Monday, October 11, 2010

11/10 Vimeco làm tổng thầu dự án Splendora giai đoạn 1

Công ty cổ phần Vimeco chính thức trở thành tổng thầu thi công xây lắp hạ tầng giai đoạn 1 Khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora) với tổng giá trị hợp đồng hơn 563,8 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 của Khu đô thị mới Splendora được xây dựng trên diện tích khoảng 50ha, dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2012 gồm các hạng mục như nhà biệt thự, nhà liền kề, căn hộ, khu nhà hỗn hợp với chức năng dịch vụ, thương mại, văn phòng và các tiện ích công cộng; khu thể dục thể thao, bể bơi ngoài trời, sân bóng, đường đi dạo, công viên cây xanh...

Phần hạ tầng của dự án gồm thi công hệ thông đường, cây xanh, chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, thông tin liên lạc...

Với vai trò tổng thầu, Vimeco sẽ chủ trì phân khai phạm vi, khối lượng công việc và lập biện pháp thi công, huy động nhà thầu đồng thời quản lý chất lượng, an toàn và hiệu quả trong thi công các hạng mục.

Ngoài ra, Vimeco sẽ chủ trì lập, tổng hợp hồ sơ nghiệm thu, thanh toán để đảm bảo tiến độ cấp vốn kịp thời.

Để triển khai giai đoạn 1, Vimeco vừa hoàn tất gói thầu thi công cọc khoan nhồi và đào đất hạng mục nhà chung cư có tổng trị giá gần 142 tỷ đồng.

Splendora là một trong những dự án khu đô thị mới lớn nhất miền Bắc do Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tập đoàn Posco E&C của Hàn Quốc hợp tác xây dựng.

Nằm trên Đại lộ Thăng Long, Splendora có tổng vốn đầu tư 2,57 tỷ USD được xây dựng trên diện tích hơn 264ha theo phương thức khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam này.

Được đánh giá là khu đô thị mới cao cấp đạt chuẩn quốc tế với môi trường sống tốt nhất Việt Nam, Splendora đã trở thành một trong những dự án bất động sản “nóng” nhất tại Hà Nội./.


Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Sân golf "ăn" đất nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh

Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang giảm mạnh do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Tình trạng này đang dấy lên mối lo ngại ngập lụt và thiếu đất sản xuất nông nghiệp.

Không những thế, các dự án sân golf “chiếm” thêm hàng ngàn ha đất, trong đó không ít là đất nông nghiệp.

800ha đất nông nghiệp lãng phí

Tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang do quy hoạch "treo" đang là một hiện trạng phổ biến. Chỉ tính riêng ba huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh đã có trên 3.000ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang.

Sự lãng phí đất nông nghiệp này phải kể đến các dự án sân golf đang “treo” 800ha đất nông nghiệp. Các dự án có mục tiêu sân golf thường chiếm diện tích rất lớn đất nông nghiệp, trong đó có một phần diện tích được sử dụng cho mục đích không phải sân golf như nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí - thể dục thể thao, nhà ở - biệt thự để bán và cho thuê.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có sáu dự án sân golf đã được cấp phép, tuy nhiên, thực tế chỉ có một dự án đi vào hoạt động từ năm 1995; bốn dự án đang hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; một dự án đã bị chấm dứt hoạt động trước thời hạn và đã bị thu hồi giấy phép đầu tư.

Điều đáng chú ý là, các dự án sân golf này đều có quy mô sử dụng hàng trăm ha đất. Cụ thể, dự án sân golf Lâm Viên tại phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ (quận 9) có quy mô sử dụng 300ha đất; dự án sân golf tại phường An Phú, quận 2 sử dụng hơn 132ha đất; dự án sân golf GS tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (thuộc khu đô thị Tây Bắc thành phố) sử dụng 200ha đất; dự án sân golf Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) sử dụng hơn 157ha đất; dự án sân golf Sing Việt tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) có quy mô sử dụng 300ha đất...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất nông nghiệp đang giảm nhanh, trong vòng 15 năm qua, đã giảm khoảng 18.000ha (trung bình mỗi năm giảm đến 1.400ha). Diện tích giảm năm sau nhiều hơn năm trước, đặc biệt tại các quận, huyện ngoại thành như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, 12...

Để hạn chế tình trạng đất nông nghiệp ngày càng mất đi, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành và thực hiện nhiều biện pháp như kiểm tra, rà soát các dự án "treo"; kiểm tra các đơn vị sản xuất gây ô nhiễm khiến nông dân phải bỏ đất, ngăn chặn nạn bán đất nông nghiệp bừa bãi…

Làm sân golf hay xây biệt thự?

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình sử dụng sân golf trên địa bàn cũng đã thừa nhận việc có quá nhiều dự án sân golf chiếm diện tích đất nông nghiệp rất lớn; hơn nữa chơi golf không phải là bộ môn thể thao quần chúng, trong khi các công trình công cộng và phúc lợi xã hội đang thiếu cả địa điểm và quy mô.

