Wednesday, December 8, 2010

08/12/2010 Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Nông sản


Thứ Tư, 08/12/2010 | 11:20
Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader
Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Nông sản
Thu hoạch cà phê

(Vietstock) – Trong khi triển vọng của kinh tế trong nước chưa thật sự phục hồi, ngành nông nghiệp tiếp tục được kỳ vọng là “phao đệm” cho nền kinh tế trong thời gian tới. Năm 2010 có thể là năm kỷ lục xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam cũng như nhiều nông sản khác như cao su, hồ tiêu, điều,... Với lợi thế tự nhiên và kinh nghiệm, chúng tôi cho rằng đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai.
1. Diễn biến Ngành Nông sản đầu năm 2010
Bên cạnh lợi thế là một quốc gia sản xuất nông nghiệp, Việt Nam dường như đang tận dụng tận dụng tốt thời cơ khi nhu cầu các mặt hàng nông sản trên thế giới tăng cao trước điều kiện thời tiết không thuận lợi. Các doanh nghiệp sản xuất nông sản như: lúa gạo, cà phê, tiêu, điều… đã đạt được kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong những tháng đầu năm 2010.
Sản xuất lúa gạo có nhiều lợi thế trong xuất khẩu. Dự báo sản lượng gạo trên thế giới sẽ tiếp tục sụt giảm, ngành lúa gạo Việt Nam có điều kiện để phát huy lợi thế. Kế hoạch xuất khẩu trong năm 2010 là 6.1 triệu tấn, nhưng sản lượng xuất khẩu có thể đạt 7 triệu tấn trong điều kiện thuận lợi, so với mức 6 triệu tấn trong năm 2009.
Hạn hán kéo dài gây mất mùa ở một số tỉnh của Trung Quốc đã tạo điều kiện rất lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam. Trong những tháng đầu năm 2010, giá lúa xuất khẩu đã tăng mạnh trước nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc.
Năm 2010, sản lượng gạo trong nước ước tính đạt 11.5 triệu tấn nhờ diện tích gieo trồng tiếp tục được mở rộng. Tính đến ngày 24/9/2010, Việt Nam đã xuất khẩu 5.2 triệu tấn, đạt giá trị 2.22 tỷ USD, tăng 11.75% về lượng và 14.35% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Đến tháng 11/2010, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên đến 475 USD/tấn, gạo 25% tấm lên 435 USD/tấn, gần bằng với giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, tăng 19% so với các tháng đầu năm.
Cà phê Việt Nam hưởng lợi do nguồn cung trên thế giới giảm. Tình hình khô nóng ở Braxin chưa chấm dứt hoàn toàn đã làm cho nguồn cung cà phê trên thị trường thế giới trở nên khan khiếm. Giá cà phê trên thị trường New York có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Ước sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11 đạt 60 ngàn tấn, với giá trị đạt 100 triệu USD. Tổng cộng 11 tháng đầu năm 2010, sản lượng xuất khẩu cà phê đạt 1.03 triệu tấn, kim ngạch đạt 1.52 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước giảm nhẹ về cả lượng và giá trị.
Cà phê là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai sau gạo trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, niên vụ cà phê 2010/2011 của Đắc Lắc có khả năng đạt sản lượng từ 430 nghìn tấn cà phê nhân trở lên, tăng 50 nghìn tấn so với niên vụ trước. Có thể thấy rằng, năm nay ngành cà phê Việt Nam đã có một bước tăng trưởng khá ấn tượng.
Hiện nay, hai thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức (chiếm tỷ trọng giá trị 13.58%) và Hoa Kỳ (13.03%). Trong khi đó, đã có sự sụt giảm đáng kể ở thị trường Bỉ, sản lượng và giá trị xuất khẩu trong năm chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2009.
Hồ tiêu: Giá tăng cao trong những tháng đầu năm 2010. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), do được lợi về giá, 8 tháng đầu năm 2010 Việt Nam đã xuất khẩu 90,096 tấn hồ tiêu, giảm 6.8% về lượng nhưng tăng tới 22.5% về kim ngạch so với cùng kỳ 2009, đạt 298 triệu USD. Hiện Việt Nam đang chào hàng với mức giá cao từ 3,779 - 3,821 USD/tấn đối với tiêu đen và 5,077 USD/tấn đối với tiêu trắng.
Thị trường trong nước, hiện giá tiêu đen tại Đắc Lắc đang dao động quanh mức 71,000 đồng/kg, tăng 60% so với thời điểm đầu tháng 1 và là mức giá cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nguồn cung là khá hạn chế do nhiều nông dân đã bán hết ở thời điểm đầu vụ, khi giá tiêu chỉ bằng nửa giá hiện tại.
Biểu đồ giá tiêu giai đoạn 2007 – 2010

