Wednesday, June 29, 2011

29/06 CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG MƯU MÔ GIAN MANH CÓ CHỦ ÐÍCH!


[29.06.2011 06:13 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
(NCTG) Bản tin của Tân Hoa Xã mang tựa đề “Trung Quốc thúc giục sự đồng thuận với Việt Nam trên vấn đề Biển Hoa Nam” mới được đăng trên mạng basam.info vào đêm 28-6 vừa qua, lập tức đã nhận được nhiều ý kiến đầy âu lo của các “công dân mạng” vì nội dung bất thường và đầy tính gian manh của nó.

Luôn nhớ tới các anh... - Ảnh: Thùy Giang
 

Trích lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, Tân Hoa Xã cho hay, trong thời gian Thứ trưởng Ngoại giao, phái viên đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Hồ Xuân Sơn “đã có những cuộc thảo luận tới cùng trên vấn đề Biển Hoa Nam trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của phái viên đặc biệt, và hai bên đã thỏa thuận giải quyết những tranh chấp thông qua các cuộc hội đàm hữu nghị và tránh gây nên những động thái có thể làm trầm trọng thêm hay gây nên phức tạp cho vấn đề”.

Trong các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh vào tuần trước, đôi bên đã đạt được một thỏa thuận song phương trên vấn đề Biển Hoa Nam [Biển Đông], theo đó, “cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước” (lời ông Hồng Lỗi).

Trên tinh thần đó, tại một họp báo ngắn vào ngày thứ Ba 28-6, phía Trung Quốc đã bày tỏ “hy vọng phía Việt Nam cũng như chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ sự nhất trí và có được những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Hoa Nam”. Kèm theo đó, bản tin cũng nhắc lại quan điểm: “Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này. 

Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.   

Chưa từng có sự bất đồng nào từ bất cứ quốc gia nào đối với chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực này cho tới những năm 1970, khi các nước bao gồm Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền từng phần ở đây. Sau những cuộc đàm phán và tranh chấp kéo dài, ông Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng đề xuất của mình về vấn đề đặt qua một bên những tranh chấp và đề nghị cùng nhau khai thác trong khu vực này”.

* 

Thoạt nhìn, có thể nghĩ, bản tin của Tân Hoa Xã cũng những lời lẽ của ông Hồng Lỗi có vẻ bất thường vì nó mang tính quá... mềm mỏng, hòa hoãn, nhắc nhiều đến “thảo luận”, “thỏa thuận”, “giải quyết những tranh chấp thông qua các cuộc hội đàm hữu nghị”. Khác hẳn với những thực tế trong thời gian qua, khi Trung Quốc thường xuyên gây hấn với Việt Nam tại Biển Ðông, truyền thông Trung Quốc thường xuyên đăng tải những ý kiến hung hãn kiểu sẽ tát vỡ mặt Việt Namdạy cho Việt Nam một bài học lớn hơn.

Tuy nhiên, chỉ cần đọc lại đến lần thứ hai - hoặc không cần đến thế - là đã có thể dễ dàng nhận ra những mưu mô tuy gian manh nhưng không quá “kín đáo” của phía Trung Quốc, thể hiện qua phát ngôn của ông Hồng Lỗi và lời lẽ của bản tin Tân Hoa Xã!

Bắc Kinh hy vọng đôi bên “thực hiện đầy đủ sự nhất trí và có được những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Hoa Nam”, nhưng lại trên quan điểm “chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này”, và còn viện dẫn phát biểu năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng (mà giới luật gia đã cho rằng thực ra không hề có giá trị pháp lý với việc “xác lập chủ quyền” của Trung Nam Hải ở những quần đảo vốn đã thuộc chủ quyền của một nước khác), vậy phải hiểu mong muốn của phía Trung Quốc là như thế nào?

Câu trả lời rất rõ ràng. Là muốn dần dà thôn tính trên bản đồ và trong thực tế những vùng đất đã có chủ. Là muốn “biến Biển Ðông thành ao nhà”. Là muốn biến vấn đề chủ quyền thành vấn đề kinh tế theo phương châm từ thời Ðặng Tiểu Bình - “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng lờ đi vế đầu của lời họ Ðặng, rằng Trung Quốc vẫn phải nắm chủ quyền, như phân tích của TS Vũ Cao Phan, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, trong bài trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc).

