Sunday, July 3, 2011

03/07 Điều kiện cho hoạt động giám sát của HĐND

07:17 | 03/07/2011
Hoạt động giám sát của HĐND thời gian qua đã chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ KT – XH, bảo đảm thực thi pháp luật ở địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của HĐND các tỉnh và thành phố, công tác giám sát vẫn còn những hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc để hoạt động giám sát của cơ quan dân cử phát huy hiệu quả rất cần thiết, khi bước vào một nhiệm kỳ mới.
Giám sát là một trong hai chức năng quan trọng của HĐND. Qua giám sát, cơ quan dân cử có thể kiểm chứng tính đúng đắn, sự phù hợp của các quy định đang được áp dụng và những chủ trương, biện pháp đã quyết nghị; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để đề xuất giải pháp tháo gỡ, góp phần thực hiện tốt hơn công tác quản lý, điều hành các nhiệm vụ KT - XH của địa phương. Thông tin thu được qua giám sát còn là cơ sở cho việc thẩm tra của các ban, giúp HĐND thảo luận và quyết định chính xác tại kỳ họp; bảo đảm để nghị quyết được ban hành có chiều sâu, sát thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri. Trên thực tế, hoạt động giám sát của HĐND thời gian qua tuy chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập, chưa mang lại hiệu quả cao. Công tác giám sát chủ yếu do Thường trực và các ban HĐND tổ chức; việc tham gia giám sát của đại biểu hạn chế, chủ yếu mới giám sát tại kỳ họp. Nhìn chung, giám sát của HĐND đôi khi còn hình thức: nội dung chưa sâu, chưa tập trung vào các vấn đề bức xúc ở địa phương; kết luận chưa chỉ đúng căn nguyên… Có trường hợp kết luận giám sát chưa được chú trọng, việc tiếp thu, khắc phục hạn chế dẫn đến tình trạng còi cứ thổi mà xe cứ chạy.
Nguyên nhân những bất cập trên trước hết do chưa nhận thức đúng, đầy đủ vị trí, vai trò, trách nhiệm của HĐND. Bên cạnh đó, cơ chế cho hoạt động giám sát chưa rõ ràng khiến một số đại biểu thiếu tự tin, một số còn nể nang, ngại va chạm… Mặt khác, còn do hạn chế về năng lực, trình độ của đại biểu, do thiếu thông tin và thời gian thỏa đáng cho đại biểu hoạt động… Việc tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong hoạt động giám sát rất cần thiết khi HĐND các cấp đã bước vào một nhiệm kỳ mới. Qua thực tiễn hoạt động, xin trao đổi một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức về hoạt động giám sát của HĐND cho các cấp, ngành; chính đại biểu HĐND cũng cần nhận thức rõ về công tác giám sát của cơ quan dân cử để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể, phải nắm rõ đối tượng chịu sự giám sát, nội dung, phương thức giám sát và thẩm quyền, phạm vi giám sát. Về nội dung giám sát, cần tập trung vào việc thực hiện các nghị quyết của HĐND và việc tuân thủ pháp luật của các ngành, các cấp. Ngoài giám sát của HĐND tại các kỳ họp thông qua xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND và VKSND cùng cấp; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét văn bản quy phạm pháp luật; bỏ phiếu tín nhiệm… còn giám sát thông qua hoạt động của Thường trực, các ban, đại biểu HĐND theo phương thức giám sát chung, hoặc giám sát chuyên đề.
Như vậy, giám sát của HĐND là giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước về những vấn đề liên quan đến đời sống KT - XH của địa phương; theo dõi, kiểm tra và đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định đã được ban hành. Trên cơ sở đó, kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ, hoặc đưa ra được biện pháp khả thi. Việc thực hiện quyền giám sát của Thường trực, các ban, đại biểu HĐND bảo đảm công khai, khách quan và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Nhận thức và thực hiện đúng, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử sẽ đạt hiệu quả và có sự đồng thuận của các cấp, ngành và xã hội.
