Sunday, August 28, 2011

28/08 Doanh nghiệp tại TP.HCM giữ tốc độ tăng trưởng



Mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Trong 8 tháng qua, mặc dù liên tục bị ảnh hưởng bởi những biến động bất lợi của nền kinh tế thế giới và trong nước nhưng nhiều doanh nghiệp, tổng công ty trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt khó, tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp đã giữ vững tốc độ tăng trưởng, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, tự tiết giảm chi phí trong nội bộ doanh nghiệp… góp phần đưa nền kinh tế phát triển ổn định, đồng thời đối phó với những diễn biến cuối năm.

Theo báo cáo của Tổng công ty Samco, trong 8 tháng đầu năm, do ảnh hưởng động đất, sóng thần Nhật Bản nên nguồn cung ứng xe nhập khẩu nguyên chiếc bị giảm mạnh, đặc biệt là Toyota và Nissan, gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Ngoài ra, xe nền để sản xuất thành ôtô nguyên chiếc cũng bị giảm lượng cung ứng.

Trong tám tháng, ước đạt doanh thu 7.500 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch cả năm, 4 tháng còn lại cuối năm đơn vị phải cố gắng đạt 90% kế hoạch mỗi tháng thì mới hoàn thành kế hoạch cả năm nay.

Ông Đào Xuân Đức - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Satra cho biết, tám tháng đầu năm đơn vị đạt 70% kế hoạch cả năm, bán ra 19.000 tấn hàng hóa bình ổn giá gồm thực phẩm chế biến, thịt gia súc, gia cầm, dầu ăn… theo chủ trương bình ổn giá cả của Thành phố; nhờ Satra áp dụng nhiều biện pháp như cơ cấu lại đầu tư, tạm dừng một số dự án nhà ở, cao ốc để đầu tư mạnh cho hệ thống bán lẻ.

Không chỉ đạt kết quả tốt trong 8 tháng, Satra còn chủ động lên kế hoạch trong thời gian tới, luôn chủ động nguồn hàng, dự trữ 29.520 tấn hàng hóa các loại với tổng giá trị gần 1.400 tỷ đồng để chuẩn bị bình ổn giá trong dịp Tết.

Trong khó khăn, các doanh nghiệp không chỉ đảm bảo tốc độ tăng trưởng, nâng chất lượng, năng suất lao động mà còn phải chăm sóc người tiêu dùng tốt hơn bằng cách tăng khuyến mãi. Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn Coop cho biết sẽ chi 50 tỷ đồng để khuyến mãi cho người tiêu dùng trong tháng Chín, đây được xem là tháng chi nhiều nhất của Sài Gòn Coop so với những tháng trước trong năm.

Đại diện khối doanh nghiệp Trung ương ngành công thương tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 8 tháng tổng mức bán lẻ toàn ngành tăng hơn 20%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 56,5 tỷ USD, đóng góp hơn 30% cho cả nước. Tình hình khó khăn nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhờ giá các mặt hàng xuất khẩu tăng, đặc biệt là nông sản (càphê, cao su, sắn, hạt điều nhân).

Trong khi đó, tỷ trọng nhập siêu vẫn còn cao, dù vậy các mặt hàng nhập khẩu chủ lực của Thành phố cũng đều là những mặt hàng cần thiết. Tính đến 15/8, nhập siêu còn khoảng 10% so với chỉ tiêu của Chính phủ là 18%, đây cũng là điều đáng phấn khởi. Từ nay đến cuối năm nhu cầu nhập khẩu tăng lên, nhập siêu sẽ lớn hơn nhưng vẫn nằm trong khoảng dưới 16%.

Nếu hoạt động của nhóm thương mại xuất khẩu có tăng trưởng cao, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thì các doanh nghiệp vận tải, kho cảng… lại gặp nhiều khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay trong khi nhu cầu nhập khẩu các trang thiết bị vẫn còn cao.

Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao nên hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn trong hoạt động kinh doanh những tháng cuối năm 2011.

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bối cảnh chung hiện rất khó khăn cho các doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, riêng ngành da giày chỉ 30% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, 10% doanh nghiệp đã phá sản và 60% còn lại là những doanh nghiệp hoạt động yếu kém và trung bình. Đến các doanh nghiệp có thương hiệu lớn từ trước đến nay cũng đang phải gồng mình để trả nợ ngân hàng.

Sắp tới đây, ngành may mặc và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng gặp khó khăn, không có gì đảm bảo đủ nguyên liệu để tiếp tục sản xuất. Do đó, kiến nghị Thành phố cần có tiếng nói với Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng thiết yếu và sản xuất trong ngành nông nghiệp được ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng, trước tình hình biến động kinh tế thế giới và trong nước nhưng những kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng Tám và tám tháng đầu năm 2011 đã thể hiện trách nhiệm, ý thức các doanh nghiệp tại Thành phố và các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn.

Hầu hết các Tổng công ty, doanh nghiệp đều vượt qua ngưỡng 50% kế hoạch, chỉ số CPI tháng 8 tăng thấp nhất trong tám tháng đầu năm cũng thể hiện sự đồng tâm của các doanh nghiệp, chấp hành đúng chỉ đạo của Nhà nước.

