Monday, August 15, 2011

15/08 Thương mại Mỹ-Việt đạt 10 tỷ USD nửa đầu năm



6 tháng đầu năm, trao đổi thương mại Mỹ-Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD. ((Nguồn: Internet)
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ cho biết trong sáu tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2010.

Theo đó, Việt Nam xuất khẩu gần 7,94 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 1,4 tỷ USD hoặc tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 2,07 tỷ USD, tăng 25%.

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất, đạt xấp xỉ 3,04 tỷ USD và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2010. Tiếp đến là giày dép đạt 967,7 triệu USD (tăng 27%) và đồ gỗ đạt 837 triệu USD (tăng 4,5%).

Thiết bị điện, sản phẩm âm thanh vẫn chiếm vị trí thứ tư trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Mỹ với giá trị xuất khẩu đạt 403 triệu USD, tăng 15% so với sáu tháng đầu năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy hải sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 332,6 triệu USD, tăng 49%.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang thị trường Việt Nam, hàng bông, bao gồm sợi và vải dệt, luôn giữ vị trí số một trong những tháng gần đây với kim ngạch đạt 262,2 triệu USD trong sáu tháng đầu năm, tăng 155% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2011 là sắt thép, đạt 132,6 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng đứng vị trí thứ ba về giá trị xuất khẩu sang Việt Nam là máy móc-thiết bị cơ khí-phụ tùng và phương tiện giao thông với kim ngạch đạt 186 triệu USD.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ ước tính trong năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-Việt Nam sẽ đạt 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010.

Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-Việt Nam đã đạt 18,324 tỷ USD. Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, thời điểm tổng kim ngạch đứng ở mức 451 triệu USD./.
(Vietnam+)

15/08 Doanh nghiệp Thái tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam

15/08/2011 | 15:16:00
Dây chuyền sản xuất thịt hộp của công ty Vissan. Ảnh minh họa. (Nguồn: Kim Phương/TTXVN)
Ngày 15/8, Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) thành phố tổ chức hội nghị “Khảo sát sự hợp tác trong ngành hậu cần.”

Hội nghị có sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các lĩnh vực xuất nhập khẩu, hàng hóa tiêu dùng, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng, giao thông vận tải, dịch vụ… đến từ các tỉnh thuộc miền Trung và vùng Đông Bắc (Thái Lan).

Đoàn doanh nghiệp Thái Lan tới Việt Nam lần này nhằm khảo sát sự hợp tác trong lĩnh vực ngành dịch vụ hậu cần để tiến đến sự phát triển đa dạng và sâu hơn nữa về đầu tư, thương mại giữa hai nước.

Ngoài việc khảo sát hợp tác trong lĩnh vực hậu cần, chuyến thăm còn là dịp để các doanh nghiệp Thái Lan tìm hiểu về thị trường hàng hóa, đối tác kinh doanh và cơ hội đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều lĩnh vực.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Thái Lan đang hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp Thái Lan sang khảo sát và tìm hiểu môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tấn Phát đến từ Công ty Sunrise Logistics, Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã bày tỏ mong muốn rằng, doanh nghiệp hai nước ngày càng thắt chặt mối quan hệ thương mại dưới sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước và tổ chức xúc tiến thương mại của hai nước.

Đại diện ITPC cũng nhận định, với vai trò là Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư, ITPC luôn nỗ lực trong việc tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hỗ trợ và tư vấn miễn phí về tình hình kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư… cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Thái Lan nói riêng./.
Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

15/08 Tướng Giáp: Nhân dân mới là tướng tài giỏi nhất!

15/08/2011 | 14:43:00
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nguồn: Internet)
CÁC TIN LIÊN QUAN
Võ Nguyên Giáp trên con đường mòn Hồ Chí Minh
Đại tướng viết: “Trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975, đánh dấu bước phát triển mới hết sức rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân."

Vị Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử 
Dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi.

Với mong muốn được hiểu thêm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hồ Khang, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

- Thưa PGS, viết và nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì bao nhiêu cũng chưa đủ nhưng ông có thể đưa ra một hướng nhìn mới để chúng ta cùng thêm hiểu, thêm kính yêu vị Đại tướng, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam? 

