Monday, November 22, 2010

13/10 Nên xác định một khái niệm có giá trị chỉ đạo chiến lược đối với ngành Giáo dục

9:57 AM, 13/10/2010

(Chinhphu.vn) - Các văn kiện nên có chung một khái niệm có giá trị chỉ đạo chiến lược đối với ngành Giáo dục cả nước thay cho những khái niệm còn chưa thống nhất (đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân; cải cách giáo dục; đổi mới và phát triển toàn diện, mạnh mẽ giáo dục, đào tạo; chiến lược giáo dục).

Phải trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức mới, phương pháp tư duy để có kiến thức mới. Ảnh minh họa
Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu, được Đảng và Nhà nước ta xác định từ nhiều năm nay. Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều cố gắng cho lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cho đến nay, Giáo dục và Đào tạo vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH.
Trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI, đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân được coi là một trong số những khâu đột phá.
Quan điểm này gợi cho chúng ta một số vấn đề cần làm rõ.
Tại mục “Các đột phá chiến lược” trong “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020” đã nêu “đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân”; Dự thảo Báo cáo Chính trị, phần đánh giá kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội X lại ghi: “Cải cách giáo dục đạt được một số kết quả bước đầu”; phần phương hướng (V) lại xác định: “Đổi mới và phát triển toàn diện, mạnh mẽ giáo dục, đào tạo...”. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đang soạn thảo “Chiến lược Giáo dục Việt Nam”.
Vấn đề đặt ra là cùng một lĩnh vực, trong cùng một thời điểm lại có những quan điểm không thống nhất. Điều này có thể làm cho người đọc có những suy nghĩ khác nhau.
Đây không phải là vấn đề chữ nghĩa mà là quan điểm, nội dung, định hướng với nền giáo dục quốc dân. Vì vậy, các văn kiện nên có chung một khái niệm có giá trị chỉ đạo chiến lược đối với ngành Giáo dục cả nước thay cho những khái niệm còn chưa thống nhất (đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân; cải cách giáo dục; đổi mới và phát triển toàn diện, mạnh mẽ giáo dục, đào tạo; chiến lược giáo dục).
Căn cứ thực tế tình hình trong nước và thế giới hiện nay, chúng ta nên tiến hành cải cách giáo dục một cách cơ bản, hệ thống nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng toàn diện, cả về đức và tài, thực sự là những chủ nhân của đất nước.
Quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu cần được thể chế rõ ràng, cụ thể thành chế độ, chính sách, cơ chế để thực hiện. Cải cách giáo dục một cách toàn diện, sâu sắc về quan điểm, mục tiêu, nội dung, chương trình, phương hướng, biện pháp. Lập lại trật tự kỷ cương hoạt động giáo dục ở các phạm vi, đối tượng, lĩnh vực như người học, người dạy, nhà trường, ngành, cơ quan, cấp quản lý... bảo đảm nguyên tắc vì chất lượng toàn diện, thực chất, có hiệu quả của sản phẩm giáo dục, đào tạo đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tập trung khắc phục những yếu kém của ngành Giáo dục hiện nay như: chất lượng không cao, đặc biệt là chất lượng chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống. Giáo dục phải coi đây là chất lượng số một, là bản lĩnh, tâm hồn, nhân cách mà ngành Giáo dục bồi đắp xây dựng cho thế hệ tương lai.
Cùng với đó, trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức mới, phương pháp tư duy để có kiến thức mới. Trên cơ sở đó, có đủ năng lực lao động khoa học, sáng tạo, giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra, coi đó là sự cống hiện cụ thể, thiết thực cho đất nước. Để được như vậy, phải đổi mới các hoạt động tổ chức, quản lý giáo dục. Khắc phục xu hướng thị trường hóa giáo dục. Nghiêm trị mọi biểu hiện tiêu cực dưới mọi hình thức mua điểm, mua bằng, mua danh hiệu... trong giáo dục.
Tất cả cần một sự trung thực, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nói rõ sự thật như Đảng ta luôn chỉ ra.

PGS.TS Trần Quang Nhiếp



Tin mới nhận
Bổ sung quyền giám sát của nhân dân05/11
Lối sống văn hóa thể hiện cả ở việc lời nói đi đôi với việc làm02/11
Vấn đề phát triển văn hóa trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước01/11
Đại biểu Quốc hội góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng 28/10
MTTQ TP Hà Nội góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XI15/10

Các tin khác
Cán bộ Công đoàn góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng12/10
Các giải pháp đột phá cần nêu thật đủ, thật rõ12/10
Học và làm theo lời dạy của Bác: Đổi mới tư duy lãnh đạo09/10
Góp phần nâng cao chất lượng văn kiện Đại hội XI của Đảng08/10
Để tiếp tục đổi mới và phát triển đất nước04/10

