Saturday, July 2, 2011

02/07 “Phố người Hoa” và lý luận của chủ đầu tư

Tác giả: TUẦN VIỆT NAM

Chủ đầu tư xây dựng khu đô thị cho người Hoa ở TP. Bình Dương mới cho rằng báo chí thông tin sai lệch vì Đông Đô Đại Phố không phải xây dựng dành riêng cho người Hoa. Nhưng đáng tiếc, chính trang web của công ty này khẳng định điều ngược lại.

Phố người Hoa: Sự thật có hay không?
Ngày 29/06/2011, ngay sau khi đăng bài viết "Khi người Việt Nam xây dựng phố dành riêng cho người Hoa", Tuần Việt Nam nhận được công văn số 93A/ Becamex- PKD của Công ty Becamex IJC gửi báo điện tử VietNamNet cho rằng, báo đã đăng tải những quan điểm chủ quan, thiếu chính xác, không đầy đủ và gây nên những hiểu lầm đáng tiếc về dự án Đông Đô Đại Phố.
Theo đó, văn bản của công văn cho rằng:
Dự án Đông Đô Đại Phố được thiết kế nhằm cung cấp các dịch vụdành cho những doanh nhân, doanh nghiệp châu Á đang sinh sống và làm việc tại tại Bình Dương, không phải dành riêng cho đối tượng là người Hoa như bài viết đã đề cập.
Nếu người nước ngoài muốn mua nhà cũng phải tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở theo pháp luật Việt Nam ban hành. Đông Đô Đại Phố không phải là dự án được xây dựng để bán riêng cho người Trung Quốc nhập cư như quý báo so sánh.
Công ty không dành sự "ưu ái" riêng cho cộng đồng người Hoa, và khẳng định rằng đây là dự án bất động sản mang tính thương mại dịch vụ, không mang bất kỳ môt yếu tố màu sắc chính trị, tôn giáo hay sắc tộc nào.
Công ty Becamex IJC còn "phản đối việc suy diễn những thông tin về định hướng phát triển dự án theo các hướng khác ngoài hướng thương mại và dịch vụ vừa kể trên".
Trước văn bản kiến nghị của công ty Becamex IJC, chúng tôi buộc lòng phải truy cập đường link vào trang Web của chủ đầu tư. Tuy nhiên, rất đáng tiếc, những gì mà Tuần Việt Nam tìm hiểu được, không hề sai lệch so với những nội dung mà bài báo đã nêu, ngày 29/06/2011
Trang web của công ty Becamex IJC nói gì?
Để rộng đường dư luận và tôn trọng sự thật, Tuần Việt Nam chúng tôi xin trích đăng một số nội dung cơ bản, có ảnh kèm, mà trang web này đã quảng cáo cho chính dự án Đông Đô Đại Phố:
Đông Đô Đại Phố - China Town - TP mới Bình Dương. Phố người Hoa tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương. Chủ đầu tư Becamex IJC.
Thứ hai, ngày 30 tháng năm năm 2011

Becamex IJC: Khởi Công Xây Dựng Trung Tâm Thương Mại Đông Đô - TP Mới Bình Dương

Được đăng bởi Đông Đô Đại Phố vào lúc 12:00
...Là tâm điểm nổi bật của dự án Đông Đô Đại Phố, trung tâm thương mại Đông Đô được xây dựng trên diện tích 8146 m2, có 3 mặt tiền giáp với đường lớn rộng 35m, cao 3 tầng với đầy đủ các dịch vụ kinh doanh thương mại như khu bán thời trang, đồ gia dụng, điện tử, nội thất khu ẩm thực và giải trí, được thiết kế sang trọng hài hoà giữa phong cách hiện đại mà vẫn mang đậm nét kiến trúc truyền thống của người Hoa.
Toàn cảnh buổi lễ khởi công xây dựng trung tâm thương mại Đông Đô ngày 22.05.2011
Sự kết hợp tài tình trong cách bố trí màu sắc và những biểu tượng truyền thống của người Hoa, tượng trưng cho sự thịnh vượng, vương giả và trường tồn với thời gian. Phối cảnh trung tâm thương mại Đông Đô
Bên lề buổi lễ, rất nhiều khách hàng có mặt tại buổi lễ đã bày tỏ niềm tin tưởng vào một khu đô thị phồn thịnh và sầm uất bậc nhất tại thành phố mới Bình Dương sắp được hình thành trong tương lai không xa.
Anh Quốc Tuấn- một trong những khách hàng đầu tiên đến tham dự cho biết " Tôi đã nghiên cứu và đầu tư rất nhiều dự án tại Thành phố mới Bình Dương. Nhưng lần đầu tiên, tôi nghe nói đến một dự án được thiết kế dành riêng cho người Hoa. Tôi đã quyết định đến tham quan và tìm hiểu thêm thông tin về dự án Đông Đô Đại Phố và đã thật sự bị thuyết phục bởi những lối thiết kế rất sang trọng mang phong cách truyền thống của người Hoa và trên hết những tiện ích xung quanh mà dự án đem lại"

