Monday, September 19, 2011

19/09 Việt Nam phản đối Trung Quốc về Biển Đông


Cập nhật: 06:36 GMT - thứ hai, 19 tháng 9, 2011

Người phát ngôn BNG Lương Thanh Nghị
Ông Lương Thanh Nghị mới được bổ nhiệm làm phát ngôn viên Bộ Ngoại giao
Việt Nam nói việc Trung Quốc điều tàu trọng tải lớn tới Trường Sa và thường xuyên đánh bắt tại đó là 'vi phạm chủ quyền'.
Tân phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị đã đưa ra phản ứng của chính phủ Việt Nam trước các thông tin mới đây cho hay Trung Quốc vừa điều tàu cá trọng tải 1.000 tấn đến Trường Sa để hỗ trợ hoạt động thủy sản và hiện có tới 500 tàu cá của nước này thường xuyên đánh bắt ở khu vực Trường Sa.
Ông Nghị nói với các phóng viên tại Hà Nội hồi cuối tuần trước: "Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
"Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam."
Ông nói Việt Nam yêu cầu các bên "không có các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông", nhưng không nhắc tên Trung Quốc.
Các động thái mới đây của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đã dẫn tới lời kêu gọi tổ chức một cuộc tuần hành thứ 12 ở Hà Nội vào Chủ nhật 18/09 để phản đối chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Biểu tình đã không xảy ra ở Hà Nội tuy trong chiều Chủ nhật, một nhóm thanh niên mặc áo mưa có logo và khẩu hiệu chống đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông đã đi xe gắn máy vài tiếng đồng hồ trên các phố ở trung tâm TP Hồ Chí Minh trong động thái được cho là bày tỏ tinh thần phản kháng.

Tàu Nhật Bản thăm Việt Nam

Trong khi đó, hai tàu phòng vệ biển của Nhật Bản cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm đầu tiên tới miền Trung Việt Nam.
Tàu phá thủy lôi Uraga
Đây là lần đầu tiên tàu phòng vệ biển của Nhật Bản thăm Đà Nẵng
Tin cho hay hai tàu phá thủy lôi Uraga và Tsushima thuộc lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã cập cảng Tiên Sa sáng thứ Bảy 17/09 trong chuyến thăm hữu nghị kéo dài ba ngày.
Hai tàu này có thủy thủ đoàn tổng cộng hơn 170 người, do Đại tá Yasuhiro Kawakami, Tư lệnh Đội phá mìn 51, chỉ huy.
Các thủy thủ Nhật sẽ có hoạt động trao đổi giao lưu với thủy thủ và người dân địa phương. Lãnh đạo hai tàu theo thông lệ cũng sẽ tới chào xã giao Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.
Hai tàu chiến, mang tên hai địa danh của Nhật Bản, thuộc loại tàu rà phá mìn hiện đại, có trọng tải lớn.
Tàu Uruga, số hiệu MST463, trọng tải trên 5.000 tấn, đặt tại căn cứ Yokosuka và đã có nhiều hoạt động chung với tàu hải quân Hoa Kỳ.
Tàu này, hạ thủy năm 1996, còn có chức năng hậu cần.

19/09 Tiếp tục tranh cãi quanh dự án Rusalka


▪  ANH MINH
19/09/2011 11:11 (GMT+7)
 
Dự án Rusalka hiện vẫn đang phơi mưa phơi nắng.
Dự án đầy tai tiếng Rusalka ở Khánh Hòa một lần nữa lại… tai tiếng, khi các bên liên quan không thống nhất được cách xử lý.

Sự việc bắt đầu tư năm 2000 khi Công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) do ông Nguyễn Đức Chi làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị được cấp giấy phép đầu tư dự án Rusalka (Nàng tiên cá) trên diện tích 43,5 ha tại phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang.

Để triển khai dự án này, RIT đã thuê Công ty TNHH Một thành viên Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC (BMC) làm chủ thầu xây dựng dự án.

Rắc rối nảy sinh khi vào giữa năm 2005, ông Nguyễn Đức Chi bị bắt, sau đó bị xử phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “sử dụng trái phép tài sản” và “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Cùng với đó, đất đai và tài sản của dự án trên đã bị kê biên. 

Gần đây, sau khi được tự do, ông Chi xin tiếp tục đầu tư dự án Rusalka. Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc tìm nhà đầu tư có đủ năng lực để tiếp tục đầu tư thực hiện dự án Rusalka như dự án mới, để tiếp tục đầu tư trên cơ sở khối tài sản còn lại của dự án cũ.

Tiếp đó, ông Nguyễn Đức Chi đã đề nghị thành lập Công ty Cổ phần Du lịch trọng điểm Nha Trang để tiếp tục thực hiện dự án với tên gọi khu nghỉ dưỡng Champarama.

Tuy nhiên, mới đây, khi Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa và ông Nguyễn Đức Chi có thông báo thanh lý dự án Rusalka, Công ty BMC đã làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp việc thanh lý dự án này, do lo ngại không đòi lại được số tiền đã tạm ứng vào việc xây dựng dự án.

Theo BMC, với tư cách là nhà thầu chính, tính đến đầu năm 2005, công ty này đã đầu tư xây dựng tại dự án với số vốn hơn 73 tỷ đồng, nhưng RIT chỉ mới trả 3,5 tỷ đồng. Đến nay, tất cả công trình tại Rusalka chưa tổng nghiệm thu toàn bộ và vẫn do BMC quản lý, bảo quản.

Công ty BMC cũng cho rằng khi ông Nguyễn Đức Chi bị phạt tù, RIT bị thu hồi giấy phép đầu tư, thì xem như dự án đã “giải thể một cách hợp pháp”. Dự án đã bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên giá trị của dự án chỉ là những công trình đang có trên đó, và với tư cách là đơn vị trực tiếp bỏ vốn xây dựng, tất cả những công trình do BMC xây dựng tại đây phải thuộc quyền sở hữu của BMC. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng tài sản mà BMC và các nhà thầu thực hiện theo hợp đồng xây lắp trong dự án Rusalka là thuộc quyền sở hữu của RIT và nằm trong tài sản thế chấp giữa RIT với ngân hàng. BMC chỉ sở hữu khoản công nợ với RIT, khoản công nợ này đã được hai bên thỏa thuận tính lãi.

Một bản kiến nghị dày hơn 10 trang đã được BMC gửi Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh rằng BMC có đủ căn cứ để yêu cầu RIT thanh toán khoản nợ hơn 275 tỷ đồng, gồm tài sản cố định (hơn 69 tỷ đồng), lãi, lãi phát sinh, phạt vi phạm hợp đồng...

