Saturday, September 10, 2011

10/09 Phía trước là thách thức

07:40 | 10/09/2011
Tháng 6.2009, trong lễ khai trương Trung tâm Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI&ADR) quốc gia, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) ở nước ta Ts Jean Marc Olivé nói: còn có nhiều thách thức đang chờ đợi trong hành trình tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả tại Việt Nam. Giờ đây, khuyến cáo này vẫn còn nguyên giá trị.

Nguồn: suckhoedoisong.vn
Thiếu thông tin
Tháng 3.2011, Trung tâm về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI&ADR) thứ 2 của cả nước được thành lập. Đây là Trung tâm DI&ADR khu vực TP Hồ Chí Minh, trực thuộc Bộ Y tế và hoạt động dưới sự quản lý hành chính của Bệnh viện Chợ Rẫy. Là mô hình gắn kết hoạt động thông tin thuốc với hoạt động điều trị lâm sàng, Trung tâm có chức năng quản lý báo cáo về an toàn thuốc và cảnh giác dược trong khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào). Sau 5 tháng hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận và xử lý hơn 100 báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) từ các cơ sở điều trị, từ đó có thể đưa ra những khuyến cáo sớm về tính an toàn của thuốc, giúp cho việc sử dụng thuốc thích hợp. Còn theo báo cáo của Ts Nguyễn Tuấn Dũng (khoa Dược, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh), từ tháng 11.2010 đến tháng 7.2011 chỉ có tổng cộng 315 báo cáo ADR, trung bình mỗi tháng chỉ có khoảng 30 - 40 báo cáo ADR. Trung tâm DI&ADR Quốc gia- đặt tại ĐH Dược Hà Nội cũng chỉ nhận được 1.000 báo cáo mỗi năm. Trong khi đó, quy định của WHO là phải gấp 10 lần con số này. Và trên thế giới, hệ thống thông tin, cảnh giác dược đạt hiệu quả thường có khoảng 200 báo cáo/1 triệu dân.
Theo Phó giám đốc Trung tâm DI&ADR quốc gia Ts Nguyễn Hoàng Anh, hệ thống cảnh giác dược ở nước ta còn thiếu sự liên kết chặt chẽ, chưa kết nối được với các chương trình y tế. Cán bộ y tế chưa tích cực tham gia vào hệ thống, còn hạn chế trong nhận thức về tầm quan trọng và phạm vi cảnh giác dược. Lãnh đạo một bệnh viện cho rằng, số lượng báo cáo ADR ít ỏi nêu trên có thể do chưa có các quy định pháp lý một cách rõ ràng về hoạt động của các trung tâm DI&ADR, và thừa nhận báo cáo ADR chủ yếu mang tính hình thức.
Có một thực tế khác, từ năm 2003, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của thông tin thuốc (DI) trong bệnh viện. Hơn 90% bệnh viện từ trung ương đến địa phương trên cả nước đã thành lập DI, nhưng hoạt động của đơn vị này chỉ mang tính hình thức. 70% bệnh viện tỉnh và 85% bệnh viện huyện không có phần mềm tra cứu thông tin thuốc. Việc theo dõi các tác dụng không mong muốn của thuốc chưa được thường xuyên và kịp thời. Nhân lực ngành dược thì vẫn thiếu số lượng, chưa đảm bảo chất lượng.