Theo ông Lương Ngọc Tiến - Giám đốc Kinh doanh và Phát triển dự án Becamex IJC cho biết : " Một khu đô thị sẽ không có "sự sống" đúng nghĩa nếu như không có đầy đủ các dịch vụ cộng đồng và tiện ích xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định sẽ khởi công xây dựng trung tâm thương mại Đông Đô song song với việc triển khai những hạng mục khác của dự án, để khi bàn giao nhà cho khách hàng cũng là lúc các dịch vụ tiện ích quan trọng được hoàn thành, đảm bảo cuộc sống tiện nghi và đẳng cấp cho những cư dân sinh sống tại Đông Đô Đại Phố."

...Đông Đô Đại Phố là dự án khu đô thị thương mại đầu tiên dành cho người Hoa tại thành phố mới Bình Dương, được xây dựng trên tổng diện tích rộng 26ha, với tổng vốn đầu tư hơn 6,5 nghìn tỉ đồng chia thành nhiều phân khu chức năng như nhà phố, văn phòng, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại.
Với vị trí đắc địa - gần trung tâm hành chính- chính trị, trung tâm văn hoá, cách chùa Bà Thiên Hậu chỉ 80m, và nhiều dịch vụ tiện ích khác như phố đi bộ, khu ẩm thực, siêu thị, sau khi hoàn thành, Đông Đô Đại Phố sẽ là khu thương mại phồn thịnh và sung túc bậc nhất tại thành phố mới Bình Dương, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực và là cầu nối thương mại giữa Bình Dương và quốc tế.
Những câu hỏi tại sao?
Nếu bạn đọc, đọc được những dòng quảng cáo trên, liệu họ sẽ nghĩ gì về bản chất của dự án Đông Đô Đại Phố- như chính website này tự quảng cáo, là "dành cho người Hoa tại thành phố mới Bình Dương". Xin lưu ý là ngay cái tên gọi dự án- Đông Đô Đại Phố- cũng khó có thể gọi là một cái tên thuần Việt, ngay trên đất nước Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình lúc 17h ngày 30/6/2011, website của Becamex IJC.
Cũng ngay sau khi đăng tải bài báo trên, rất nhiều bạn đọc của Tuần Việt Nam đã email và đặt câu hỏi: Tại sao phải xây dựng một khu phố người Hoa mà không phải của một dân tộc nào khác ở ngay trung tâm đô thị được giới thiệu là "trung tâm hành chính" trong tương lai của một tỉnh?
Và cũng trong thời buổi Internet đến tận từng ngõ ngách, mọi thông tin rất khó có thể dấu kín. Sự trung thực trong kinh doanh, không chỉ ở việc làm, mà còn ở ngay lời nói, một lần nữa lại được đặt ra. Có khi không cần phải trên bàn đàm phán giữa các đối tác làm ăn, mà chỉ cần trên một trang web nhỏ của một công ty, hay một công văn nhỏ gửi báo điện tử.
Tại sao không để một khu phố rất đặc trưng như vậy hình thành theo quy luật sinh tồn như vốn có của nó từ hàng nghìn năm nay trên khắp thế giới? Liệu người Việt Nam có bị bắt buộc không được bén mảng đến đây (trên chính đất nước Việt Nam) như tại một Casino quốc tế ở Đà Nẵng, hay một sân gofl ở ngay địa đầu Móng Cái? Đây là những câu hỏi bình thường, chỉ là những nghi ngại vì đã từng có những sự việc tương tự xảy ra.
Tại sao chúng ta không để cộng đồng người Hoa sống hòa hợp và phát triển một cách tự nhiên cùng các cộng đồng người nước ngoài khác mà phải xây dựng khu dành riêng? v...v và v...v.
Đương nhiên, trong thời hiện đại này, kinh tế luôn gắn liền với văn hóa, giáo dục và an ninh xã hội. Đất nước ta đang sống trong thời điểm cực kỳ nhạy cảm. Những người làm doanh nghiệp không chỉ chạy theo lợi ích, mà còn phải khôn ngoan, và hiểu mình nên chọn lựa hướng kinh doanh như thế nào, để tránh những hệ lụy không đáng có.
Và cũng trong thời buổi Internet đến tận từng ngõ ngách, mọi thông tin rất khó có thể dấu kín. Sự trung thực trong kinh doanh, không chỉ ở việc làm, mà ngay lời nói, một lần nữa lại được đặt ra, có khi không cần phải trên bàn đàm phán giữa các đối tác làm ăn, mà chỉ cần trên một trang web nhỏ của một công ty, hay một công văn nhỏ gửi báo điện tử.

