07:38 | 02/09/2011
- Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ quan trọng của QH nhiệm kỳ Khóa XIII. Dưới góc độ của một nhà lập pháp, một chuyên gia kinh tế, Phó chủ nhiệm thấy nên tập trung sửa đổi những nội dung nào?
Cần khẳng định là hiện nay chúng đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng đó, phải huy động được mọi nguồn lực để xây nhanh nhất, bền vững nhất, đẹp nhất. Ví dụ chúng ta muốn xây dựng một tòa nhà đẹp, đầy đủ tiện nghi, bảo đảm mọi người ở trong tòa nhà có một cuộc sống mỹ mãn – nhưng hiện tại chúng ta chỉ có đất, không có tiền, không có người xây dựng... Như vậy, buộc phải huy động nguồn lực từ những người khác. Vấn đề là, sau khi tòa nhà xây xong thì không phải chỉ có những người bỏ đất xây nhà mới được ở mà những người góp tiền, những người đã bỏ mồ hôi, công sức khuân từng viên gạch, trộn từng mẻ vữa cũng phải được ở trong tòa nhà đó. Hãy hình dung nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một tòa nhà thì tất cả mọi người đóng góp công sức cho tòa nhà đều phải được hưởng thành quả chung.
Ở góc độ kinh tế, theo PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ NGUYỄN ĐỨC KIÊN, một trong những yêu cầu quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là xác định rõ ràng, mạch lạc về chế độ sở hữu tài sản quốc gia và các tư liệu sản xuất chủ yếu. Tất cả những vấn đề liên quan đến chế độ sở hữu đều phải được thể hiện rõ để bảo đảm quyền về sở hữu tài sản của công dân, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa người có vốn với người có sức lao động, người được giao đất với người không được giao đất, người có nhà xưởng, người có trí tuệ... để liên kết các tầng lớp, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, từ đó tạo thành sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiến nhanh hơn, vững chắc hơn đến mục tiêu chủ nghĩa xã hội.
Bảo đảm nền tảng pháp lý để thu hút mọi nguồn lực của đất nước vào công cuộc công nghiệp hóa, từng bước vững chắc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội
Theo quan điểm cá nhân của tôi thì có 3 yêu cầu quan trọng mà sửa đổi hiến pháp lần này phải đạt được. Yêu cầu đầu tiên và cũng là yêu cầu quan trọng nhất là Hiến pháp sửa đổi phải bảo đảm nền tảng pháp lý để huy động được mọi nguồn lực của đất nước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; tạo tiền đề để xây dựng các chính sách phát triển kinh tế bảo đảm sự bình đẳng thực sự giữa các thành phần kinh tế. Yêu cầu thứ hai là xác lập đường hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước bền vững theo tam giác phát triển bền vững, trong đó kinh tế – an sinh xã hội – môi trường phải là một chỉnh thể thống nhất, liên hoàn với nhau. Trong tam giác phát triển này, cần bảo đảm lúc ở cạnh này phát triển, lúc ở cạnh kia phát triển một cách hợp lý nhưng phải là cùng phát triển chứ không phải theo kiểu đang là tam giác đều trở thành tam giác cân, đẩy cạnh kinh tế phát triển cao vút lên và để cạnh an sinh xã hội, môi trường ở mức độ thấp; nhưng cũng không nên theo kiểu từ một tam giác đều lệch thành tam giác thường trong đó quá thiên về bảo vệ môi trường hay an sinh xã hội... Yêu cầu thứ ba của sửa đổi Hiến pháp lần này là phải xác định rõ được trách nhiệm cá nhân trong tổ chức bộ máy nhà nước.
- Vì sao Phó chủ nhiệm lại cho rằng tạo lập cơ chế để huy động được mọi nguồn lực của đất nước tham gia công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là quan trọng nhất khi sửa đổi hiến pháp lần này?