PGS.TS Hồ Khang: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước tiên là vị tướng của nhân dân và trong lòng dân; ông là mẫu người tiêu biểu cho thế hệ lãnh đạo cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh. Như thế, ông cũng là minh chứng cho sự gắn chặt giữa chính trị với quân sự: Chính trị trước hết là vì dân, quân đội mạnh nhất là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Chính những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam như Đại tướng là những người đã khơi dậy sức mạnh tổng lực của toàn thể dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu sinh tử chống kẻ thù xâm lược, đặc biệt ở những thời điểm khó khăn nhất của lịch sử dân tộc.

Tại Hội thảo khoa học Việt-Mỹ tổ chức tại Hà Nội năm 1997, một thành viên trong Đoàn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đã hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng trong hai cuộc kháng chiến lớn của Việt Nam, ai là vị tướng tài ba nhất? Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: Vị tướng tài giỏi nhất chính là nhân dân Việt Nam.

Có thể nói, sự tôn kính mà nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng cũng xuất phát từ một cảm thức chính trị như thế: Không chỉ vì những chiến công, mà còn vì Đại tướng là hiện thân cho sự gắn bó máu thịt với số phận của nhân dân mình, đất nước mình.

Quân đội mà Đại tướng là người Anh cả, là Tổng tư lệnh trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, là một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu - một nguyên tắc đảm bảo cho quân đội đó luôn giữ vững bản chất cách mạng, đủ sức đương đầu và đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.

Thế hệ của Đại tướng là thế hệ đã thấm nhuần lời dạy thiêng liêng với mỗi quân nhân Việt Nam của Bác Hồ: “Quân đội ta Trung với nước, Hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng.”

- Đề nghị ông nói rõ hơn sự kết hợp tố chất riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nét chung của văn hóa Việt Nam?

PGS.TS Hồ Khang: Trí tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thiên tư kết hợp với kiến thức uyên bác mà ông có được nhờ trau dồi và học tập trong thực tiễn đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Đại tướng từng là một thầy giáo dạy Lịch sử, chính vì thế mà ông có cái nhìn lịch sử. Ông biết người, hiểu mình, hiểu dân tộc mình: Một dân tộc, trong lịch sử, đời nối đời làm nông nghiệp trên mảnh đất nhiều thiên tai, địch họa: “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.” Đó là một dân tộc chuộng lối sống ôn hòa, khoan dung, "mềm như nước" mà cũng "cứng như nước"…

Một dân tộc yêu hòa bình như Việt Nam là một dân tộc sẵn sàng ra trận để bảo vệ hòa bình trên xứ sở của mình. Võ Nguyên Giáp là vị tướng của hòa bình theo nghĩa đó.

Có thể nói, ông là biểu trưng của văn hóa quân sự Việt Nam. Những kẻ thù xâm lược đất nước Việt Nam, áp đặt ách thống trị lên dân tộc này đều không hiểu hết cái nhẽ “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng” đó. Cũng có thể nói, chính cái “chẳng đừng” ấy mà đã có  những Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… như chúng ta thấy.

Bài 2: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và việc giữ gìn biển đảo

Nguyễn Anh (Vietnam+)

15/08 Hoàn thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế

07:10 | 15/08/2011
Thủ tướng đã xác định mục tiêu giai đoạn 2011 – 2016 là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Đặc biệt là hạn chế độc quyền, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các thành phần kinh tế, các nhóm doanh nghiệp; xác định đúng liều lượng can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế với vai trò là kiến tạo phát triển thay vì điều hành. GIÁO SƯ (GS), NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ - CHÍNH TRỊ NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH cho rằng, hoàn thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế chính là tạo ra môi trường để các loại hình doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng.
- Giáo sư nhìn nhận như thế nào về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua tạo môi trường cạnh tranh, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế?
Chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam rất cần được ban hành. Hoàn thiện sức cạnh tranh chính là tạo ra môi trường để các loại hình doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng. Đặc biệt, tất cả các doanh nghiệp phải bình đẳng trước pháp luật, không phải chộp giật và làm tiêu tốn tài nguyên khoáng sản, lao động của tổ quốc, làm hại đến môi trường. Ví dụ như doanh nghiệp trốn bảo hiểm sẽ giúp tăng lợi nhuận. Nhưng toàn bộ người lao động bị thiệt và Quỹ bảo hiểm của Nhà nước không thu hồi đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ. Đây là một dạng cạnh tranh không lành mạnh cần được xử lý nghiêm.