02/07 Thế giới 24h: Xung đột Biển Đông khó nổ

Cập nhật lúc 02/07/2011 06:17:00 AM (GMT+7)
 - Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhận định, những căng thẳng ở Biển Đông sẽ không leo thang thành xung đột vũ trang, cựu Tổng giám đốc IMF được trả tự do, Nga tuyên bố sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa Bulava... là những tin nóng sốt nhất trong 24 giờ qua.

Không xung đột

Hôm 1/7, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario lên tiếng kêu gọi Trung Quốc hành động có "trách nhiệm", trong một tuyên bố thể hiện mối quan tâm tới sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.

Ông cho biết sẽ đến Bắc Kinh hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề này vào tuần tới. Ông Rosario đồng thời thông báo khả năng Tổng thống Benigno Aquino sẽ công du Trung Quốc trong chuyến đi dự kiến vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9


Phát biểu trước báo giới, ông Del Rosario nói: “Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ lớn mạnh, tăng trưởng và tiến lên như một nước có trách nhiệm. Tôi đã được mời tới thăm Bắc Kinh và tôi chắc rằng chúng tôi sẽ tìm kiếm những giải pháp hòa bình cho các thách thức mà chúng tôi đang đối mặt”.

Ông Del Rosario nhắc lại những cáo buộc của Philippines về việc lực lượng của Trung Quốc nổ súng vào ngư dân, theo dõi tàu thăm dò dầu khí và xây dựng trên những khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền.

Về lý do khiến Trung Quốc đột nhiên trở nên hung hăng như vậy, ông Del Rosario nói: “Tôi chỉ có thể đoán rằng là do một số mỏ khí lớn vừa được phát hiện tại khu vực này”. Tuy nhiên, theo nhận định của Ngoại trưởng Del Rosario, vấn đề Biển Đông sẽ không leo thang thành xung đột vũ trang.

Các tin nóng khác

Được thả tự do


Hôm 1/7, cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, người bị cáo buộc tấn công tình dục một nữ hầu phòng tại khách sạn Manhattan ở New York (Mỹ), đã được tự do sau khi các công tố viên cho rằng lời khai của nạn nhân có vấn đề.

Sản xuất hàng loạt

Ngày 1/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov công bố, tên lửa đạn đạo Bulava phóng từ tàu ngầm sẽ được sản xuất hàng loạt. "Tên lửa Bulava đã cất cánh. Đó là tin tốt lành. Chúng tôi có thể sản xuất hàng loạt tên lửa này," ông Serdyukov tuyên bố.

Chủ tịch EU


Hôm 1/7, Ba Lan chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ Hungary với nhiệm kỳ 6 tháng cuối năm 2011. Đây là lần đầu tiên Ba Lan đảm nhận trọng trách này và cam kết coi việc phục hồi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu.