Ðể thực hiện ý đồ đó, đương nhiên là Trung Quốc muốn Việt Nam loại “yếu tố quốc tế” khỏi những tranh chấp tại Biển Ðông. Nhưng thử hỏi, trong vấn đề chủ quyền ở Biển Ðông, có những gì mà chỉ “thuần” liên quan tới Việt Nam và Trung Quốc? Hoàng Sa của Việt Nam thì Trung Quốc đã chiếm giữ, Trường Sa đang là vấn đề tranh chấp đa phương, còn “đường lưỡi bò” tất yếu là vấn đề của khu vực. Biến vấn đề đa phương thành song phương, buộc Việt Nam sa vào thế cô khi phải loại trừ “những thế lực bên ngoài can dự vào” là âm mưu quá dễ nhận ra của Bắc Kinh!

Nhưng như thế chưa đủ, Bắc Kinh lại còn đòi phải “tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước”. Ở đây, phải nói ngay rằng Trung Quốc đã đánh tráo khái niệm: người dân Việt Nam không bao giờ muốn gây chiến và luôn muốn “hữu nghị và tin cậy” với người dân Trung Quốc. Nhưng bài học của gần 4 thập niên qua cho thấy họ nhất thiết phải cảnh giác và tỉnh táo trước những mưu đồ bánh trướng và bá quyền của chính phủ Trung Quốc.

Phải hiểu những bài viết, nhận định mang tính cảnh tỉnh của các nhân sĩ, trí thức và người dân Việt Nam, những cuộc biểu tình yêu nước, phản đối chính sách gây hấn của chính quyền Trung Quốc thời gian gần đây như những nỗ lực để gây dựng một nền hòa bình thực sự giữa hai nước, để người dân hai nước được sống trong tình cảm “hữu nghị và tin cậy”. Nếu phía Trung Quốc cho rằng có thể hợp thức hóa việc dẹp bỏ những ý kiến, những biểu hiện ái quốc ấy của người dân Việt bằng những “thỏa thuận song phương” nào đó, thì chắc chắn là họ đã nhầm!

Người dân Việt Nam khao khát hòa bình, muốn được phát triển kinh tế, muốn “hợp tác cùng khai thác” với Trung Quốc, nhưng phải trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của mỗi bên, vì chủ quyền của đất nước là điều thiêng liêng và tối thượng. Việt Nam có thể khoan dung mà quên đi những xung đột thương đau do phía Trung Quốc gây ra trong vòng 40 năm qua (xâm chiếm lãnh thổ, chiến tranh biên giới, tàn sát dân lành, bạo hành ngư dân, v.v...), nhưng quyết không chấp nhận sự áp đặt vô lối mà Bắc Kinh đã ỉ mạnh mà đặt ra.

Cuối cùng, để “rộng đường dư luận” và đập tan những mưu đồ xảo trá của phía Trung Quốc, người dân rất muốn được biết cụ thể nội dung những thỏa thuận song phương đã được đôi bên ký kết trong chuyến công du vừa qua của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn. Một khi có được sự đồng lòng và ủng hộ của người dân, mọi khó khăn, trở ngại  đều có thể vượt qua, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chiêm nghiệm, bởi lẽ:

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (*).

(*) Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2-1951). 
Trần Lê

29/06 Mexico sees VN as example of poverty reduction


29/06/2011 | 18:48:01
Vietnam is an example of poverty reduction, Mexican congressmen said at a welcome ceremony on June 28 for Vietnam ’s new ambassador to Mexico , Le Thanh Tung.

The congressmen from the Mexico-Vietnam Friendship Parliamentary Group underlined the necessity to disseminate experiences and lessons learnt from Vietnam ’s fight against poverty among the Mexican and Latin American people.

Pedro Vanzquez, President of the Mexico-Vietnam Friendship Parliamentary Group, who is Politburo member of the Labour Party of Mexico, hailed Vietnam ’s fighting spirit for national independence and freedom as exemplary one in the 20 th century.

Ambassador Tung took the occasion to thank the Mexican government and people for their support for Vietnam ’s past struggle for national liberation and current national construction and defence.

He asserted determination to deepen cooperation between the two law-making bodies and the two countries in various fields.

