Sunday, August 21, 2011

21/08 Chính sách của ngân hàng Nhà nước theo hướng nào?


Thị trường đang chờ đón gói giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được cho là sẽ đưa ra trong những tuần cuối tháng 8 này.

Tóm tắt:
  • NHNN đang đứng trước tình thế phải có biện pháp xử lý 3 vấn đề cấp bách: Giảm lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá; khơi thông nguồn vốn.
  • Ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch UBGS Tài chính Quốc gia cho rằng NHNN nên theo hướng: thắt chặt tiền tệ; linh hoạt điều tiết cung tiền; bãi bỏ các quy định hành chính như trần lãi suất, hạn mức tỷ lệ cho vay tại TT 13 và 19.
  • Ông Trần Đình Thiên - viện trưởng viện Kinh tế cho rằng lãi suất cho vay về 17% - 19%/năm ngay trong tháng 9 là khó khả thi. NHNN không nên vội điều chỉnh tỷ giá.
Một lý do nữa khiến dư luận chờ đợi là qua gói giải pháp thấy được phần nào quan điểm của tân thống đốc NHNN về điều hành chính sách tiền tệ.

Thực trạng của nền kinh tế và thị trường tiền tệ đang đặt NHNN trước tình thế phải có biện pháp xử lý ba vấn đề cấp bách: Giảm lãi suất cho vay VND về mức 17% - 19% ngay trong tháng 9; giữ cho được sự ổn định tương đối của tỷ giá VND/USD trước áp lực lạm phát và tăng cầu ngoại tệ; khơi thông nguồn vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh đang có dấu hiệu lâm vào đình đốn do thiếu vốn.
Chính sách mang tính thị trường hơn
Tại hội thảo “Thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam - Những thách thức và dự báo đến cuối năm 2011 và gợi ý giải pháp cho các ngân hàng thương mại (NHTM)/doanh nghiệp ” tổ chức tại Hà Nội ngày 21.8, ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đã nêu ra các kiến nghị chính sách (những kiến nghị này theo nhận xét của một người nghe là khá tương đồng với gói giải pháp mà NHNN sắp đưa ra) thì giải pháp sắp tới của NHNN nên theo hướng hợp lý và mang tính thị trường hơn như: thắt chặt tiền tệ hợp lý; tăng cung tiền hợp lý; bãi bỏ các quy định hành chính như trần lãi suất, hạn mức tỷ lệ cho vay chỉ được 80%/tổng vốn huy động (quy định tại thông tư 19)...
NHNN sẽ đóng vai trò người môi giới tiền tệ?
Trả lời câu hỏi về việc làm thế nào NHNN có thể giải quyết vấn đề giảm lãi suất cho vay VND, ông Nghĩa nói : “Theo tôi được biết, sắp tới NHNN sẽ có cuộc họp với các NHTM để bàn biện pháp điều hòa vốn. Nhiều khả năng, NHNN sẽ đóng vai trò như người môi giới tiền tệ (điều hòa vốn từ ngân hàng thừa thanh khoản sang ngân hàng thiếu thanh khoản) và có cam kết với các ngân hàng nhỏ về đảm bảo thanh khoản của họ. Đó là biện pháp can thiệp của NHNN. Còn về khách quan thì đã có nhiều dấu hiệu cho thấy cầu tín dụng đang giảm mạnh. Đó là tỷ lệ gia tăng hàng tồn kho, có thông tin khoảng 30% doanh nghiệp không tiêu thụ điện không đóng thuế. Doanh nghiệp không đầu tư, dân chúng không tiêu dùng thì ngân hàng để lãi cao bán được vốn cho ai? Tự thân ngân hàng thương mại cũng phải buộc giảm lãi suất cho vay".
Tuy nhiên, về vấn đề này, TS Trần Đình Thiên - viện trưởng viện Kinh tế lại có ý kiến khác, ông cho rằng việc NHNN tuyên bố giảm nhanh lãi suất cho vay về 17% - 19%/năm ngay trong tháng 9 là khó khả thi và bắn đi tín hiệu sai cho thị trường là lạm phát sẽ giảm, trong khi thực tế lạm phát có thể quay lại xu hướng tăng mạnh bất cứ lúc nào.