Hoàn toàn có lý do để lo lắng trước những hạn chế trong hệ thống thông tin và cảnh giác dược tại Việt Nam khi thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết: mỗi năm hệ thống kiểm nghiệm thuốc trong cả nước đã kiểm tra hàng chục nghìn mẫu thuốc và số lượng thuốc kém chất lượng luôn chiếm từ 2,67% - 3,33% số mẫu kiểm nghiệm.
Phối hợp cấp quốc gia
Sử dụng thuốc đúng chỉ định, hợp lý và hiệu quả là yêu cầu cấp thiết đối với ngành y tế. Bởi sai sót thuốc có thể xảy ra ở mọi nơi và mọi đối tượng. Sai sót trong sử dụng thuốc có thể xảy ra khi điều dưỡng hoặc y tá đưa thuốc cho bệnh nhân uống: tên thuốc gần giống nhau, hình dạng của viên thuốc na ná nhau, dẫn đến dễ gây nhầm lẫn. Hoặc trong quá trình tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân, bác sỹ không dặn dò kỹ, bệnh nhân uống sai cũng sẽ gây hại cho sức khỏe…
Ở góc độ cơ quan quản lý, lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, các bệnh viện cần đầu tư hỗ trợ đảm bảo đủ các thiết bị làm việc và nguồn nhân lực thì việc thông tin thuốc mới đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sử dụng thuốc. Hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội Pgs.Ts Lê Viết Hùng lại nhấn mạnh: sự hợp tác chặt chẽ giữa đội ngũ điều trị, người sản xuất, kinh doanh dược phẩm, cơ quan quản lý, người tiêu dùng và các tổ chức quốc tế sẽ góp phần đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả trong các khu vực điều trị và cộng đồng.
Bệnh viện Chợ Rẫy - đơn vị quản lý Trung tâm DI&ADR khu vực TP Hồ Chí Minh - cho biết sắp tới, sẽ tạo môi trường cởi mở, khuyến khích để nhân viên y tế dũng cảm báo cáo phản ứng có hại của thuốc. Đội ngũ làm công tác này sẽ được huấn luyện chuyên nghiệp, thu thập báo cáo nhưng phải trả lời thỏa đáng cho nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, cần thiết phải phát triển hệ thống phối hợp cấp quốc gia để đảm bảo an toàn thuốc ở tất cả các cấp độ của hệ thống y tế Việt Nam.
Theo cách hiểu thông thường, cảnh giác dược là ngành khoa học về thu thập, giám sát, nghiên cứu, theo dõi và đánh giá thông tin từ các trung tâm chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân đối với các tác dụng ngoại ý của thuốc, sản phẩm sinh học, thảo dược và thuốc cổ truyền nhằm: xác định các thông tin mới về các nguy cơ liên quan đến thuốc; ngăn chặn tác dụng độc hại đối với bệnh nhân.
Theo Wikipedia
Minh Nguyệt