Còn ông Nguyễn Đức Chi thì cho rằng, nghĩa vụ của RIT đối với các nhà thầu chỉ tính được tới thời điểm RIT bị chấm dứt hoạt động. Công nợ của RIT với BMC đã được các bên ký biên bản đối chiếu vào tháng 5/2005 là 54 tỷ đồng cộng lãi thỏa thuận 1,3%/tháng. Thời gian tính lãi thực hiện từ tháng 5/2005 cho tới thời điểm RIT bị thu hồi giấy phép đầu tư tháng 10/2006. 

Trong kiến nghị của mình, BMC đã nhấn mạnh rằng nếu giao dự án cho Công ty Cổ phần Du lịch trọng điểm Nha Trang, pháp nhân mới được thành lập để “tiếp quản” dự án Rusalka, thì sẽ “không có thuận lợi nào cho Nhà nước”. 

Thậm chí, theo BMC, pháp nhân mới này không đáng tin cậy vì “bề dày kinh nghiệm bằng không”, tài chính “tù mù”, mọi năng lực khác “chưa kiểm chứng được” và “nếu giao dự án cho pháp nhân nói trên thì có dẫn đến “một lần nữa đưa dự án vào chỗ bế tắc”.

Chưa rõ, UNBD tỉnh Khánh Hòa sẽ xử lý thế nào trước tình huống “có một không hai” này?
 
Thảo luận (2 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Hiền Giang 10:07 (GMT+7) - Thứ Sáu, 23/9/2011
Tôi nghĩ UBND Khánh Hòa nên mau chóng vào cuộc. Không nên để dự án cứ treo mãi như vậy.
Mai Thanh Tùng 19:13 (GMT+7) - Thứ Hai, 19/9/2011
Theo tôi các bên nên ngồi lại với nhau tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, đừng mang lý ra để cãi nhau nữa, chẳng bên nào có lợi đâu, rồi tất cả đều thiệt hại, bài học nhãn tiền vẫn còn đó.

19/09 Phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản

07:10 | 19/09/2011
Phát triển công nghiệp chế biến là nhân tố quan trọng để nâng cao giá trị, tăng khả năng tiếp cận những thị trường khó tính như EU và Mỹ của nông sản nước ta.
Chế biến nông sản là một khâu quan trọng trong việc thúc đẩy các liên kết thị trường, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, phù hợp với thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp chế biến đồng thời phải đảm nhận nhiều chức năng như trực tiếp xuất khẩu nông sản, duy trì thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường với những sản phẩm chế biến mới, vừa phối hợp, liên kết với ngành nông nghiệp, các Viện khoa học, các trường đại học, và các công ty cung ứng và các tổ chức sản xuất (hộ nông dân, hợp tác xã…) hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Kinh nghiệm của Thái Lan đã cho thấy, việc thúc đẩy phát triển ngành chế biến nông sản kết hợp với các chính sách xúc tiến thương mại sẽ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

19/09 Lãi suất huy động tăng và… “thẳng”


picture
Tại một số ngân hàng thương mại, lãi suất huy động VND thẳng băng 14%/năm ở tất cả các kỳ hạn.
▪  THÙY DUYÊN
15:40 (GMT+7) - Thứ Hai, 19/9/2011

Sau sản phẩm huy động theo ngày với 14%/năm, thị trường đón nhận ngân hàng lớn tăng lãi suất huy động cũng như trạng thái thẳng băng 14%/năm ở tất cả các kỳ hạn tại nhiều thành viên khác.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB) vừa tăng lãi suất huy động VND và chứng chỉ huy động vàng, sau gần ba tháng giữ nguyên biểu lãi suất huy động.

Ở biểu lãi suất huy động mới, ACB đã tăng lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn truyền thống VND ở các kỳ hạn tính theo 1, 2 và 3 tuần lên kịch trần 14%/năm.

Ở điều chỉnh thứ hai, ACB tăng khá mạnh lãi suất đối với chứng chỉ huy động vàng ở hầu hết các kỳ hạn. Cao nhất là chứng chỉ huy động vàng ACB kỳ hạn 11 tháng với 1,3%/năm, thay cho mức 1,1%/năm áp dụng ở biểu lãi suất 29/6 vừa qua. Mức tăng thêm 0,2% cũng có ở hầu hết các kỳ hạn còn lại, từ 1 – 9 tháng.

Việc tăng lãi suất huy động VND các kỳ hạn theo tuần lên kịch trần 14%/năm của ACB có thể xem là để cạnh tranh huy động vốn, khi nhiều ngân hàng lớn nhỏ khác cũng đã áp 14%/năm cho loại kỳ hạn ngắn này.

Mặt khác, cùng với việc tăng khá mạnh lãi suất huy động vàng, đây có thể là một phản ứng phòng thủ cho thanh khoản, cân đối vốn sau khi cơ chế trần lãi suất huy động 14%/năm được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện nghiêm, khi thị trường xuất hiện những lo ngại dòng vốn có thể chuyển hướng do không còn các mức lãi suất huy động từ 17% - 19%/năm như trước.

Trước ACB, một thành viên khác là Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) cũng thu hút sự chú ý của thị trường khi đưa ra sản phẩm huy động vốn theo ngày với lãi suất lên tới 14%/năm. Loại kỳ hạn theo ngày này cũng đã có ở một số thành viên khác, cụ thể ở biểu niêm yết nhưng có lãi suất thấp hơn.

Sản phẩm của Western Bank và quyết định tăng của ACB là những chuyển động mới của lãi suất huy động trên thị trường. Đó là những chuyển động mới trên biểu niêm yết, còn thực tế “lãi suất ngầm” thời gian qua có nhiều biến động.

Tại nhiều ngân hàng, lãi suất huy động VND đang thẳng băng 14%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 1 tuần cho đến 60 tháng như tại Ngân hàng Nam Việt (NaViBank), Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), hay kéo thẳng 14%/năm từ 1 - 36 tháng tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)…

19/09 “Mổ xẻ” tín dụng tại Hà Nội


▪  NGUYỄN HOÀI
19/09/2011 10:03 (GMT+7)
 
Tại khu vực Hà Nội, từ 31/8/2011 so với 31/12/2010, trong khi dư nợ VND chỉ tăng 6,94% thì dư nợ ngoại tệ tăng 21,79%.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội từ 12 tổ chức tín dụng tại đây cho thấy, đến 31/8/2011, số dư huy động đạt 820.660 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 568.535 tỷ đồng, chiếm trên 1/3 tỷ trọng toàn ngành.

Đây là con số tương đối “đẹp” về hình thức nhưng ẩn trong đó vẫn còn một số vấn đề đáng lưu ý, nhất là những chỉ tiêu quy định tại Nghị quyết 11/NQ-CP.