Nguồn: ITN
- Nhưng khi vẫn còn ưu đãi, độc quyền của một số doanh nghiệp Nhà nước thì vẫn chưa thể tạo được một môi trường cạnh tranh. Để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế thì cần có những thay đổi trong thời gian tới, thưa GS?
Trước tiên, để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ thì phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề ra chính sách, lộ trình thực hiện. Các ưu đãi bằng chính sách cần đúng hướng, không để bị lợi dụng, tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Để phát huy hiệu quả của cơ chế, chính sách, thì trước khi ban hành cần được nghiên cứu, điều tra kỹ càng. Cần tính đến mặt phải, mặt trái của một chính sách ưu đãi khuyến khích nào đó. Làm được yêu cầu này phải có sự xắn tay của cả một hệ thống, một bộ máy chuyển động. Ví dụ như để khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, thì chính sách xã hội, đầu tư, thuế khóa, thanh tra, kiểm tra phải phối hợp đồng bộ. Và dựa vào sự hiểu biết và ủng hộ của người dân thì chúng ta mới hoàn thành được.
- Nâng cao sức cạnh tranh liên quan đến cả cạnh tranh trong nước và quốc tế. Thưa GS, cần kết hợp các cơ chế, chính sách để đạt được hai yêu cầu này?  
Nếu nhìn bề ngoài thì cạnh tranh quốc tế và cạnh tranh trong nước có vẻ mẫu thuẫn nhau. Nhưng sự thật là hai mặt đó bổ sung cho nhau. Có những lĩnh vực muốn thúc đẩy cạnh tranh nội bộ trong nước thì phải cho yếu tố cạnh tranh nước ngoài vào. Cụ thể là việc cho phép doanh nghiệp nước ngoài được thu mua cà phê có sự kiểm soát đã tăng tính minh bạch, cạnh tranh, giúp giá bán có lợi cho người trồng. Nhưng cũng có lĩnh vực nên tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Tất nhiên không phải Nhà nước muốn hỗ trợ thế nào cũng được do phải tuân thủ các quy tắc của quốc tế. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp thuộc các ngành hàng lớn phải biết tổ chức hợp tác để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. 
- Cùng với đổi mới thể chế, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến một nội dung rất quan trọng đó là phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Trong điều kiện hiện nay, cải cách thủ tục hành chính cần tập trung vào những khâu nào?
Thủ tướng đã yêu cầu cải cách thủ tục hành chính phải lên tầm cao mới hơn nữa, không để tình trạng trì trệ ở một số bộ phận như hiện nay. Công cuộc cải cách thủ tục hành chính đã làm được rất nhiều việc như giúp doanh nghiệp thuận lợi trong đăng ký kinh doanh, rút ngắn thủ tục hành chính… Nhưng không thể phủ nhận, một số thủ tục vẫn phải qua nhiều cửa, mỗi một cửa lại phải tốn kém chi phí. Chi phí này đôi khi do các tiêu cực, tham nhũng gây ra. Do vậy, cải cách hành chính phải chống được tham nhũng, kiểm tra được hoạt động để tạo ra môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đây là bài toán phức tạp. Ngoài ra cải cách hành chính cũng phải theo nhận thức của toàn dân bởi vì trình độ của dân các vùng miền là khác nhau, lạc hậu cũng không được mà tiên tiến quá thì người dân cũng chưa thích ứng kịp. Ngoài ra, tôi rất tâm đắc với ý của Thủ tướng là chất lượng và đội ngũ lao động quản lý mà trong đó có đội ngũ lao động quản lý trình độ cao. Quản lý ở đây trước hết là quản lý hành chính Nhà nước, phải có đội ngũ quản lý có tâm huyết với đất nước, với dân tộc, có trình độ và đủ nhận thức để chống và hạn chế tham nhũng.
- Trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì vai trò của Nhà nước nên được thể hiện ra sao, thưa GS?
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc cơ bản trong phát triển đất nước. Để có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nền kinh tế chúng ta phải phát triển bình đẳng giữa các thành phần mà trong đó chúng ta vẫn khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Kinh tế Nhà nước vẫn đang nắm cơ sở vật chất, một khối lượng của cải vật chất rất lớn của xã hội. Song phải quản lý sử dụng khối lượng của cải đó cho có hiệu quả. Đây là sức mạnh để giữ nền kinh tế đi theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Song song đó vẫn tạo điều kiện, môi trường để các thành phần kinh tế khác vẫn phát triển nhanh, tăng sức mạnh cho nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Xin cám ơn GS!
Vũ Dũng thực hiện

