Friday, June 24, 2011

24/06 Lợi ích kinh tế từ Biển Đông (Kỳ II)


12:52:58 Thứ sáu, 24/06/2011
GS. TSKH Nguyễn Mại
Khai thác hải sản trên Biển Đông. Ảnh: PV.
(baodautu.vn) Để đạt mục tiêu năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP và 55-60% kim ngạch xuất khẩu, cải thiện đời sống dân cư vùng biển và ven biển, bảo đảm an sinh xã hội, cần đổi mới tư duy phát triển, khai thác lợi thế địa - chiến lược của nước ta.
Kỳ II:
Bảy kiến nghị khai thác lợi thế địa - chiến lược
Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X năm 2007 đã đề ra chủ trương và định hướng phát triển kinh tế biển, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển.
Trên cơ sở đó, một số văn bản pháp quy như Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đã được ban hành, nhiều đề án, chương trình có liên quan đến kinh tế biển đang được tiến hành từ điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, đến quản lý và bảo vệ nguồn lợi về biển, hợp tác quốc tế, đã thu được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, như xuất khẩu thủy sản tăng khá nhanh trong 5 năm gần đây; 5 tháng đầu năm 2011 đạt 2,13 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; các tỉnh ven biển với những khu nghỉ dưỡng hiện đại, tour du lịch hấp dẫn với khách quốc tế, cộng đồng dân cư đã có ý thức hơn đối với khai thác tài nguyên biển theo hướng bền vững, công tác quy hoạch và quản lý nhà nước đã có chuyển biến theo hướng tích cực.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để thực hiện mục tiêu đã đề ra cho năm 2020.
Tại Diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam năm 2011, được tổ chức vào ngày 8/6 ở Nha Trang trong khuôn khổ “Tuần lễ biển Việt Nam”, nhiều nhà khoa học cho rằng, để đạt được mục tiêu năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53 - 55% GDP và 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu, cải thiện đời sống dân cư vùng biển và ven biển, bảo đảm an sinh xã hội, thì cần đổi mới tư duy phát triển, khai thác lợi thế địa - chiến lược của nước ta, gắn với đổi mới thể chế theo hướng tiếp cận thể chế tối ưu, để tạo ra không gian sinh tồn, không gian phát triển lâu dài và bền vững cho dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó kiến nghị:
Thứ nhất, điều chỉnh để bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội của các cảng biển (trung bình cứ 40 - 50 km có 1 cảng), 15 khu kinh tế đã được cấp phép ở các tỉnh ven biển, để tránh “hội chứng khu kinh tế”; những khu kinh tế chưa triển khai, thì nên dừng lại, chưa nên có thêm khu kinh tế mới để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí đất đai. Đánh giá khách quan các khu nghỉ dưỡng ven biển, tránh tình trạng chiếm đất, thu hồi những dự án quá chậm triển khai, bảo đảm lợi ích cộng đồng trong việc sử dụng bờ biển.
Thứ hai, cơ cấu ngành nghề kinh tế biển hợp lý, giải quyết các xung đột lợi ích. Ví dụ, khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản, phát triển du lịch biển với bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái động thực vật biển. Từ đó, hình thành quy hoạch tổng hợp và thống nhất đối với biển, đảo và vùng ven biển để bảo đảm tính đồng bộ trong thực hiện.
Thứ ba, xây dựng và thực hiện quy hoạch sử dụng biển và đảo ở cấp tỉnh, áp dụng hệ tiêu chí đánh giá môi trường biển và hiệu quả kinh tế - xã hội về biển, có tính đến giải pháp ứng phó biến đổi khi hậu và mực nước biển dâng cao, từ đó tăng thêm nguồn lực và phân bố hợp lý nguồn lực cho các vùng kinh tế, từng địa phương, chấm dứt tình trạng khai thác tự phát lãng phí tài nguyên biển, đảo và vùng ven biển.
Thứ tư, nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước về biển theo hướng quản lý tổng hợp vùng bờ biển bằng cơ chế, chính sách liên ngành, vùng kinh tế, quy hoạch không gian theo hướng phát triển bền vững của các vùng chức năng; nhằm đến năm 2020, 28 địa phương ven biển áp dụng phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ biển. Thực hiện phân chia ranh giới vùng biển và phân cấp quản lý biển cho chính quyền tỉnh, giao mặt nước biển cho cộng đồng sử dụng, tự quản lý dưới sự hướng dẫn và giảm sát của Nhà nước.
Thứ năm, tiếp cận phương thức quản lý không gian biển trong quản lý biển, đảo thông qua mô hình thực nghiệm và nhân rộng, quản lý tài nguyên và môi trường biển dựa vào cộng đồng; có cơ chế, chính sách và bảo vệ lợi ích cộng đồng dân cư, để họ chủ động tham gia quản lý biển, đảo.
Thứ sáu, coi trọng 3 nhân tố cơ bản trong kinh tế biển: công khai hóa thông tin cập nhật cho cộng đồng doanh nghiệp, dân cư về những vấn đề có liên quan đến biển, đảo, chủ quyền quốc gia; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và quản lý nhà nước theo hướng phát triển bền vững bằng cơ chế, chính sách thích ứng với trình độ phát triển kinh tế biển để khai thác mọi nguồn lực, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của chiến lược kinh tế biển.
Thứ bảy, hợp tác quốc tế, nhất là với các nước ASEAN, với các nước có lợi ích ở Biển Đông, coi trọng phương châm “cân bằng quyền lực” trong khu vực để xử lý các tranh chấp chủ quyền và các sự kiện gây căng thẳng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc trong một thế giới vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và xung đột lợi ích.
Thực hiện thành công Chiến lược Kinh tế biển đến năm 2020, không những góp phần quan trọng vào mục tiêu đưa nước ta trở thành nước về cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020, mà còn nâng cao đáng kể vị thế địa - chiến lược của nước ta trong khu vực: “Trước mặt Thái Bình Dương sóng vỗ/Phơi phới bay cờ đỏ sao vàng/Chúng ta đứng thẳng hiên ngang/Sáng ngời một ngọn hải đăng hòa bình” - Tố Hữu.