Vì bản chất của yêu cầu này là xác định rõ ràng, mạch lạc chế độ sở hữu tài sản quốc gia và các tư liệu sản xuất chủ yếu trong hiến pháp. Tất cả những vấn đề liên quan đến chế độ sở hữu đều phải được thể hiện rõ để bảo đảm quyền về sở hữu tài sản của công dân, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa những người có vốn với những người có sức lao động, người được giao đất với người không được giao đất, người có nhà xưởng, người có trí tuệ... để liên kết các tầng lớp trong xã hội, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, từ đó tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả đất nước đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiến nhanh hơn, vững chắc hơn đến mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Sửa đổi quyền của Chủ tịch Nước, quyền của Thủ tướng trong hiến pháp cũng rất quan trọng nhưng tôi nghĩ chế độ sở hữu là yếu tố gốc quyết định tổ chức bộ máy hành chính và chức năng, nhiệm vụ của các nhánh quyền lực nhà nước. Một ví dụ như thế này, khi Chính phủ báo cáo QH vốn tại các doanh nghiệp nhà nước là hơn 400.000 tỷ đồng thì việc đầu tiên QH cần xem xét không phải là quản lý, sử dụng số tiền này như thế nào mà là xác định số tiền này thuộc sở hữu của ai. Nếu số tiền thuộc sở hữu toàn dân thì QH với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cả nước phải có trách nhiệm kiểm soát chứ không phải là Chính phủ. Xác định rõ quyền sở hữu tài sản quốc gia thuộc về ai cũng sẽ quyết định đến tư duy kinh tế và phương thức quản lý nhà nước nên như thế nào.
Nguồn: ITN |
Cần khẳng định là hiện nay chúng đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng đó, phải huy động được mọi nguồn lực để xây nhanh nhất, bền vững nhất, đẹp nhất. Ví dụ chúng ta muốn xây dựng một tòa nhà đẹp, đầy đủ tiện nghi, bảo đảm mọi người ở trong tòa nhà có một cuộc sống mỹ mãn – nhưng hiện tại chúng ta chỉ có đất, không có tiền, không có người xây dựng... Như vậy, buộc phải huy động nguồn lực từ những người khác. Vấn đề là, sau khi tòa nhà xây xong thì không phải chỉ có những người bỏ đất xây nhà mới được ở mà những người góp tiền, những người đã bỏ mồ hôi, công sức khuân từng viên gạch, trộn từng mẻ vữa cũng phải được ở trong tòa nhà đó. Hãy hình dung nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một tòa nhà thì tất cả mọi người đóng góp công sức cho tòa nhà đều phải được hưởng thành quả chung.
- Từ năm 1946, trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng đã xác lập chế độ công hữu tài sản quốc gia và các tư liệu sản xuất chủ yếu, thưa Phó chủ nhiệm?
Trước hết, cần nhìn lại quan điểm quan trọng nhất của Cương lĩnh năm 1930 của Đảng ta là người cày có ruộng – đây là quan điểm có tính chất đột phá nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến, xóa bỏ chế độ lưu giữ, tích lũy ruộng đất, thực hiện liên minh công nông để tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ. Vì thế, trong Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bên cạnh ý tưởng về tổ chức Nhà nước công nông, thực hiện các quyền tự do, bình đẳng, bác ái, Hiến pháp đã đưa ra các quy định về chế độ sở hữu ruộng đất, quyền công dân và ý tưởng về giải phóng sức lao động cho người nông dân... Tiếc là Hiến pháp năm 1946 vừa được ban hành thì đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nên ý tưởng và những nội hàm về vấn đề kinh tế trong bản Hiến pháp đầu tiên này chưa thực hiện được. Bắt đầu từ năm 1953 đến năm 1956 chúng ta mới tiến hành cải cách ruộng đất và từng bước thực hiện chế độ sở hữu đã được xác định trong hiến pháp.