Nguồn: peppertrade

Xuất khẩu điều vượt Ấn Độ, đứng đầu thế giới. Ước tính đến tháng 11/2010, tổng khối lượng xuất khẩu đạt 179,000 tấn với giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, tăng 10.55% về khối lượng và tới 31.9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt 5,621 USD/tấn, tăng 941 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Việt Nam hiện có 390,000 ha diện tích trồng điều, với sản lượng xuất khẩu năm 2010 ước tính hơn 180,000 tấn nhân điều, thu về kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt qua quốc gia có truyền thống 100 năm xuất khẩu điều lớn nhất thế giới là Ấn Độ.
2. Triển vọng Ngành Nông sản trong quý 4/2010 và năm 2011
Ngành nông sản tiếp tục là “phao đệm” cho nền kinh tế. Trong khi triển vọng của kinh tế trong nước chưa thật sự phục hồi, ngành nông nghiệp tiếp tục được kỳ vọng là “phao đệm” cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Năm 2010 có thể là năm kỷ lục xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam cũng như nhiều nông sản khác như cao su, hồ tiêu, điều... Với lợi thế tự nhiên và kinh nghiệm, chúng tôi cho rằng đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai.
Giá nông sản tiếp tục xu hướng tăng cao. Tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu toàn cầu như lũ lụt ở Pakistan, mất mùa ở Ấn Độ, giảm sản lượng cây trồng ở Trung Quốc do hạn hán đã làm cho nền sản xuất nông nghiệp thế giới ngày càng khó khăn, trong khi nhu cầu lại không ngừng gia tăng. Đây là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp, vốn được xem là ngành phòng thủ khá hiệu quả.
Ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ phát triển ấn tượng nhờ sự gia tăng cả về giá và sản lượng. Theo ước tính của Euromonitor International, doanh số bán lẻ lúa gạo toàn cầu dự đoán sẽ tăng thêm 1.6 triệu tấn trong năm 2011.
Giá cà phê có khả năng tiếp tục tăng cao. Nguồn dự trữ cà phê trên thế giới hiện còn rất thấp và giá được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm 2010. Trước triển vọng của thị trường cà phê thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã điều chỉnh dự báo xuất khẩu cà phê năm 2010 lên mức 1.17 triệu tấn, thay vì 1 triệu tấn như dự báo trong quý 2/2010. Sản lượng này sẽ tương đương với kim ngạch xuất khẩu được nâng từ 1.5 tỷ USD lên 1.8 tỷ USD.
Sản lượng hồ tiêu tiếp tục giảm, thúc đẩy giá gia tăng. Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới (IPC) dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm nay ước đạt 230 nghìn tấn, giảm khoản 18% so với năm 2009. Trong khi đó, nhu cầu hồ tiêu năm 2010 ước đạt 320 nghìn tấn, tăng 10% so với năm 2009. Sản lượng giảm trong khi nhu cầu tăng chính là yếu tố thúc đẩy giá hồ tiêu gia tăng trong thời gian tới. Trong nước, những bất lợi về thời tiết và sâu bệnh khiến sản lượng hồ tiêu xuất khẩu tiếp tục được dự báo giảm xuống mức 114 nghìn tấn, thay vì 132.5 nghìn tấn như dự báo trước đây.
Sản xuất điều tiếp tục nhiều triển vọng. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng từ nay cho đến cuối năm 2010, dự kiến các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu nhân điều Việt Nam sẽ thiếu khoảng 150,000 tấn điều thô các loại. Có thể thấy rằng nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, giá hạt điều vẫn tiếp tục xu hướng tăng vào các tháng cuối năm 2010.
Những điểm yếu và rủi ro của Ngành Nông nghiệp Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hơn 73% hộ nông dân đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai quy trình. Đây là rào cản đáng kể cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Sản lượng nông sản xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Úc… dự kiến tiếp tục hạn chế, khi khâu kiểm soát vẫn còn chưa thật sự được quan tâm đúng mức.
Vấn đề này kỳ vọng sẽ được khắc phục trong thời gian tới, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định Cục Bảo vệ Thực vật sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Ngoài ra, thị trường lúa gạo Việt Nam vẫn tồn tại những khó khắn nhất định khi Philippines,  chiếm 41% thị trường xuất khẩu gạo, đã ngưng nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Châu Phi và một số nước chưa phát triển là đích ngắm của lúa gạo Việt Nam thay thế cho thị trường Philippines, tuy nhiên xuất khẩu sang các nước này vẫn còn khiêm tốn. Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu gạo trong năm 2010.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản chịu ảnh hưởng đáng kể từ chính sách bình ổn giá, an ninh lương thực… của Chính phủ. Việc quy định Vinafood (gồm Vinafood 1 và 2) làm đầu mối xuất khẩu cũng là một vấn đề đáng quan tâm. 