24/06 Mỹ sẵn sàng vũ trang cho Philippines trong tranh chấp Biển Đông


Thứ sáu, 24/6/2011, 08:07 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định nước này sẵn sàng cung cấp khí tài để hiện đại hóa quân đội, ủng hộ Philippines "đối phó với hành động gây hấn" trong bối cảnh tranh chấp đang ngày càng căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario trong chuyến thăm tới Washington hôm qua bày tỏ hy vọng thuê các thiết bị khí tài để nâng cấp hạm đội già nua của mình, và kêu gọi các đồng minh củng cố mối quan hệ, trong bối cảnh có tranh chấp với Trung Quốc.

"Chúng tôi quyết tâm và cam kết hỗ trợ cho việc phòng thủ của Philippines", AFPdẫn lời ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu trong cuộc họp báo chung, khi được hỏi về danh sách những thứ Mỹ có thể cung cấp cho Philippines.

Bà Clinton cho biết hai quốc gia đang phối hợp để "quyết định xem Philippines cần những thứ gì và chúng tôi có thể giúp như thế nào là tốt nhất". Bà tiết lộ thêm rằng ông del Rosario sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và các quan chức cao cấp của Lầu Năm góc.

Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông trong thời gian gần đây, sau khi Việt Nam và Philippines tố cáo Trung Quốc ngày càng ngang nhiên trong việc khẳng định cái mà họ cho là chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông - nơi có các tuyên bố chồng lấn về chủ quyền các quần đảo và vùng nước kế cận.

Tháng 7 năm ngoái, tại Diễn đàn an ninh khu vực, bà Clinton khẳng định rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và Mỹ sẵn sàng giúp đỡ để các bên tranh chấp đi đến một giải pháp. Washington thời gian qua liên tục kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

"Chúng tôi lo ngại rằng những diễn biến gần đây" trên Biển Đông "có thể gây hại cho hòa bình và ổn định", bà Clinton nói trước các phóng viên, và yêu cầu "tất cả các bên kiềm chế".

Chiến hạm hàng đầu của Philippines, Rajah Humabon, từng tham gia Thế chiến II. Ảnh: Inquirer.
Chiến hạm hàng đầu của Philippines, Rajah Humabon, từng tham gia Thế chiến II. Ảnh: Inquirer.

Phát biểu khi đứng bên cạnh Clinton, ông Rosario nói Philippines là một nước nhỏ nhưng "sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để đối phó với hành động khiêu khích ngay trong sân nhà chúng tôi".

Tuần trước, Manila đã tuyên bố triển khai soái hạm của mình trên Biển Đông - tàu Rajah Humabon. Đây là một trong những con tàu già nua nhất thế giới, từng được hải quân Mỹ sử dụng trong Thế chiến II.