- Nhìn lại các bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 có thể thấy quan điểm về chế độ công hữu tuyệt đối ban đầu đã dần có sự điều chỉnh, thưa Phó chủ nhiệm?
Trở lại thời điểm năm 1946, không phải ngẫu nhiên mà trong Sắc lệnh đầu tiên của Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố toàn bộ ruộng đất, các nhà máy, công xưởng, các hầm mỏ đều thuộc về Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là người đại diện. Hiến pháp năm 1959 tiếp tục khẳng định chế độ công hữu tư liệu sản xuất. Và trên cơ sở xác định chế độ công hữu, chúng ta tiếp tục thực hiện cuộc đấu tranh giai cấp, chia ra các thành phần kinh tế. Ngay trong lý lịch của từng cá nhân trong xã hội đã thể hiện rõ vấn đề cốt lõi là sở hữu: anh thuộc thành phần kinh tế nào và anh sở hữu cái gì. Anh thuộc giai cấp công nhân thì sở hữu sức lao động và trí tuệ, anh thuộc giai cấp nông dân thì sở hữu ruộng đất. Với quyết định về chế độ sở hữu được thể hiện trong Hiến pháp là chế độ công hữu gần như tuyệt đối về tư liệu sản xuất cả trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp - chúng ta đã có thành quả nhất định trong việc xây dựng cơ sở ban đầu của chủ nghĩa xã hội để tạo bước nhảy vọt từ nước thuộc địa nửa phong kiến thành nước có những tiềm năng, những bước đi ban đầu về công nghiệp hóa.
Hiến pháp năm 1980 không có sự thay đổi lớn về chế độ sở hữu. Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là tuyệt đối, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là chuyển các chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, đất đai hoặc trong những lĩnh vực sản xuất nhỏ để hình thành sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, đó là những công ty cổ phần, công ty hợp danh hay trong lĩnh vực nông nghiệp là những hợp tác xã quy mô toàn xã hoặc những nông trường quốc doanh hoạt động cả trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Đến năm 1986, trước những biến động rất nhanh của tình hình thế giới và những đòi hỏi thực tế của đất nước, Đảng ta đã quyết định thực hiện công cuộc đổi mới. Những nghiên cứu ban đầu của Đảng đã thấy rằng, việc xác định chế độ công hữu một cách toàn diện được ghi trong Hiến pháp năm 1980 chưa phù hợp với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta từ một nước nông nghiệp nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội. Chế độ công hữu toàn diện này khiến chúng ta không huy động được nội lực, nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần trong nhân dân để góp phần xây dựng đất nước. Vì thế đến năm 1992, QH tiến hành sửa đổi, ban hành Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp 1992 là sự kế thừa và tiếp nối tinh thần của Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam năm 1991. Trong Cương lĩnh năm 1991 thì điểm cốt lõi mà Đảng xác định là trên đất nước ta không chỉ có duy nhất chế độ công hữu mà công nhận cả các chế độ sở hữu khác. Sự thay đổi về chế độ sở hữu trong hiến pháp đã tạo bước đột phá trong đời sống, làm xuất hiện các thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở FDI; kinh tế cá thể của những người có tri thức, có vốn, có tâm huyết mong muốn làm giàu cho bản thân và đóng góp vào quá trình phát triển đất nước. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phát triển nền kinh tế quốc dân.
- Có thể thấy, chế độ sở hữu đã dần được xác lập phù hợp hơn với đòi hỏi của thực tiễn phát triển của một đất nước đang trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, thưa Phó chủ nhiệm?