15/08 Ai là người giàu nhất Việt Nam? Kỳ 6: Huỳnh Phi Dũng - ông chủ Đại Nam Quốc tự (Phần 1)


Cái trường thành hùng vĩ bao quanh khu Đại Nam Quốc Tự đồng thời cũng là khách sạn - một khách sạn dài những 7 km.
Cách đây khá lâu, có lẽ hơn chục năm, trong kỳ họp quốc hội tại hội trường Ba Đình, một người quen bảo tôi trong giờ giải lao: Mình muốn cậu gặp một đại biểu quốc hội, có lẽ anh ấy cũng cần gặp cậu.
 
Bài I: Khách sạn dài …7 ki lô mét.
Tôi hỏi : Ai vậy?
Anh Huỳnh Phi Dũng.
Tôi lắc đầu. Lúc đó anh Huỳnh Phi Dũng đang là đại biểu quốc hội. Báo tôi lại đang có một bài viết không hay về anh.
Bẵng đi một thời gian, tôi nghe nói anh đang xây dựng một khu vui chơi, giải trí được coi là số 1 Đông Nam Á .
Có người bảo tôi nên vào đó xem, có thể chọn làm địa điểm thi hoa hậu Việt Nam.
Toàn cảnh khu Đại Nam Quốc Tự
Tôi đến Đại Nam Quốc Tự lần đầu cùng trưởng ban đại diện của báo tại thành phố Hồ Chí Minh.Thú thực là tôi choáng.
Tôi không thể hình dung nổi nơi đây, nơi mà sau giải phóng tôi đã đến mảnh đất Bình Dương với những rừng cao su bạt ngàn, gần như là hoang sơ.
Tôi đi trên chiếc cầu bắc qua hồ Ngọc, nhìn xuống phía dưới, sâu thăm thẳm, nước xanh như ngọc bích, choáng ngợp, run, phải vịn tay vào thành cầu.
Nghe nói nước trong hồ trong xanh tự nhiên, được phun trào từ dưới lòng đất sâu, rất bí hiểm.
Lung linh về đêm
Bước vào cổng Đại Nam Quốc Tự, tôi lại càng choáng hơn. Dù tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, qua cổng Khải Hoàn Môn ở Paris, vào cổng quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, hay cổng Cầu Vàng của nước Mỹ… thì cổng Đại Nam Quốc Tự, vẫn cao hơn, to hơn, lớn hơn, hơn cả cổng vào quảng trường Thiên An Môn.
Tôi chỉ biết tặc lưỡi : Ghê quá , không thể tưởng tượng được.
Và tự nghĩ “ Người Việt Nam mình cũng có thua kém gì người ta đâu”!
Ông Huỳnh Phi Dũng tiếp tôi trong căn nhà tạm , nơi có lối đi tắt dẫn vào khu Đại Nam Quốc Tự.
Ngoài một số hạng mục đã khánh thành, còn lại đang là công trường ngổn ngang đất đá.
Khi tôi hỏi ông, nếu tổ chức thi hoa hậu Việt Nam ở đây thì ăn, ở nơi nào?
Ông bảo tôi : Có khách sạn chứ!
Ông nói về cái khách sạn độc đáo, có một không hai , dài những 7 ki lô mét.
Đó là khách sạn – Trường Thành.
Lần này tôi lại choáng.
Sau bữa cơm trưa đạm bạc, ông dẫn tôi đi xem cái khách sạn độc đáo đó.
Thì ra, cái trường thành hùng vĩ bao quanh khu Đại Nam Quốc Tự đồng thời cũng là khách sạn của ông.