Đầu tuần này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino công bố chi 11 tỷ peso, tương đương 252 triệu USD, để hiện đại hóa hải quân. Trước cuộc gặp với bà Clinton, ông Rosario đã đề cập khả năng thuê trang bị khí tài "để chúng tôi có thể tiếp cận vũ khí mới và nhanh chóng".
"Chúng tôi cần có những nguồn lực để đứng lên tự bảo vệ, và tôi cho rằng nếu có thể làm được thế, chúng tôi trở thành một người đồng minh mạnh mẽ hơn bên các bạn", del Rosario phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, nơi vừa đứng ra tổ chức một hội thảo về an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Mỹ và Philippines có hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951. Ngoại trưởng Philippines cho rằng văn bản đó - có quy định việc phòng thủ chung trong trường hợp có sự tấn công ở khu vực Thái Bình dương - bao gồm cả Biển Đông.

Kể từ khi căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, Trung Quốc luôn khẳng định sẽ không dùng vũ lực mà giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình. Tuy nhiên Bắc Kinh đã yêu cầu Mỹ đứng ngoài cuộc tranh chấp.

"Tôi cho rằng có một số quốc gia đang đùa với lửa", Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải phát biểu trước một cuộc tham vấn song phương với Mỹ. "Và tôi hy vọng Mỹ sẽ không bị bỏng vì ngọn lửa này".
Thanh Mai

23/06 Biển Đông: Động thái nhỏ có thành chuyện lớn?