The diplomat briefed the Mexican congressmen of Vietnam ’s renewal achievements as well as its efforts to overcome war aftermaths, especially to assist Agent Orange victims./.

29/06 Học giả Việt Nam nói về Biển Đông trên truyền hình Trung Quốc

Thứ tư, 29/6/2011, 07:13 GMT+7


Trả lời truyền hình Trung Quốc, tiến sĩ Vũ Cao Phan bình luận, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam chỉ là những phản ứng tự vệ, không phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh. Ông tin, cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình.
Đặc phái viên Việt Nam tới Trung Quốc
Tướng Trung Quốc dọa Việt Nam

Dưới đây là nội dung trả lời của ông với Đài truyền hình Phượng Hoàng của Hong Kong, Trung Quốc, tuần trước do tiến sĩ gửi cho VnExpress.
- Sự thể hiện cứng rắn gần đây của Việt Nam ở Nam Hải (Biển Đông) biểu thị thái độ gì?
- Nếu chỉ nhìn vào riêng biệt các sự kiện xảy ra gần đây để đánh giá phản ứng và thái độ của Việt Nam thì sẽ không chính xác. Phải nhìn rộng ra một chút, nhìn xa ra một chút. Vài năm gần đây ngày càng có nhiều tàu đánh cá của phía Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu hết lưới cụ rồi đòi tiền chuộc. Như năm ngoái chẳng hạn, hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ngư dân khu vực miền Trung bị bắt giữ. Đây vốn là vùng đánh cá truyền thống lâu đời và yên lành của ngư dân Việt Nam, bây giờ bỗng nhiên liên tục xảy ra những sự việc như vậy.
Có lần truyền hình Việt Nam chiếu cảnh hàng trăm thân nhân của những người đánh cá đứng, ngồi lam lũ trên bờ biển khóc lóc ngóng lo chồng con trở về đã gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội (điều này chắc các bạn Trung Quốc không biết).
Tàu thăm dò Vikinh II do Việt Nam điều hành, bị tàu Trung Quốc quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 9/6. Ảnh: PetroTimes.
Tàu thăm dò Viking II do Việt Nam điều hành, bị tàu Trung Quốc quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 9/6. Ảnh: PetroTimes.
Nhà đương cục Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc về vấn đề đó nhưng hầu như không được đáp ứng. Lần này Trung Quốc hành động mạnh hơn thì phản ứng của Việt Nam cũng buộc phải mạnh hơn, không có gì quá bất thường. Trong tinh thần ấy, tôi nghĩ, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ là những phản ứng tự vệ, đâu có phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh như các bạn vừa suy luận. Nếu người dân Trung Quốc thấy bất thường thì có lẽ là vì các bạn không biết đến các sự kiện trước đó như tôi vừa nói. Còn nếu gọi đây là một sự leo thang thì phải thấy là Việt Nam leo theo các bạn Trung Quốc. Đúng thế đấy, phía Trung Quốc luôn luôn leo lên trước.
- Theo ông, tranh chấp trên Nam Hải (Biển Đông) sẽ được giải quyết bằng vũ lực hay đàm phán?
- Ở Việt Nam loại câu hỏi như thế này hầu như không được đặt ra. Tôi nói hầu như nghĩa là không phải không có. Mặc dù Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh suốt hơn nửa thế kỷ qua nhưng không nhiều người nghĩ đến khả năng có một cuộc chiến tranh Trung - Việt vào lúc này vì những hòn đảo ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải). Về phía cá nhân, tôi tin cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình.
Thứ nhất là vì Chính phủ hai nước luôn luôn cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp này không phải bằng vũ lực mà thông qua con đường ngoại giao, đàm phán thương lượng.
Thứ hai, cả hai nước đều đang ra sức phát triển kinh tế sau nhiều năm bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và chiến tranh ở Việt Nam; và công cuộc xây dựng phát triển kinh tế này đang đạt được những kết quả khả quan, chắc là không bên nào muốn để chiến tranh một lần nữa kéo lùi sự phát triển của đất nước mình.
Thứ ba, bối cảnh của một thế giới hiện đại - tôi muốn nói đến một dư luận quốc tế đã trưởng thành - sẽ mạnh mẽ góp sức ngăn ngừa một khả năng như vậy.
Thứ tư, và điều này cũng rất quan trọng, là nếu chính phủ hai nước có nóng đầu một chút thì lý trí và tình cảm của nhân dân cả hai bên sẽ giúp cho họ tỉnh táo hơn, tôi tin như vậy. Tôi xin hỏi lại anh, chắc anh cũng không muốn có một cuộc chiến tranh chứ?
Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra những va chạm, xung đột nhỏ.
- Bản chất của sự tranh chấp Trung - Việt, theo ông, là vấn đề kinh tế hay chủ quyền? Việt Nam nhìn nhận nguyên tắc "gác tranh chấp, cùng khai thác” như thế nào?
- Đây là một câu hỏi thú vị. Các sự kiện ở Biển Đông cho thấy có cả màu sắc tranh chấp về kinh tế lẫn tranh chấp chủ quyền. Quan sát khách quan thì thấy Trung Quốc có vẻ nghiêng về lý do kinh tế, còn Việt Nam nghiêng về lý do chủ quyền nhiều hơn. Cách nhìn vấn đề như vậy sẽ giải thích được tại sao Việt Nam không mặn mà lắm với việc “gác tranh chấp, cùng khai thác”.
Ta thử phân tích xem tại sao nhé. Và đây là ý kiến của cá nhân tôi thôi. Lý do thứ nhất là tài nguyên thì có hạn, một khi khai thác hết rồi điều gì sẽ xảy ra? Liên quan đến nó là lý do thứ hai: “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà các bạn vừa nêu mới chỉ là một nửa lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình mà nguyên văn là: “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”, có đúng không? Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là “chủ quyền”! Mà những hòn đảo và vùng biển ấy đâu chỉ có giá trị về tài nguyên?
Tôi ủng hộ việc hai nước cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông nhưng ít nhất trước đó cũng phải làm sáng tỏ đến một mức độ nhất định nào đó (nếu chưa hoàn toàn) vấn đề chủ quyền.
Về câu hỏi của các bạn là bản chất của cuộc tranh chấp Việt - Trung là gì, kinh tế hay chủ quyền thì tôi đã phát biểu như vậy. Nhưng nếu cho tôi được phát triển theo ý mình thì tôi nói rằng, bản chất của cuộc tranh chấp này là chính trị. Quan hệ Việt - Trung không yên tĩnh đã từ mấy chục năm nay rồi và nó là một dòng gần như liên tục, trước khi xuất hiện vấn đề biển đảo những năm gần đây, có phải vậy không? Để giải quyết nó, các nhà lãnh đạo cần phải ngồi lại với nhau, ở cấp cao nhất ấy, một cách bình đẳng, bình tĩnh, thẳng thắn và chân thành. Vấn đề hóc búa đấy. Đương đầu với sự thật không dễ dàng, nhưng sẽ dễ dàng nếu xuất phát từ thiện chí mong muốn một sự bền vững thực chất cho tình hữu nghị Việt - Trung.
- Theo ông, tương lai phát triển của quan hệ Trung - Việt sẽ như thế nào? Làm cách nào để có thể duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai nước?
- Tôi là một người có nhiều năm công tác ở Hội Hữu nghị Việt - Trung, có nhiều mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc và nói một cách rất chân thành là tôi yêu Trung Quốc, khâm phục Trung Quốc và thậm chí có thể gọi là “thân Trung Quốc” cũng được. Vì thế, điều mong muốn thường trực của tôi là làm sao xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, thật sự tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Chắc các bạn cũng muốn vậy. Nhưng có không ít việc phải làm. Có việc phải bắt đầu lại. Trước hết, như tôi đã nói là phải ngồi lại với nhau. Có vị bảo với tôi là ngồi mãi rồi còn gì. Không, ngồi như vậy chưa được, ngồi như vậy không được. Ngồi thế không phải là ngồi thẳng.
Về phần mình với mong muốn như vậy, tôi xin được gửi gắm đôi điều giống như là những lời tâm sự đến các bạn:
Thứ nhất là, vấn đề đàm phán song phương giữa hai nước. Tôi nghĩ đàm phán song phương cũng tốt, cũng cần thiết. Những nơi có tranh chấp đa phương như quần đảo Trường Sa (Nam Sa) thì cần phải đàm phán nhiều bên còn như quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) là vấn đề của riêng hai nước Việt Nam và Trung Quốc lại khác.
Nhưng Chính phủ các bạn lại tuyên bố Hoàng Sa dứt khoát là của Trung Quốc, không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán. Vậy thì còn cái gì nữa để mà “song phương” ở đây? Chính tuyên bố ấy của Trung Quốc đã đóng sập cánh cửa “con đường song phương”. Tình trạng tranh chấp Hoàng Sa rất giống với tình trạng tranh chấp của đảo Điếu Ngư, giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà ở đấy, địa vị của Trung Quốc hoàn toàn giống như địa vị của Việt Nam ở Hoàng Sa lúc này. Chẳng lẽ Trung Quốc lại có một tiêu chuẩn kép cho những cuộc tranh chấp giống nhau về bản chất sao?