Từ góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn hạn chế. Nguồn vốn lưu động và lãi suất luôn là những trở ngại đáng kể đối với các doanh nghiệp trong ngành.
3. Cổ phiếu quan tâm: LAFAGC
Trong thời gian qua cổ phiếu ngành nông sản chưa được giới đầu tư quan tâm. Nguyên nhân có thể do các cổ phiếu nông sản ít tạo ra sự đột biến trong kinh doanh cũng như đột biến về giá chứng khoán.
Tuy vậy, chúng tôi cho rằng đây là những cổ phiếu phòng thủ khá tốt khi hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng và lợi thế. Chúng tôi nhận thấy rằng một số cổ phiếu ngành nông sản đang ở mức giá hấp dẫn cho đầu tư trung và dài hạn.
CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (HoSE: LAF): LNTT 9 tháng đầu năm 2010 của LAF đạt 53.74 tỷ đồng, tăng hơn 7.5 lần so với cùng kỳ, vượt 33% so với kế hoạch năm 2010 (LNTT kế hoạch 40.39 tỷ đồng).
Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của LAF đạt 35.68 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay thì lợi nhuận trước thuế cả năm 2010 có thể đạt từ 70-80 tỷ đồng, gấp 2 lần kế hoạch năm. Đây là tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng đối với công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông sản.
Hơn 95% doanh thu của LAF đến từ hoạt động xuất khẩu, trong đó xuất khẩu hạt điều chiếm hơn 90%. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng từ nay cho đến cuối năm 2010, dự kiến các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu nhân điều Việt Nam sẽ thiếu khoảng 150,000 tấn điều thô các loại. Điều này cho thấy nhu cầu hạt điều vẫn đang ở mức cao và LAF sẽ có lợi thế khi chủ động được nguồn nguyên liệu. Nguồn thu chủ yếu bằng ngoại tệ cũng giúp LAF gặp nhiều thuận lợi khi tỷ giá USD/VND vẫn đang trong xu hướng tăng cao.
Dự báo doanh thu và LNST năm 2010 của LAF đạt tương ứng 907 tỷ đồng và 52.5 tỷ đồng. Với mức giá 19,000 đồng/cp, LAF đang giao dịch ở mức P/E và P/B forward cho năm 2010 lần lượt là 3.19 lần và 1.26 lần.
Những rủi ro chính bao gồm: biến động giá điều trên thị trường thế giới ảnh hưởng mạnh đến giá điều trong nước và hoạt động kinh doanh của LAF, biến động tỷ giá và biến đổi khí hậu, dịch bệnh có thể gây mất mùa, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu.
CTCP Cà phê An Giang (HNX: AGC): LNST 9 tháng đầu năm 2010 của công ty đạt 19.5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 13 tỷ đồng. Mức LNST này gấp hơn 3 lần so với kế hoạch LNST của năm 2010 là 6.42 tỷ đồng.
Quý 3 thường là mùa thấp điểm do cuối niên vụ khai thác cà phên nên sản lượng giảm mạnh. Tuy nhiên, niên vụ khai thác mới chuẩn bị bắt đầu và giá cà phê vẫn đang được duy trì ở mức cao nên AGC dự kiến sẽ đạt được LNST khoảng 20 tỷ đồng trong quý 4/2010.
Như vậy, LNST cả năm theo dự tính của AGC là trên 40 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch 6 tỷ đồng được xây dựng vào đầu năm. Với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành hiện tại là 8.3 triệu (chưa tính đến lượng phát hành thêm trong thời gian tới), EPS cả năm ước đạt 4,800 đồng.
Rủi ro lớn nhất của AGC lúc này cũng như trong thời gian tới là yếu tố biến động giá cà phê trên thế giới. Đây là nguyên nhân chính khiến cho kết quả kinh doanh của AGCluôn luôn biến động mạnh qua các quý và các năm. Việc dự báo chính xác triển vọng thị trường sẽ giúp công ty tránh được rủi ro này.
Ngoài ra, chính sách kết hợp với nông dân để thu mua nguyên liệu, chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu cũng là yếu tố khá quan trọng. Nếu không có những dự trù và liên kết trước, tình trạng không đủ đầu vào là hoàn toàn có thể xảy ra.
Với đặc trưng kinh doanh cà phê xuất khẩu, AGC phải cần một lượng lớn vốn lưu động. Tình trạng ách tắc tín dụng cũng như lãi suất vay tăng cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của AGC.
Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2010