10/09 Điều cuối cùng là quyền lợi của nhiều thế hệ

07:40 | 10/09/2011
Cuộc điều tra của Nhóm tư vấn chính sách Dự án Hỗ trợ phân tích chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính và UNDP không phải là cuộc điều tra đầu tiên về đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Kết quả được công bố cũng không gây bất ngờ. Điều đang được chờ đợi là sự quyết liệt hơn nữa của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát doanh nghiệp FDI.
Không thể phủ nhận những đóng góp đáng kể của doanh nghiệp FDI vào thành tích xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động trong suốt hơn 20 năm mở cửa nền kinh tế. Khu vực này hiện cũng đang trở thành đầu tàu tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, không phải không có những kết quả đáng thất vọng. Ví dụ, số lao động trong khu vực FDI chủ yếu là lực lượng lao động nữ, tay nghề thấp. Việc đầu tư sử dụng công nghệ mới và chuyển giao công nghệ mới còn rất hạn chế ở các doanh nghiệp này. Cho đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công và dựa trên chi phí nhân công rẻ. Do vậy, giá trị gia tăng tạo ra cho nền kinh tế không nhiều. Trong khi đó, mục tiêu quan trọng nhất của thu hút FDI là nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và nâng cấp nền kinh tế chứ không phải là tối đa hóa lượng vốn, hay thậm chí việc làm.
Một điều nữa lâu nay làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách là mức đóng góp cho ngân sách của doanh nghiệp FDI đã không tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và quy mô về giá trị sản xuất công nghiệp. Ngoài lý do khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có một nguyên nhân khác là nhiều công ty thực hiện chính sách chuyển giá ra nước ngoài để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp và tiếp tục được hoàn thuế giá trị gia tăng. Câu chuyện chuyển giá của các doanh nghiệp FDI được nhắc đến từ hơn chục năm trước và kéo dài tới giờ, không chỉ làm cho nước ta bị thất thu khoản thuế lớn, mà còn có thể gây ra nhiều hậu quả rất tai hại đối với nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cảnh báo sự hiện diện của những doanh nghiệp FDI không trung thực sẽ tạo ra những số liệu ảo về nhập siêu, làm méo mó số liệu thống kê. Từ đó, có thể dẫn đến việc ban hành những chủ trương, chính sách điều hành ở cấp vĩ mô không phù hợp, thậm chí có hại cho sức phát triển của một ngành hoặc cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình trạng gian dối này khiến cho doanh nghiệp trong nước và những doanh nghiệp FDI trung thực khác, giảm khả năng cạnh tranh và mất dần thị phần.
“Chúng tôi tự tin xử lý được”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định trong một cuộc họp báo hồi đầu năm nay khi các phóng viên hỏi về vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Ông nói: chỉ cần làm điểm 2 - 3 doanh nghiệp và đưa ra ánh sáng, ngay lập tức họ sẽ phải thay đổi vì đây là những doanh nghiệp quốc tế và họ cần giữ uy tín của mình. 
Niềm tin của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã được chứng thực bằng một câu chuyện của Bộ Tài chính. Đầu năm 2011, Bộ Tài chính vừa mới ra quyết định thanh tra, kiểm tra khả năng chuyển giá tại hơn 80 doanh nghiệp FDI, ngay lập tức, hàng loạt doanh nghiệp FDI báo lỗ trong nhiều năm, nay đã khai có lãi. Cá biệt có doanh nghiệp 10 năm báo lỗ, năm 2010 báo lãi hơn 100 tỷ đồng. Tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp FDI ở TP Hồ Chí Minh, nơi hàng năm có khoảng 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ, trong 5 tháng đầu năm 2011 đã tăng hơn 50%. Nguyên nhân được xác định là do số thuế thu được từ các doanh nghiệp FDI tăng hơn hẳn mọi năm khi nhiều doanh nghiệp báo cáo kinh doanh có lãi. 
Từ đây, suy rộng ra, nếu các cơ quan quản lý quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm soát các doanh nghiệp FDI thì sẽ góp phần cải thiện đáng kể những tồn tại của khu vực này mà cuộc điều tra của Nhóm tư vấn chính sách Dự án Hỗ trợ phân tích chính sách tài chính đã chỉ ra. Có thể là muộn, nhưng phải bắt đầu. Trong đó, yếu tố kiểm soát quan trọng nhất trong dài hạn là sẽ không có dự án nào được phép triển khai nếu không có một thành tố cụ thể về việc chuyển giao kiến thức và kỹ năng từ nhà đầu tư nước ngoài cho lực lượng sản xuất trong nước. Điều này không dễ dàng nhưng có thể thực hiện được, trên cơ sở quyết định dựa trên quyền lợi của nhiều thế hệ.
Hồng Loan

10/09 Làm gì để hạn chế lao động Việt sống bất hợp pháp tại Hàn?


picture
Xu hướng tuyển dụng lao động Việt Nam của doanh nghiệp Hàn Quốc đang có dấu hiệu giảm dần.
▪  VŨ QUỲNH
14:37 (GMT+7) - Thứ Bảy, 10/9/2011

Cho đến thời điểm này, Hàn Quốc vẫn được xem là thị trường tiếp nhận lao động số một tại Việt Nam khi chỉ tiêu và công việc cho lao động tại đây khá ổn định. Đặc biệt, thu nhập của người lao động khá cao với trung bình khoảng 1.000 USD/tháng.
Song, vừa qua Hàn Quốc đã quyết định hoãn đợt kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng Hàn dự kiến tổ chức vào ngày 7/8 và đang xem xét dừng tiếp nhận lao động Việt Nam.

Ông Vũ Minh Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Cơ quan đại diện Nguồn nhân lực Hàn Quốc đưa ra thông báo hoãn kỳ thi tiếng Hàn vào ngày 7/8  không nói là hoãn đến bao giờ.

