15:31 | 25/10/2011
Sáng nay, 25.10, QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố cáo. Để luật có tính khả thi, thực sự đi vào cuộc sống và trở thành một trong những công cụ hữu hiệu để mọi người, cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền tố cáo không chỉ đơn thuần là chọn, tách các nội dung liên quan đến tố cáo trong Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành để biên tập thành Luật Tố cáo như dự thảo luật hiện nay mà phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để xây dựng một dự án luật bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện và phù hợp với điều kiện phát triển KT - XH của đất nước...
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Quy định về bảo vệ người tố cáo vẫn thiên về hình thức
Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo ở Điều 9, Điều 10 và Điều 11. Ở đây có một cơ chế là cơ chế bảo vệ bí mật thông tin đối với người tố cáo. Trong thực tế rất nhiều người muốn được giữ bí mật về thông tin khi thực hiện việc tố cáo, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp công khai tố cáo, thậm chí sẵn sàng lộ diện để thực hiện việc tố cáo đó. Vấn đề đặt ra ở đây là trong những trường hợp không muốn giữ bí mật thông tin thì có nên đặt vấn đề về việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo hay không? Theo tôi được biết, dự thảo luật trước đây cũng được soạn thảo theo hướng này, nhưng sau khi xin ý kiến của các Đoàn ĐBQH thì dự thảo luật lại được chỉnh lý theo hướng là phải giữ bí mật thông tin của tất cả những trường hợp tố cáo. Tôi đề nghị cân nhắc. Bởi khi công khai danh tính của người tố cáo thì giải quyết sẽ tạo rất nhiều thuận lợi. Đứng ở góc độ người bị tố cáo cũng muốn tự bảo vệ mình để tránh khỏi việc lợi dụng giải quyết tố cáo vi phạm đến quyền và bản thân. Trong thực tế có rất nhiều người khi bị tố cáo cũng nêu rằng phải cho biết tính xác thực cũng như tính hợp pháp của đơn tố cáo. Trong luật không công nhận việc tố cáo nặc danh cho nên người bị tố cáo cũng có quyền yêu cầu cho biết tính xác thực và hợp pháp của đơn tố cáo đó. Tôi nghĩ rằng nên chăng phải tính toán lại về việc ở Điều 10 có nên quy định yêu cầu, quyền đó của người bị tố cáo hay không? Trong điểm này tôi nghĩ nên quy định một cách nhất quán trong Điều 9, 11, 36 là bảo vệ bí mật và chỉ khi có yêu cầu của người tố cáo.