Không chỉ phù hợp hơn với đòi hỏi của thực tiễn mà các bản Hiến pháp còn thể hiện rất rõ tư duy đổi mới liên tục của Đảng về chế độ sở hữu. Điều đáng nói là, dù trong bối cảnh nào, Đảng ta cũng luôn nhất quán ở một điểm: thực hiện chế độ sở hữu phù hợp với lực lượng sản xuất để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là điểm khác biệt giữa Đảng ta với các đảng chính trị ở các nước khác. Có những đảng chính trị trước những biến động phức tạp của thực tiễn cuộc sống để giữ được chính quyền đã buộc phải hy sinh mục tiêu. Nhưng Đảng ta vẫn kiên định lập trường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cần thiết kế hệ thống chính sách đồng bộ hỗ trợ việc phát triển và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nhanh hơn nữa
Cần thiết kế hệ thống chính sách đồng bộ hỗ trợ việc phát triển và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nhanh hơn nữa
- Nêu một ví dụ khá điển hình, liên tục trong các bản Hiến pháp đều quy định đất đai là công thổ quốc gia do Nhà nước làm đại diện cho nhân dân thống nhất quản lý nhưng thực tế vừa qua, khi nhà nước thu hồi đất đai để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã nảy sinh rất nhiều vướng mắc, phức tạp. Theo Phó chủ nhiệm, sửa đổi Hiến pháp lần này có thể đặt nền móng cho việc khắc phục những vướng mắc đó như thế nào?
Những vướng mắc trong quá trình thu hồi đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa hiện nay khá phức tạp. Căn cứ theo Cương lĩnh Xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa được thông qua tại Đại hội Đảng XI thì hiến pháp sửa đổi lần này phải giải quyết dứt điểm những tồn tại này.
Trong quá trình đô thị hóa – là quá trình tất yếu để thực hiện công nghiệp hóa, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2050 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp có trình độ trung bình tiên tiến. Hiến pháp sửa đổi lần này cần đặt nền tảng pháp lý để xác định đến thời điểm năm 2020, định hướng đến năm 2050 thì tỷ lệ nông dân chiếm bao nhiêu phần trăm trên tổng số dân số cả nước và tỷ lệ người sống bằng nông nghiệp là bao nhiêu phần trăm. Xác định được những con số này sẽ là điều kiện để giải bài toán: điều khoản quy định trong hiến pháp hiện nay về sở hữu đất đai là toàn dân cần được quy định chi tiết trong các đạo luật như thế nào, đất nào là sở hữu toàn dân, đất nào là sở hữu cá nhân và những vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi từ sở hữu cá nhân sang sở hữu tập thể hoặc sở hữu nhà nước cần được xử lý như thế nào.
Ví dụ một vấn đề phức tạp nhất liên quan đến sở hữu đất đai hiện nay là đền bù giải phóng mặt bằng. Luật quy định đền bù sát với giá thị trường nhưng điều quan trọng nhất lại chưa được làm rõ là giá thị trường ở thời điểm nào. Thời điểm trước khi có dự án đầu tư hay là trong quá trình đầu tư hay là sau quá trình đầu tư? Nếu giá đền bù sát giá thị trường sau quá trình đầu tư thì vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng làm cho giá trị sử dụng đất tăng vọt lên thì ai đầu tư, ai được hưởng lợi?
Luật Đất đai cũng quy định việc đền bù thỏa đáng cho người dân khi thu hồi đất. Nhưng thử nghĩ đến tình huống những người đang phải đi mua nhà chung cư tại các khu đô thị, các thành phố lớn với giá nhà rất, rất cao yêu cầu nhà nước tiến hành chia lại ruộng đất thì sẽ như thế nào? Có chia được không? Nếu không chia được thì phải có căn cứ pháp lý để khẳng định là không chia được vì theo Nghị quyết của QH năm 1993, nhà nước thực hiện giao đất ổn định trong 20 năm. Nếu sau năm 2013 không tiến hành chia lại ruộng đất thì vấn đề của người nông dân ở lại với ruộng đồng và người nông dân ra thành phố làm công nhân theo sức hút của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ được xử lý như thế nào? Nhà nước sẽ trả lời như thế nào nếu những người công nhân này đặt câu hỏi: tại sao tôi ở lại nông thôn thì vẫn được chia ruộng đất nhưng khi đi vào thành phố làm công nhân, tôi lại không được chia ruộng đất nữa, trong khi đó, tôi lại phải đi mua nhà ở với giá rất cao? Điều này có bảo đảm sự bình đẳng trong xã hội hay không? Hơn 20 năm nay chúng ta không thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, mười mấy năm nay không thu thủy lợi phí. Còn ở thành phố, nước thải, rác thải... đều phải trả tiền. Với chính sách như vậy có phải chúng ta đã vô hình khuyến khích người dân quay về nông thôn, làm nông nghiệp khiến cho quá trình công nghiệp hóa bị chậm lại hay không?