Thứ hai là, chúng ta thường nói đến sự tương đồng văn hóa giữa hai nước như là một lợi thế cho việc chung sống hữu nghị bên nhau giữa hai dân tộc. Điều đó đúng một phần, nhưng mặt khác, văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa ứng xử có sự khác biệt lớn với Trung Quốc. Nếu văn hóa ứng xử của người Trung Quốc là mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán (và do đó thường áp đặt?), nặng về lý trí, thì văn hóa ứng xử của người Việt Nam là nhẹ nhàng, khoan dung, nặng về tình, ơn thì nhớ lâu, oán thì không giữ. Hình như các bạn Trung Quốc chưa hiểu được điều này ở người Việt Nam. Cần phải hiểu được như vậy thì quan hệ giữa hai bên mới dễ dàng.
Tôi có thể lấy một ví dụ. Những sự kiện ở Nam Kinh, ở Lư Cầu Kiều xảy ra đã hơn bảy chục năm rồi. Nhưng mỗi khi có vấn đề với Nhật Bản, người Trung Quốc lại xuống đường biểu tình, đầy căm thù nhắc lại những sự kiện ấy. Người Việt Nam thì không như vậy. Phát xít Nhật đã góp phần gây ra nạn đói giết chết hàng triệu người Việt Nam năm 1945, và trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1965 – 1975, người Mỹ, người Hàn Quốc đã gây rất nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, chính những người lính các nước này khi trở lại Việt Nam đã rất ngạc nhiên bắt gặp những nụ cười niềm nở thân thiện của người dân. Có lẽ nhờ thái độ, cách ứng xử đó của người Việt Nam chăng mà Mỹ, Nhật, Hàn cuối cùng đã trở thành những đối tác kinh tế và thương mại lớn, và là những nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam sau chiến tranh?
Nói như thế vì tôi thấy rằng, cách ứng xử nặng nề của phía Trung Quốc đối với Việt Nam đã và đang đẩy những người Việt Nam vốn rất yêu quý Trung Quốc ra xa các bạn, chứ không phải là Việt Nam cố đi tìm liên minh để chống Trung Quốc.
Lấy thêm một ví dụ nữa nhé! Bây giờ chúng ta đã có thể hiểu bản chất sự kiện (cũng có thể gọi là cuộc chiến tranh) tháng 2/1979 rồi. Người Việt Nam đã muốn quên đi, và khi tiếp xúc với các bạn Trung Quốc vẫn luôn giữ một sự niềm nở chân tình. Trái lại người Trung Quốc rất hay nói đến sự kiện đó. Các bạn biết không, năm 2009, tôi chẳng để ý đó là năm gì, giở báo, mạng của các bạn mới biết là đã 30 năm kể từ 1979. Không phải chỉ vào tháng 2 đâu mà suốt cả năm 2009 người ta nói về sự kiện này. Hàng mấy trăm bài viết, nhiều bài trên mạng mà nhìn vào chỉ muốn khóc. Lời lẽ thật tàn tệ. Thôi, cho chuyện này qua đi …
Thứ ba là, quan hệ giữa hai nước chúng ta thậm chí phải trở nên đặc biệt vì chúng ta có sự tương đồng văn hóa, lịch sử, là láng giềng không thể cắt rời, từng hoạn nạn có nhau (bản thân tôi là một người lính trong chiến tranh Việt Nam, tôi không thể nào quên sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc về cả vũ khí, lương thực mà mình trực tiếp được sử dụng). Hai nước chúng ta lại đang cùng cải cách mở cửa, phát triển kinh tế. Chừng ấy lý do là quá đủ để quan hệ này trở nên hiếm có, trở nên đặc biệt. Tôi nói như vậy là muốn phát biểu thêm rằng, hai nước còn một lý do tương đồng nữa là cùng thể chế chính trị, cùng ý thức hệ, điều hay được người ta nhắc đến. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi - của riêng tôi thôi nhé - thì không cần nhấn mạnh điểm tương đồng này. Nó tồn tại như một điều kiện, một lý do thế thôi, không cần nhấn mạnh như cách hai nước vẫn làm. Giữa các nước có cùng ý thức hệ kiểu này vẫn xảy ra xung đột, chiến tranh vì quyền lợi quốc gia như chúng ta đã biết đấy thôi. Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau. Hơn nữa, giả dụ một ngày nào đó một trong hai nước chúng ta có một thể chế chính trị khác thì sao, chúng ta lúc ấy còn cần duy trì quan hệ láng giềng tốt nữa không? Vẫn cần chứ, rất cần. Vậy thì …
Tôi rất sẵn lòng cùng các bạn làm tất cả những gì để hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa đã hiểu biết càng hiểu biết nhau hơn nữa, đã gần gũi càng gần gũi nhau hơn nữa. Cám ơn Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.
Theo dòng sự kiện:
Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông (29/06)
Trung Quốc bác bỏ nghị quyết của Mỹ về Biển Đông (28/06)
Trung Quốc hoan nghênh kênh đối thoại mới với Mỹ (28/06)
Mỹ phê phán Trung Quốc dùng vũ lực ở Biển Đông (28/06)
Mỹ, Philippines tập trận gần Biển Đông (28/06)
Đặc phái viên Việt - Trung bàn về Biển Đông (26/06)