Từ bỏ quyền lực

Lực lượng nổi dậy ở Libya ngày 1/7 tuyên bố sẵn sàng kết thúc cuộc xung đột với ông Muammar Gaddafi thông qua biện pháp quân sự, song cũng khẳng định sẽ ngừng các hành động chống đối nếu nhà lãnh đạo lâu năm này từ bỏ quyền lực.

Phát ngôn ấn tượng


"Tôi bị tổn thương trước những thông tin về tình trạng bạo lực ở khu vực biên giới cũng như ở Aleppo (Syria), nơi người biểu tình bị lực lượng an ninh và các nhóm do chính phủ tổ chức đánh đập và tấn công bằng dao... Rõ ràng, thời gian sắp hết đối với Chính phủ Syria, không có gì phải hoài nghi về điều đó".

Đó là phát ngôn với báo giới của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Lithuania. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, trừ khi chính quyền Syria cho phép một "tiến trình chính trị nghiêm túc," nếu không họ sẽ "tiếp tục chứng kiến sự phản kháng có tổ chức ngày một gia tăng".

Ảnh ấn tượng

Hôm 29/6, tại quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo của Ai Cập, các cuộc đụng độ lớn đã nổ ra giữa những người biểu tình với lực lượng an ninh, làm hơn 1.000 người bị thương. (Trong ảnh là một người biểu tình đang hô khẩu hiệu trên quảng trường Tahrir hôm 30/6. Nguồn ảnh: THX)

Ngày này năm xưa

2/7/1961, nhà văn Mỹ Ernest Miller Hemingway đã tự sát tại nhà riêng. Hemingway đã giành được giải Nobel văn học vào năm 1945. Những tác phẩm tiêu biểu phải kể đến của ông như "Giã từ vũ khí", "Chuông nguyện hồn ai", "Ông già và biển cả"...

Thanh Vân (Tổng hợp)

02/07 Chủ quyền không thể chối cãi của VN đối với Hoàng Sa-Trường Sa

Tác giả: TS SỬ HỌC NGUYỄN NHÃ

Sang triều Nguyễn từ năm 1802 đến 1909, năm bắt đầu bị tranh chấp, có rất nhiều tài liệu chính sử, sách điển chế, sách địa lý minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