- Vậy theo Phó chủ nhiệm, có thể giải quyết những vướng mắc đó như thế nào?
Những vướng mắc nêu trên muốn giải quyết dứt điểm, theo quan điểm cá nhân của tôi vẫn phải bắt đầu bằng việc quy định rõ chế độ sở hữu trong hiến pháp. Từ chế độ sở hữu mới có thể đưa ra các thành phần kinh tế, đưa ra định hướng phát triển và có chính sách phù hợp với từng loại đối tượng nông dân, công nhân, người có thu nhập thấp và đặc biệt là thiết kế hệ thống chính sách ưu đãi những người từ khu vực nông nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp. Vì họ đã làm đúng định hướng của Đảng, thực hiện công nghiệp hóa và vô sản hóa – thì toàn bộ hệ thống chính sách để hỗ trợ cho việc vận động, phát triển và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đi nhanh phải thể hiện được qua chính sách đất đai, chính sách bảo hiểm xã hội, qua hệ thống an sinh xã hội, y tế, giáo dục, qua các hệ thống lương hưu để người nông dân thấy rằng việc từ bỏ mảnh đất cha ông để lại, chấp nhận đi học nghề, vào thành phố, các khu công nghiệp làm công nhân là sẽ có một cuộc sống ổn định, tốt hơn so với việc vẫn bám trụ với đồng ruộng. Đó là yếu tố quan trọng nhất và Hiến pháp sửa đổi lần này phải là cơ sở, là hòn đá tảng để xây dựng các đạo luật hỗ trợ người nông dân chuyển đổi từ nông dân thành công nhân. Nếu không giải quyết được vấn đề căn bản này thì chúng ta sẽ vẫn còn bùng nhùng trong cái vòng luẩn quẩn: cứ lấy đất làm khu công nghiệp, lấy đất để đô thị hóa là sẽ phát sinh khiếu kiện - nguy cơ tiềm ẩn gây ra những bất ổn về xã hội...
- Nếu sửa đổi hiến pháp lần này về vấn đề kinh tế bảo đảm được cả 3 yếu tố như Phó chủ nhiệm đã đề cập ở trên thì theo Phó chủ nhiệm đường hướng phát triển kinh tế đó có thể ổn định trong khoảng thời gian bao lâu?
Nếu tình hình KT-XH trong nước và thế giới không có xảy ra những biến động lớn thì đường hướng phát triển kinh tế như tôi đã đề cập có thể ổn định đến năm 2050. Trong vòng 40 năm là đủ điều kiện để tiếp tục xem xét, sửa đổi Hiến pháp. Theo tôi cũng không nên lấn cấn về việc sửa đổi hiến pháp vì chúng ta đang xây dựng một chế độ chưa có mô hình thành công trên thực tiễn nên phải vừa xây dựng vừa rút kinh nghiệm và hiến pháp phải từng bước hoàn thiện để biến cái chưa có đó thành hiện thực. Việc sửa đổi hiến pháp từ năm 1946 đến nay đã thể hiện rất rõ sự phát triển về nhận thức của Đảng ta về quá trình công nghiệp hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong quá trình đó phải chia ra thành nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn cần có cách ứng xử riêng...
