11:58 AM, 14/09/2010
(Chinhphu.vn) - Đọc hai bài viết của Thủ tướng Chính phủ nhằm giới thiệu những nội dung lớn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tôi rất tâm đắc với quan điểm vể phát triển bền vững.
TS. Trần Du Lịch
Tôi cũng tâm đắc với nội dung gắn tăng trưởng kinh tế với sự thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, tăng nhanh phúc lợi xã hội với 5 nhiệm vụ lớn về tăng trưởng kinh tế và 6 nhóm giải pháp để nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược đó, cần có khâu đột phá chiến lược; mà trọng tâm là cải cách thể chế kinh tế.
Vì sao cải cách thể chế kinh tế là khâu đột phá chiến lược?
Thật vậy, sự nghiệp đổi mới của nước ta, sau gần 1/4 thế kỷ, đã đưa nền kinh tế nước ta đạt được những thành tựu to lớn: tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và liên tục trong nhiều năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng cạnh tranh hơn; chỉ số phát triển con người (HDI) đã đạt gần mức trung bình của thế giới; vị thế kinh tế nước ta trên trường quốc tế được khẳng định như một thị trường mới nổi nhiều tiềm năng.
Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều ngang, dựa vào ưu thế lao động rẻ, khai thác tài nguyên thô, gia công xuất khẩu...đã thực hiện tốt sứ mệnh đưa nước ta từ một nước có nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển trở thành quốc gia có thu nhập trung bình; đạt thành công rất ấn tượng trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo và cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao rõ nét điều kiện dân sinh.
Tuy nhiên, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và tham gia vào quá trình hội nhập toàn diện với nền kinh tế toàn cầu đã biểu lộ rất rõ nét sự bất cập và đang là trở lực của phát triển bền vững thể hiện qua các chỉ báo như hệ số ICOR, cơ cấu hàng xuất khẩu, nhập siêu, năng suất lao động, tổng yếu tố của tăng trưởng…
Thể chế kinh tế của nước ta, tuy không ngừng được đổi mới trong suốt 25 năm qua, nhưng để thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn phát triển mới, cần phải thực sự đóng vai trò động lực thúc của tiến trình trên.
Về nội dung đổi mới thể chế kinh tế khá rộng, trong phạm vi góp ý kiến này tôi tập trung trao đổi 2 nhóm vấn đề. Đó là đổi mới nhận thức về chức năng kinh tế của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và sử dụng có hiệu quả các công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước.
Trong bài này, tôi xin tập trung đề cập đến nội dung "Đổi mới nhận thức về chức năng kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường".
Hai nội dung cơ bản của đổi mới thể chế kinh tế
Trước hết cần xác định rõ chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường. Đây là cơ sở để đổi mới nội dung thể chế kinh tế. Kinh tế thị trường được vận động với sự tham gia của 3 chủ thể chính: (1) Người sản xuất (tức người cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho thị trường); (2) Hộ gia đình-người tiêu dùng và (3) Nhà nước.
Hiện nay, trong quản lý nền kinh tế của chúng ta có sự lẫn lộn về vị trí, vai trò của 3 chủ thể này.
Có thể khẳng định, quản lý Nhà nước nền kinh tế thị trường chính là tạo ra khuôn khổ pháp luật phản ảnh được mục tiêu, ý muốn chủ quan của Nhà nước trong quá trình phát triển; để qua đó các chủ thể khác tự quyết định các hoạt động của mình.
Về lý luận cũng như thực tiễn cho thấy, không phải lúc nào thị trường cũng đúng trong việc phân bố nguồn lực của nền kinh tế; sự thất bại của thị trường sẽ mang đến những hệ quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, tạo nên những cuộc khủng hoảng kinh tế.
Thực tế ở Việt Nam trong những năm gần đây với các cơn “sốt” nhà đất, chứng khoán, lương thực, thực phẩm… là minh chứng rõ nét về sự thất bại của thị trường trong việc phân bố nguồn vốn đầu tư, làm méo mó thị trường, lãng phí nguồn lực xã hội.