02/11 Lối sống văn hóa thể hiện cả ở việc lời nói đi đôi với việc làm

6:16 PM, 02/11/2010

(Chinhphu.vn)- Tiếp tục đề cập về vấn đề văn hóa trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, TS Lê Trung Kiên - Giảng viên Viện Văn hoá và Phát triển - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, trong bản dự thảo Cương lĩnh đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng. (*)

>> Bài 1: Vấn đề phát triển văn hóa trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước

Một trong những điều bình thường, giản dị nhất, nhưng cũng là cốt lõi nhất đã làm nên văn hoá Hồ Chí Minh là “lời nói luôn đi đôi với việc làm”Nếu bản Cương lĩnh 1991 được coi như tư duy của một chàng trai 17 tuổi, vừa vượt qua bao gian lao vất vả với chiến tranh, với thiên tai và sự khắc nghiệt của tự nhiên để sinh tồn phát triển trong nền văn minh nông nghiệp, thì bản Cương lĩnh này vẫn thể hiện tư duy của chàng trai ấy, nhưng đã là một trí thức, một công dân trong xã hội văn minh công nghiệp, bắt đầu bước vào tuổi trung niên với những sự chắc chắn, vững vàng về vốn sống và sự am hiểu xã hội của mình.
Trong nội dung II: “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, Cương lĩnh 1991 xác định:
“Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội:
- Do nhân dân lao động làm chủ.
- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
- Có nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.
- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.”
Dự thảo Cương lĩnh lần này xác định rõ ràng, chắc chắn hơn:
“Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.”
Như vậy có thể thấy, nội dung của xã hội xã hội chủ nghĩa mà dự thảo Cương lĩnh của Đảng lần này có bổ sung thêm 2 điều quan trọng:
- Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Và có thay đổi một số câu chữ, ví dụ như, ở Cương lĩnh 1991 là “Do nhân dân lao động làm chủ” thì dự thảo Cương lĩnh 2011 là “do nhân dân làm chủ”. Cá nhân tôi hoàn toàn nhất trí với sự thay đổi này vì là người dân trong thời đại ngày nay thì đã là người lao động và người làm chủ xã hội hiện đại không phải chỉ có những người đã đến tuổi lao động, có việc làm mà cả những học sinh sinh viên, những người không có khả năng lao động cũng cần được phát huy quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của mình.
Góp ý bổ sung nội dung “lời nói luôn đi đôi với việc làm”
Xét thực trạng đời sống văn hoá xã hội hiện nay, Đảng và nhà nước ta cũng đang chú ý nhiều đến việc xây dựng văn hoá Đảng, văn hoá chính trị, tôi xin có một ý nhỏ như sau:
Điều lệ Đảng Cộng sản đã xác định rất rõ là Đảng ta lấy tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lê nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Trong nhiều năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang triển khai tích cực cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Một trong những điều bình thường, giản dị nhất, nhưng cũng là cốt lõi nhất đã làm nên văn hoá Hồ Chí Minh mà chúng ta đã nhận biết được một cách sâu sắc trong tư tưởng và trong hành động của Hồ Chí Minh về phong cách làm việc, lối sống văn hoá là: lời nói phải đi đôi với việc làm.
Trên thực tiễn cuộc sống, sự không thống nhất giữa lời nói và việc làm, nói một đằng làm một nẻo hay chỉ nói mà không làm sẽ làm mất đi nhân cách con người. Nếu là người cán bộ thì vấn đề không chỉ là nhân cách con người bị mất mà còn mất đi lòng tin, tình yêu của người dân với cán bộ của Đảng.
Sự không thống nhất giữa lời nói và hành động, lời nói không đi đôi với việc làm là một biểu hiện nổi trội nhất, dễ nhận biết nhất của sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức, lối sống con người, đặc biệt là người cán bộ đảng viên.
Xuất phát từ những nhận thức như vậy, tôi xin đề nghị bổ sung vào dự thảo Cương lĩnh, nội dung thứ III: “Những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại” tại mục 6 khổ thứ nhất, câu thứ hai mấy chữ: “lời nói luôn đi đôi với việc làm” để câu này được trọn vẹn như sau:
“… Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt nam, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao, lời nói luôn đi đôi với việc làm. …”

Lê Trung Kiên
Viện Văn hoá và Phát triển - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

* Tiêu đề do tòa soạn đặt với sự đồng ý của tác giả



Tin mới nhận
Bổ sung quyền giám sát của nhân dân05/11

Các tin khác
Vấn đề phát triển văn hóa trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước01/11
Đại biểu Quốc hội góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng 28/10
MTTQ TP Hà Nội góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XI15/10
Nên xác định một khái niệm có giá trị chỉ đạo chiến lược đối với ngành Giáo dục 13/10
Cán bộ Công đoàn góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng12/10