Thứ Tư, 02/03/2011, 18:06
Tại hội thảo, phần lớn các đại biểu trong và ngoài nước ghi nhận Huế thừa hưởng những tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa lịch sử ưu ái để lại, xứng đáng là vùng đất hàng đầu thế giới về du lịch, có nhiều cơ hội lớn để làm giàu cho chính mình, góp phần làm giàu cho đất nước bằng con đường du lịch. Tuy nhiên Huế cũng có không ít rào cản về hạ tầng, thời tiết và cả rào cản về nhận thức từ người dân thường đến nhà quản lý.
TTO - Dù được đánh giá là trung tâm du lịch với các tiềm năng du lịch hàng đầu thế giới nhưng Huế chưa có thương hiệu về du lịch, nhất là một thương hiệu mạnh trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế. Đã đến lúc cần một thương hiệu tầm cỡ quốc tế cho du lịch Huế.
Với sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch VN và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, hội thảo quốc tế “Xây dựng thương hiệu cho du lịch Thừa Thiên - Huế” đã diễn ra trong hai ngày 28-2 và 1-3 tại TP Huế.
Đây được xem là sự kiện có tính lịch sử đối với ngành du lịch Thừa Thiên - Huế khi cùng với các chuyên gia nước ngoài, lần đầu tiên hàng chục nhà nghiên cứu, học giả nổi tiếng ở Huế và nhiều tỉnh, thành phố yêu Huế, hiểu Huế sâu sắc đã có dịp ngồi lại bàn bạc một cách thẳng thắn, “cầm tay chỉ việc”, giúp Huế nhìn thấy những yếu kém, phát huy các thế mạnh, tạo thương hiệu du lịch thật sự.
Kinh thành Huế là tác phẩm đạt trình độ cao nhất của văn minh Việt, là nơi thể hiện cao nhất bản sắc Việt - Anh: Trương Vững |
Quá nhiều rào cản
Đến với hội thảo như một nhà tư vấn, TS Ben Thum (Singapore) chia sẻ: “Ban đầu tôi quan tâm nơi tôi đến liệu có Internet không, nơi đó như thế nào... Tôi vào Google, gõ từ “Hue - Vietnam” thì đầu tiên xuất hiện một bản đồ kèm nhiều thông tin nói về những... trận chiến. Tiếp đó tôi nhấp chuột vào trang Wikipedia và thấy có dòng chữ “UNESCO”, nhưng trang web này không phải là trang web về du lịch”.
TS Ben Thum cho biết sau đó thử gõ tên nhiều địa danh, đất nước khác thì không quá khó để xuất hiện các cụm từ gắn liền UNESCO, những di sản văn hóa thế giới. Và trong những thông tin về vùng đất, đất nước đó có những câu chữ khiến người ta tò mò như “10 hòn đảo cần đến trước khi mất” hoặc những cụm từ thu hút sự quan tâm, thân thiện như “Las Vegas của bạn”, Singapore - “Châu Á mới”, “Singapore của bạn”...
Cuốn hút hơn, nhiều nơi như New Zealand người ta làm hẳn các clip, truyền tải hình ảnh về đất nước, quê hương họ trong nền nhạc rất ấn tượng, trong khi Huế và nhiều nơi khác của VN thì chưa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Huế) liệt ra 7 mục du lịch độc đáo “không nơi nào có được” (kinh thành Huế, bảy lăng vua Nguyễn, hàng trăm ngôi chùa Phật, món ăn Huế, món Ngự thiện, sông Hương và hệ thống di tích hai bên bờ…) cùng 9 mục ở một số nơi có nhưng không bằng Huế; 6 mục được quốc tế công nhận (trong đó có 3 di sản của nhân loại), 13 mục tiềm ẩn nhiều bí mật đang chờ khám phá… Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu này, Huế chỉ mới "lượm" những tài nguyên trên mặt đất để bán chứ hoàn toàn chưa khai thác sâu, mà mình chưa khai thác thì người ta sẽ khai thác. |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông (phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật tại Huế) cho rằng ngay tính “mệ” của dân Huế cũng là một rào cản. “Có nhiều người bạn của tôi than phiền về chất lượng phục vụ của Huế. Khuôn mặt nhân viên phục vụ ở Huế không chuyên nghiệp, không có tính thân thiện, mà điều này không phù hợp với du lịch", ông nói.