Tập trung vốn cho sản xuất

Điểm nổi bật trong hoạt động tín dụng từ đầu năm đến nay là thực hiện Nghị quyết 11 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, đểm nhấn là kiềm chế tăng trưởng tín dụng dưới 20% và đưa dư nợ phi sản xuất (chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng) xuống 22% đến 30/6 và 16% đến 31/12/2011.  

Trong 8 tháng qua, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nội đã tập trung chỉ  đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm Nghị quyết 11 của Chính phủ mà đầu tiên là khống chế  tăng trưởng tín dụng dưới 20%.

Tính đến hết 8 tháng, tăng trưởng tín dụng của 12 đơn vị  đều dưới 20%: đơn vị cao nhất là 16,7% còn thấp nhất như Tienphongbank có mức tăng trưởng âm 4,4%; tỷ lệ nợ xấu của đơn vị cao nhất là 2,82% và thấp nhất là 1,19%.

Thứ hai, các đơn vị tích cực dồn vốn cho sản xuất, hạn chế vốn vay đối với phi sản xuất.

Theo đó, trong tổng số dư nợ đến 31/8 là 568.535 tỷ đồng (tăng 11,49% so với 31/12/2010) thì cho vay các lĩnh vực phi sản xuất đạt 104.238 tỷ đồng, chiếm 18,33% tổng dư nợ của Hà Nội. Trong đó, cho vay tiêu dùng là 61.287 tỷ đồng, chiếm 10,78%; cho vay bất động sản 37.826 tỷ đồng, chiếm 6,65%; cho vay chứng khoán 5.125 tỷ đồng, chiếm 0,9%.

Cũng do chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tích cực rà soát và đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu tín dụng phi sản xuất nên chỉ tính riêng trong 2 tháng (31/8/2011 so với 31/6/2011), dư nợ phi sản xuất giảm được 3.400 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,87%.

Còn nếu so 31/8/2011 với 31/12/2010 thì tín dụng phi sản xuất giảm được 1.246 tỷ đồng; trong đó cho vay chứng khoán giảm 269 tỷ; cho vay bất động sản giảm 162 tỷ đồng, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 815 tỷ đồng.

Đặc biệt, sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị  02 ngày 7/9/2011, hầu hết đều tích cực huỏng ứng: duy trì lãi suất tiền gửi 14% với VND.

Theo đó, nếu như tính chung 8 tháng, lãi suất huy động (bao gồm khuyến mãi) phổ biến ở khối ngân hàng thương mại nhà nước là 14,5% - 15,5%/năm, khối ngân hàng thương mại cổ phần là 15,5% - 18%/năm thì sau 7/9, hầu hết các đơn vị đã đưa về mức trần 14%/năm.

Ngoài ra, một số đơn vị còn dành hạn mức nhất  định cho vay sản xuất, “tam nông”, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu với mức 17% - 19%/năm. 

Cụ thể, TienphongBank: 1 nghìn tỷ đồng; Habubank: 1.000 tỷ đồng; VPBank dành 3 nghìn tỷ đồng; Techcombank: 2 nghìn tỷ đồng; Bảo Việt: 1 nghìn tỷ đồng; MB: 2 nghìn tỷ đồng: Dầu khí Toàn cầu: 1 nghìn tỷ đồng; VIB: 4 nghìn tỷ đồng; PGBank: 1.600 tỷ đồng và cao nhất là SHB với 5.800 tỷ đồng. 

Mối lo từ những con số

Trong bức tranh chung tương đối sáng sủa của tín dụng Hà Nội trong 8 tháng qua thì vẫn còn nổi lên một số vấn đề đáng lưu ý. 

Thứ nhất là việc lách chỉ tiêu khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 20% bằng hình thức đầu tư  ủy thác, mua trái phiếu doanh nghiệp.

Số liệu cho thấy, doanh số đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của đơn vị thấp nhất là 4.420 tỷ đồng, tăng 2.150 tỷ đồng và cao nhất lên tới 17.923 tỷ đồng, tăng 7.786 tỷ đồng so với 31/5/2011.

Đầu tư trái phiếu của tổ chức tín dụng cũng tương tự. Đơn vị đầu tư cao nhất là 23.450 tỷ đồng, giảm 222 tỷ đồng, còn đơn vị đầu tư thấp nhất cũng 6.849 tỷ đồng, tăng 2.695 tỷ đồng so với  so với 31/5/2011.

Cùng đó, ủy thác đầu tư cũng khá phức tạp. Đơn vị cao nhất là 15.700 tỷ đồng, giảm 2.020 tỷ đồng và thấp nhất là 2.644 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với 31/5/2011.

Thứ hai, việc chấp hành tỷ trọng cho vay phi sản xuất ở một số ngân hàng thương mại đối với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước diễn biến phức tạp. 

Cụ thể, nếu như tại thời điểm 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ phi sản xuất của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng đang là 28,2% thì đến 30/8/2011, con số này được kéo về 20,4%, giảm 7,8% trong vòng 2 tháng. Ngược lại, VIB tỷ trọng đến 30/6 là 21,5% nhưng đến 31/8 đã tăng lên mức 25,3%.

Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng đã rất khéo đưa tỷ trọng tín dụng phi sản xuất về dưới “vạch” 22% của thời hạn 30/6, như Dầu khí Toàn cầu 21,9%, Techcombank: 21,9%; Bảo Việt: 21,6%.

Qua số liệu trên cho thấy, một là, đáng lẽ Ngân hàng Nhà nước phải xử lý nghiêm túc với trường hợp có tỷ trọng dư nợ phi sản xuất vượt 22% đến 30/6 thì đến nay vẫn chưa.

Hai là, những trường hợp khéo léo đưa tỷ trọng tín dụng phi sản xuất về dưới 22% vào thời điểm 30/6 nhưng chỉ trong hai tháng sau đó, đã tăng lên rất nhanh hoặc giảm rất nhanh. Việc tăng giảm bất thường như vậy, không thể không làm rõ nguyên nhân để khẳng định có hay không việc hợp thức hóa số liệu để đối phó với hoạt động thanh kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai là vấn đề dư nợ cho vay ngoại tệ. Từ 31/8/2011 so với 31/12/2010, trong khi dư nợ VND chỉ tăng 6,94% thì dư nợ ngoại tệ  tăng 21,79%. Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến 7/9/2011, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ toàn hệ thống khoảng 25% và với đà tăng đó, dự báo đến hết năm, sẽ lên tới 30%.

