04:21-05/04/2012
Sơ đồ đường yêu sách 9 đoạn
- đường lưỡi bò - của Trung Quốc
trên Biển Đông. Nguồn: VnExpress.
Cho đến nay, vẫn không rõ quan điểm chính thức của chính quyền Trung Quốc về tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò”. Trong khi đó, nhiều lập luận của các học giả cũng như của chính quyền Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế.
Lịch sử xuất hiện “đường lưỡi bò”
Năm 1933, Pháp thực hiện việc đưa quân ra đồn trú tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để đối phó với các hành động này của chính quyền Pháp tại Đông Dương, chính quyền Cộng hòa Trung Hoa (chính quyền Tưởng Giới Thạch) đã cho thành lập Ủy ban Điều tra Bản đồ Đất và Biển. Nhiệm vụ của Ủy ban này bao gồm việc khảo sát và đặt tên cho các đảo ở Biển Đông và xuất bản các bản đồ để thể hiện các đảo này thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.
Bản đồ chính thức đầu tiên thể hiện “đường lưỡi bò” có nguồn gốc từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Bản đồ này được Vụ Biên giới và Lãnh thổ, Bộ Nội vụ Cộng hòa Trung Hoa xuất bản tháng 2/1948 có tên 南海诸岛位置图 - Nanhai zhudao weizhi tu –( Nam hải chư đảo vị trí đồ). Bản đồ này của chính quyền Quốc Dân Đảng được các học giả Trung Quốc cho biết là dựa theo một số bản đồ không rõ ràng của một vài cá nhân. Trên bản đồ này có xuất hiện một đường mà nhiều học giả Trung Hoa gọi là “đường hình chữ U” hay “đường chín đoạn”, một số học giả gọi nó là “đường lưỡi bò” bởi nó nhìn giống một cái lưỡi bò liếm xuống biển Đông, đường này được thể hiện trên bản đồ lúc này là một đường đứt khúc bao gồm 11 đoạn.