Khách sạn đang thi công, mới được chục phòng.
Ông dẫn tôi vào một phòng khách sạn kỳ lạ đó và nói: Tôi áp dụng giải pháp làm mát trong phòng ở mà không cần điều hòa nhiệt độ. Cũng phải, có thứ điều hòa nhiệt độ nào có thể phủ khí lạnh trong một khách san dài những 7 ki lô mét.
Tôi bước vào căn phòng cùng ông và cảm thấy mát thật. Ông giải thích rằng bao quanh bốn bức tường của các phòng trong khách sạn là một thứ vật liệu đặc biệt.
Tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ
Hai cậu con trai to cao được ông dưới thiệu với chúng tôi, ông cho biết là các con ông đã du học ở nươc ngoài, về đang giúp ông điều hành xây dựng ở đây.
Tôi thử sờ tay vào thứ “gạch” đặc biệt có thể ngăn khí nóng bên ngoài và làm mát bên trong phòng, cảm thấy có những sợi như là sợi thủy tinh.
Rồi ông cho người dẫn tôi đi tham quan khu vui chơi giải trí kỳ lạ này.
Tuy đang xây dựng, mới có một số hạng mục vừa làm xong nhưng số người vào tham quan khá đông, hết dòng người đến dòng người khác.
Trong đó, có nhiều người nước ngoài.
Lúc đó khách vào tham quan đều được miễn phí, ông Dũng chưa bán vé.
Tôi có cảm tưởng như họ cũng rất ngạc nhiên, giống tôi.
Tôi hỏi ông ở đâu sẽ là sân khẩu, đâu sẽ là quảng trường? để có thể tổ chức Hoa hậu Việt Nam?
Nếu tổ chức hoa hậu Việt nam, ở đây không có biển thì phải có bể bơi thật lớn.
Ông nói, sân khấu sẽ làm, quảng trường sẽ làm, sẽ làm biển giả.
Biển giả ư? Thế nào nhỉ?
Biển giả
Tôi chỉ được tận mắt chứng kiến bầu trời giả ở Hollywood, thủ đô điện ảnh Hoa Kỳ, chứ chưa thấy biển giả bao giờ nên không thể hình dung.
Thực ra, bầu trời giả ở Hollywood chỉ để quay phim chứ đâu có để cho người ta ngắm nhìn.
Có tiền thì biển trời gì mà chẳng làm được! Tuy vậy, tôi vẫn muốn tận mắt chứng kiến để xem có thể tổ chức phần thi áo tắm của các người đẹp ở biển thật như một số nơi đã làm, có như biển giả không!
Một môi trường gần gũi với thiên nhiên
Người ta dẫn tôi đến thăm núi giả và chỉ cho tôi nơi sẽ xây sân khấu, còn trong dự án sẽ có một khu đất rộng hàng ngàn mẫu để xây biển giả, nghĩa là
Ở đó có biển đầy nước, có sóng, có bãi cát trắng hệt như biển thật vậy!
Biển giả, chính là biển nhân tạo thì đúng hơn, bây giờ nhũng du khách đến đây không phải tưởng tượng như tôi lúc đó. Biển giả - biển nhân tạo đã đưa vào sử dụng và theo nhiều khách tham quan là rất tuyệt.
Thật kỳ thú.
Theo Dương Kỳ Anh
Tầm nhìn