Tác giả: HOÀNG PHƯƠNG
Hai ngày thảo luận về an ninh hàng hải ở Biển Đông, các học giả quốc tế đặt nhiều câu hỏi về khả năng của những xung đột nóng, và cuộc chạy đua vũ trang trên Biển Đông, khi các bên có xu hướng cứng rắn hơn.
Ai đang làm nổi sóng Biển Đông?
Các học giả Trung Quốc cho rằng chính Mỹ, và Việt Nam, Philippines gây căng thẳng ở Biển Đông. GS Tô Hạo nói rằng, phải có lí do gì mới xảy ra nhiều sự cố như vậy trên Biển Đông trong thời gian ngắn. Trung Quốc - Việt Nam từng hợp tác tốt trong quá khứ. Hẳn Việt Nam phải có hành động nào đó, và Trung Quốc đáp trả. (Việc đổ lỗi này không có gì mới, nếu nhìn vào những phát biểu chính thức của Trung Quốc sau các sự cố vừa qua - NV).
Một vị học giả khác cũng đến từ Trung Quốc thì cho rằng, chính Mỹ hậu thuẫn cho ASEAN nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc nói cứng với nước này về Biển Đông.  Có viên chức của Đại sứ quán Trung Quốc còn đặt thẳng câu hỏi cho học giả Việt Nam: "Nếu Mỹ không đứng đằng sau lưng, thì các anh có phản ứng mạnh như thế không?" (Trong khi đó, TS Trần Trường Thủy nói rõ: việc Việt Nam công khai những hành động của Trung Quốc là muốn Trung Quốc nghĩ lại, thay đổi cách hành xử).
Góc nhìn này không nhận được sự chia sẻ của các học giả quốc tế. Câu hỏi "có ai ở đây ủng hộ quan điểm của Trung Quốc" được đáp lại bằng tràng cười học giả, không hơn. Các học giả thống nhất ở một điểm: Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho căng thẳng gia tăng.
Về việc các nước ASEAN kêu gọi Mỹ can dự ở biển Đông, TS Stein Tonnesson cho rằng "chuyện này hoàn toàn do lỗi của Trung Quốc, đặc biệt là do những hành vi của lực lượng hải giám nước này trong hai năm vừa rồi".
TNS John McCain tại buổi tiếp tân hội thảo. Ảnh: TT
TNS John McCain đã "nói thẳng" sự thật "không mấy vui vẻ": Một trong những lực lượng chính làm cho các căng thẳng trên biển Đông trầm trọng hơn, và làm cho giải pháp hòa bình của các tranh chấp này khó khăn hơn để đạt được, đó là hành vi hung hăng của Trung Quốc và việc đòi chủ quyền lãnh thổ vô căn cứ mà họ tìm cách theo đuổi.
Còn GS Carl Thayer thì cho rằng Trung Quốc đang "trả đũa" Việt Nam vì vai trò của nước này trong việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông năm 2010 trên tư cách chủ tịch ASEAN. Hành động của Trung Quốc ở Bãi Cỏ Rong nhằm mục đích thăm dò xem liệu Hiệp định an ninh chung Mỹ - Philippines có giá trị hay không đối với cụm đảo Kalayaan.
Về việc Trung Quốc lựa chọn thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6 ngay trước và sau thềm hội nghị an ninh lớn ở Shangri-La, các học giả cho rằng chủ đích của Trung Quốc là để đo phản ứng của các nước, đặc biệt là Mỹ, đối với các động thái gây hấn của mình. Trên góc độ nào đó, Trung Quốc đã cảm thấy mình có khả năng thách thức trật tự mà Mỹ đang kiểm soát.
Đâu mới là bộ mặt thật của Trung Quốc?
Hiện nay, một mặt, giới lãnh đạo Bắc Kinh khi tiếp xúc với Mỹ (Tổng thống Obama vào tháng 1/2011 và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tại Shangri La) thể hiện quyết tâm kiềm chế, vì quan hệ chiến lược Mỹ - Trung. Mặt khác, Trung Quốc lại leo thang liên tục bằng các áp lực quân sự và phi quân sự lên Việt Nam và Philippines ở Biển Đông.
"Chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc. Ngay sau những tuyên bố hòa bình của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc ở Shangri-La chỉ vài ngày, tàu Trung Quốc lại tiếp tục cắt cáp tàu Viking 2", ông Quý chỉ rõ.
Giới học giả tại hội thảo đặt câu hỏi: Đâu mới là bộ mặt thật của Trung Quốc (real China)?
Liệu Bắc Kinh có thực sự chân thành, hay chỉ sử dụng những lời ngọt ngào ở cấp lãnh đạo chính trị để lừa phỉnh Mỹ và ASEAN tin rằng sự leo thang dọa dẫm sẽ chấm dứt?  Hay lãnh đạo nước này dùng quân sự để bắt các nước ASEAN yếu hơn nhượng bộ, và có lẽ, sau đó, sẽ là sự nhượng bộ từ Mỹ?
Vẫn không có câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi này, trong khi mối lo về các sự cố vẫn hiện hữu, khi tần suất các sự cố thời gian qua tăng đáng ngại.
Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục những hành động lấn át, thì tình hình Ðông Nam Á sẽ rất bất ổn, vì "bất cứ một động thái nhỏ nào cũng có thể biến thành chuyện lớn", TS Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nói.
Cần tạo áp lực ngoại giao tổng hợp, tránh đối đầu
Theo GS Carl Thayer, cả Philippines và Việt Nam nên có các bước đi để tăng cường khả năng thực thi chủ quyền quốc gia ở vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước. Sự yếu kém của họ chỉ càng mời mọc Trung Quốc hành xử quyết đoán hơn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đối đầu bằng vũ lực với Trung Quốc. Bởi như lo ngại của không ít học giả, chủ nghĩa dân tộc lên cao ở Bắc Kinh và Hà Nội sẽ khiến leo thang mức độ tranh chấp, theo tính toán hoặc có thể, không chủ ý.