Đại diện cơ quan này cũng cho biết, một trong những nguyên nhân chính là do lao động Việt Nam bỏ trốn, ở lại cư  trú và làm việc bất hợp pháp tăng cao thời gian gần đây, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội của nước này.

Theo ông Xuyên, trước đây, phía Hàn Quốc đã từng áp dụng việc tạm dừng tiếp nhận lao động Philippin, khi số lượng lao động nước này bỏ trốn tại Hàn Quốc tăng cao. Với Việt Nam, điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu không cải thiện được tình trạng lao động bỏ trốn.

Số liệu của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cho thấy, năm 2011, số lao động Việt Nam hết thời hạn về nước dự kiến khoảng 11.000 người. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số lượng lao động hết hợp đồng về nước chỉ đạt 45%. 

Tại buổi tọa đàm “Các biện pháp ngăn ngừa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS trốn và ở lại làm việc bất hợp pháp” được Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức tại Hà Tĩnh và Nghệ An trong hai ngày 8 và 9/9, ông  Jung Jin Joung, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc bắt đầu có cái nhìn tiêu cực với lao động Việt Nam.

Bằng chứng là gần đây, số lượng chủ sử dụng lao động nói chung, đặc biệt là chủ sử dụng lao động trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp không hài lòng với người lao động Việt Nam tăng lên, xu hướng tuyển dụng lao động Việt Nam đang có dấu hiệu giảm dần. Chủ sử dụng lao động sở tại bắt đầu chuyển sang lựa chọn người lao động của các quốc gia khác.

Điều 12 Nghị định số 144/2007/NĐ-CP ngày 10/9/2007 của Chính phủ quy định xử phạt  đối với người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài ở lại trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động hoặc bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng khá rõ.

Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng  và áp dụng hình phạt bổ sung là buộc về nước, buộc bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh; cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn hai hai năm. Tuy nhiên, chế tài này xem ra không có ý nghĩa đối với lao động bỏ trốn tại thị trường Hàn Quốc.

Tại cuộc tọa đàm nói trên, một số biện pháp nhằm hạn chế thực trạng lao động bỏ trốn, sống bất hợp pháp đã được đưa ra như: thay đổi cách thức tuyển chọn lao động, phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình động viên người lao động bất hợp pháp về nước, áp dụng hình thức đặt cọc hoặc bảo lãnh để chống trốn....  

Tuy nhiên, biện pháp được xem là hữu hiệu nhất để giải quyết thực trạng này, theo ông Nguyễn Tiến Hòa, giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Tĩnh, sẽ phải xử phạt nặng đối với cá nhân, gia đình có lao động bỏ trốn, sống bất hợp pháp ở Hàn Quốc.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, một trong những xã có số lao động đi làm việc ở Hàn Quốc nhiều nhất cho rằng, cần đưa ra sự ràng buộc từ phía gia đình có lao động đi Hàn Quốc. Một lao động xuất cảnh, gia đình sẽ tự nguyện viết đơn cam kết với chính quyền địa phương không cho con em họ bỏ trốn. Trước khi lao động xuất cảnh, UBND xã sẽ thu giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ, hồ sơ của người thân trong gia đình.

Nếu lao động hết hợp đồng về nước đúng thời hạn, xã sẽ trả lại giấy tờ cho gia đình. Ngược lại, nếu lao động bỏ trốn, những người thân trong gia đình sẽ phải chịu phạt thay cho con em họ.
 
Thảo luận (2 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Lê Trọng Long 18:43 (GMT+7) - Thứ Tư, 14/9/2011
Nhà nước nên có biện pháp cứng rắn với những lao động bỏ trốn.
Mạnh 11:44 (GMT+7) - Thứ Hai, 12/9/2011
Theo tôi phải có những chế tài mang tính dăn đe cao đối với những lao động bỏ trốn, bởi vì hành động của họ gây ra là rất nghiêm trọng, nó làm mất cơ hội cho các lao động khác trong nước, thậm chí có làm mất uy tín của cả 1 quốc gia.