Về tỷ giá, trong khi TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính) cho rằng VND đang bị định giá quá cao, mức quân bình của tỷ giá VND/USD phải vào khoảng 25.000 đồng thì TS Lê Xuân Nghĩa nói rằng từ nay đến cuối năm tỷ giá sẽ không vượt qua 21.000 đồng, chỉ tăng vào khoảng 1%-2%. Lý do: Nhập siêu của Việt Nam đã có xu hướng giảm; thị trường ngoại hối đang tương đối ổn định, dự trữ ngoại tệ của NHNN đã tăng đáng kể... Bên cạnh đó từ nay đến cuối năm NHNN sẽ tiếp tục sử dụng liên tiếp các công cụ của chính sách tiền tệ để giữ ổn định tỷ giá theo mục tiêu. Theo TS Thiên thì trong 2 năm qua, Việt Nam đã 4 lần điều chỉnh tỷ giá là quá nhiều, nên không vội vã tiếp tục điều chỉnh nữa.
Chờ kiểm nghiệm của thị trường
Nếu các biện pháp của NHNN sắp tới giống kiến nghị chính sách mà ông Lê Xuân Nghĩa đã nêu ra thì sẽ diễn ra các khả năng sau: linh hoạt hơn trong cung tiền, không quá thắt chặt nữa; bỏ lãi suất trần huy động VND (trần lãi suất huy động USD có thể còn cân nhắc); bỏ một số quy định mang tính hành chính trong thông tư 13 và 19, nhất là quy định về sử dụng 80% vốn huy động để cho vay; tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ và thu hẹp hơn đối tượng vay ngoại tệ để giảm cầu ngoại tệ; quy định hạn mức tín dụng chung và tín dụng phi sản xuất đối với từng nhóm ngân hàng (không cào bằng 20%) dựa trên các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng....
Thị trường đang chờ đón các giải pháp của NHNN. Cho dù những giải pháp mới được dự đoán là không can thiệp hành chính sâu, mang tính thị trường hơn, nhưng tất cả còn chờ sự kiểm nghiệm của thị trường trong những tháng cuối năm 2011.
Theo Trí Dũng
SGTT

21/08 Sáng tạo vượt khó là tinh thần chủ đạo của doanh nghiệp

07:24 | 21/08/2011
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chủ động, sáng tạo vượt khó là tinh thần chủ đạo được doanh nghiệp nước ta vận dụng. Với phương châm tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp hoặc tiếp tục kiên trì với chiến lược kinh doanh đã đề ra, hoặc chuyển đổi lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, không để đồng vốn chết, tiếp tục làm ra của cải vật chất cho xã hội, duy trì việc làm cho người lao động, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Nguồn: dddn.vn
Hiện nay, khó khăn về vốn và thị trường đang ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những tin vui về sự phát triển của doanh nghiệp Việt trên thương trường. Trong đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tiếp tục được các tổ chức đánh giá là doanh nghiệp có uy tín do phát triển vững chắc trong thời gian qua. Trong cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp, tiếp cận mọi đối tượng tiêu dùng trong nước. Doanh nghiệp cũng tham gia nhiều chương trình mang tính nhân văn, vì cộng đồng, như xây dựng Quỹ sữa vươn cao Việt Nam với mục tiêu nâng cao thể chất và trí lực cho thế hệ trẻ. Theo Giám đốc điều hành Nguyễn Quốc Khánh, Vinamilk đặt mục tiêu trở thành một trong 50 công ty hàng đầu thế giới trong ngành chế biến sữa; cung cấp tới người tiêu dùng những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Khi nước ta mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, có nhiều dự đoán doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ bị các đại gia phân phối nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đối mặt với khó khăn, các doanh nghiệp phân phối trong nước đã vươn lên mạnh mẽ, cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài trong thế yếu hơn về vốn, công nghệ và quản lý. Việc mở rộng hệ thống bán lẻ trên toàn quốc của Saigoncoop, Fivimart, Hapromart... đã chứng minh thực tế này. Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội Mai Khuê Anh khẳng định, doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã cạnh tranh tốt được với doanh nghiệp nước ngoài. Và để không bị thua trên sân nhà, doanh nghiệp bán lẻ trong nước tiếp tục nỗ lực để cạnh tranh được với những tập đoàn phân phối lớn trên thế giới có kế hoạch thâm nhập thị trường nước ta.  