15/08 Vị trí của Ôxtrâylia trong ván bài Mỹ-Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ hai, 15 Tháng 8 2011 16:01
EmailInPDF.
Trong bài phân tích Bluffing their way into crisis” đăng trên tờ "Người đưa tin Xítni buổi sáng" gần đây, giáo sư chuyên về nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học quốc gia Ôxtrâylia (ANU) Hugh White nhận định Ôxtrâylia có thể đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Theo giáo sư Hugh White, người đồng thời cộng tác với Viện Chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Xítni, trong vài tháng tới, mọi người sẽ được nghe nhiều về Biển Đông, khi các nhà lãnh đạo châu Á tham dự những cuộc họp thượng đỉnh thường niên. Ôxtrâylia không bận tâm tới việc ai sở hữu những bãi đá nổi và bãi đá ngầm rải rác trên vùng biển đó, nhưng Canbơrơ có một quyền lợi lớn trong cuộc chơi mưu mẹo giả-thật gây bực tức đang diễn ra ở đó. 
Vấn đề này không còn liên quan đến chính bản thân những bãi đá nổi, hay thậm chí dầu mỏ và khí đốt có thể có xung quanh những bãi đá đó, mà là về sự kình địch ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh việc ai sẽ là người sử dụng quyền lực ở châu Á. Trừ phi cả hai nước này đều rất cẩn thận, một sự cố nhỏ ở quần đảo Trường Sa có thể hủy hoại quan hệ Mỹ-Trung, đẩy châu Á vào một cuộc khủng hoảng lớn, và phá hủy những nền tảng của chính sách đối ngoại Ôxtrâylia. 
Các cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa cũng như những đảo nhỏ khác trên Biển Đông đã tồn tại trong nhiều thập niên, nhưng đã có một bước ngoặt mới kể từ năm 2009 khi Trung Quốc, sau nhiều năm kiềm chế, bắt đầu thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền của mình một cách quyết đoán hơn. Bắc Kinh bắt đầu bằng việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ khu vực, coi đó là một "lợi ích quốc gia cốt lõi" và thực thi những tuyên bố chủ quyền đó một cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là đối với Việt Nam và Philíppin. 
Điều này không phải là miễn phí đối với Trung Quốc. Hình ảnh được Trung Quốc nuôi dưỡng một cách kỹ càng về một người bạn rộng lượng của Đông Nam Á đã bị sứt mẻ nặng nề. Vậy tại sao Trung Quốc làm điều đó? Đáng tiếc, câu trả lời hợp lý nhất lại là điều gây lo lắng nhất: Người Trung Quốc giờ đây cảm thấy đủ mạnh để cư xử một cách kiêu căng hùng hổ. Sự quyết đoán ở Biển Đông chỉ là một dấu hiệu của điều này. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã trở nên táo bạo hơn nhiều trong rất nhiều vấn đề, và đặc biệt táo bạo hơn trong những vấn đề về sức mạnh trên biển ở Tây Thái Bình Dương. 
Do đó, điều này dường như là một thách thức trực tiếp và có chủ tâm đối với vị trí của Mỹ với tư cách là cường quốc biển quan trọng nhất ở châu Á. Đó chắc chắn là điều mà Oasinhtơn nhận thấy. Nhưng đó là một nước cờ dạo đầu mạo hiểm, bởi vì một cuộc xung đột với Mỹ sẽ là một thảm họa đối với Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh có lẽ tin rằng Mỹ sẽ lùi bước và để cho Trung Quốc khẳng định những đòi hỏi bá chủ khu vực của Bắc Kinh. Điều gây khó chịu là Oasinhtơn đã phản ứng. 
Kể từ năm ngoái, Mỹ đã có những bước tiến rõ ràng nhằm chống lại thách thức của Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh sự ủng hộ của họ đối với Việt Nam và Philíppin. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố ở Hà Nội rằng Mỹ có "những lợi ích quốc gia" ở Biển Đông. Các quan chức khác đã tái khẳng định những nghĩa vụ của Mỹ bảo vệ lãnh thổ Philíppin theo liên minh quốc phòng hai nước, và Hải quân Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận được quảng bá rộng rãi trong khu vực đó. Tất cả những điều đó đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Oasinhtơn sẽ hậu thuẫn Hà Nội và Manila trong việc dũng cảm đương đầu với Bắc Kinh. Danh tiếng của Mỹ ở Đông Nam Á đã tăng lên, trong khi của Trung Quốc lại giảm đi. 
