới giải phóng, ý tưởng của Đảng (Cộng sản Việt Nam) là như vậy.
Nhưng nói thực sự với quý ông, tôi được mời tham vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của thành phố (HCM), nhưng mà tôi vẫn ái ngại về điều đó. 30 năm đánh nhau ắt hẳn phải có điều nọ điều kia giữa những người nọ và những người kia.
Vào năm 1988, tôi có viết một cái bài về hoà hợp dân tộc. Tôi vẫn nghĩ rằng (mặc dù) Đảng Cộng sản Việt Nam muốn điều này, nhưng vẫn còn để một số vấn đề xảy ra.
Sau bài viết của tôi, ông bí thư (thành uỷ), rồi ông chủ tịch Mặt trận, đã có những hành động tốt. Các quý vị cũng biết là sau khi hai bên đánh nhau, thì cũng có nhiều khó khăn để giải quyết lắm, và cũng cần thời gian.
Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của chính quyền Dương Văn Minh tại trại David, kể:
Chiều 28.4, ông Dương Văn Minh nhậm chức. Sáng 29.4, ông Dương Văn Minh cử tôi đưa một phái đoàn đi trại David, nơi có đại diện của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, để điều đình việc ngưng chiến.
Tôi được đại diện của phía bên kia cho biết là chiến dịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu, và vì thế không thể ngưng chiến ngay được, mà cần một thời gian.
Simon Dring: Vào lúc 11:30 ngày 30.4, ông đang ở đâu? Có phải đang trong trại David không?
Nguyễn Đình Đầu: Trưa 29.4 tôi đã về rồi.
Simon Dring: Khi đến trại David, không biết ông có thảo luận với phía Mỹ ở đó không?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu |
Chiều 29.4 vẫn còn đánh nhau. Chúng tôi cùng với ông Dương Văn Minh nghĩ rằng ngoài vấn đề thương thuyết, có lẽ chính quân đội của ông phải có thái độ "đàm phán" mạnh hơn nữa thì mới có thể ngưng chiến được.
Sáng 30.4, chiến sự vẫn diễn ra gần Sài Gòn. Đến 9 giờ ông Dương Văn Minh đã ra nhật lệnh cho quân đội là đơn phương ngừng bắn, và chờ bên đối phương đến để trao quyền hành.
Cho nên, việc giải phóng thành phố này không có chiến tranh, không có chuyện hai bên đánh nhau. Và đến 11:30 quân giải phóng chiếm được Dinh Độc lập.
Nhiệm vụ của tôi tuy không thành công, nhưng vẫn coi như đã thành công.
Nữ phóng viên từ Romania: Xin cho biết cuộc sống của ông 35 năm vừa rồi ra sao.
Nguyễn Đình Đầu: Trước 30.4.1975, người ta coi tôi thuộc thành phần thứ ba. Tôi có một số người bạn ở chế độ cũ, và có một số người bạn bên cách mạng. Do lẽ đó mà ông Dương Văn Minh nhờ tôi đi điều đình việc ngừng bắn vào 29.4.
Lúc đó tôi 55 tuổi, còn bây giờ tôi 90 tuổi. Sau ngày giải phóng, tôi không có công, nhưng cũng không có tội. Thành thử tôi được làm nghề nghiên cứu tự do. Nhờ trời thương nên cũng có một số kết quả trong các công trình nghiên cứu sử, địa.
Tôi muốn nhắc lại là cái giá của 30 năm chiến tranh (1945-1975) nó nặng nề lắm. Mọi người phải hiểu, để bình tĩnh mà phát triển.
Ông Dương Văn Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài. Ảnh tư liệu |
Luật sư Triệu Quốc Mạnh, nguyên Đô trưởng cảnh sát Sài Gòn - Gia Định, kể:
Trước giải phóng tôi là thẩm phán, từ năm 1963 đến tháng 4. 1975. Khoảng 14 ngày trước giải phóng, ông Dương Văn Minh ngỏ ý mời tôi nắm chức đô trưởng cảnh sát Sài Gòn - Gia định. Và khi nhậm chức, người đầu tiên ông Minh tuyên bố bổ nhiệm là tôi.
Mặc dù trong chính phủ Dương Văn Minh cũng có những người muốn nắm giữ cảnh sát để tiếp tục chống lại Cách mạng, nhưng ông Dương Văn Minh, theo chúng tôi biết, đã không muốn như vậy.
Cho nên, khi tôi nắm được cái đài chỉ huy tác chiến và lệnh của tôi là không được nổ súng trước. Lý do mà tôi giải thích là lúc đó là thời gian đang thương thuyết.