Những ví dụ trên đây đều là doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu, có thực lực và vượt khó tương đối thuận lợi. Còn đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh khó khăn, thậm chí phải giải thể, ngừng hoạt động. Nhưng thực tế cũng cho thấy, một số doanh nghiệp vẫn ăn nên làm ra bằng sự năng động, sáng tạo của mình. Ví dụ là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, đồ mỹ nghệ là thứ hàng hóa được ưu tiên cắt giảm trong mua sắm của các gia đình, kéo theo sự thu hẹp thị trường. Trước khó khăn này, doanh nghiệp đã chủ động lựa chọn phân khúc người có thu nhập khá để khai thác, giúp tăng lượng hàng hóa được tiêu thụ. Doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới thiết kế mẫu mã, tìm chất liệu độc đáo, giúp tăng doanh thu. Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ nghệ Viễn Đông Nguyễn Sơn Hà cho biết, việc thuê thiết kế nước ngoài đã giúp tạo sự độc đáo cho sản phẩm, từ đó, tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường nước ngoài.
Thống kê của các Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã xin phá sản ở lĩnh vực này, nhưng lại đăng ký kinh doanh ở lĩnh vực khác để thích ứng với điều kiện mới. Như vậy, doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ đều vận dụng hiệu quả bài học lớn từ Cách mạng tháng Tám mùa thu lịch sử 1945 là biết tận dụng thời cơ. Doanh nghiệp vẫn tìm được những cơ hội trong khó khăn, đặc biệt là biến cái khó thành điều kiện tốt để cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới Võ Đại Lược, không nên nhìn nhận việc phá sản, giải thể doanh nghiệp một cách tiêu cực. Việc doanh nghiệp xin phá sản ở lĩnh vực này, lại đăng ký kinh doanh ở lĩnh vực khác thể hiện quá trình thay đổi cơ cấu hoạt động của mình, chọn mô hình hoạt động toàn diện hơn. Và với vai trò là lực lượng kinh tế nòng cốt, tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ dẫn dụ, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Ngọc Diệu

21/08 Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

07:23 | 21/08/2011
Với những thay đổi căn bản trong phương thức quản lý, Luật Doanh nghiệp được ví như một đòn bẩy cho các doanh nghiệp chủ động sáng tạo phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
Sau 5 năm áp dụng trong thực tiễn, Luật Doanh nghiệp đã cho thấy những ưu điểm và hạn chế. Vì vậy, việc rà soát Luật và các văn bản hướng dẫn là việc làm có ý nghĩa lớn trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại và làm khó cho cả Nhà nước, doanh nghiệp sẽ tạo một cơ chế quản lý hợp lý, từ đó, tạo môi trường kinh doanh tốt cho lực lượng kinh tế này. Trong đó, vướng mắc lớn nhất với doanh nghiệp là do quy định không cụ thể về thủ tục pháp lý trước khi thành lập công ty. Hệ quả của tình trạng này là nhiều hợp đồng đã được ký kết trước khi thành lập sẽ được hợp thức hóa khi được cấp giấy phép kinh doanh. Điều này khiến doanh nghiệp lúng túng không biết con gà có trước hay quả trứng có trước. Doanh nghiệp có trước hay hoạt động kinh doanh có trước không được phân định rõ vừa gây lúng túng cho người sáng lập, vừa có thể bị lợi dụng để hình thành doanh nghiệp ma. 