Tất cả những điều đó nghe có vẻ tốt, nhưng những gì sẽ xảy ra tiếp theo? Hoàn toàn chưa rõ ràng. Vấn đề là Mỹ không thể có đủ điều kiện để tiến hành một cuộc xung đột với Trung Quốc và Trung Quốc càng không thể có đủ điều kiện cho một cuộc xung đột với Mỹ. Có một yếu tố mưu mẹo lớn trong lập trường của Mỹ, cũng như của Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc lật tẩy mưu mẹo của Mỹ, giống như việc Mỹ đã lật tẩy trò của Trung Quốc? Trên thực tế, đó dường như chính xác là điều đang xảy ra. Chỉ vài tháng mới đây, Trung Quốc thậm chí mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định những tuyên bố chủ quyền trên những vùng biển tranh chấp với Việt Nam , ví dụ, hai lần cắt các cáp thăm dò của các tàu thăm dò Việt Nam . Quá dễ dàng để hình dung xem điều đó sẽ dẫn đến đâu. Trong sự cố tiếp theo, Việt Nam sẽ đáp lại bằng cách tấn công và đánh chìm một tàu tuần tra của Trung Quốc, Trung Quốc đáp lại bằng cách đánh chìm một tàu của Việt Nam, và khi sự leo thang treo lơ lửng trên đầu, Việt Nam đề nghị Mỹ giúp đỡ. 
Mỹ sẽ làm gì tiếp theo đó? Nếu Mỹ không làm gì hơn việc đưa ra những cảnh báo ngoại giao cứng rắn, mưu mẹo của Mỹ sẽ bị lật tẩy và vị trí của Oasinhtơn là cường quốc hải quân mang tính chi phối ở châu Á sẽ bị thất bại lớn. Uy tín của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ lại sụt giảm mạnh, và Trung Quốc có một chiến thắng lớn. Nhưng nếu Mỹ đề nghị sự giúp đỡ về vật chất, đặc biệt là nếu Oasinhtơn phái các tàu của mình, thì họ có xu thế đối mặt với một nguy cơ lớn là bị lôi kéo vào một cuộc xung đột nghiêm trọng với Trung Quốc. 
Và Ôxtrâylia cũng vậy. Gần đây, Ôxtrâylia và Nhật Bản đã tham gia một cuộc tập trận hải quân hỗn hợp với Mỹ ở Biển Đông mà không quảng bá rầm rộ. Cuộc tập trận này rất nhỏ, nhưng đó là điều hoàn toàn chưa có tiền lệ và do đó thông điệp mà cuộc tập trận phát đi là rất có sức mạnh. Thông điệp này là các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á hậu thuẫn chính sách đẩy lùi Trung Quốc của Oasinhtơn. Do đó, nếu Trung Quốc phản pháo, có thể chắc chắn rằng người Mỹ sẽ tìm kiếm và mong đợi Ôxtrâylia ở đó để hỗ trợ họ nếu và khi nổ ra tiếng súng. 
Tất nhiên, hy vọng là điều đó sẽ không xảy ra. Nhưng Mỹ và Trung Quốc đã tự đưa mình tới điểm mà cả hai bên đều không thể lùi bước mà xem ra không để thua trước nước kia. Trong những tình huống đó, cả hai nước sẽ rất dễ bị lôi cuốn vào một cuộc đối đầu toàn diện mà sẽ là một thảm họa cho tất cả mọi người. 
Vậy Ôxtrâylia nên làm gì? Về ngắn hạn, Canbơrơ cần cố gắng thuyết phục cả hai phía rút lui mà không tìm cách giành một thắng lợi đối với bên kia. Cả Oasinhtơn lẫn Bắc Kinh đều sẽ không muốn nghe thông điệp này, và tự bản thân Ôxtrâylia không thể làm nhiều để thuyết phục họ, nhưng Canbơrơ không phải làm một mình. Những lợi ích của Ôxtrâylia trong việc tránh một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung được các đồng minh châu Á của Canbơrơ chia sẻ. Việc dẫn dắt sức nặng tập thể của các cường quốc hạng trung ở châu Á nhằm thuyết phục cả hai bên hạ nhiệt và lùi bước cần có dạng "ngoại giao cường quốc hạng trung tích cực" mà Kevin Rudd (cựu Thủ tướng, hiện đang làm Ngoại trưởng Ôxtrâylia) luôn nói tới. Và với việc các nhà lãnh đạo châu Á sẽ gặp nhau trong vài tháng tới, giờ là lúc để làm điều đó. 
Về lâu dài, Ôxtrâylia sẽ tránh được các trận đấu đi, đấu lại không ngừng dưới dạng nguy hiểm này nếu Mỹ và Trung Quốc có thể lập ra một trật tự mới ở châu Á. Mỹ phải học cách thừa nhận và điều chỉnh với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, và Trung Quốc phải chấp nhận một vai trò trung tâm và liên tục của Mỹ. Nếu không, Thế kỷ châu Á thực sự lại là một khoảng thời gian tối tăm./.  
Theo SMH (ngày 2/8)
 Hương Trà (gt)