Mặt khác, việc đền bù giải tỏa kéo dài, chậm triển khai dự án ảnh hưởng tới đời sống của người dân bị thu hồi đất và nền nông nghiệp thành phố. Một số dự án có một phần diện tích đất được sử dụng cho mục đích không phải sân golf như: Nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí-thể dục thể thao, nhà ở-biệt thự, khu nghỉ dưỡng… để bán và cho thuê.

Lấy đất nông nghiệp đền bù với giá rẻ mạt, sau đó, bằng nhiều biện pháp, chủ đầu tư xin chuyển đổi công năng hoặc xin “thêm” diện tích đất để xây dựng các khu đô thị, thương mại, khách sạn kinh doanh với giá cao.

Đáng nói nhất là sân golf An Phú, mặc dù có vị trí “vàng” tại khu vực quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tới nay dự án vẫn ì ạch triển khai do vướng đền bù giải tỏa. Nguyên nhân khiến dự án gần 9 năm sau cấp phép “chôn” hàng trăm ha đất nông nghiệp là do giá đền bù quá thấp và cứng nhắc trong áp dụng. Giá đất nông nghiệp được “áp” tại dự án này là 150.000-200.000 đồng/m2 (theo phương án phê duyệt năm 2003).

Sau nhiều lần khiếu nại, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (Công ty SDI) nâng giá đền bù lên 870.000 đồng/m2. Tuy nhiên mức giá này vẫn thấp hơn nhiều khi đối chiếu với giá bồi thường dự án công ích (làm đường) tại khu vực quận 2 hiện nay đã lên tới 1,5 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp. Còn mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp giá bồi thường dao động từ 15-20 triệu đồng/m2.

Không những thế, trong tờ trình xin phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án của chủ đầu tư, các hạng mục xây dựng địa ốc cũng nằm trong nhóm đầu danh sách: Đất xây dựng biệt thự 147.600 m2; đất xây dựng nhà liền kề có sân vườn 5.800 m2; căn hộ cao cấp 15 tầng 6.650 m2; khách sạn 12 tầng 2.600 m2...

Tuy nhiên, về phần xây dựng nhà ở, SDI giải thích “không phải ưu tiên biệt thự, căn hộ” để kinh doanh mà mục tiêu trước mắt là phục vụ tái định cư cho các hộ dân trong dự án theo cam kết đã ký với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và hiện đơn vị đang lập thủ tục để bàn giao khu tái định cư (10 ha) cho Ủy ban Nhân dân quận 2.

Trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/11/2009 về phê duyệt Quy hoạch sân golf đến năm 2020, các dự án sân golf không được lấy đất lúa, đất màu nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, đất rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf để xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng. Để tránh hiện tượng “biến hóa” sân golf thành khu chung cư, biệt thự cao cấp.

Trước tình trạng này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định kiên quyết không cho phép những dự án đầu tư các công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí được thay đổi mục tiêu kinh doanh; đồng thời, không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang mục tiêu kinh doanh bất động sản./.


Sĩ Dũng (Báo Tin Tức/Vietnam+)

04/10 Khánh thành công trình Cung trí thức TP Hà Nội

Sáng 4/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội cho công trình Cung trí thức thành phố Hà Nội.

Cung trí thức thành phố Hà Nội được khởi công từ ngày 30/6/2007, tại địa điểm xây dựng Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) với hình thức đầu tư xây dựng chuyển giao (BT).

Chủ đầu tư là văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, nhà đầu tư thực hiện Dự án là Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (COMA).

Công trình có tổng diện tích 6.668m2, gồm hai khối nhà 3 tầng và 15 tầng; tổng diện tích sàn 15.960m2. Tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng.

Tòa nhà này được thể hiện với phong cách kiến trúc hiện đại, mang đặc trưng của thể loại công trình văn phòng. Công trình bảo đảm nhu cầu làm việc cho khoảng 1.500 người.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Phí Thái Bình, Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước, nơi có hàng trăm trường đại học, viện nghiên cứu và các hội, hiệp hội của các ngành nghề khác nhau. Hà Nội cũng là nơi hội tụ những nhà tri thức, nhà khoa học, các văn nghệ sỹ có trình độ cao; góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, hiện nay đa số các hội, hiệp hội chưa có trụ sở. Việc đưa vào hoạt động Cung trí thức không chỉ góp phần giải quyết khó khăn về trụ sở của các đơn vị này mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự đóng góp, cống hiến của các văn nghệ sỹ, trí thức đối với công tác xây dựng Thủ đô.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng quản lý và tạo điều kiện để các hội, hiệp hội trong tháng 11/2010 có thể tiếp nhận văn phòng làm việc; tổ chức quản lý, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công trình phục vụ tốt nhất các hoạt động của giới trí thức, văn nghệ sỹ Thủ đô./.


Minh Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)