Thứ hai, phải xây dựng chương trình, nội dung giám sát đúng trọng tâm, phù hợp và tổ chức tốt các cuộc giám sát. Điều này đòi hỏi trách nhiệm, năng lực và bản lĩnh của Thường trực, các ban, đại biểu HĐND. Trước tiên là phải xác định đúng vấn đề trọng tâm cần giám sát, sau đó xây dựng chương trình và kế hoạch giám sát phù hợp, trên cơ sở chương trình giám sát hàng năm HĐND đã thông qua. Có những vấn đề mới phát sinh trong thực tế, bức xúc, cần thiết thì việc tổ chức các cuộc giám sát kịp thời là rất cần thiết. Cần lưu ý là, các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử không thể làm thay các cơ quan hành pháp và tư pháp. Vì vậy, phương pháp tiến hành giám sát phải chặt chẽ, thực hiện theo đúng chức năng, thẩm quyền và đúng quy trình.
Tiếp đến phải chuẩn bị và tổ chức tốt các cuộc giám sát, từ khâu chuẩn bị nắm tình hình đến thu thập thông tin cần thiết liên quan đến nội dung, đối tượng giám sát. Cần dự liệu trước những tình huống, vấn đề cần đi sâu, làm rõ (có thể xây dựng nội dung chi tiết); có phương pháp, hình thức giám sát khoa học và phù hợp, đặc biệt là việc tổ chức Đoàn giám sát phải có sự tham gia của những thành viên am hiểu sâu về lĩnh vực cần xem xét, giúp Đoàn xác định chính xác những nội dung cần kiến nghị. Kết luận giám sát phải khách quan: khen đúng, chê đúng và quan trọng là chỉ ra được những hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách, pháp luật; đề xuất hướng giải quyết khả thi, kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp khắc phục kịp thời.
Hiệu quả của hoạt động giám sát phụ thuộc vào việc thực hiện kiến nghị của các ngành hữu quan. Do đó, việc theo dõi thực hiện các kiến nghị là sự tiếp tục của hoạt động giám sát, nhất là trong những trường hợp giữa chủ thể và đối tượng chịu sự giám sát còn ý kiến khác nhau trong việc khắc phục hạn chế, thiếu sót và xử lý trách nhiệm của đơn vị chịu sự giám sát. Chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về kết quả giám sát, để tiếp tục theo dõi đến nơi, đến chốn khâu tiếp thu, xử lý các kiến nghị của các cơ quan hữu quan. Nếu cơ quan nhà nước không chịu sửa sai, không thực hiện các kiến nghị sau giám sát cần giải quyết theo hướng cao hơn, như ban hành nghị quyết về thực hiện các kiến nghị; sau đó giám sát thực hiện nghị quyết. Thực tế, đây là vấn đề mà lâu nay trong hoạt động giám sát HĐND chưa thực hiện đầy đủ, hết trách nhiệm của mình. Do vậy cần phải xây dựng hồ sơ giám sát, nhằm bảo đảm cập nhật thông tin thường xuyên cho các hoạt động tiếp theo.
Kinh nghiệm cho thấy, nên xây dựng chương trình giám sát vừa sức, chọn trúng những vấn đề trọng tâm đại biểu và cử tri quan tâm; đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình tổ chức giám sát; giám sát đến nơi đến chốn để đưa ra được những kiến nghị, giải pháp cần thiết.
Thứ ba, trong thực hiện chức năng giám sát, cần có sự phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các thành viên của MTTQ, giữa hoạt động giám sát với công tác tiếp xúc cử tri… nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của HĐND.
Thứ tư, tăng cường công tác thông tin về hoạt động giám sát của HĐND, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vừa tạo áp lực từ dư luận xã hội đối với việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Thứ năm, phát huy vai trò của Thường trực HĐND trong việc điều hòa, phối hợp hoạt động của các ban, đại biểu HĐND trong giám sát. Thực tiễn cho thấy: ở đâu Thường trực HĐND chủ động làm tốt vai trò điều hòa phối hợp hoạt động của các ban, đại biểu HĐND thì ở đó hoạt động của HĐND phát huy hiệu quả tốt hơn.
Như vậy, để HĐND khóa mới nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, nhất là trong giám sát, phải có những điều kiện cần và đủ như trên.
Nguyễn Thị Nhàn

No comments:

Post a Comment