1. Chính sử, sách điển chế, sách địa lý ghi rõ việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa:
Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) do các sử thần thời Lê - Trịnh biên soạn theo lệnh của Trịnh Sâm năm 1775, có đoạn viết: "Ngoài biển xã An Vĩnh có nhiều đảo lớn gồm hơn 130 đảo, cách nhau một ngày đi thuyền, hoặc vài canh giờ. Trên đảo có chỗ có suối nước ngọt. Ở bãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi... Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh xung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Mỗi năm cứ tháng ba ra đi, mang lương ăn sáu tháng, đi thuyền ra biển ba ngày ba đêm mới đến đảo. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, được sản vật gì, bao nhiêu, đến kỳ tháng tám thuyền cửa Eo, đem đến Phú Xuân nộp. Trong khoảng ấy cũng có người mò được tiền bạc, chì, thiếc, nồi đồng, súng, khí giới, ngà voi, bát bằng đá...".
Nội dung trên không có gì mới so với nội dung của Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn, song có giá trị lịch sử được ghi vào chính sử thời Lê - Trịnh. Phủ Biên tạp lục quyển 2 của Lê Quý Đôn mô tả kỹ càng nhất về Hoàng Sa, đoạn văn đề cập đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội dân binh Hoàng Sa và đội Bắc Hải, như: "Ở ngoài núi Cù Lao Ré có đảo Đại Trường Sa ngày trước, nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi, nên Nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa để thu nhận các hải vật. Người ta phải đi ba ngày đêm mới đến được đảo Đại Trường Sa ấy..." (tờ 78b - 79a) hoặc: "Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cũng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem  bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem sổ của cai đội cũ là Thuyên đức hầu biên rằng: Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ, 5 năm ấy, mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được khối thiếc, bát sứ, và hai khẩu súng đồng mà thôi...
Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được...
Sang  triều Nguyễn từ năm 1802 đến 1909, năm bắt đầu bị tranh chấp, có rất nhiều tài liệu chính sử, sách điển chế, sách địa lý minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
- Dư địa chí (1821) của Phan Huy Chú - Nhà nghiên cứu bách khoa của Việt Nam đã viết cuốn này trong bộ Lịch triều hiến chương loại chíLịch triều hiến chương loại chí là một công trình biên khảo bách khoa lịch sử lớn gồm 49 quyển, ghi chép đủ mọi phép tắc của các triều đại Việt Nam. Chính Dư địa chí quyển 5, ở phần Quảng Nam, có nói đến phủ Tư Nghĩa. Hầu hết nội dung nói về phủ Tư Nghĩa là nói đến Hoàng Sa. Chứng tỏ Hoàng Sa rất quan yếu đối với phủ Tư Nghĩa hồi bấy giờ. Qua nội dung Phan Huy Chú đã viết, thấy rất rõ ông đã sử dụng sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, đã tóm gọn nhiều nội dung của sách này. Ngoài tả cảnh vật của Hoàng Sa, ông cho biết: "Tiền Vương lịch triều (các chúa Nguyễn) đặt đội Hoàng Sa 70 tên cũng lấy dân An Vĩnh luân phiên sung vào". Song có dị bản đã chép nhầm tháng giêng thay vì tháng ba, như Phủ biên tạp lục cho biết hằng năm "từ tháng ba đội Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ cũng ba ngày ba đêm bằng năm chiếc tiểu điếu thuyền đến Hoàng Sa rồi cũng tháng tám về đến cửa Eo tới thành Phú Xuân và cũng mang theo lương thực cho sáu tháng".
- Hoàng Việt dư địa chí (1833) không đề tên tác giả, thường gọi là cuốn Địa dư Minh Mạng được khắc in vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), sau đó được tái khắc in nhiều lần. Người ta thấy nội dung có nhiều điều giống Dư địa c, song đôi chỗ có khác nhau về từ hoặc thêm, bớt và nhất là cách trình bày. Thay vì Dư địa chí gồm năm quyển, thì Hoàng Việt địa dư chí chỉ có hai quyển với cấu trúc khác nhau.
Đại Nam thực lục phần tiền biên quyển 10, soạn năm 1821 khắc in năm 1844 của Quốc sử quán triều Nguyễn tiếp tục khẳng định việc xác lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của đội quân Hoàng Sa và đội Bắc Hải.
- Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ khắc in năm 1848, đệ nhị kỷ khắc in xong năm 1864, đệ tam kỷ khắc in xong năm 1879) của Quốc sử quán triều Nguyễn có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này.
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1851) có đoạn văn đề cập đến việc dựng miếu ở Hoàng Sa trong quyển 207, và đoạn văn trong bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ quyển 221 của Nội các triều Nguyễn có chép: "Bộ Công tâu rằng: Hoàng Sa ngoài biển rất là hiểm yếu. Hàng năm cần phải đi khám dò khắp chỗ thuộc đường bể. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm".
- Trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí (soạn xong năm 1882, năm 1910 soạn lần hai và khắc in) cũng của Quốc sử quán triều Nguyễn đã xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội quân Hoàng Sa và đội quân Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản.
- Trong quyển III Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn, đời Vua Minh Mạng, có ba đoạn văn liên quan đến việc xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.
Ngoài ra trong các bản đồ của Việt Nam như Đại Nam thống nhất toàn đồ có vẽ Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam...
2. Qua châu bản, văn bản chính quyền từ Trung ương đến địa phương ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa:
Tài liệu rất quý giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX), là các văn bản của triều đình nhà Nguyễn hiện đang được lưu trữ tại Kho lưu trữ Trung ương 1 ở Hà Nội. Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như bộ Công, và các cơ quan khác hay những Dụ của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc... Chẳng hạn như Dụ ngày 18 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) trong Châu bản tập Minh Mạng số 54, trang 92 có đoạn viết Vua Minh Mạng ra chỉ dụ giao cho Bộ Công phạt cai đội Hoàng Sa Phạm Văn Nguyên 80 trượng vì tội trì hoãn thời gian công tác hay phạt 80 trượng giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiệm, Nguyễn Văn Hoằng chưa chu tất việc vẽ bản đồ Hoàng Sa. Trong khi đó lại thưởng dân binh đội Hoàng Sa Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, mỗi người một quan tiền vì đã có công hướng dẫn hải trình của thủy quân đi Hoàng Sa. Hoặc như Dụ ngày 13 tháng 7 Minh Mạng 18 (1837) trong tập Châu bản Minh Mạng 57, trang 245 có đoạn cho biết trước có phái thủy sư, giám thành, binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, vẽ họa đồ, trừ bọn Phạm Văn Biện gồm bốn tên can tội đã có chỉ phạt trượng, còn binh dân đi theo lặn lội biển cả cực khổ, thưởng mỗi tên binh đinh một tháng lương dân phu mỗi tên hai quan tiền.
Cùng với đó còn có Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836 ) trong tập Châu bản Minh Mạng 55 trang 336, ghi lời châu phê của Vua Minh Mạng: "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ: "Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu". Vua cũng phê rằng thuyền đi đâu, phải cắm cột mốc đến đó để lưu dấu. Phúc tấu cũng còn ghi chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật được phái từ Thuận An  vào Quảng Ngãi để đi công tác Hoàng Sa. Hoặc Tấu của tỉnh Quảng Ngãi ngày 19 tháng 7 Minh Mạng 19 (1838) xin miễn thuế cho hai chiếc "bổn chinh thuyền". Trong tập Châu bản Minh Mạng số 64 trang 146 có đoạn viết rằng ngày 19 tháng 7 Minh Mạng thứ 19 (1838): "Xin chiếu lệ miễn thuế năm nay cho hai chiếc "bổn chinh thuyền" đã đưa binh dân đến Hoàng Sa đo đạc giáp vòng từ  hạ tuần tháng 3 tới hạ tuần tháng 6, hoàn tất công vụ nay đã trở về".
Một đảo lớn trong quần đảo Hoàng Sa
Gần đây, một gia đình ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn đã trao tặng Bộ Ngoại giao một văn bản là giấy lệnh viết trên hai tờ (bốn trang), đây là tờ tư và tờ lệnh công tác Hoàng Sa của quan Bố chánh, Án sát tỉnh Quảng Ngãi (triều vua Minh Mạng vào năm 1834), ghi rõ ông Võ Văn Hùng đã tuyển chọn một bọn gồm 10 người, đứng đầu là Đặng Văn Siểm, người thôn Hoa Diêm, phường An Hải huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có thể đảm nhận công việc lái thuyền. Nhân đấy mà cấp cho bằng này để đi một thuyền dẫn các thủy thủ trên thuyền theo quân của phái viên và Võ Văn Hùng cùng đến Hoàng Sa thi hành việc công.
Tại Huế cũng mới phát hiện tờ Tâu số 664 ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15-2-1939) của Phạm Quỳnh, Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Nội các thời Minh Mạng, tâu xin Vua Bảo Đại phê chuẩn thưởng tặng cho người có công phòng thủ Hoàng Sa, thể hiện sự thực thi chủ quyền liên tục tại Hoàng Sa (Paracel) suốt triều Nguyễn từ vua đầu tiên Gia Long đến vua cuối cùng Bảo Đại. Đây là tờ Châu bản thời Bảo Đại, đánh máy bằng chữ quốc ngữ, với lời phê: "Chuẩn y" và chữ ký tắt BĐ (Bảo Đại) đều bằng bút chì mầu đỏ, khổ giấy cỡ 21,5x31,0cm.
3. Nhiều tư liệu phương Tây ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa:
Có thể nêu ra đây một số tài liệu chính như:
- Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.
- Hồi ức về Nam Kỳ của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào các năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 Vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracel.
- Thế giới, lịch sử và mô tả về tất cả các dân tộc cùng tôn giáo, cách cư xử và tập quán của họ của Giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng Hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên đảo Hoàng Sa năm 1816.
- Tạp chí Hiệp hội châu Á Bengal quyển VI (The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol VI) đăng bài của Giám mục Taberd xác nhận Vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracel.
- Tạp chí Hiệp hội Địa lý Luân Đôn năm 1849 (The Journal of Geographycal Society of London) đăng bài của GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracel...
Ngoài ra, gần đây người ta còn phát hiện gần  trăm đầu sách địa lý, bản đồ của phương Tây ghi rõ Paracel  thuộc "Vương quốc An  Nam", được viết bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan... Có thể kể các cuốn tiêu biểu như: Biagio Soria với Vũ trụ học lịch sử, thiên văn học và vật lý quyển VI (La cosmografia istorica, astronomica e fisica, tomeVI - Napoli, 1828), Adriano Balbi & Malta Brun... với Bản tóm tắt mới về địa lý (Nuovo Compendio di geografia - Milano, 1865); Wilhelm Hoffmann với Mô tả về Trái đất (Beschreibung der erde - Stuttgart, 1832); Carl Ritter với Tên và quyền sở hữu, sách Địa lý châu Á của Carl Ritter (Namen und Sach Derzeichnik zu Carl Ritter's Erdkunde von usien - Berlin, 1841); Thomas Keith với Hệ thống địa lý (A system of geographia - London, 1826); cùng các cuốn sách khác như: Từ điển địa lý mô tả tất cả các khu vực trên thế giới(Dictionnaire géographique universel contenant la description de tous les lieux du globe quyển VII - Paris 1830); Những lá thư khai trí về châu Á, châu Phi và châu Mỹ quyển 3 (Lettres édifiantes et curieuses concernant l'Asie, l'Afrique etl'Amérique, Tome 3 - Paris, 1843); Phần hiện đại của lịch sử thế giới quyển 7 (The modern part of an universal history Vol 7 - London 1759)...
Đó là chưa kể chính những tài liệu của Trung Quốc như các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa chưa thuộc về Trung Quốc. Tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả các bản đồ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1 năm 1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và gọi là "phát hiện" nhằm nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Trung Quốc, trái lại họ lại phát hiện ở mặt bắc ngôi miếu Hoàng Sa tự ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boiée), lại là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam.
4. Người phương Tây đã vẽ bản đồ xác định rất rõ "Paracel tức Hoàng Sa" và ghi chú Hoàng Sa thuộc xứ Đàng Trong của Vương quốc An Nam tức Việt Nam:
Ngoài bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd, người ta còn thấy rất nhiều bản đồ do phương Tây vẽ từ thế kỷ 18, có ghi chú rõ Paracel thuộc Vương quốc An Nam hay Đàng Trong (Cochinchine).
An Nam Đại quốc họa đồ (bản đồ 1) dài 80,5 cm rộng 44 cm của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định "Paracel seu Cát Vàng" (seu, trong tiếng La tinh có nghĩa "hoặc" hay "là") Paracel hay là Cát Vàng tức Hoàng Sa, nằm trong cuốn từ điển Latinh - Annam ghi rõ ở tọa độ địa lý hiện nay và nằm trong vùng biển của Việt Nam.
(Bản đồ 1) An Nam Đại quốc họa đồ

(Bản đồ 2) Carte des Costes de Cochinchine, Tunquin et Partie de celles de la Chine(Harreveld, E. Van Changuion, Amsterdam, 1749) có vẽ tọa độ, quần đảo Paracels trải dài từ vĩ tuyến 17 xuống vĩ tuyến 12.
Tôi là người học sử, nghiên cứu sử, thấy rất rõ truyền thống ngàn năm bất khuất kiên cường của dân tộc Việt Nam, và hơn 35 năm nay không ít lần tôi đã rơi nước mắt vì Hoàng Sa khi bị Trung Quốc, từ việc vốn coi Hoàng Sa là đất vô chủ rồi lại cho là đất của mình, để năm 1974 đã dùng võ lực đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa - một hành động trái ngược với sự thật lịch sử và lẽ phải thông thường. Hoàng Sa là cổ họng, yết hầu của Việt Nam. Sau một đêm trằn trọc khó ngủ, tôi viết bài này và mong những người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng nhau dịch ra tất cả các thứ tiếng, quảng bá cho mọi người kể cả người dân Trung Quốc biết sự thật lịch sử và mỗi người phải có một kế hoạch nhỏ, cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường bảo vệ chủ quyền đất nước yêu dấu.
  • Theo Thời Nay