Bốn tháng cuối năm là giai đoạn nước rút, các doanh nghiệp cần tập trung sản xuất kinh doanh hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần đưa nền kinh tế Thành phố phát triển ổn định. Tình hình kinh tế thế giới trong năm tới có thể sẽ còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động để ứng phó kịp thời với những khó khăn, dồn sức chuẩn bị cho năm tới./.
Việt Âu (TTXVN/Vietnam+)

28/08 Lợi ích quốc gia phải được đặt lên hàng đầu

07:47 | 28/08/2011
Trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá ảm đạm 8 tháng qua, chuyện thương lượng, dành cho nhà đầu tư nước ngoài những ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư vẫn tiếp tục được nhiều địa phương âm thầm tiến hành, với mục tiêu làm đẹp con số báo cáo phát triển KT-XH của năm. Thời gian qua, đã có 2 địa phương được Chính phủ chính thức chỉ đạo không chấp thuận ưu đãi đầu tư với một số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Có thể thấy, quan điểm không chấp nhận các biểu hiện xé rào, thu hút đầu tư bằng mọi giá đã được thể hiện rõ.
Đầu tiên là đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh với Chính phủ về các chính sách ưu đãi cho dự án của tập đoàn Nokia đầu tư trên địa bàn theo quy chế ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao. Trong dự án này, Nokia thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Nokia Việt Nam để sản xuất, gia công và lắp ráp điện thoại di động tại khu công nghiệp VSIP, Bắc Ninh. Chính phủ đã có văn bản trả lời: Bắc Ninh cấp giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp này như đối với một doanh nghiệp chế xuất. Tất nhiên là mức ưu đãi sẽ rất khác, ít hơn so với doanh nghiệp công nghệ cao như Nokia đề xuất.
Câu chuyện khác, ở TP Hồ Chí Minh. Trước tờ trình của UBND thành phố về việc ưu đãi tiền thuê đất cho Tập đoàn First Solar, khi triển khai dự án đầu tư sản xuất pin mặt trời ở Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo thành phố hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính về đất đai. Như vậy, sẽ không có ưu đãi khi doanh nghiệp chưa hội đủ các điều kiện doanh nghiệp công nghệ cao, theo Luật Công nghệ cao có hiệu lực từ ngày 1.7.2009.
Thái độ kiên quyết của Chính phủ với những dự án vừa nêu, một lần nữa làm chúng ta nhớ tới đợt rà soát lớn cách đây 6 năm, khi Luật Đầu tư 2005, hay được gọi là Luật Đầu tư chung chính thức có hiệu lực. 32 địa phương đã bị Chính phủ cảnh cáo về việc xé rào đầu tư, ưu ái doanh nghiệp - kể cả trong nước và nhà đầu tư nước ngoài - quá mức, trước khi Luật đầu tư chung có hiệu lực. Các quyết định ưu đãi đầu tư vượt rào của các địa phương đã bị hủy bỏ trước ngày 1.1.2006. Tuy nhiên, hậu quả để lại của những chính sách xé ràođó vẫn rất nặng nề. Ngân sách Nhà nước giảm thu, trong khi phần nhiều trong số các tỉnh có chính sách ưu đãi đầu tư trái luật lại là những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách.
Chuyện cũ, ở bối cảnh khác xa với hiện tại, khi Luật Đầu tư chung đã thực hiện được 6 năm. Để bảo đảm chính sách nhất quán về đầu tư, không để tình trạng tạo ra các tiền lệ ưu đãi đặc biệt từ các địa phương, chỉ vì lợi ích của địa phương mà không tính đến lợi ích quốc gia, Chính phủ đã có thái độ dứt khoát. Chiến lược phát triển quốc gia 10 năm tới dần được cụ thể hóa bằng chính sách, quy định pháp luật. Những lĩnh vực được ưu tiên, ưu đãi đầu tư đã được quy định rõ, và là định hướng cho các luồng vốn đầu tư, phát triển theo hướng tăng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ưu đãi đúng lúc, đúng đối tượng mới phát huy hiệu quả. Đây cũng là sự nhắc nhở các địa phương, cần phải thông, phải thuộc định hướng phát triển chung, để có những chính sách, quyết định hợp lý.  
Việc thất bại của ngành công nghiệp điện tử, cho dù có cả chục năm với rất nhiều chính sách ưu đãi là bài học lớn cho việc thu hút, ưu đãi đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực điện tử, đơn thuần chỉ là việc lắp ráp, không đào tạo, cũng không chuyển giao công nghệ. Khi hết ưu đãi, những tên tuổi lừng danh như SONY ngừng sản xuất, trở thành nhà nhập khẩu, phân phối hàng điện tử vào Việt Nam. Vậy nên đến giờ có thể nói chúng ta vẫn chưa có công nghiệp điện tử. Không hẳn những tính toán của các nhà đầu tư nước ngoài không được nhìn nhận ra, nhưng chính vì chỉ để có nhà đầu tư tới, các địa phương, bộ, ngành có trách nhiệm tham vấn cho Chính phủ đã không đề cập nhữngquanh co, lắt léo này.
Câu chuyện nhóm lợi ích, từ cá nhân, doanh nghiệp, cho đến ngành, địa phương lâu nay đã là một thách thức, rào cản cho sự phát triển chung của đất nước. Đây cũng là thách thức lớn trong điều hành của Chính phủ. Mục tiêu dài hạn là rõ ràng. Nhưng sẽ rất khó thực hiện mục tiêu nếu các chính sách, hoặc việc thực hiện chính sách theo hướng vì lợi ích nhóm. Cho nên, một lần nữa cần thấy rằng: Lợi ích quốc gia phải đặt lên hàng đầu.
Ngọc Diệu