29/06 China reaffirms position on Diaoyu Islands


English.news.cn   2011-06-29 21:54:58FeedbackPrintRSS
BEIJING, June 29 (Xinhua) -- China reaffirmed its position on the Diaoyu Islands Wednesday, saying that any move by Japan against China's sovereignty over the islands was "illegal and invalid."
"China's indisputable sovereignty over the Diaoyu Islands has been inherent since ancient times," Foreign Ministry spokesman Hong Lei said in a statement.
Media reports said a fishing boat from Taiwan was disturbed Wednesday morning by the Japanese Coast Guard while sailing around Diaoyu Islands.
Editor: Wang Guanqun
Related News

29/06 Chính phủ đề nghị thông qua Luật Biển trong năm 2011


picture
Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) - Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN.
▪  NGUYÊN THẢO
15:01 (GMT+7) - Thứ Tư, 29/6/2011

Các vấn đề vướng mắc của Luật Biển Việt Nam đã được xử lý, do vậy Chính phủ đề nghị bổ sung dự án luật này vào chương trình 2011, trình Quốc hội khóa 13 thông qua vào kỳ họp thứ hai.

Thông tin này đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 41, chiều 29/6.

Đề nghị của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình của Ủy ban Pháp luật, tại báo cáo thẩm tra đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.

Biển Việt Nam là dự án luật đã có thời gian chuẩn bị từ khá lâu, từng được dự kiến đưa vào chương trình kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa 12 nhưng sau đó đã bị gác lại do chất lượng chưa đạt yêu cầu.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ vào cuối năm 2010, Chính phủ cũng đã đề nghị bổ sung Luật Biển Việt Nam vào chương trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ chín, đầu năm 2011.

Tuy nhiên, sau đó Chính phủ lại đề nghị lùi thời hạn trình dự án luật này do còn một số vấn đề chưa thống nhất, cần thêm thời gian nghiên cứu.

Và, sự chậm trễ ban hành Luật Biển Việt Nam đã không ít lần được các đại biểu “phê” tại diễn đàn Quốc hội. “Một quốc gia có 3.200km bờ biển đến bây giờ chưa có Luật Biển, mỗi lần lùi lại nói Chính phủ chưa chuẩn bị hoàn thiện”, đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại kỳ họp thứ chín vừa qua.