Sự  nguy hiểm ở chỗ, hầu hết các ngân hàng đều sử dụng vượt nguồn 100% đã từ lâu và phần cho vay vượt nguồn chủ yếu từ vay nợ nước ngoài. Nếu xét góc độ thanh khoản toàn hệ thống thì hiện tại, cân đối giữa nguồn có và sử dụng nguồn vẫn dương trên 3 tỷ USD; vả lại, đến cuối năm, với tốc độ thu hồi nợ lên cao thì con số trên sẽ xấp xỉ khoảng 5 tỷ USD và nhờ đó, thanh khoản trước mắt chưa đáng lo ngại.

Tuy nhiên, tình hình tài chính thế giới đang diễn biến rất phức tạp: khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang ở mức báo động; kinh tế Mỹ dự báo tiếp tục suy thoái. Vì thế, nếu chủ nợ nước ngoài gặp khó khăn và phải rút vốn về đột ngột thì sẽ có khả năng mất thanh khoản ngoại tệ ở một số đơn vị.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút hoàn chỉnh sửa đổi Thông tư 07 theo hướng khuyến khích cho vay đối tượng có nguồn thu ngoại tệ; còn đối tượng không có nguồn thu ngoại tệ thì hạn chế đến mức tối đa nếu như không nói là triệt để; để chuyển sang quan hệ mua bán, hỗ trợ cho chính sách đưa lãi suất ngoại tệ xuống thấp hơn mức hiện nay mà Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực thực hiện.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngân hàng khuyến cáo, các tổ chức tín dụng phải tích cực thu hồi nợ ngoại tệ; đồng thời không nên ỷ lại vào tuyên bố “giữ tỷ giá biến động thêm 1% từ nay đến hết năm” của Ngân hàng Nhà nước để cho vay tràn lan, nhằm giữ an toàn thanh khoản ngoại tệ cho mình và tránh tạo áp lực lên chính sách bình ổn tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

19/09 Lộ trình cải cách tài khóa và những thách thức


picture
Thu ngân sách của Việt Nam còn thiếu tính bền vững.
▪  VŨ ANH
11:18 (GMT+7) - Thứ Hai, 19/9/2011

Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới, cùng với các bất cập nội tại nền kinh tế khiến chính sách tài khóa của Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập trên nhiều mặt. 

Thu ngân sách thiếu tính bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào các khoản thu không tái tạo, không bền vững như khoản thu từ bán tài nguyên, đất đai... Đồng thời, với tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế và cam kết trong WTO, hàng rào thuế quan sẽ ngày một thu hẹp, do vậy khả năng thu từ hoạt động nhập khẩu sẽ giảm sút trong những năm tới...là những thách thức rất lớn mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.

Hội thảo quốc tế về “Cải cách tài khóa ở các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua đã phân tích từ các thách thức trên lộ trình cải cách tài khóa để tìm một định hướng đổi mới trong những năm tới. 

VnEconomy giới thiệu một số ý kiến xoay quanh chủ đề này tại cuộc hội thảo nói trên.

Hiệu quả đầu tư từ ngân sách còn quá thấp

TS. Nguyễn Hữu Từ, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng

So với các quốc gia khác tỷ lệ thu của Việt Nam khá cao, điều này cho thấy một thực tế trong những năm qua mặc dù trong chiến lược tài chính, chiến lược thuế, tính toán đến việc ổn định tỷ lệ huy động từ thuế và phí vào ngân sách Nhà nước, bảo đảm nuôi dưỡng nguồn thu, khoan sức dân, nhưng do yêu cầu của chi đầu tư phát triển và chi cho con người tăng nên thu ngân sách Nhà nước không đạt được mục tiêu đề ra. Một điều đáng quan tâm là tỷ lệ động viên ngân sách Nhà nước và bội chi cao nhưng tốc độ tăng trưởng trong những năm qua không cao, hệ số đầu tư ICOR tăng, cho thấy hiệu quả đầu tư xã hội và hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước thấp hơn các nước trên thế giới.

Thu ngân sách Nhà nước tăng liên tục nhưng phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, giữa các cấp ngân sách có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, quy định về bổ sung cấn đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới chưa hợp lý. Tỷ lệ thu ngân sách trung ương hưởng theo phân cấp rất lớn, dẫn đến tình trạng ngân sách Trung ương phải thực hiện bổ sung cho ngân sách địa phương qua bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu.

Ví dụ kế hoạch năm 2011, thu ngân sách Trung ương hưởng theo phân cấp lên 65,3% tổng thu từ thuế và phí, trong khi thu địa phương hưởng theo phân cấp chỉ chiếm 34,7% tổng thu; chính vì thế số bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương chiếm 21% so với tổng chi và chiếm 32% so với tổng thu từ thuế và phí. Phân cấp ngân sách Trung ương và địa phương theo hướng tập trung số thu nhưng phân chia nhiệm vụ chi lớn nên số tỉnh tự cân đối ngân sách rất thấp và không đạt được mục tiêu khi xây dựng luật ngân sách Nhà nước. 

Hiện nay, số tỉnh tự cân đối ngân sách mới chỉ đạt 13/63 tỉnh, mục tiêu đề ra 15 tỉnh, trong khi đó, rất nhiều tỉnh trong thời gian vừa qua tăng trưởng nhanh, quy mô kinh tế được mở rộng, tỷ trọng GDP trên đầu người tăng nhưng vẫn nằm trong diện hưởng trợ cấp ngân sách.

Bổ sung cân đối ngân sách của Trung ương cho địa phương ổn định trong suốt giai đoạn 3-5 năm làm cho ngân sách địa phương rất khó khăn, nhất là các địa phương có quy mô kinh tế và tiềm lực kinh tế thấp. Vấn đề này cũng chính là nguyên nhân các địa phương khi xây dựng kế hoạch năm đầu kỳ ổn định thường tìm cách để che dấu nguồn thu, giảm bớt số thu so với thực tế để có nguồn chuẩn bị cho điều hành ngân sách cả giai đoạn ổn định; và cũng lý giải vì sao trong diện rất khó khăn nhưng thu ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố vẫn tăng rất mạnh và tăng cao hơn tốc độ tăng của GDP theo giá hiện hành.

Với quy định sau mỗi kỳ ổn định thì đồng thời với việc tăng tỷ lệ điều tiết về Trung ương và giảm bổ sung cân đối cấp trên cho cấp dưới, trong khi đó cùng với quá trình đổi mới quản lý kinh tế, Chính phủ đẩy mạnh quá trình phân cấp nhiệm vụ cho cấp dưới nên tỷ lệ tăng chi ngân sách, các nhiệm vụ chi khác cho đầu tư phát triển và chi cho xoá đói giảm nghèo, tăng lương, chi cho phát triển văn hoá xã hội tăng cao... làm ảnh hưởng đến ngân sách các tỉnh thành phố; số chi bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương càng tăng mạnh.