28/08 Lê Nguyên Quốc Anh đoạt giải nhất Dynamic – Sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai lần thứ 10



Lê Nguyên Quốc Anh (giữa) sinh viên đại học Kinh tế TP.HCM đoạt giải nhất.
SGTT.VN - Tối 27.8, trường đại học Kinh tế TP.HCM đã tổ chức vòng chung kết xếp hạng cuộc thi “Dynamic – Sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai” lần thứ 10 – năm 2011. Sau bốn phần thi, Lê Nguyên Quốc Anh, sinh viên đại học Kinh tế TP.HCM đã xuất sắc vượt qua ba sinh viên khác, đoạt giải nhất. Nguyễn Thanh Thảo Vy, sinh viên đại học Cần Thơ, giải nhì. Phan Thị Trâm Thy (đại học Kinh tế TP.HCM) và Nguyễn Thu Thảo (đại học Ngoại Thương Hà Nội) đồng giải ba.
Ngoài giải thưởng bằng tiền mặt (giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu, giải ba 10 triệu), bốn sinh viên vào vòng chung kết xếp hạng sẽ nhận được mỗi người một suất học bổng cao học bằng tiếng Anh của đại học Kinh tế TP.HCM hoặc viện Quản trị kinh doanh – đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), trị giá 120 triệu đồng/suất; một chuyến tham quan giao lưu tại Singapore.
Khởi động từ tháng 4.2011, cuộc thi Dynamic đã có 1.966 sinh viên năm cuối đại học từ 42 trường đại học trong cả nước tham gia. Để đến với vòng chung kết, bốn sinh viên trên đã trải qua bốn vòng thi trong năm tháng, được tham gia chương trình huấn luyện kỹ năng và giao lưu với lãnh đạo các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
TIN VÀ ẢNH: CÁC NGỌC

28/08 Di tích nằm chờ ngân sách - Kỳ 1: Vì sao chưa phục nguyên điện Cần Chánh?



Nằm ngay trong Tử Cấm thành triều Nguyễn tại Huế, điện Cần Chánh được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong hệ thống công trình kiến trúc triều Nguyễn, tồn tại suốt 13 đời vua, nhưng năm 1947 bị phá hủy hoàn toàn và đến nay vẫn chưa được trùng tu phục hồi.
Công trình tiêu biểu của vương triều Nguyễn
Du khách đến với Đại nội - Huế, sau khi tham quan kiến trúc độc đáo của điện Thái Hòa, thẳng vào giữa Tả vu và Hữu vu sẽ gặp một sân gạch rộng với những vạc đồng và ngay phía sau là vị trí của điện Cần Chánh, chỉ còn lại nền móng. Những năm qua, nơi đây được dùng để tổ chức dạ nhạc tiệc trong các chương trình Đêm Hoàng cung. Điện Cần Chánh khi còn tồn tại được xem là một công trình kiến trúc tiêu biểu của vương triều nhà Nguyễn tại Hoàng cung Huế.

Mô hình phục nguyên kết cấu hệ khung gỗ của điện Cần Chánh, kết quả hợp tác giữa Đại học Waseda (Nhật Bản) và Trung tâm BTDTCĐ Huế - Ảnh: T.L
Theo Dư địa chí Thừa Thiên -Huế, Cần Chánh là ngôi điện để nhà vua tổ chức các buổi lễ thiết triều vào ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch hằng tháng. Ngoài ra, điện còn là nơi vua tiếp các sứ bộ quan trọng, tổ chức các buổi yến tiệc trong dịp khánh hỷ. Điện đặt trên nền cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh, diện tích gần 1.000m2, chính điện 5 gian, 2 chái kép, tiền điện 7 gian, 2 chái đơn. Toàn bộ khung gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim, phần lớn kết cấu gỗ đều được chạm trổ tinh xảo, công phu, thể hiện trình độ kỹ, mỹ thuật cao của kiến trúc truyền thống VN thế kỷ 19. Trong điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa, hai bên treo hai bức tranh gương thể hiện cảnh đẹp của kinh đô và bản đồ các tỉnh trong nước. Điện còn là nơi trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn. Dưới thời nhà Nguyễn, điện từng được tu sửa vào các năm 1827, 1850, 1899 và đến đời vua Khải Định cho sơn thếp mới vào đầu thế kỷ 20. Năm 1947, do chiến tranh, ngôi điện này đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng.
Vì sao chưa phục nguyên?
Từ năm 1994, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế đã ký kết với Đại học Waseda (Nhật Bản) một chương trình hợp tác với 4 mục tiêu chính: nghiên cứu toàn diện về di sản Huế trên nhiều khía cạnh; xây dựng cơ sở khoa học cho các dự án bảo tồn; trùng tu di tích Huế theo hướng bền vững; nâng cao năng lực quản lý và bảo tồn của đội ngũ cán bộ Trung tâm BTDTCĐ Huế, trong đó mục tiêu quan trọng nhất của dự án là nghiên cứu phục nguyên điện Cần Chánh.