Về việc xác định ngành nghề đăng ký kinh doanh, theo Luật sư Vũ Anh, các văn bản quy phạm pháp luật còn nhầm lẫn giữa ngành nghề kinh tế và kinh doanh thực tế. Đăng ký ngành nghề kinh doanh phụ thuộc vào ý tưởng của người điều hành, lãnh đạo và những người có trí tuệ, ý tưởng. Ý tưởng này phải đi trước người khác thế thì làm sao có được trong những ngành nghề mà hiện đang được quy định. Vì vậy, nhiều cá nhân, tổ chức loay hoay khi đăng ký thành lập doanh nghiệp do không tìm được ngành nghề kinh doanh phù hợp với ý tưởng. Hơn nữa, quy định của pháp luật không làm hạn chế khả năng sáng tạo của doanh nghiệp, song cơ quan chức năng khó quản lý sát sao hoạt động kinh doanh. Bởi bộ khung ngành nghề cứng sẽ buộc cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải sửa đổi hợp đồng để phù hợp với pháp luật. Luật sư Vũ Anh đề nghị, để tránh tình trạng nắn chân cho vừa giầy, nên quy định đăng ký kinh doanh theo ý tưởng; cơ quan đăng ký kinh doanh có nhiệm vụ rà soát xem lĩnh vực đó có thuộc pháp luật không cấm, hay có ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục không. Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Cao Bá Quát cho rằng, việc dùng mã ngành kinh tế theo Quyết định 10/2007 của Thủ tướng Chính phủ để khai vào hồ sơ đăng ký kinh doanh hiện nay là không hợp lý. Hãy để tự người dân đăng ký theo ý tưởng đầu tư của mình, tự lựa chọn ngành nghề kinh doanh.
Đối với vấn đề con dấu, một số ý kiến cho rằng, đây chỉ là một dấu hiệu nhận dạng doanh nghiệp, không là căn cứ pháp lý do dễ bị làm giả. Hình thức này không có khả năng xác nhận lại bằng vân tay, chữ ký, con ngươi, AND. Vì vậy, không nên bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu. Doanh nghiệp muốn có con dấu có thể tự quy định hoặc điểm dấu của mình và đăng ký bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, con dấu được cơ quan có thẩm quyền cấp, nên có đầy đủ tính hợp pháp. Trong khi đó, việc photo chữ ký rồi sau đó đóng dấu đang được thực hiện tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Do vậy, để phù hợp với thực tế nước ta không thể tách bạch chữ ký và con dấu. Khi nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, thì cần duy trì con dấu để bảo đảm hiệu lực, chặt chẽ của việc xác lập, thực hiện các giao dịch của doanh nghiệp.
Vấn đề bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh cũng được đặt ra trong quá trình rà soát Luật Doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thay Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Một số ý kiến đề nghị, cần quy định thống nhất và rõ ràng đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhất là khi doanh nghiệp này đã tạo công ăn, việc làm, nộp thuế, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta trong thời gian qua. Nhưng theo đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, các quy định hạn chế đầu tư trong pháp luật đối với nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết để bảo vệ đầu tư trong nước, bảo đảm chủ quyền lãnh thổ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Các nguyên tắc bình đẳng cơ bản trong khuôn khổ WTO cũng đều có những quy định ngoại lệ về việc phân biệt về quyền tiếp cận nguồn lực, phạm vi đầu tư và các biện pháp trợ cấp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, trên thế giới chưa có quốc gia nào cào bằng ranh giới quyền và nghĩa vụ giữa hai loại chủ thể đầu tư này.
Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác là định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản này để tháo gỡ khó khăn cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung văn bản luật cần tính đến tác động toàn diện, cũng như sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Thực tế, một số khó khăn với doanh nghiệp hiện nay cũng do các văn bản quy phạm pháp luật có quy định trái ngược nhau.