Tôi nói láo với họ rằng việc đàm phán là có kết quả 60% rồi cho nên toàn thể phải nghe tôi. Tôi chỉ huy bằng cách ra lệnh không được nổ súng trước, nên rất thuận lợi cho việc tiến quân vào Sài Gòn của bộ đội.
Điều thứ hai là tôi lập danh sách tất cả những tù chính trị và ký tên để phóng thích họ.
Điều thứ ba là giải tán lực lượng cảnh sát đặc biệt. Bởi cảnh sát có hai loại, một là loại mặc sắc phục chuyên giữ trật tự trị an, và hai là là loại đặc biệt, chuyên bắt bớ những người làm chính trị, sinh viên, công nhân....
Tôi ngồi trên chiếc xe, mang quân hàm chuẩn tướng, đi thị sát một số nơi, chứ không ở cùng nội các ông Minh trong Dinh Độc lập.
Tôi có thể nói với quý vị, chỉ huy kiểu đó, chắc có người cười tôi lắm. Nhưng sự hiệu quả là bộ máy cảnh sát gồm 16 ngàn người trở nên rệu rã trong ngay ngày 29.4.
Jim Pringle: Ông nghĩ như thế nào về việc Tướng Loan (Nguyễn Ngọc Loan), cũng là chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát, đã bắn chết một tù binh Việt Cộng trong ngày thứ nhất, hoặc ngày thứ hai của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968?
Luật sư Triệu Quốc Mạnh |
Ngày nào cũng vậy, (ông ta) cặp nách một chai rượu và tay bên kia cầm một khúc chả lụa,. Vừa nốc rượu, ông ta vừa làm việc với sĩ quan của mình.
Khi đó, Bộ trưởng Tư pháp của chế độ Sài Gòn là Huỳnh Đức Bửu dự hội nghị ở Teheran, và họ đã đưa cái ảnh đó (Tướng Loan bắn tù binh Việt Cộng) ra. Tay bộ trưởng này về nói với chính phủ là muốn độn thổ luôn.
Hồng Nga (BBC):
Tôi biết ông là đảng viện cộng sản. Vậy ông vào Đảng thế nào, và ông Dương Văn Minh có biết điều đó không, khi ông ta bổ nhiệm ông làm đô trưởng cảnh sát?
Gần 10 năm sau, khi có một bài báo của một người rất quan trọng viết, ông ta mới tiết lộ rằng tôi là người của Cách mạng.
Gia đình tôi, bạn bè tôi, tuyệt đối không ai biết tôi là người cộng sản. Chính vì vậy, ông Dương Văn Minh và nội các của ông ta cũng hoàn toàn không biết điều đó.
Cái ý của ông Minh, theo tôi nắm được, là một ngày nào đó có sự bàn giao giữa chính quyền mới và cũ sẽ có sự xáo trộn trong dân rất lớn. Thù oán, xung đột, giết chóc nhau. Vậy ai giữ gìn cái này, và ai có kinh nghiệm của xã hội Sài Gòn lúc này?
Chắc là anh em xung quanh ông Dương Văn Minh đánh giá tôi là người có sự chuyên nghiệp. Bởi tôi sinh tại đây, sống tại đây, trưởng thành tại đây, học và làm quan toà tại đây. Tôi cũng rất gần gũi với cảnh sát tại đây.
Simon Dring: Kể từ khi vào Đảng, ông đã có những đóng góp tích cực gì cho Cách mạng với tư cách thẩm phán?
Triệu Quốc Mạnh: Tôi vào Đảng Cộng sản tháng 6.1966. Tôi vừa đóng vai nói trên, vừa hoàn thành nhiệm vụ thẩm phán một cách hoàn hảo.
Về đóng góp cho Cách mạng, tôi có hai việc làm được.
Với tư cách thẩm phán, tức là làm cho Bộ Tư pháp, tôi nắm được mấy hồ sơ mật về an ninh mà toàn quốc gửi về cho Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp. Tôi thấy cái nào có lợi cho việc sớm chấm dứt chiến tranh, có lợi cho Cách mạng, tôi cũng có bàn với những người lâu lâu có liên hệ với tôi.
Nhiệm vụ thứ hai là tôi làm thẩm phán, có gần gũi với những người hoạt động chính trị, có xu hướng đòi độc lập, đòi hoà bình, thì bàn với họ làm sao để có cách hoạt động, nhất là gầy dựng phong trào có lợi.
No comments:
Post a Comment