Điện Cần Chánh đã bị hư hại hoàn toàn chỉ còn trơ lại nền móng - Ảnh: Minh Phương
Đến nay, hai bên đã xây dựng thành công một hệ thống cơ sở dữ liệu gồm: mô hình điện Cần Chánh tỷ lệ 1/50 và đang thực hiện lắp ghép mô hình điện Cần Chánh tỷ lệ 1/10 để tiếp tục nghiên cứu. Trước đó, công tác thám sát khảo cổ học sân nền điện Cần Chánh, trang trí công trình, bố trí nội - ngoại thất... đã hoàn thành.
TS Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã cho biết: “Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là phần trang trí các ô hộc thơ theo lối nhất thi nhất họa, một số chi tiết cụ thể... Đây là phần không có đủ tư liệu gốc nên rất khó thiết kế được chính xác. Việc hợp tác với Nhật Bản có nhiều thuận lợi, nhưng cũng lắm gian nan do phương pháp trùng tu của Nhật, dù được đánh giá cao, nhưng mất rất nhiều thời gian nghiên cứu. Khó khăn nữa là vấn đề thủ tục, mỗi dự án phải mất đến 2-3 năm mới hoàn thành. Thường khi có quyết định phê duyệt là chúng tôi phải điều chỉnh dự án vì trượt giá. Nhiều năm nay, chúng tôi chỉ làm toàn công trình nhỏ do mỗi năm, quần thể di tích Huế chỉ được đầu tư từ 50 - 60 tỉ đồng để trùng tu. Điều này dẫn đến việc làm một dự án lớn như Cần Chánh thì cũng gặp khó khăn về nhân lực...”.
Theo Trung tâm BTDTCĐ Huế, kế hoạch phục nguyên điện Cần Chánh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Trung tâm BTDTCĐ Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chính phủ Nhật Bản xem xét hỗ trợ để thực hiện dự án trùng tu, phục hồi hoàn nguyên điện Cần Chánh, từ nguồn ODA không hoàn lại. Dự án chia làm hai gói (gói đầu tư cơ sở hạ tầng và gói đào tạo chuyển giao kỹ thuật), với tổng kinh phí đề nghị khoảng 32 triệu USD. Được biết, hiện Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã đưa dự án vào danh mục đề nghị đầu tư từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Tuy nhiên, theo quy trình để xét duyệt hồ sơ dự án ODA của Nhật Bản, thông thường mỗi hồ sơ phải mất ít nhất 3 năm, nên đến nay phía Bộ Ngoại giao Nhật Bản vẫn chưa trả lời.
Được biết, để dự phòng phương án nguồn vốn ODA của Nhật Bản có trở ngại, hiện Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng đã lập dự án dự phòng (vẫn chọn Đại học Waseda làm tư vấn). Và nếu phía Nhật Bản không đồng ý hỗ trợ nguồn vốn ODA cho dự án, thì sẽ đưa vào kế hoạch trùng tu từ nguồn vốn ngân sách trong nước.
Đó là lý do khiến dự án phục nguyên điện Cần Chánh đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Bùi Ngọc Long

28/08 Nội hàm chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc

Chủ nhật, 28 Tháng 8 2011 00:00
EmailInPDF.
Bài viết của tác giả Phạm Sao Mai*phân tích quá trình hình thành, những nội dung của chiến lược “Phát triển hòa bình” của Trung Quốc, các nhóm phương thức sẽ sử dụng và và khả năng thành công của chiến lược này.Trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc không mong muốn sử dụng phương thức chiến tranh nhưng ít có khả năng từ bỏ hoàn toàn phương thức sử dụng sức mạnh.