Minh bạch tài chính công

Ông Lê Minh Khái, Phó tổng kiểm toán Nhà nước

Minh bạch tài chính công là một khái niệm rất rộng. Các nhân tố liên quan gồm có quy trình công khai, quy trình ngân sách, các nội dung và chỉ tiêu công khai như thế nào, tài liệu công khai, thời điểm công khai... Chúng ta biết là công khai kịp thời thì tác động khác, chậm hơn thì tác động khác, rồi phạm vi công khai, đối tượng tiếp cận thông tin công khai minh bạch. Công khai rộng rãi thì nó khác và hạn chế thì nó khác. Rồi cơ quan công khai, ví dụ Kiểm toán Nhà nước công khai, hay trực tiếp đơn vị công khai thì tác dụng khác...

Tôi nghĩ rằng công khai minh bạch về tài chính càng rộng rãi, càng đầy đủ, cho phép nhiều đối tượng tiếp cận thì có tác dụng rất là tốt cho sự bền vững nền tài chính, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách. Về mặt tài sản Nhà nước, nó có tác dụng phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Và trách nhiệm giải trình cũng là một yêu cầu cần thiết đối với các cơ quan hành pháp trước Quốc hội, trước cơ quan dân cử, trước nhân dân là những người nộp thuế, trách nhiệm sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước. Để đảm bảo sử dụng một cách hợp pháp, hiệu quả, tiết kiệm và đúng quy định. Báo cáo, nội dung thực hiện quản lý phải đảm bảo trung thực thì trách nhiệm giải trình mới thực sự đầy đủ. 

Tôi nghĩ rằng trách nhiệm giải trình còn liên quan đến công tác kiểm tra giám sát từ cơ quan dân cử. Đặc biệt là phải mở rộng đến quần chúng nhân dân để phát hiện những sai sót, vi phạm trong quá trình thực hiện, yêu cầu các cơ quan hành pháp, cơ quan Chính phủ giải trình, làm rõ...

Tính minh bạch tài chính và trách nhiệm giải trình yêu cầu tất cả các khâu dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách, kết quả kiểm toán ngân sách công khai đầy đủ. Với vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoàn toàn độc lập, Kiểm toán Nhà nước có một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề này. 

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước là công cụ quan trọng để kiểm tra thường xuyên, liên tục việc chấp hành pháp luật và chính sách tài chính trong quá trình quản lý thu chi ngân sách Nhà nước. Cơ quan kiểm toán đưa ra những đánh giá, nhận xét để giúp cho các đơn vị sử dụng ngân sách đúng mục đích nhằm tiết kiệm nguồn lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo điều kiện để Chính phủ thực hiện trách nhiệm giải trình trước cơ quan dân cử. 

Thứ hai là Quốc hội sử dụng Kiểm toán Nhà nước trong quá trình xem xét, quyết định tổng ngân sách nhà nước, các công trình trọng điểm quốc gia và sử dụng xem xét quyết toán ngân sách Nhà nước, giám sát các chính sách tài chính, tiền tệ... 

Bội chi ngân sách không để quá 5% GDP

TS. Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương

Hiện nay bội chi ngân sách Nhà nước là bội chi ngân sách Trung ương, được xác định bằng chênh lệch thiếu giữa tổng chi ngân sách Trung ương và tổng thu ngân sách Trung ương của năm ngân sách; ngân sách địa phương không được bội chi. Chính sách tiếp tục 5% thiếu hụt ngân sách cho thấy chúng ta chưa quyết tâm hạn chế tín dụng thông qua con đường cắt giảm chi tiêu Nhà nước. 

Chấp nhận 5% thiếu hụt ngân sách trong một thời gian khá dài là điều cần phải xem xét lại. Theo thông lệ quốc tế, thiếu hụt ngân sách Nhà nước trên 3% là đáng lo và cần có biện pháp điều chỉnh, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát đang còn cao như ở Việt Nam. Chính thâm hụt ngân sách cũng đã góp phần gây nên mất cân đối tích lũy-đầu tư, gây tình trạng nợ nần, nợ công đã tăng cao qua các năm.

Trong những năm đầu của cải cách, thâm hụt ngân sách luôn được giữ ở mức dưới 3%, cụ thể năm 1991 thâm hụt ngân sách Nhà nước là 1,9% GDP. Từ năm 1995 thâm hụt ngân sách liên tục tăng từ mức 4,1% GDP năm 1995 lên đến 5% GDP ở những năm sau. Bội chi ngân sách tính từ 2005 đến 2010 hầu như không giảm về tỷ trọng, quy mô gia tăng nhanh chóng: Năm 2005, con số bội chi ngân sách là 40,7 tỷ VND tương đương tỷ lệ bội chi là 4,86% GDP. Năm 2007 các con số này tương ứng là 48,6 tỷ VND và 5,65%; năm 2009 tăng lên là 115,9 tỷ VND tương đương 6,99% và năm 2010 là 109,460 và tỷ lệ bội chi ở mức 5,5%. 

Một phần, thâm hụt ngân sách tăng là do Chính phủ thực thi chính sách kích cầu năm 2009. Tuy nhiên nếu tính cả việc phát hành trái phiếu chính phủ thì thâm hụt ngân sách còn cao hơn nhiều, 9,7% GDP năm 2009 và 8,7% năm 2010.

Kết quả là, thâm hụt ngân sách triền miên ở mức độ cao trong hơn mười năm qua đã làm cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thế bất cân đối gia tăng, bất ổn kinh tế vĩ mô trở thành vấn đề thường trực. Theo đó nợ Chính phủ đã gia tăng. Dư nợ chính phủ năm 2001 chiếm 35,7% GDP tăng lên 41,1% GDP năm 2010. Về quy mô dư nợ chính phủ, trong vòng 10 năm đã tăng 5,4% GDP. Về cơ cấu, dư nợ vay nước ngoài của Chính phủ có xu hướng giảm dần từ khoảng 82% tổng dự nợ chính phủ năm 2001 xuống còn khoảng 60% năm 2010. 

Tuy nhiên nợ công bao gồm nợ chính phủ/nợ ngân sách, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương có những rủi ro tiềm ẩn. Tính đến năm 2010, dư nợ công đã tăng lên và chiếm khoảng 53% GDP từ khoảng 36,5% GDP năm 2001!

9 định hướng chính sách tài khoá

TS. Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Thứ nhất cần tăng cường sự gắn kết giữa chiến lược tài chính Nhà nước với chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Ngân sách là công cụ để thực hiện các mục tiêu chính sách kinh tế xã hội. Do nguồn lực tài chính, ngân sách là có hạn nên việc phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính cần phải gắn chặt với các mục tiêu ưu tiên được xác định trong các chiến lược về phát triền kinh tế xã hội trong từng giai đoạn.