Phải đưa được tiếng nói của nhân dân vào quá trình thảo luận và sửa đổi Hiến pháp
- QH là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến. Việc sửa đổi Hiến pháp là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của QH Khóa XIII. Từ góc độ các cơ quan của QH, theo Phó chủ nhiệm, các cơ quan của QH nên tham gia vào quá trình nghiên cứu, sửa đổi hiến pháp như thế nào?
QH và các cơ quan của QH đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc sửa đổi hiến pháp. QH, các cơ quan của QH và các ĐBQH phải đưa được tiếng nói của nhân dân vào quá trình thảo luận và sửa đổi hiến pháp. Ví dụ liên quan đến vấn đề sở hữu đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, cần đưa được tiếng nói của những người nông dân trả lại ruộng đất cho nhà nước – phải dùng cho đúng từ là trả lại ruộng đất cho nhà nước, vì Hiến pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân, người nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp; đưa được tiếng nói của những người dân sống ở thành thị đang phải mua nhà giá cao và tiếng nói của nhà đầu tư. Cần bảo đảm hài hòa lợi ích của cả 3 đối tượng này. Chúng ta đền bù cho nông dân trả lại ruộng đất như thế nào để họ không bị rơi vào tình trạng bần cùng hóa? Làm thế nào để khuyến khích được các nhà đầu tư? Làm thế nào để người nông dân tự nguyện và yên tâm tham gia vào quá trình vô sản hóa để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa...? Ở đây cũng cần thay đổi cách hiểu khái niệm vô sản hóa cho phù hợp với quá trình công nghiệp hóa để xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không phải là khái niệm của những năm 1925 mà tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đưa ra.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản để hóa giải những vấn đề đó và là nền tảng để sửa đổi các đạo luật khác. Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp không giống với việc xây dựng hoặc sửa đổi các đạo luật. Một đạo luật được thông qua có thể vẫn có những vấn đề cần giao lại cho Chính phủ quy định nhưng Hiến pháp thì tất cả mọi vấn đề đều phải rành mạch, rõ ràng, bảo đảm người dân đọc có thể hiểu ngay những quyền cơ bản của công dân, những nguyên tắc hoạt động và quyền cơ bản của hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước. Tư duy làm luật và tư duy sửa đổi hiến pháp là khác nhau, đòi hỏi mọi người tham gia vào quá trình sửa đổi đó phải thảo luận và trình bày hết quan điểm của mình và bảo vệ đến cùng ý kiến của mình, nếu đúng. Phải sẵn sàng trưng cầu ý kiến của nhân dân về bất cứ vấn đề nào nếu 500 ĐBQH không thống nhất được quan điểm.
- Có thể thấy là khối lượng công việc của các cơ quan của QH và các ĐBQH để tham gia vào quá trình nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp sẽ vô cùng lớn, thưa Phó chủ nhiệm?
Khối lượng công việc rất lớn và sẽ có nhiều việc phức tạp, tế nhị. Điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn của QH, các cơ quan của QH và các ĐBQH. QH, các cơ quan của QH cũng cần tiếp tục tự đổi mới để đảm đương được trách nhiệm của mình, chủ động nghiên cứu các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn có liên quan đến đạo luật gốc để đề xuất sửa đổi... Mặt khác, sau khi sửa đổi hiến pháp cần sớm nghiên cứu sửa đổi các đạo luật, bảo đảm nền tảng pháp lý để từng bước xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hiện nay, Ủy ban Kinh tế đã giao nhiệm vụ cho một Tiểu ban nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở lý luận sửa đổi các vấn đề kinh tế trong Hiến pháp trên cơ sở định hướng mà Cương lĩnh 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã nêu. Thường trực Ủy ban Kinh tế xác định việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp là một trong hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ủy ban và sẽ dốc sức để có thể đóng góp cho QH, cho nhân dân những ý tưởng thiết thực về kinh tế trong bản Hiến pháp mới.
Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!
Phạm Thúy thực hiện