Hiện nay, Trung Quốc hăm dọa láng giềng, láng giềng hăm dọa lại. Thế nhưng, nếu Việt Nam cứng tới mức xảy ra xung đột nóng, Trung Quốc càng hưởng lợi nhiều, vị giáo sư người Úc này nói.
Theo ông, ASEAN và cộng đồng quốc tế phải đấu tranh về mặt ngoại giao với những hành xử quyết đoán mang tính hiếu chiến của Trung Quốc.
Cần tạo "áp lực ngoại giao tổng hợp" lên Trung Quốc trong hai hội nghị tới đây, ARF và Thượng đỉnh Đông Á để nước này tôn trọng cam kết của mình trong DOC.
Tàu hải giám Trung Quốc thường xuyên quấy nhiễu vùng biển thuộc chủ quyền các nước khác.
Trong khi bác bỏ khả năng chiến tranh, trao đổi tại hội thảo, GS Tô Hạo nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam và Trung Quốc là anh em. Theo ông này, anh em thì cũng có khác biệt. Người anh lớn hơn, mạnh hơn, luôn muốn người em nghe lời mình còn người em lúc nào cũng bị áp lực ở dưới tầm che chở của anh, nên có tâm lí sợ anh là lẽ thường.
GS Carl Thayer lưu ý, Việt Nam cần hết sức cẩn trọng tính toán việc cứng rắn với Trung Quốc. Việt Nam phải học từ lịch sử của chính mình. Hơn ai hết, Việt Nam biết "quan hệ anh em" của hai nước vẫn xảy ra chiến tranh.
TS Trần Trường Thủy khẳng định, Việt Nam không muốn đứng ở phía đối đầu với Trung Quốc. Các học giả Việt Nam và ASEAN đều nhắc lại chủ trương theo đuổi giải pháp hòa bình trên Biển Đông, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Luật sư Nguyễn Duy Chiến của Học viện Ngoại giao Việt Nam lại lưu ý: "Để giải quyết mâu thuẫn cần phải dựa trên những mâu thuẫn thật chứ không thể tạo ra mâu thuẫn giả để gây căng thẳng. Một số nước cố tình ngụy tạo mâu thuẫn giả ở vùng biển của nước khác".
Về phía Trung Quốc, TS Stein Tonneson cũng nhắn Giáo sư Tô Hạo: "Trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã có thái độ hiếu chiến hơn với các nước láng giềng. Tôi buộc lòng phải quy trách nhiệm cho Bắc Kinh, và hy vọng là khi về nước, ông sẽ khuyên chính quyền ông nên xét kỹ lại chính sách sai lầm của mình, và cải thiện".
ASEAN đoàn kết đưa ra COC
Ông Dino Patti Djalal, Đại sứ Indonesia - nước chủ tịch ASEAN đương nhiệm, cho rằng: "Bt c điu gì xy ra đu nh hưởng đến toàn b khu vc, đến toàn b các nước khác trong ASEAN". Cách giải quyết tốt nhất, theo ông, ASEAN phải tiếp tục xây dựng niềm tin.
Đó cũng là một trong ba nhân tố cấu thành của Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) và tiến đến xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).
Hiện nay, một DOC không có tính ràng buộc pháp lý đã không ngăn được căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.
Tiến sĩ Peter Dutton cho rằng không bao giờ thiếu những ý tưởng để giải quyết vấn đề, mà chỉ thiếu ý chí chính trị. Ông nói: "Các bên đu phi có nhượng b v chính tr, nếu không s dn đến vic nước mnh hơn s làm nhng gì có th làm và nước nh làm điu phi làm".
Theo ông Dino, COC hiện chỉ còn vướng một, hai điều và Indonesia sẽ cố thúc đẩy việc tiến tới ký kết COC. Việc ký COC sẽ giúp tình hình biển Đông diễn biến theo chiều hướng dễ nắm bắt và có thể kiểm soát được.
Một số người lạc quan, COC có thể ra đời vào dịp kỉ niệm 10 năm DOC. Thế nhưng, Gs Carl Thayer cho rằng, điều đó khó xảy ra trừ khi ASEAN duy trì được sự thống nhất, cố kết và cùng ở một điểm. Nhưng rõ ràng, có những thành viên ASEAN khá nhát, rụt rè.
"Chính các thành viên ASEAN cần xây dựng Hiệp định về các quy tắc ứng xử trên Biển Đông, và sau khi thông qua, có thể để mở cho các quốc gia không thành viên", GS Carl Thayer gợi ý.
Theo ông, các nước khác cần ủng hộ ASEAN trong nỗ lực đạt thỏa thuận về COC.
Đồng thời, theo TS Đặng Đình Quý, các bên cần thúc đẩy hợp tác về biển và quân sự dưới hình thức tuần tra chung, diễn tập chung với sự tham gia của Trung Quốc, ASEAN và các nước có liên quan; đồng thời các bên cần công khai, minh bạch, giảm mua sắm vũ khí và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin.
Cơ chế "gác tranh chấp, cùng khai thác" không hiệu quả
Hầu hết các học giả đều nhận định rằng cơ chế “khai thác chung” đã không phát huy tác dụng, bởi các bên không thống nhất với nhau trong việc xác định đâu là khu vực tranh chấp, đâu là khu vực không có tranh chấp. Chuyên gia của VN và Philippines có cách tiếp cận khá giống nhau về việc nên xác định đâu là vùng biển, đảo tranh chấp và đâu là những vùng không có tranh chấp để có thể tiến hành khai thác chung. Theo ông Đặng Đình Quý, cách phân loại này sẽ “tạo môi trường an toàn cho các công ty dầu mỏ” cũng như là “hợp tác về hàng hải và quân sự để xây dựng niềm tin”.

