Tuesday, February 15, 2011

02/02 Chương trình giảm nghèo Quốc gia bước sang giai đoạn mới

(02/02/2011-04:23:00 PM)

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau 5 năm nỗ lực thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo của Chinh phủ, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010.

Cây đậu tương ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên giúp người
dân nơi đây không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu lên


Chương trình giảm nghèo Quốc gia đạt thành quả bước đầu

Có thể nói Chương trình Giảm nghèo Quốc gia đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi, cải thiện đời sống đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay cả nước có 15 tỉnh, thành phố tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%, trong đó có 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% và không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương.

Đối với 62 huyện nghèo, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, tỷ lệ hộ nghèo trung bình đã giảm từ 47% (năm 2008) xuống còn khoảng 37% (vào cuối năm 2010), bình quân giảm 5%/năm, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40% như Nghị quyết 30a đề ra.
Các con số trên minh chứng cho những nỗ lực không ngừng suốt 5 năm qua trong công cuộc giảm nghèo.

Từ 2006 – 2010, khoảng 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn với mức vay bình quân 7 – 8 triệu đồng/lượt/hộ, đạt 103,3% kế hoạch năm. 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật được triển khai. 150 ngàn lao động nghèo được dạy nghề miễn phí.

2.500 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư ở 273 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo. 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 500 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), kết quả giảm nghèo thời gian qua chưa thực sự bền vững, khả năng tái nghèo còn cao do thu nhập bình quân của người dân các xã đặc biệt khó khăn chỉ 4,6 triệu đồng/năm, bằng 1/6 mức bình quân chung cả nước.

Chuẩn nghèo mới và nỗ lực cao hơn để xóa nghèo

Để tiếp tục thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo trên cả nước, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống; Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm) trở xuống; Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng;
Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

Nếu tính theo chuẩn mới (thu nhập 400.000 đồng/người/tháng), tỷ lệ hộ nghèo ở các xã này sẽ tăng lên đến 60%, với 1,4 triệu hộ và khoảng 6,3 triệu người nghèo. Nhiều xã ở Tây Bắc, tây Nghệ An, tây Thanh Hóa, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 80- 85%. Vì vậy, cần xây dựng một Chương trình Giảm nghèo quốc gia mang tính toàn diện và bền vững, theo hướng phân cấp và trao quyền tự chủ cho địa phương trong quá trình giải ngân triển khai các dự án phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo quốc gia cho rằng, “5- 10 năm tới, phải tạo ra bước đột phá trong công tác giảm nghèo”.

“Đây là cuộc đầu tư cả tâm lực, trí lực, tình cảm và trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị cho 15- 16 triệu đồng bào còn ở mức đáy của thu nhập xã hội. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần chủ động trong việc triển khai các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước để làm sao chúng ta tạo được một bước chuyển nhanh hơn, vững chắc hơn về Chương trình Giảm nghèo. Dứt khoát phải tạo ra được sự ổn định của đất nước, để chênh lệch giàu nghèo đỡ giãn ra hơn. Chúng ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI cũng là để thực hiện 5 năm đầu tiên của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2010 -2020”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói.

Với những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị định về công tác dân tộc và Chương trình 135 giai đoạn 3 sắp được Chính phủ ban hành sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho công tác giảm nghèo quốc gia, nhằm giảm 1/3 số hộ nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực này lên bằng 1/3 bình quân cả nước.

Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: “Tiếp tục tạo cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội. Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo theo chuẩn mới phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn khác. Khuyến khích người dân làm giàu theo pháp luật, tăng nhanh số hộ có thu nhập trung bình khá trở lên, giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm, hạn chế phân hoá giàu nghèo”.




Công Trí
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

04/02 Năm 2011: Dệt may chuyển đổi về chất

(04/02/2011-04:15:00 PM)

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phải đi liền với nâng cao giá trị gia tăng của từng sản phẩm. Có như vậy, trong tương lai, dệt may mới trở thành mặt hàng có sức cạnh tranh cao, bền vững trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tăng trưởng gắn với chất lượng

Năm 2011, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 12,5 - 13 tỷ USD. Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp (DN) duy trì khách hàng hiện có, tiếp tục tìm kiếm thị trường, khách hàng và dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Sau nhiều năm tăng trưởng xuất khẩu bình quân 30%/năm, hàng may mặc Việt Nam chính thức lọt vào top 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Hiện nay, nhiều DN dệt may đã ký được đơn hàng cho đến hết quý II/2011, thậm chí là đến hết năm 2011. Đơn giá gia công cũng tăng 10 - 20% so với năm 2010.

Ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10, cho biết, đối tác và khách hàng nhiều là cơ hội để các DN dệt may Việt Nam lựa chọn những đơn hàng với các mặt hàng có giá trị gia tăng cao để ký kết. Việc ký được các đơn đặt hàng này là tín hiệu khá mừng cho các DN.
Tuy nhiên, lâu nay, ngành dệt may vẫn bị coi là “đi trên đôi chân của người khác” vì có tới 95% nhu cầu xơ bông, 70% nhu cầu sợi tổng hợp, 60% nhu cầu vải dệt thoi… cho toàn ngành phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chưa kể, thị trường nội địa đang bị yếu thế so với xuất khẩu và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi xuất khẩu gặp khó khăn. Do đó, để hội nhập toàn diện vào WTO, theo ông Lê Quốc Ân – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may trong nước phải có sự “chuyển đổi về chất”.

Và để thực hiện được mục tiêu kể trên, ông Vũ Đức Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: “Ngành dệt may phải phấn đấu hoàn thành 8 chương trình trọng điểm, về đầu tư sản xuất nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư hạ tầng và nguồn nhân lực…”.
Quá trình cụ thể hoá những chương trình này cần thiết phải có sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía Chính phủ như chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài; chính sách hỗ trợ di dời các xí nghiệp về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; miễn thu thuế GTGT đối với vải cung cấp cho may mặc xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu dệt may, Trung tâm đào tạo chất lượng cao và hợp tác quốc tế để cập nhật cho cán bộ về kiến thức hội nhập và tranh chấp quốc tế… Đây cũng là những kiến nghị của VITAS nhằm giúp ngành dệt may Việt Nam hội nhập và đứng vững trên “biển lớn”.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nhằm tạo đột phá về năng suất, công nghệ trong sản xuất, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng mua máy móc thiết bị hiện đại. Ngành cũng sẽ tập trung liên kết những DN xuất nhập khẩu, tổ chức lại việc cung ứng nguyên phụ liệu trong nước; triển khai đề án xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại đủ tiêu chuẩn thay cho các thiết bị nghiên cứu thử nghiệm chất lượng hàng dệt may đã cũ.

Hiện nay giá trị thặng dư của nhiều DN dệt may cũng tăng rất nhanh do nâng tỉ lệ sử dụng nguyên phụ liệu trong nước.

Một số DN ở một số tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án di dời sản xuất ra khỏi khu vực nội thành để tăng năng lực sản xuất; tăng cường đầu tư chiều sâu, hợp tác với các đối tác nước ngoài để đầu tư sản xuất vải dệt thoi, vải dệt kim cao cấp, giúp ngành chủ động về nguyên liệu, có thể tăng trưởng và phát triển bền vững.

Để giải quyết bài toán nguyên phụ liệu cho ngành dệt may tăng trưởng bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015”.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã dự kiến dành hơn 1.400 tỷ đồng cho các chương trình trọng điểm này. Hiện Tập đoàn đã triển khai 2 trong số 8 dự án trồng bông nguyên liệu, nhằm hình thành vùng nguyên liệu 2.000 ha.

Ngoài ra, Tập đoàn Dệt may Việt Nam còn phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất sợi tổng hợp tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) công suất 600 tấn/ngày, dự kiến năm 2012 đi vào sản xuất, đáp ứng 100% nhu cầu xơ, sợi tổng hợp cho ngành dệt; xây dựng 4 Khu công nghiệp dệt, nhuộm tại Ninh Bình, Nam Định, Long An và Trà Vinh nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may.

Bên cạnh đó, việc phát triển công nghiệp phụ trợ là vấn đề cấp bách, là một hướng đi đúng nhằm chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu cho sản xuất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới.



Vũ Trọng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