“Chúng tôi tiếp rất nhiều đoàn khách nước ngoài nhưng đau đầu khi chọn món quà lưu niệm gì đó tặng họ trước khi rời Huế” - giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế Châu Đình Nguyên tiếp lời.
Ông Ono Katsumi (Tổ chức JICA - Nhật Bản) than phiền: “Ngay cả việc đóng cửa sân bay Phú Bài đến một tháng nhưng làm sao thông báo rộng rãi cho khách nước ngoài, bởi Huế chưa có trang web về du lịch”...
Biến những bất lợi thành có lợi
Tại hội thảo, vấn đề “mưa Huế” được đặt ra và chiếm khá nhiều thời gian của các đại biểu.
“Mưa thúi trời thúi đất, nhưng đã có bao bài thơ, bài hát da diết về mưa trên phố Huế. Mới nghe đã rùng mình, thương nhớ, rớt nước mắt… Vậy đã có dự án nào nghiên cứu về vấn đề “chẳng nơi nào có được” này chưa, có tour du lịch nào thiết kế cho những ngày này chưa?” - nhà văn Tô Nhuận Vỹ (nguyên giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh) đặt vấn đề.
“Chúng ta nghe nhiều ý kiến nói về mưa Huế. Đó là tác nhân cản trở sự phát triển, tuy nhiên cần biến sự trở ngại này để thu hút du khách” - giáo sư Tay Kheng Soon (Tập đoàn Akitek Tenggara, Singapore) nói.
Phu Văn Lâu trong mưa - Ảnh: Minh Hạnh |
Theo giáo sư Victor Savage - trưởng khoa địa lý Đại học Quốc gia Singapore, cũng như VN và Huế, đất nước ông chịu tác động bởi biến đổi khí hậu. Riêng ngành du lịch Singapore từ lâu đã nghĩ đến điều đó và có những giải pháp “sống chung”. “Ở nhiều nơi, ngay cả nhiều tuyến phố, chúng tôi đã làm các hệ thống hành lang có mái lợp che nắng, che mưa cho du khách khi tham quan tại các điểm du lịch. Ở Huế cũng nên nghĩ đến điều này, nhất là trong thời tiết mưa lũ thường năm của Huế”.
GS Tay Kheng Soon, đại diện Tập đoàn Akitek Tenggara, đối tác giúp Thừa Thiên - Huế xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2015, tầm nhìn 2020, công bố 10 dự án trọng điểm trong quy hoạch phát triển du lịch Thừa Thiên - Huế.
Một trong những dự án thu hút sự quan tâm và tán thưởng của nhiều nhà nghiên cứu Huế là dự án “Làng mưa” tại khu vực bãi bồi Lương Quán bên bờ sông Hương thuộc phường Thủy Biều, TP Huế. Ở đó sẽ xây dựng ngôi làng nhà rường, có hành lang nối kết, có vườn cây, nhà hàng, có điểm biểu diễn nghệ thuật, thời trang...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu Bửu Ý nói rằng ông rất phấn khích, nhất là dự án mưa Huế. Nếu dự án này được thực hiện thì quá tốt vì không chỉ là tốt cho Huế mà cho cả nước. “Cần phải chấm dứt tâm trạng e ngại, lo sợ đối với mưa Huế. Mưa Huế đã là một thuộc tính, nói đến Huế không có mưa thì không còn là Huế nữa, nhưng cần biến nó thành cái có lợi” - ông nói.
Tuy nhiên, theo dự án của GS Tay Kheng Soon trình bày thì địa điểm đó vừa xa Huế, lại tập trung cho một số người. Cần xử lý và giải quyết vấn đề mưa một cách rộng rãi hơn, người dân và du khách không thấy sự trở ngại. Mưa phải trở thành một cái gì đó mới, quyến rũ du khách ở lại Huế để có thêm phần thi vị...
ĐÌNH TOÀN