Thứ hai, thực hiện cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước trên cơ sở cải cách tổng thể hệ thống chính sách thuế, từng bước tăng tỷ trọng thu ngân sách Nhà nước từ thuế, phí và các nguồn thu trong nước khác; giảm dần sự phụ thuộc vào số thu từ dầu thô, bán tài nguyên; tăng tỷ trọng thuế trực thu trong tổng số thu từ thuế, phí, đồng thời đảm bảo tính công bằng của hệ thống chính sách thu theo hướng giảm thuế suất để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển trên cơ sở mở rộng phạm vi, đối tượng nộp thuế.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính Nhà nước, phát huy vai trò định hướng của nguồn lực tài chính Nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Áp dụng các giải pháp triệt để và căn bản hơn để cắt giảm tỷ lệ đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước, dự kiến 19-20%, kể cả chi từ nguồn thu xổ số kiến thiết, trái phiếu chính phủ đạt khoảng 24- 25% tổng chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015. 

Thứ tư, nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, đổi mới các quy định về phân định nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; nghiên cứu để từng bước xóa bỏ tình trạng lồng ghép của hệ thống ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc ngân sách cấp nào do cấp đó quyết định.

Thứ năm, nghiên cứu áp dụng phương pháp lập dự toán ngân sách theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn. Đây là cách làm đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ưu điểm nổi trội của phương pháp này là tạo được sự ổn định tài khoá trong trung hạn - một giai đoạn có độ dài tương đương với thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước năm 2002. 

Thứ sáu, trong quản lý chi ngân sách, từng bước nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý ngân sách gắn với kết quả thực hiện các nhiệm vụ chi trên cơ sở đẩy mạnh phân cấp và trao quyền tự chủ cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, địa phương trong quản lý điều hành ngân sách Nhà nước.

Thứ bảy, tăng cường tính công khai, minh bạch ngân sách. Thực hiện công khai minh bạch trong quản lý sẽ tạo điều kiện cho người dân, cho cộng đồng có thể giám sát, kiểm soát, qua đó hạn chế những thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn lực. 

Thứ tám, tăng tính thực quyền, hiệu quả và hiệu lực của Quốc hội và hội đồng nhân dân trong quyết định và giám sát ngân sách Nhà nước.

Thứ chín, tăng cường việc tiếp cận thông tin tài khóa cho cơ quan giúp việc của Quốc hội về tài chính ngân sách. Cụ thể, nghiên cứu khả năng đấu nối để Vụ Tài chính - Ngân sách của Văn phòng Quốc hội tiếp cận và truy cập dễ dàng hệ thống thông tin TABMIS mà Bộ Tài chính đang triển khai với hệ thống kho bạc và cơ quan tài chính từ cấp quận, huyện trở lên trong cả nước.

Độ phân cấp của Việt Nam vẫn thấp

TS. Mai Đức Lộc, Trưởng Ban kinh tế Ngân sách của Hội đồng Nhân dân Tp.Đà Nẵng

Việc phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước đối với chính quyền địa phương bước đầu được thực hiện theo nguyên tắc dịch vụ công được phân cho cấp nào có khả năng đáp ứng nhanh nhất và tiện lợi nhất cho dân. Theo đó, nguồn kinh phí chi thường xuyên được phân bổ cho mỗi cấp để bảo đảm nguồn lực cho việc cung ứng các dịch vụ công tương ứng. 

Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, chính quyền địa phương được phân cấp ngày càng lớn hơn trong quyết định các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định các dự án nhóm A, B, C (ngoài những dự án quan trọng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi đã được Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư), chủ tịch UBND cấp huyện có quyền quyết định các dự án đầu tư có mức vốn đến 5 tỷ đồng và chủ tịch UBND cấp xã đến 3 tỷ đồng.

Phân cấp quản lý ngân sách không những tạo ra nguồn lực tài chính mang tính độc lập tương đối để mỗi cấp chính quyền chủ động thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình, mà còn là động lực khuyến khích mỗi cấp chính quyền và dân cư ở địa phương tích cực khai thác các tiềm năng của mình để phát triển địa phương. 

Nhìn chung có thể thấy trong thời gian qua, xu hướng phân cấp quản lý nói chung, phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước nói riêng đang ngày càng mạnh mẽ. Điều đó thể hiện rõ nét trong việc phân cấp nhiều hơn cho chính quyền địa phương về nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách.

Trong những năm qua, việc phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước đã có những chuyển biến đáng kể, nhưng theo đánh giá của các nhà kinh tế, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có độ phân cấp thấp nhất thế giới. Các chính quyền địa phương chủ yếu là thực hiện các chức năng rời rạc theo chỉ đạo của chính quyền Trung ương, cấp quyết định mức và tiêu chuẩn dịch vụ được cung cấp. Việc đánh giá trình độ phân cấp ở Việt Nam còn thấp là căn cứ vào mức độ kiểm soát của chính quyền địa phương về chính sách thu. Theo cách đánh giá này, chính quyền địa phương ở Việt Nam được coi là không có quyền tự quyết về thuế.

19/09 Chức sắc tôn giáo nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XI

19/09/2011 | 21:53:00


Ngày 19/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ phối hợp Ban Tuyên giáo thành phố tổ chức Hội nghị giới thiệu và nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cho hơn 100 chức sắc tôn giáo trên địa bàn thành phố.

Hội nghị tập trung giới thiệu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và chương trình hành động của Thành ủy Cần Thơ; phổ biến một số chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo; về tình hình biển Đông và vai trò chức sắc tôn giáo trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở địa phương.

Ban tổ chức hội nghị dành thời gian để giảng viên giải đáp câu hỏi do các đại biểu đặt ra và cùng trao đổi làm sáng tỏ những vấn đề mà đa số đại biểu quan tâm.

Hội nghị lần này nhằm giúp giới chức sắc các tôn giáo nắm vững những quan điểm, nội dung cơ bản trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng, chương trình hành động tại địa phương, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương./.
Trần Khánh Linh (TTXVN/Vietnam+)

19/09 "Bộ Quốc phòng cần tiếp tục đổi mới toàn diện"

19/09/2011 | 21:14:00


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với lãnh đạo Bộ Quốc phòng. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Ngày 19/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và làm việc với lãnh đạo Bộ Quốc phòng về tình hình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm nay.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các lãnh đạo chủ chốt của Bộ, Tư lệnh các quân binh chủng đã báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tình hình hoạt động của quân đội thời gian qua.