Chủ đề phát triển hòa bình tuy gần đây mới được Trung Quốc đề cập nhiều song trên thực tế không phải là vấn đề mới. Trong các học thuyết, tư tưởng triết học cổ đại và các triều đại Trung Quốc sau này đều đề cập tới nội dung phát triển và hòa bình. Tuy nhiên, nguồn gốc trực tiếp đưa đến quan điểm trỗi dậy hòa bình hoặc phát triển hòa bình như hiện nay bắt nguồn từ luận điểm của Đặng Tiểu Bình về hòa bình và phát triển trong những năm 1970. Tiếp theo, Đại hội 13 Đảng Cộng sản Trung Quốc (1987) lần đầu tiên xác định hòa bình và phát triển là chủ đề của thời đại. Luận điểm này được đề cập xuyên suốt đến Đại hội 16 (2002) nhưng là hai chủ đề riêng biệt và chưa gắn với chủ thể Trung Quốc.
Tháng 10/2003, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, giáo sư Trịnh Tất Kiên phát biểu công khai về khái niệm “trỗi dậy hòa bình" tại Diễn đàn Bác Ngao, nhấn mạnh "sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc là bộ phận trỗi dậy hòa bình của châu Á". Sau đó tháng 12/2003, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chính thức đề cập đến khái niệm "trỗi dậy hòa bình"[1]. Tuy nhiên, trước phản ứng của dư luận quốc tế và trong nước, Trung Quốc có điều chỉnh, tránh đề cập đến khái niệm "trỗi dậy hòa bình" và thay bằng "phát triển hòa bình". Tháng 4/2004, cũng tại Diễn đàn Bác Ngao, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định Trung Quốc sẽ "kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình". Sau đó không lâu, tại Hội nghị Hội đồng Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Thượng Hải, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện phương châm đường lối "cải cách mở cửa, phát triển hòa bình". Từ đó đến nay, khái niệm "phát triển hòa bình" thường xuyên được sử dụng.
Tháng 12/2005, Văn phòng Báo chí Quốc Vụ viện Trung Quốc ra sách trắng "Con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc”. Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007 đề ra quan điểm “phát triển khoa học xây dựng xã hội hài hòa", khẳng định "Trung Quốc trước sau không thay đổi đi theo con đường phát triển hòa bình"[2]. Chiến lược phát triển hòa bình cơ bản hình thành.
Đến nay, chưa thấy quan chức và học giả Trung Quốc nêu khái niêm tổng quát về chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc. Tuy nhiên, sách trắng "Con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc" đã khái quát chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc với một số hàm ý sau: “Phát triển của Trung Quốc là trên cơ sở hòa bình ổn định, đồng thời lấy sự phát triển để bảo vệ hòa bình; Trọng điểm của phát triển là nâng cao sức mạnh quốc gia; Trung Quốc phát triển không cản trở và không đe dọa ai, không xưng bá”. Từ đó, sách trắng đề cập năm nội dung cốt yếu, đó là: (i) phát triển hòa bình là con đường Trung Quốc phải trải qua; (ii) lấy sự phát triển của Trung Quốc thúc đẩy hòa bình và phát triển của thế giới; (iii) dựa vào nội lực và cải cách sáng tạo để thực hiện phát triển; (iv) thực hiện cùng có lợi, cùng thắng và cùng các nước phát triển; (v) xây dựng thế giới hài hòa, hòa bình lâu dài và cùng phồn vinh.
Trên cơ sở năm điểm này của sách trắng cùng các phát biểu của lãnh đạo và học giả Trung Quốc về trỗi dậy hòa bình, có thể rút ra một số nội dung cụ thể của khái niệm chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc như sau:
Thứ nhất, không ngừng nâng cao quốc lực tổng hợp trên cơ sở đẩy mạnh phát triển kinh tế và thực hiện bốn mục tiêu hiện đại hóa.
Thứ hai, thúc đẩy cải cách chính trị, xây dựng hệ thống pháp luật tương ứng với tình hình phát triển kinh tế xã hội, tăng cường giám sát các hoạt động chấp pháp, mở rộng dân chủ cơ sở, xây dựng văn minh.
Thứ ba, xây dưng trật tự chính trị kinh tế quốc tế mới, cụ thể là: (i) về chính trị, các nước không được áp đặt ý chí cho Trung Quốc; (ii) về kinh tế, thúc đẩy hợp tác cùng phát triển để giảm chênh lệch giàu nghèo; (iii) về văn hóa, tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh; (iv) về an ninh, tạo dựng quan niệm an ninh mới tin cậy, bình đẳng và cùng có lợi; (v) về cơ chế, tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực khác.
Trung Quốc nhấn mạnh chủ trương thay đổi và phát triển trật tự quốc tế hiện nay bằng biện pháp hòa bình, phản đối giải quyết vấn đề bằng bạo lực và xung đột bạo lực, tích cực tham gia xây dựng các thể chế quốc tế, nâng cao khả năng đề xuất sáng kiến xây dựng thể chế quốc tế, chủ động đưa ra ý tưởng về trật tự thế giới trong tương lai, bao gồm trật tự an ninh quốc tế, thương mại quốc tế và tài chính tiền tệ, duy trì hiệu quả và thúc đẩy hơn nữa ý tưởng về thể chế hóa hòa bình quốc tế, thúc đẩy phát triển văn minh và dân chủ chính trị quốc tế[3] theo hướng ngày càng có lợi cho Trung Quốc.
Thứ tư xây dựng tư duy quan điểm an ninh mới, trong đó nhấn mạnh an ninh và phát triển của Trung Quốc không thể tách rời hòa bình, an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc cùng các nước châu Á - Thái Bình Dương xây dựng môi trường an ninh khu vực lành mạnh, ổn định. Quan điểm an ninh mới của Trung Quốc sẽ giảm bớt tư duy ý thức hệ, tăng cường thực hiện an ninh tổng hợp. Một số học giả Trung Quốc cho rằng sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, sự xuất hiện và tác động lẫn nhau của những mô hình mới về quan hệ an ninh chứng tỏ tu duy Chiến tranh lạnh đang giảm dần và quan điểm về an ninh mới phát huy vai trò ngày càng lớn hơn[4].
Thứ năm, thực thi chiến lược đối ngoại trên quan điểm lợi ích mới,tránh định kiến chính trị, sai lệch chính trị; thúc đẩy giao lưu giữa các nền văn minh, chế độ chính trị; chống áp đặt quan niệm giá trị và thể chế chính trị. Đặc biệt cần có tầm nhìn lâu dài và sâu rộng hơn về lợi ích quốc gia trong mối quan hệ với lợi ích của thế giới.
Thứ sáu xây dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm, tham gia sâu vào các cơ chế kinh tế và chính trị quốc tế và việc giải quyết những vấn đề lớn của quốc tế. Việc tạo dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm sẽ giúp gạt bỏ những nghi ngờ của các nước về vai trò của Trung Quốc đối với hòa bình, an ninh cũng như các vấn đề khu vực