Với đề nghị mới nhất của Chính phủ, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội chấp thuận, sự chuẩn bị đáp ứng được yêu cầu thì dự án Luật Biển Việt Nam sẽ được thông qua ngay trong năm nay.

Dự án luật Biển Việt Nam đã được chuẩn bị công phu, được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều lần, Chính phủ khẳng định.

29/06 Quyết toán ngân sách và những chuyện “biết rồi, khổ lắm…”


picture
Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
▪  MINH THÚY
19:49 (GMT+7) - Thứ Tư, 29/6/2011

Năm 2011, Kiểm toán Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm toán việc thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2010 khi thực hiện kiểm toán tại các tổ chức tài chính, ngân hàng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ cho biết tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 29/6.

Việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất là một trong những nội dung nằm trong kết quả kiểm toán năm 2010 về niên độ 2009, phục vụ cho việc quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009 tại kỳ họp tới của Quốc hội.

Mang lại không ít kết quả tích cực, tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, hướng dẫn thiếu chi tiết, chưa rõ ràng, cụ thể và không nhất quán đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất.

Như, quy định hỗ trợ lãi suất chỉ thực hiện đối với các khoản vay để đầu tư phát triển mới phát triển sản xuất kinh doanh nhưng tiêu chí xác định dự án đầu tư mới có nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến khó khăn và chậm trễ trong thực hiện.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất cho vay mua máy móc thiết bị, vât tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn chưa đạt mục tiêu đề ra, khách hàng chưa tiếp cận được vốn vay.

“Một số tổ chức tín dụng cho vay hỗ trợ lãi suất chưa đúng quy định 258,742 tỷ đồng. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước phát hiện 51,56 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng tự kiểm tra phát hiện đến thời điểm kết thúc kiểm toán  tại các đơn vị 207,286 tỷ đồng”, người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước báo cáo.

Bên cạnh nội dung trên, kết quả kiểm toán còn chỉ ra không ít bất cập trong điều hành, quản lý ngân sách. Như dự toán một số nhiệm vụ chi lập thiếu cơ sở, bố trí vốn cho các dự án còn dàn trải, quản lý điều hành ngân sách chưa chặt chẽ và còn để xảy ra sai phạm, lãng phí…

Thẩm tra sơ bộ về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng chỉ rõ, tình trạng sử dụng ngân sách cho vay sai quy định, tạm ứng kéo dài vẫn còn xảy ra. Việc chấp hành các quy định về chi ngân sách nhà nước còn chưa tốt…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng những khuyết điểm được hai cơ quan nói trên  nêu ra cho thấy thiếu sót một cách hệ thống trong quản lý ngân sách. “Đã hàng chục năm nay khuyết điểm dường như năm nào cũng giống năm nào, 2 nhiệm kỳ hoạt động Quốc hội tôi đều thấy như thế. Quản lý tiền của dân như thế này tôi thấy dường như chúng ta tự thỏa mãn và chấp nhận tồn tại như  một điều biết rồi, khổ lắm nói mãi”, ông Thuận nói.

Theo Chủ nhiệm Thuận, “nếu không có giải pháp mạnh về mặt nhân sự, tổ chức thì kỷ luật về thu chi ngân sách, kỷ luật tài chính sẽ vẫn vậy”.

Đồng tình với nhiều đánh giá về mặt ưu điểm trong thu chi ngân sách, song Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng chỉ ra nhiều hạn chế kéo dài là do xử lý sau thanh tra chưa nghiêm, số bị xử lý sau thanh tra còn rất ít. 

“Tất cả sai phạm phải nêu hết, gạch đầu dòng hết mới xử lý được, chứ chúng ta cứ nói một số địa phương thế này, một số địa phương thế kia thì không thể xử lý được”, bà Doan nói.

Một ví dụ được Phó chủ tịch nhấn mạnh trong số rất nhiều sai phạm do nguyên nhân chủ quan là việc vay vốn hỗ trợ lãi suất sau đó cho vay lại để hưởng lợi, đã được Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu trong báo cáo thẩm tra.

Điều hành chính sách tiền tệ khó lắm, chúng ta phải thông cảm với Nhà nước, nhưng những vấn đề đã phát hiện ở đây Chính phủ cần nghiêm khắc xử lý, bà Doan đề nghị.