Theo đó việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự từ Bộ đến các đơn vị được thực hiện tốt. Các cấp, ngành, địa phương cũng đã từng bước nâng cao chất lượng, tăng cường tiềm lực công tác quân sự, quốc phòng giữ vững chủ quyền quốc gia làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Các sự kiện lớn về chính trị, ngoại giao của đất nước được bảo vệ an toàn.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những kết quả mà Bộ Quốc phòng đạt được trong thời gian qua. Trong đó, đã làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng về công tác quân sự quốc phòng và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững môi trường hòa bình và an ninh chính trị đất nước; phối hợp tốt với Bộ Công an giữ vững an ninh trật tự, góp phần vào thành công Đại hội XI của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp và các sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng khác.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang căn dặn lãnh đạo chỉ huy các cấp trong quân đội, cần tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ sự lãnh đạo, chỉ đạo về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tiếp tục triển khai đường lối quân sự quốc phòng theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Trương Tấn Sang cũng đề nghị Bộ Quốc phòng cần có những giải pháp hiệu quả để cụ thể hóa các Nghị quyết Trung ương vào quá trình huấn luyện-đào tạo, trang bị, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, chủ động đáp ứng yêu cầu mới ngày càng cao hơn, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, góp phần giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng đất nước, thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước./.
(TTXVN/Vietnam+)

19/09 Chủ tịch nước tiếp Trưởng đại diện của IMF ở VN



19/09/2011 | 20:10:00
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Trưởng Văn phòng Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam Benedict Bingham. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Ngày 19/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp ông Benedit Bingham, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đến chào từ biệt nhân hoàn thành nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh những nỗ lực của ông Benedit Bingham, cùng sự hợp tác chặt chẽ giữa IMF với các cơ quan chức năng Việt Nam trong thời gian qua.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, nhờ sự hỗ trợ tích cực của IMF, hoạt động chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô của các cơ quan chức năng của Việt Nam ngày càng hiệu quả, đưa Việt Nam từ một nước còn nhiều thiếu thốn, đến vị thế của quốc gia đang phát triển, có nhiều tiềm năng hợp tác với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, nhìn lại bối cảnh tình hình tài chính, thị trường trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam còn nhiều thách thức trong việc bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Chủ tịch nước mong muốn IMF tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Việt Nam để có những tư vấn chính sách hiệu quả, thiết thực, giúp Việt Nam thành công trong đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Trương Tấn Sang mong ông Sanjay Kalra, người kế nhiệm chức vụ Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam tiếp tục kế thừa thành tựu, đưa quan hệ IMF với các bộ, ngành Việt Nam lên tầm cao mới.

Ông Benedit Bingham bày tỏ thời gian qua cá nhân ông và IMF đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành chức năng ở Việt Nam. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ đó, IMF tại Việt Nam đã có những đánh giá tư vấn chính xác, hỗ trợ tích cực các cơ quan chức năng Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Ông Benedit Bingham tin tưởng những người kế nhiệm sẽ hoàn thành tốt công việc của IMF tại Việt Nam trong nhiệm kỳ tới./.
Hoàng Giang (TTXVN/Vietnam+)

19/09 Toàn văn Sách trắng về "Phát triển hòa bình của Trung Quốc"

Thứ hai, 19 Tháng 9 2011 16:33
Ngày 6/9/2011, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Sách Trắng về “Phát triển hòa bình của Trung Quốc”. Sách trắng đề cập về nguồn gốc, mục tiêu phát triển hòa bình, phương châm chính sách đối ngoại cũng như ý nghĩa của việc phát triển hòa bình của Trung Quốc. Toàn văn Sách trắng như sau:

Mục lục
I- Mở ra con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc
II- Mục tiêu chung của việc phát triển hòa bình của Trung Quốc
III- Phương châm chính sách đối ngoại của việc phát triển hòa bình của Trung Quốc
IV- Phát triển hòa bình của Trung Quốc là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử
V- Ý nghĩa thế giới của việc phát triển hòa bình của Trung Quốc