Từ đó có thể khẳng định mục tiêu xuyên suốt trong phát triển của Trung Quốc là đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới và xác lập vai trò nước lớn của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai mục tiêu này gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau. Đây là nhân tố bất biến trong chiến lược phát triển của Trung Quốc. Nhằm thực hiện các mục tiêu nêu trên, Trung Quốc sẽ tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp cả về chính trị, kinh tế, quân sự và đối ngoại như sau:
(i) Nhóm biện pháp về chính trị
- Tích cực xây dựng mô hình phát triển đặc sắc Trung Quốc trên ba mặt sau:
Nhìn từ góc độ và ý nghĩa của chủ nghĩa xã hội, mô hình Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề mà mô hình Liên Xô không thể giải quyết được.
Nhìn từ góc độ phát triển của văn minh nhân loại, phải giải quyết vấn đề mà mô hình phương Tây, đặc biệt là mô hình Mỹ không thể giải quyết ví dụ như những vấn đề nghiêm trọng phát sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, vấn đề chủ nghĩa bá quyền trong quan hệ quốc tế.
Phải giải quyết các vấn đề then chốt làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Trung Quốc, ví dụ như vấn đề chênh lệch thu nhập quá lớn, vấn đề tham nhũng; đồng thời có khả năng giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn mang tính toàn cầu.
- Xây dựng thể chế chính trị mới phù hợp với trình độ phát triển của Trung Quốc. Nhiều học giả cho rằng thể chế chính trị của Trung Quốc trong tương lai có thể là "sự pha trộn giữa văn hóa truyền thống (đặc biệt là tư tưởng Nho giáo), chủ nghĩa cộng sản và văn hóa phương Tây"[5]. Vận hành của hệ thống chính trị của Trung Quốc không dựa vào tranh luận chính sách giữa các đảng đối lập mà là tầng lớp lãnh đạo thông qua việc tập hợp ý kiến từ dưới lên để định ra một cương lĩnh chính thể, đồng thời quần chúng nhân dân có thể tham chính, nghị chính để đạt được sự thống nhất ý kiến từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới[6].
(ii) Nhóm biện pháp về kinh tế
- Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ở mức độ cao, rút ngắn khoảng cách sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc so với Mỹ, trở thành cường quốc có năng lực chủ đạo trên cơ sở sức mạnh tổng hợp hùng mạnh, trong đó: đứng đầu thế giới về GDP, đứng đầu thế giới về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, đứng hàng đầu thế giới về thực lực khoa học - công nghệ, trở thành nước lớn về ứng dụng kỹ thuật, chiếm vị trí hàng đầu trong một số lĩnh vực khoa học quan trọng.
- Nâng sức cạnh tranh quốc tế lên vị trí đứng đầu thế giới, chiếm giữ lợi thế trong tình hình thế giới có biến động lớn, cạnh tranh gay gắt, nhất là trên bốn lĩnh vực tài chính, cơ sở hạ tầng; khoa học - công nghệ và giáo dục.
- Duy trì phát triển bền vững về kinh tế, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, cải thiện chỉ số phát triển con người, chất lượng đời sống vật chất, an ninh con người và môi trường sinh thái.
Để thực hiện các biện pháp lớn về kinh tế trên đây, trước mắt Trung Quốc cần: Tiếp tục đẩy mạnh các bước đi cải cách kinh tế, phát triển hài hòa, qua đó duy trì kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong một thời gian dài; Đẩy nhanh sự chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế theo hướng kích thích nội nhu, dựa vào nội nhu để thúc đẩy phát triển; Đồng thời giải quyết tốt vấn đề thiếu hụt tài nguyên, đất đai và lương thực và tìm tòi đường phát triển liên tục; Tiếp tục tranh thủ vốn, công nghệ cao của nước ngoài; Xây dựng chiến lược kinh tế đối ngoại hoàn chỉnh, tích cực triển khai "Chiến lược đi ra ngoài ', kết hợp mở rộng đầu tư, hỗ trợ vốn tại các thị trường bên ngoài, vừa đa dạng hóa nguồn lợi nhuận, vừa.mở rộng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại các khu vực; Không ngừng nâng cao năng lực phát triển quốc gia phù hợp với các đòi hỏi của quốc tế.
(iii) Nhóm biện pháp quân sự
- Đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa quốc phòng, không ngừng nâng cao sức mạnh để đưa Trung Quốc trở thành cường quốc về quân sự. Đây là một trong những biện pháp chiến lược luôn được Trung Quốc đề cao. Theo quan điểm của một số học giả Trung Quốc, Trung Quốc không nhất thiết sử dụng biện pháp quân sự trong quá trình phát triển, nhưng cần phải có sức mạnh răn đe cần thiết và cần phát triển sức mạnh quân sự. Có quan điểm cho rằng Trung Quốc muốn "trỗi dậy hòa bình" thì phải "trỗi đậy về quân sự"; sự trỗi dậy về kinh tế mà không có trỗi dậy về quân sự là sự trỗi dậy nguy hiểm bởi vì nó sẽ khiến cho một dân tộc trở thành dân tộc kinh tế". Do vậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc cần có sự thống nhất giữa "phú quốc" với "cường binh"[7]. Theo đó, chi phí quốc phòng Trung Quốc sẽ tiếp tục được nâng cao, có thể sau này sẽ chiếm khoảng 2 - 2,5% GDP.
- Bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng; tăng cường các biện pháp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển; thúc đẩy hòa giải tiến tới thực hiện thống nhất hòa bình Đài Loan tuy nhiên không từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết.
- Từng bước chuyển trọng tâm chiến lược từ "phòng ngự lãnh thổ” sang “bảo vệ lợi ích”; cơ cấu lực lượng quân sự từ “đại lục quân” chuyển sang nhất thể hóa hải quân – không quân – vũ trụ - tin học. Về xây dựng năng lực tác chiến, chuyển từ “lấy thực chiến làm chính” sang “lấy răn đe làm chính”, xây dựng lực lượng quân đội hung mạnh tương xứng với địa vị quốc tế của Trung Quốc, có khả năng bảo đảm hiệu quả an ninh quân sự[8].
(iv) Nhóm biện pháp đối ngoại
-Xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ tương đối ổn định với các nước lớn chủ yếu trên thế giới, đặc biệt là Mỹ trên mặt trận chiến lược, ngoại giao, kinh tế, đồng thời mở rộng không gian an ninh và phát triển của Trung Quốc, tăng nhanh ảnh hưởng đối với thế giới thứ ba.
- Chủ động tham dự các thể chế an ninh đa biên và hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, nhất là trong việc quyết định những vấn đề lớn của thế giới; tích cực phát huy tác dụng của tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế bảo vệ hòa bình và phát triển của thế giới.