Mạnh Quang

21/08 Công tác chỉ đạo của Thường trực HĐND đối với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND trong việc tham mưu và phục vụ kỳ họp HĐND tỉnh

07:36 | 21/08/2011
Tham luận của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ do UỶ VIÊN THƯỜNG TRỰC NGUYỄN XUÂN SƠNtrình bày
Kỳ họp HĐND là hình thức hoạt động chủ yếu, trực tiếp, tập trung nhất của các đại biểu HĐND để thực hiện chức năng quyết định và giám sát những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND. Để từng bước nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, công tác chuẩn bị là yếu tố quan trọng, trong đó vai trò tham mưu, phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND (Văn phòng) là một trong những nhân tố quyết định, vì chức năng nhiệm vụ của Văn phòng là giúp Thường trực HĐND xây dựng chương trình, tổ chức phục vụ, đôn đốc các cơ quan chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp HĐND, cuộc họp của Thường trực HĐND; giúp Thường trực, các ban HĐND tỉnh xây dựng báo cáo công tác, giúp việc các ban HĐND trong hoạt động thẩm tra, giúp Thường trực HĐND hoàn thiện các nghị quyết của HĐND tỉnh. Phối hợp với các cơ quan trong hoạt động tiếp xúc cử tri; tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi các cơ quan tổ chức có trách nhiệm xem xét, giải quyết.
Để kỳ họp HĐND tỉnh thực sự có hiệu quả, thiết thực, đảm bảo đúng quy trình, tính pháp lý, trong những năm gần đây Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động chỉ đạo Văn phòng thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc Thường trực, các Ban HĐND trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp HĐND:
Trước hết là phải chủ động trong công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp theo luật định, tại kỳ họp cuối năm trước, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh chương trình xây dựng nghị quyết, chương trình giám sát năm sau trình HĐND tỉnh thông qua. Theo quy định thì trước kỳ họp 40 ngày Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan liên quan để thống nhất nội dung chương trình kỳ họp HĐND tỉnh; tuy nhiên, đối với Vĩnh Phúc kỳ họp HĐND tỉnh có nhiều nội dung, ngoài các nội dung theo luật định thì mỗi kỳ họp trung bình UBND tỉnh trình từ 10 chuyên đề trở lên; để các cơ quan, các ban HĐND tỉnh có thời gian chuẩn bị kỹ các nội dung kỳ họp nên trước kỳ họp 2 tháng Văn phòng tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch để thống nhất nội dung, chương trình, thời gian tổ chức kỳ họp đồng thời tại hội nghị này Văn phòng tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh thống nhất phân công trách nhiệm tới từng cơ quan, các ban HĐND tỉnh trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp, ấn định thời gian thực hiện, thời gian gửi tài liệu. Để hội nghị liên tịch thành công bảo đảm các nội dung đều được thống nhất, đặc biệt là các nội dung chuyên đề, Văn phòng giao cho các chuyên viên nghiên cứu từng nội dung theo lĩnh vực được phân công để tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh những nội dung không thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh sẽ được thống nhất không đưa vào chương trình kỳ họp. Đối với các chuyên đề phức tạp giao các chuyên viên có nhiệm vụ tham gia ngay từ khi xây dựng báo cáo, đề án để tham mưu cho Thường trực, các ban HĐND tỉnh. Các tài liệu trình kỳ họp đều được Thường trực HĐND chỉ đạo Văn phòng có văn bản hướng dẫn để các cơ quan thực hiện theo đúng quy trình luật định, định kỳ hàng tuần kiểm điểm tiến độ chuẩn bị, đôn đốc các cơ quan gửi văn bản trình kỳ họp qua Văn phòng để gửi các đại biểu HĐND tỉnh đúng thời gian quy định.
Trước kỳ họp 30 ngày, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng tham mưu xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri; kế hoạch họp Tổ đại biểu HĐND tỉnh, phân công lãnh đạo Văn phòng, chuyên viên dự các buổi tiếp xúc cử tri, các buổi họp Tổ đại biểu HĐND tỉnh, mỗi một Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri ít nhất 2 điểm, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng xây dựng đề cương hướng dẫn cụ thể giúp các đại biểu tiếp xúc cử tri, trong đó dành thời lượng thích hợp để cử tri phát biểu. Sau các cuộc tiếp xúc cử tri, tiến hành họp Tổ, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đều phải tổng hợp các ý kiến gửi Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực giao Văn phòng phân loại tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến UBND tỉnh và đề nghị UBND tỉnh có báo cáo kết quả giải quyết tại kỳ họp để các đại biểu và cử tri trong tỉnh được biết. Các ý kiến thảo luận tại các Tổ được Văn phòng tổng hợp gửi các đại biểu HĐND tỉnh biết và tại kỳ họp đại biểu chỉ thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, như vậy rút ngắn được thời gian tổ chức kỳ họp nhưng nội dung kỳ họp vẫn bảo đảm, chất lượng kỳ họp được nâng lên.
Việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc các ban HĐND tỉnh trong hoạt động thẩm tra: trên cơ sở thống nhất nội dung kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng tham mưu xây dựng kế hoạch điều hòa phối hợp để các Ban tiến hành thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; đồng thời phân công chuyên viên nghiên cứu các chuyên đề và đưa ra ý kiến của Văn phòng về nội dung thẩm tra, chuẩn bị các tài liệu cần thiết để làm cơ sở giúp các Ban tiến hành thẩm tra; kết thúc các buổi thẩm tra Văn phòng có nhiệm vụ tổng hợp các ý kiến của đại biểu, xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra tham mưu cho các ban HĐND tỉnh quyết định. Với quan điểm báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của các ban, nêu rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cung cấp thông tin về cơ sở pháp lý và thực tiễn để đại biểu HĐND tỉnh thảo luận, quyết định.
Trên cơ sở kết quả thảo luận Tổ đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp, kết quả các cuộc thẩm tra của các ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng tổng hợp những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Tổ đại biểu HĐND và các ban HĐND với cơ quan trình để Thường trực HĐND tỉnh báo cáo Đảng Đoàn HĐND tỉnh và hướng dẫn để đại biểu thảo luận tại kỳ họp.
Để hoạt động chất vấn thực sự có hiệu quả Thường trực HĐND tỉnh giao cho Văn phòng tổng hợp lại những vấn đề mà cử tri bức xúc qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp dân, hoạt động giám sát, phân công các ban HĐND chuẩn bị mỗi Ban từ 3-  câu hỏi chất vấn, Văn phòng tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để lựa chọn nội dung chất vấn báo cáo Đảng Đoàn HĐND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo và chuyển đến UBND tỉnh để chuẩn bị trả lời chất vấn tại kỳ họp. Đồng thời yêu cầu các Sở, ngành có báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện lời hứa tại phiên chất vấn kỳ họp trước để HĐND và cử tri theo dõi, giám sát.
Trước 7 ngày khai mạc kỳ họp, Văn phòng tham mưu nội dung tổ chức hội nghị Đảng Đoàn HĐND tỉnh để Đảng Đoàn cho ý kiến chỉ đạo nội dung, chương trình điều hành kỳ họp, những nội dung còn có ý kiến khác nhau chưa thống nhất giữa cơ quan trình và các ban HĐND tỉnh, thống nhất nội dung chất vấn tại kỳ họp và rà soát chỉnh lý dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh trình kỳ họp tạo sự thống nhất cao để Đảng Đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo thành công kỳ họp.
Chỉ đạo Văn phòng phối hợp với các cơ quan tuyên truyền về kỳ họp HĐND, toàn bộ nội dung, chương trình kỳ họp được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh để cử tri được biết, theo dõi. Đặc biệt trong những kỳ họp gần đây Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện lấy ý kiến nhân dân vào các nội dung chuyên đề trình kỳ họp thông qua Cổng Thông tin giao tiếp điện tử của tỉnh, sau đó giao cho Văn phòng phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp gửi các đại biểu HĐND tỉnh để thảo luận; tổ chức truyền hình trực tiếp toàn bộ thời gian diễn ra kỳ họp; đăng nội dung các nghị quyết của HĐND tỉnh sau kỳ họp trên các số báo của tỉnh và trên Website của tỉnh để nhân dân được biết thực hiện và giám sát.
Công tác phục vụ cho kỳ họp: Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng chuẩn bị tốt cả về nội dung, các điều kiện vật chất, kỹ thuật, bảo đảm an ninh trật tự, y tế, đón tiếp đại biểu, thông tin tuyên truyền, thực hiện chế độ cho đại biểu trong thời gian diễn ra kỳ họp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đại biểu hoạt động góp phần cho thành công của kỳ họp HĐND tỉnh.