Ông Henry S.Bensurto, tổng thư ký Ủy ban các vấn đề biển và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Philippines, cho biết nước này đang hoàn tất đề xuất về việc chia lô các khu biển để hình thành vùng biển hòa bình, hữu nghị. Theo phương án này, các vùng biển sẽ được chia ra làm các khu vực đang tranh chấp, khu vực chồng lấn có thể áp dụng “lưỡng chế độ” để cùng khai thác cũng như các khu vực không còn tranh chấp.
Mỹ ở đâu khi Trung Quốc tạo sự cố trên Biển Đông
Về phía Mỹ, bà Bonner Glaser, Giám đốc Ban Trung Quốc của CSIS cho hay, kế hoạch của Mỹ trong năm 2011 là thể hiện bức tranh hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả hai nước đều là thành viên của khu vực, có thể hợp tác với nhau. Đáng tiếc thay, các sự cố xảy ra liên tục. Có lẽ, Mỹ cần phải xem lại kế hoạch của mình.
Theo bà Bonner, hiện nay, nhiều nước muốn Mỹ phải đứng lên, một lần nữa cảnh báo Trung Quốc về những hành động hiếu chiến của mình, dù cũng có người nhấn mạnh, Mỹ - Trung cần hợp tác nhiều hơn.
GS Tô Hạo của Trung Quốc thì cho rằng, việc Mỹ tham gia một cách tích cực để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng được Trung Quốc chào đón. Tuy nhiên "nhng can thip ca M có nhiu khi không tích cc  ĐNA và đó là lý do vì sao Trung Quc không chào đón nhng can thip này".
Để  Biển  Đông không nổi sóng đòi hỏi các nước phải hành xử thiện chí và tôn trọng lẫn nhau.
Thế nhưng, TS Marvin Ott từ ĐH John Hopkins lại lo: "Khi mt Trung Quc hung hãn đang phi đi din vi mt quc gia duy nht có th lên tiếng mnh nht đ chng li tham vng ca h, mà Mỹ không khuyên được Trung Quc, thì tôi nghĩ chúng ta có mt vn đ ln, và tương lai tht u ám".
Theo ông, Trung Quốc "từng xem như Biển Ðông là ao nhà của mình từ năm 1949," và giờ đây trách nhiệm lớn nhất của Mỹ là tìm cách để tránh chiến tranh, duy trì ổn định thế giới.
TS Trần Trường Thủy, Học viện Ngoại giao Việt Nam chỉ ra một thực tế, năm 2002, không phải ngẫu nhiên Trung Quốc tham gia Tuyên bố của các bên về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông, giúp khu vực có được gần thập kỉ tương đối ổn định. Thời điểm đó, Mỹ tuyên bố Đông Nam Á là mặt trận thứ 2 trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, khiến Trung Quốc xích lại gần, thân thiện hơn với Đông Nam Á.
Mới đây, tại ARF tháng 7/2010, sau khi 13 nước nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị, và ủng hộ việc thực hiện DOC, sớm ra đời COC, và Mỹ tuyên bố lợi ích quốc gia ở Biển Đông, Trung Quốc áp dụng chính sách mềm hơn sau đó. Việc bắt ngư dân đòi tiền chuộc ít hơn, và Trung Quốc cũng ít dọa các tàu và công ty nước ngoài hợp tác với láng giềng. Trung Quốc cũng quay lại bàn đàm phán cùng ASEAN để bàn về DOC và hướng tới COC, dù những hành động có vẻ thiện chí này không diễn ra được bao lâu.
"Dù Mỹ không nói sẽ không tuyên bố ủng hộ cụ thể chủ quyền của ai, Mỹ cần lên tiếng rõ quan điểm của mình về việc Trung Quốc dựa vào đáy biển để đòi chủ quyền. Không nên để sự lập lờ, thiếu rõ ràng như hiện tại", ông Henry S. Bensurto, Tổng thư ký Ủy ban các vấn đề biển và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Philippines nói.
"Chính Mỹ được hưởng lợi lớn nhất nhờ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đó là duy trì bởi quyền lực và sự lãnh đạo của Mỹ. Chúng ta từ bỏ vai trò đó là nguy hiểm cho thế giới và cho chính nước Mỹ", TNS John McCain nói.