- Xử lý tốt mối quan hệ giữa "giấu mình chờ thời" và "làm nên sự nghiệp”
- Phát triển chiến lược văn hóa, xây dựng chiến lược văn hóa đối ngoại, tạo ra sức ảnh hưởng to lớn của nền văn hóa Trung Quốc trên thế giới.
Về phương thức trỗi dậy của Trung Quốc, các nhà chính trị và học giả thế giới có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, trong đó có một số dự báo đáng chú ý:
- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng Trung Quốc có thể không dùng đến biện pháp chiến tranh như các nước đế quốc trước đây, nhưng biện pháp sử dụng sức mạnh cứng để vươn lên là không thể tránh khỏi.
- Loại ý kiến thứ hai cho rằng Trung Quốc không thể thoát khỏi phương thức trỗi dậy của một số nước trước đây, có thể dùng biện pháp chiến tranh để phân chia lại phạm vi ảnh hưởng, thị trường hoặc để xây dựng một trật tự thế giới mới phục vụ cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
- Loại ý kiến thứ ba cho rằng cách thức Trung Quốc trỗi dậy sẽ có sự pha trộn giữa phương thức truyền thống của các đế chế Trung Hoa trước đây và mô hình trỗi dậy của Mỹ, trong đó việc quyết định phương thức nào sẽ phụ thuộc vào mục tiêu của từng giai đoạn phát triển[9].
Điểm đáng chú ý là trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự lệ thuộc và đan xen lợi ích giữa các nước ngày càng lớn, đồng thời từ kinh nghiệm thành công và thất bại của một số mô hình trỗi dậy các nước cũng như các bài học về an bang trị quốc của các triều đại phong kiến Trung Quốc trước đây, có thể khẳng định Trung Quốc sẽ rất linh hoạt trong việc xác định phương thức trỗi dậy. Sự trỗi dậy của Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt với các nước trước đây, rất khó nhận định, thể hiện ở bốn điểm sau:
Một tà, Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một hình ảnh "trỗi dậy lương thiện", rất khó để các nước định tính cho Trung Quốc. Đến các thế lực chính trị bảo thủ nhất ở Mỹ cũng khó định nghĩa một cách đơn giản Trung Quốc là kẻ thù của Mỹ. Tổng thống Bush từng nói: "Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là mối quan hệ song phương phức tạp nhất, là mối quan hệ không phải bạn cũng không phải thù, lại vừa là bạn vừa là thù[10]. Kissinger cũng cho rằng "chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn, chúng ta phân loại các quốc gia dựa vào hành động của họ chứ không phải là ý thức hệ, đặc biệt là với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”[11].
Hai là, Trung Quốc kiên trì "trỗi dậy mềm". Trong cuốn "Chiến lược cường quốc của Trung Quốc”, Trưởng ban nghiên cứu Đông Á, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản cho rằng, điều mà Trung Quốc cảnh giác nhất là sự va chạm với Mỹ, vì thế họ phải tăng cường mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế, các vấn đề như an ninh Đông Á, vấn đề Đài Loan để tránh đối kháng trực tiếp[12]. Về mặt chiến lược, Trung Quốc nhấn mạnh chủ nghĩa phối hợp, chủ nghĩa đa phương, hợp tác khu vực, tạo dựng môi trường bên ngoài có lợi, xây dựng cơ chế tồn tại cùng phụ thuộc, hợp tác dưới khẩu hiệu các bên cùng thắng. Nói cách khác, đây là sách lược "lấy nhu thắng cương" để tránh sự phản công của Mỹ.
Ba là, Trưng Quốc cố gắng "trỗi dậy trong hệ thống", rất khó để phản đối. Trung Quốc đã hội nhập với thế giới, đi vào quỹ đạo quốc tế, phát triển trong cùng một hệ thống với Mỹ, trỗi dậy trên cùng một vũ đài chứ không phải là tự lập một hệ thống riêng, như vậy vừa không phải mất chi phí thiết lập một hệ thống, vừa tiết kiệm được phí bảo vệ thể chế đó, không phải gánh chịu rủi ro vì phải thách thức với thế giới, đối kháng với hệ thống thế giới.
Trong điện mật của Đại sứ quán Mỹ tại Xinh-ga-po do mạng Wikileaks tiết lộ gần đây, ngày 30/5/2009, Cựu Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Quang Diệu nói với Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Steinberg: "Trung Quốc đang đi theo con đường giống như trong bộ phim truyền hình nhiều tập "Sự hưng thịnh của các cường quốc" đang phát trên truyền hình Trung Quốc. Người Trung Quốc... đã tránh được sai lầm mà Đức và Nhật Bản mắc phải là dám thách thức với trật tự thế giới đang tồn tại"[13].
Bốn là, Trung Quốc tiến hành "trỗi dậy cùng có lợi", trói chặt lợi ích của Mỹ và phương Tây. Sự gắn kết về lợi ích sẽ làm cho quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây hoặc cùng phồn vinh, hoặc cùng thương vong, khiến Mỹ và phương Tây khó gây lổn hại đến Trung Quốc. Ở một ý nghĩa nhất định, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng mang lại lợi ích cho Mỹ và các nước phương Tây khác, nhất là trong kinh tế và trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tóm lại, xét các nguồn lực của Trung Quốc hiện nay cũng như tiềm năng phát triển của Trung Quốc trong tương lai, có thể thấy nước này có đủ khả năng để thực hiện mục tiêu trỗi dậy. Xét tương quan so sánh lực lượng trên thế giới hiện nay, ngoài Trung Quốc, chưa có nước nào có khả năng trở thành siêu cường sánh ngang Mỹ. Các nhận định đánh giá của cộng đồng quốc tế về tương lai phát triển của Trung Quốc rất đa dạng, thậm chí đối lập nhau, nhưng xu thế chung là ngày càng có nhiều dự báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong tương lai. Có thể trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc không mong muốn sử dụng phương thức chiến tranh như các nước đế quốc trước đây nhưng ít có khả năng từ bỏ hoàn toàn phương thức sử dụng sức mạnh. Sự trỗi dậy của Trung Quốc vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với thế giới và khu vực. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa những cơ hội và thách thức này. Cách hành xử của cộng đồng quốc tế, trước hết là Mỹ, phương Tây và các nước châu Á, là nhân tố quan trọng tác động tới phương thức trỗi dậy của Trung Quốc. Cần có cách nhìn biện chứng, khách quan để tác động tích cực tới quá trình trỗi dậy này./.
Phạm Sao Mai
Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, số 1 (84), 3/2011: 63 - 74


* Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao. Những quan điểm được nêu ra trong bài viết này là quan điểm riêng của tác giả.
[1] Tháng 12/2003, trong bài phát biểu tại Đại học Havard, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đề cập "Trung Quốc ngày nay là một nước lớn cải cách mở cửa và trỗi dậy hòa bình". Cũng trong tháng 12/2003, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào trong phát biểu tại tọa đàm kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông đã nhấn mạnh “Trung Quốc phải kiên trì đường lối phát triển trỗi dậy hòa bình".
[2] Đảng Cộng sản Trung Quốc, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 17.
[3] Vương Phàm, “Chiến lược nước lớn hòa bình của Trung Quốc”, Tạp chí Đương đại, ngày 17/3/2010
[4] Giang Tây Nguyên – Hạ Lập Bình, Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, Quyển 1, 2007, tr.435
[5] Xem Tạp chí Issues & Study, số 15/2009.
[6] Olded Shenkar, Thế kỷ 21 Thế kỷ của Trung Quốc, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2008, tr. 87.
[7] Lưu Minh Phúc, Trung Quốc mộng, sđd, tr. 212.
[8] Huang Yingxu – Wang Donghua, “Nhìn lại quết sách cường quân vệ quốc của Trung Quốc mới:, Liêu Vọng, số 31, 2009, tr.34.
[9] Tạp chí Issues Study, số 4/2009.
[10] Tạp chí Tri thức thế giới, số 11/2008.
[11] Tạp chi Tân Hoa Văn Trích số 9/2008.
[12] Tạp chi Gaiko Forum, số 3/2009.
[13] Tài liệu Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao, ngày 21/2/2010.