Tuy nhiên, với vai trò Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng, điều hòa phối hợp với các ban HĐND tỉnh trong công tác chuẩn bị kỳ họp HĐND vẫn còn những tồn tại cơ bản là:
Trong công tác chỉ đạo Văn phòng tham mưu nội dung các kỳ họp tuy đã có sự thống nhất cao giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh song vẫn còn một số nội dung bổ sung vào các kỳ họp gấp về thời gian; biết rằng đó là những nội dung cần thiết phải thông qua HĐND tỉnh quyết định cho sự phát triển KT - XH của tỉnh; song sẽ là công việc gây khó khăn cho Văn phòng, các ban HĐND tỉnh trong công tác chuẩn bị các tài liệu cho đại biểu và hoạt động thẩm tra để đảm bảo đúng quy định của luật.
Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đều chủ động chỉ đạo Văn phòng xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các Tổ đại biểu HĐND tỉnh họp Tổ, song chất lượng họp Tổ của các Tổ đại biểu HĐND trước kỳ họp còn rất hạn chế chưa có nhiều đóng góp cho hoạt động kỳ họp HĐND; trách nhiệm của Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND tỉnh còn hạn chế, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, vì vậy việc đăng ký chất vấn, thảo luận còn ít, chất vấn còn chung chung chưa cụ thể, truy đến cùng.
Một số đại biểu là thành viên các ban HĐND trong công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp chưa thực sự quan tâm, có những cuộc thẩm tra của các Ban thành viên vắng nhiều, Văn phòng lại phải thêm một bước là xin ý kiến các đồng chí thành viên Ban vắng mặt vào dự thảo báo cáo thẩm tra của Ban như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian hoàn thiện báo cáo.
Qua quá trình chỉ đạo Văn phòng chuẩn bị kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, phải khẳng định rằng công tác chuẩn bị cho mỗi kỳ họp HĐND nếu được thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng là yếu tố quyết định cho sự thành công của kỳ họp, quyết định đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Hai là, trong chỉ đạo điều hành công tác chuẩn bị kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND phải thể hiện sự tập trung thống nhất cao, phối hợp chặt chẽ với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan liên quan, thường xuyên đôn đốc kiểm tra các ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trong việc thực hiện những nội dung chuẩn bị kỳ họp được phân công.
Ba là, sớm chỉ đạo Văn phòng tham mưu tổ chức cuộc họp liên tịch với UBND, Ủy ban MTTQ, các ban HĐND và các cơ quan liên quan để thống nhất nội dung, thời gian kỳ họp, phân công trách nhiệm các cơ quan chuẩn bị nội dung với những yêu cầu đặt ra theo đúng luật định. Chỉ đạo Văn phòng giao cho các chuyên viên tham mưu cho các ban HĐND tỉnh phối hợp với các cơ quan trong quá trình chuẩn bị các nội dung nhất là các nội dung chuyên đề để giúp cho các ban có đầy đủ thông tin phục vụ công tác thẩm tra; báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh phải thể hiện rõ được những căn cứ pháp lý và thực tiễn của chuyên đề, nêu được những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, những vấn đề cần giải trình làm rõ để cung cấp cho đại biểu HĐND có căn cứ pháp lý và thực tiễn để thực hiện chức năng quyết định. Kiên quyết không đưa vào kỳ họp những nội dung chuyên đề chuẩn bị chưa kỹ chưa có đủ căn cứ để HĐND quyết định và những chuyên đề không thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh để bảo đảm nghị quyết HĐND tỉnh khi ban hành không trái với pháp luật, phù hợp với lòng dân và đi vào cuộc sống.
Bốn là, qua kết quả họp Tổ trước kỳ họp, báo cáo thẩm tra của các ban, kết quả nghiên cứu của Văn phòng, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng tổng hợp những vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan trình và Thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND, nêu rõ lý do, quan điểm chỉnh sửa để cung cấp cho đại biểu thảo luận thống nhất trước khi thông qua nghị quyết HĐND.