07:15 | 03/07/2011
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.2011. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước làm căn cứ để xử phạt các vi phạm, bảo vệ những doanh nghiệp chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống thì doanh nghiệp cần nhìn nhận rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và cách ứng xử thích hợp.
Nguồn: tinkinhte.com |
Người tiêu dùng hiện nay đang được thụ hưởng một thị trường hàng hoá đa dạng, phong phú. Nhưng quyền lợi chưa được đáp ứng đầy đủ bởi vẫn còn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng có chứa chất độc hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng. Trong khi đó, các quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng năm 2009 đã rất lạc hậu so với sự phát triển đa dạng của đời sống xã hội, đặc biệt trong quá trình hội nhập. Hệ thống pháp luật thiếu tính đồng bộ, quy định thiếu tính cụ thể, chế tài không phù hợp thậm chí có những lĩnh vực pháp luật không với tay đến để điều chỉnh và hậu quả là người tiêu dùng bị thiệt hại. Do vậy, nhiều người tiêu dùng hy vọng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực sẽ quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia, đồng thời xử lý vi phạm một cách nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng mới sẽ theo hướng thống nhất cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính và có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan có liên quan, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là các trung tâm hòa giải tranh chấp tiêu dùng… Luật sẽ cân bằng lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp, không thể vì bảo vệ người tiêu dùng mà hạn chế các quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tránh tạo ra những kẽ hở để một số cá nhân lợi dụng quyền lợi của người tiêu dùng gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Một vướng mắc được giải quyết trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng lần này là việc khiếu kiện tập thể vì thời gian qua đã xảy ra nhiều vi phạm lên quan đến tập thể, như trường hợp doanh nghiệp chế biến sữa bột có nhiễm chất melamin, xì dầu có chứa chất 3 MCPD... Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng của Bộ Công thương Vũ Bạch Nga cho biết, Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng quy định chưa rõ ràng, khiến cho doanh nghiệp chân chính, người tiêu dùng mất rất nhiều công sức và thời gian để đi khiếu nại. Nhưng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy đinh người tiêu dùng có quyền đi khiếu kiện tập thể trong trường hợp mua phải xăng thiếu, kém chất lượng. Doanh nghiệp phải chịu chi phí bảo hành và đổi sản phẩm nếu lỗi thuộc về nhà sản xuất.
Luật hướng tới sử dụng chính sức mạnh của thị trường để loại bỏ các doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Như vậy, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính đều được bảo vệ lợi ích. Định hướng này được cụ thể hóa trong các quy định như công bố công khai danh sách các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng để dùng sức mạnh của dư luận đấu tranh răn đe và loại bỏ các hành vi này. Theo Giám đốc Maketing Công ty Cổ phần sữa Hà nội Nguyễn Trường Sơn, các công cụ xử lý mạnh mẽ trường hợp làm ăn gian dối của Luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ giúp doanh nghiệp trung thực được tiếp cận người tiêu dùng thuận lợi hơn.
Trước đây, người tiêu dùng có vị trí yếu thế trong quan hệ với nhà sản xuất kinh doanh. Bởi luôn là bên thiếu thông tin, kiến thức liên quan đến đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, ít có cơ hội đàm phán, thương lượng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do vậy, sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ này sẽ góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích chung của xã hội và trong một chừng mực nhất định tạo ra thế cân bằng trong giao lưu dân sự, nhất là nâng cao vai trò cấp Hội. Trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng mới, sự gắn kết giữa tổ chức Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các ngành chức năng sẽ chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin cảnh báo của mình, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực là sự mong đợi của người dân lâu nay do sẽ góp phần từng bước đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và cách ứng xử thích hợp. Đó là những chính sách sản xuất kinh doanh vì người tiêu dùng như: cung cấp sản phẩm và dịch vụ với chất lượng phù hợp; dịch vụ hậu mãi tốt; thông tin đầy đủ và trung thực; giải quyết nhanh chóng khiếu nại và bồi thường cho người tiêu dùng. Đây là một yếu tố quan trọng giúp luật pháp nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Xuân Lan
)