Do đó, nhiều nhà kinh tế đã ví mối quan hệ giữa thị trường với Nhà nước như “hai bánh xe” của một cỗ xe vận hành nền kinh tế; sự thiếu đồng bộ trong quá trình vận hành của “hai bánh xe” này chính là điều, mà chúng ta thường nói là sự bất cập trong quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường.
Ngày nay, với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của các nền kinh tế, vai trò của Nhà nước càng đặc biệt quan trọng. Sự cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh sản phẩm đã trở thành cạnh tranh quốc gia và 3 giác độ cạnh tranh này ngày càng không thể tách rời, mà yếu tố cạnh tranh quốc gia đã và đang trở thành nhân tố quyết định đối với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh sản phẩm trong quan hệ kinh tế khu vực và quốc tế.
Sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, trước hết dựa vào sức cạnh tranh của nền kinh tế và trong mối quan hệ tác động qua lại giữa 3 chủ thể này, thì sức cạnh tranh của nền kinh tế có vai trò là chủ thể dẫn đường. Do đó, có thể nói rằng chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước là tạo ra các yếu tố dẫn dắt thị trường phát triển.
Nền kinh tế thị trường cần có sự quản lý của Nhà nước
Hiện nay, dường như trong một số chính sách và quan niệm của một số người đi lệch theo hướng cường điệu hóa vai trò của thị trường trong phát triển, mà chưa thấy hết vai trò của Nhà nước.
Vai trò của Nhà nước trước 3 khuyết tật lớn của kinh tế thị trường
Thị trường hoạt động theo quy luật của “bàn tay vô hình”, mà các quy luật đó giống như quy luật “nước chảy xuống chỗ trũng”. Còn vai trò của Nhà nước can thiệp vào thị trường, là dẫn dắt dòng nước chảy theo mục đích của mình (như đắp đê, khai mương, đặt máy bơm v.v…). Tức là quan hệ giữa nhân tố khách quan của quy luật thị trường với ý muốn chủ quan trong mục tiêu phát triển của Nhà nước không làm triệt tiêu lẫn nhau. Đây chính là điểm khó khăn nhất về phương diện tư duy, cũng như hành động trong suốt quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng chính là điều bất cập trong cơ chế quản lý kinh tế hiện nay.
Về thuộc tính của kinh tế thị trường, cho đến nay vẫn bộc lộ 3 khuyết tật lớn. Thứ nhất, luôn luôn có nguy cơ mất cân đối cung - cầu tạo ra các cuộc khủng hoảng thừa hoặc khủng hoảng thiếu. Thứ hai, vì mục tiêu lợi nhuận và cạnh tranh, hầu hết doanh nghiệp ít quan tâm đến lợi ích toàn cục, lợi ích cộng đồng (gây ô nhiễm, phá hoại môi trường, trốn tránh luật pháp gian lận thương mại v.v…). Thứ ba, kinh tế thị trường về bản chất là mô hình làm giàu cho thiểu số; tự nó không thể làm giàu cho mọi người.
Những khuyết tật trên, các quốc gia, tuỳ theo điều kiện lịch sử và đặc điểm của mình và tùy theo mục tiêu của nhà nước đó đề ra những công cụ quản lý khác nhau. Ngày nay, khi nói đến phát triển bền vững, tức là chúng ta sử dụng vai trò của Nhà nước để khắc phục 3 khuyết tật của thị truờng nói trên nhằm thực hiện có hiệu quả nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình. Nhà nước cần có công cụ và cơ chế giám sát, chế tài hữu hiệu để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra.
Do đó, cần đổi mới tư duy và hành động trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với thị trường. Đây là vấn đề khá khó khăn và phức tạp của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quản lý Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, ngoài việc tạo môi trường pháp lý minh bạch thông thoáng cho sự vận động của các chủ thể tham gia thị trường, còn có vai trò khắc phục những khuyết tật cố hữu của thị trường để tạo nên một sức mạnh tổng hợp của vai trò Nhà nước và vai trò thị trường.
TS. Trần Du Lịch
(Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM,
thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia)
Bài 2: Sử dụng có hiệu quả các công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước
* Các tít phụ do Báo điện tử Chính phủ đặt