19/09 [phong su] Nước mắt phu vàng - Kỳ cuối: Những nấm mồ phu


Thứ Hai, 19/09/2011, 04:11 (GMT+7)
TT - Lên khỏi hầm, ra khỏi bãi vàng tôi mới biết mình may mắn còn sống. Nghĩ lại câu chuyện về cái chết của những đồng nghiệp xấu số nằm lại chốn rừng sâu, tôi cứ ám ảnh mãi.
Ngôi mộ Ba Mũ của các phu vàng chết do bị ngạt khí mìn trong khe suối 45 (Phước Xuân, Quảng Nam) - Ảnh: Hoàng Lộc
Mộ đá
Tôi được Đông, trước đây từng “bán sức” làm phận phu phen tại nhiều bãi vàng, nhận lời dẫn vào rừng sâu để thắp nén nhang trên mộ những phu vàng xấu số. “Mua thêm nhang để thắp cho mấy anh ấm lòng, chứ ở giữa rừng sâu cô quạnh lắm!” - Đông không quên căn dặn.
Lúc ngồi nghỉ bên gốc cây cổ thụ, Đông nói như chiêm nghiệm: “Đời phu vàng ngắn ngủi lắm, sống ngày nào biết ngày đó. Lâu lâu sập hầm chết một vài người là chuyện bình thường. Đau xót hơn, nhiều vụ sập hầm chết người chủ cai không thèm đưa thi thể lên mà để nằm dưới hầm sâu lạnh lẽo, nhiều người chết chẳng biết gốc gác quê hương. Có người chết vì sập hầm thì chủ cai đổ thừa chết do hút chích xì ke. Phận phu vàng sống đã khổ, chết còn khổ hơn”.
Không khí như u uất, lạnh lẽo hơn khi Đông kể tôi nghe về một phu vàng người Nghệ An chết cách đây không lâu: “Nó chết vì dính ma túy. Bao nhiêu tiền của làm ra đều đổ vào ma túy, khi sức làm không đủ tiền hút nó trở thành nô lệ làm suốt ngày đêm. Một thời gian sau nó thân tàn ma dại, lở loét đầy mình, mọi người thấy tội quá đưa ra bệnh viện thị trấn thì nó chết ngay trên đường đi. Thi thể được mọi người chôn ở nghĩa địa phu vàng tại thị trấn Khâm Đức!”.
Đường vào khu mộ heo hút. Có chỗ dốc đứng, chỗ phải len lỏi dưới những khe suối có tán rừng rậm. Trên đường vào khe suối 45 (xã Phước Xuân), mộ phu vàng tôi ghé đến đầu tiên là ngôi mộ đá.
Ngôi mộ nhỏ bé, nằm nép mình sát lối đi, bên kia là khe suối nước chảy róc rách. Đúng như tên gọi, ngôi mộ được phủ quanh bằng một lớp đá dày, hòn lớn bằng bắp chân, nhỏ bằng bắp tay. Những viên đá trải qua mưa nắng lâu ngày ngả màu rong rêu, cũ kỹ. Trên ngôi mộ có một chân nhang với vô số gốc nhang lạnh ngắt, lá khô rụng phủ gần kín. Cạnh ngôi mộ là một cây cổ thụ, trên thân cây có một bàn thờ và một lư hương lớn. Trên lư hương có một số nhang được thắp lâu ngày chỉ còn trơ lại chân hương, nhưng cũng có nhiều gốc hương còn mới vừa được thắp lên thoang thoảng mùi thơm.
Lâu lâu có người đi ngang ghé vào một lúc thắp nén nhang, đắp vài viên đá rồi tiếp tục lặng lẽ lên đường. “Mỗi khi có việc qua đây mọi người đều dừng lại ít phút thắp nhang trên phần mộ của phu vàng xấu số để mộ phần bớt lạnh lẽo” - Đông nói.
Câu chuyện về cái chết của phu vàng nằm dưới nấm mồ kia chỉ là những câu chuyện lắp ghép được kể lại. Không tên, không tuổi, chẳng ai biết chính xác người nằm dưới ngôi mộ kia tên gì, ở đâu, mất vào thời gian nào, chỉ biết “Nhiều phu vàng vẫn truyền tai nhau về người nằm dưới ngôi mộ đá này là một phu vàng đứng tuổi chết vì bị bệnh sốt rét. Nghe bảo rằng người này bị sốt rét rất nặng, giữa rừng sâu không có thuốc men gì nên đi bộ ra thị trấn Khâm Đức mua thuốc điều trị. Chưa kịp ra đến thị trấn tìm thuốc thì chết khi đang ngồi tựa vào gốc cây bên đường để nghỉ. Sau khi được phát hiện, người đi đường đã đào hố chôn cất sát ngay gốc cây, cạnh khe suối nơi người đàn ông xấu số gục chết và đắp đá tránh nước chảy xói mòn mất thi thể” - Đông lấy từ trong túi ra một bó nhang thắp và kể. Giữa núi rừng thâm u, mùi hương nghe rờn rợn.
Mộ Ba Mũ
Tôi tiếp tục xách balô vào mộ Ba Mũ nằm sâu tận cùng trong khe suối 45. Mưa rừng nhỏ lộp bộp trên những tán cây càng làm tăng vẻ u tịch. Suốt chặng đường hơn ba giờ băng rừng vượt suối vào khu mộ, tôi bắt gặp từng “đội quân” phu vàng gồng trên lưng balô hàng nặng trĩu tiếp tục vào rừng sâu.
Rải rác trên đường đi, một số hầm vàng đã ngừng hoạt động, cạnh đó là những bàn thờ nhỏ lạnh tanh. Hỏi chuyện mồ Ba Mũ, người đi rừng ai cũng biết và trong câu chuyện họ kể vẫn còn vương vẻ sợ hãi, kinh hoàng về cái chết của ba phu vàng xấu số cách đây tròn một năm.
Điều khiến ngôi mộ này đặc biệt hơn cả so với những ngôi mộ phu vàng khác tôi từng gặp: ngôi mộ chỉ là căn chòi nhỏ phủ bạt, bên trong có một bàn thờ lớn đặt sát vách núi nằm cạnh miệng hầm vàng ngừng khai thác lâu ngày. Trên bàn thờ có ba lư hương, ba mũ bảo hộ màu vàng treo đối xứng với ba lư hương cắm đầy gốc nhang lạnh ngắt. Tên tuổi, quê quán, ngày mất... không hề có. “Gọi là mồ Ba Mũ vì chỉ có ba chiếc mũ làm tên tuổi thôi” - ông Mỹ, chủ bãi vàng cạnh đó, lý giải.
Bên chén trà, ông Mỹ nhớ lại câu chuyện đau lòng một năm về trước: “Đó là một chiều mưa tầm tã. Vừa nổ mìn xong, ba phu vàng lao lên khỏi miệng hầm đợi khói mìn bay hết mới vào khuân đá, gặp lúc chủ cai đi nhậu đâu về say khướt thấy ba phu vàng đang ngồi đánh bài nên quát tháo, bắt xuống hầm khuân đá. Lao xuống không thấy động tĩnh gì nên chủ cai gọi người kiểm tra, ai dè cả ba đã chết dưới hầm vì ngạt khí mìn”.
Nhấp ngụm trà, ông Mỹ tiếp tục kể: “Cả lán huy động gần chục chiếc máy nổ để kéo người lên với hi vọng có người còn sống nhưng chẳng chiếc máy nào chịu nổ, khi kéo được người lên thì đã cứng hết cả rồi”.
Thi thể phu vàng ngay sau đó được chủ cai đưa lên chôn ngay cạnh hầm vàng. Nghe đâu họ đều quê ở miền Bắc. Mới đây người nhà của ba phu vàng xấu số tìm đến bốc mộ mang về, chẳng ai biết tên tuổi họ là ai.
“Mấy ảnh thiêng lắm, hôm trước mấy phu vàng mới vào nghịch ngợm lấy mũ ra đội, tối ngủ mấy anh về nhắc nhở đừng lấy mũ, hãy trả mũ cho các anh” - tôi lạnh người khi nghe ông Mỹ kể.
Ông bảo họ chết giữa rừng nhưng còn may mắn được chôn cất, thờ phụng. Nhiều phu vàng khác chết không ai chôn cất, thi thể cứ trôi dạt khe suối này qua khe khác đến lúc chỉ còn trơ mỗi bộ xương.
Chiếc bàn thờ trên đó có ba chiếc mũ ngả màu và ba lư hương là do chính tay ông Mỹ lập ra để thắp nhang cho những phu vàng xấu số bớt lạnh ở giữa rừng sâu. Vợ ông Mỹ ngồi cạnh bên góp thêm vào câu chuyện: “Mồng một, rằm hay ngày lễ vợ chồng tui lại ra thắp nén nhang cho các anh được ấm lòng. Nhiều phu vàng đi làm dù không quen mặt, biết tên cũng ghé qua thắp nhang phần vì cảm thương cho phận người ngắn ngủi, phần cầu mong các anh phù hộ cho mình”.
Câu chuyện của vợ chồng ông Mỹ kết thúc, cơn mưa chiều cũng vừa dứt. Tôi thắp lên bàn thờ phu vàng ba nén nhang mà lòng xót xa khi nghĩ về chuyện những thân phận con người...
HOÀNG LỘC
Tin bài liên quan:
>> Kỳ 1Vào hầm
>> Kỳ 2Vắt sức giữa rừng
>> Kỳ 3Phận phu nữ
>> Kỳ 4: Trăm nẻo đường phu