Cho rằng chẳng có chính sách nào “mười phân vẹn mười” nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết hơn, không thể để đồng tiền nhùng nhằng, chi tiêu không đúng.

Ông Kiên cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp thu các ý kiến xác đáng, tiếp tục cập nhật thông tin khách quan để hoàn thiện báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009 trình Quốc hội tại kỳ họp tới. 

Tại dự thảo báo cáo trong phiên họp sáng nay, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2009 với: Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 629.187 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 715.216 tỷ đồng. Bội chi ngân sách Nhà nước 114.442 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP.

29/06 Đề nghị lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992


picture
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc phiên họp - Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN
▪  NGUYÊN HÀ
20:43 (GMT+7) - Thứ Tư, 29/6/2011

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp chiều 29/6 đã đồng tình cao với đề nghị thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13 sẽ khai mạc vào ngày 21/7 tới đây của Ủy ban Pháp luật.

Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, Chính phủ đề nghị tổng số 47 dự án luật, 5 dự án pháp lệnh. Dự án Luật Thủ đô được đề nghị trình tiếp và thông qua trong kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 13 (cuối năm 2012).

Chính phủ cũng đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2011 bảy dự án Luật, nghị quyết, trong đó có Luật Biển Việt Nam, Luật Quản lý thuế, Luật Phòng, chống rửa tiền…

Tán thành đề nghị này và để phục vụ cho việc sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban Pháp luật cũng đồng tình với Chính phủ về việc tiếp tục đưa dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (sửa đổi) vào chương trình chuẩn bị năm 2012.

Để khẩn trương chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ra Nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa Hiến pháp năm 1992 trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13.

Theo Chủ tịch, kỳ họp tới Quốc hội phải lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, và “phấn đấu quyết liệt lắm thì cũng phải đến cuối năm 2013 mới sửa được”.

Tán thành rất cao việc lập ủy ban chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp và thông qua Luật Biển Việt Nam ngay trong năm nay, song nhiều ý kiến cũng đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước và sớm ban hành Luật Đầu tư công, Luật Mua sắm công.

Ủy ban Pháp luật đề nghị chuyển hai dự án luật Đầu tư công và Mua sắm công lên chương trình chính thức của năm 2012 thay vì để ở chương trình chuẩn bị như đề nghị của Chính phủ.

“Đây là những dự án luật quan trọng, khi được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu cấp bách của xã hội, góp phần tăng cường quản lý, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư, sử dụng vốn nhà nước”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.

Riêng với Luật thuế thu nhập cá nhân, Chính phủ đề nghị sửa đổi bổ sung 1 số điều vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012 theo quy trình một kỳ họp.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát lại toàn bộ theo quy trình 2 kỳ họp cho chắc chắn chứ không chỉ sửa 1 số điều.

28/06 Phi lý khi Trung Quốc đơn phương cấm đánh cá Biển Đông

Tác giả: NGUYỄN ĐĂNG THẮNG (*)
Để bảo tồn và phát triển nguồn cá ở những khu vực tranh chấp, pháp luật và thực tiễn quốc tế thực ra đã đưa ra những giải pháp hợp lý và hiệu quả hơn nhiều so hành động đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá như cách Trung Quốc đang làm.
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp tháng 5 hàng năm, chính quyền tỉnh Hải Nam Trung Quốc lại công bố lệnh cấm đánh cá gây nhiều tranh cãi ở Biển Đông trong thời gian từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 8. Việc áp dụng các biện pháp hạn chế đánh bắt vào mùa hè như lệnh cấm đánh cá nói trên đã được Trung Quốc thực hiện từ khá lâu tại các vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông.[1]
Lệnh cấm đánh cá như vậy được cho là giúp bảo tồn và phát triển nguồn cá do thời điểm áp dụng là mùa cá sinh sản. Nếu như vậy, có thể nói đây là một biện pháp đơn giản để thực hiện nghĩa vụ bảo tồn nguồn lợi thủy sản theo quy định tại Điều 61 của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước Luật Biển) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Tuy nhiên, ngay chính học giả Trung Quốc cũng không thống nhất về tính khoa học và hiệu quả kinh tế của lệnh cấm đánh cá.[2]Chẳng hạn, ở góc độ sinh học, các loài cá có giá trị kinh tế cao chưa chắc có thời gian sinh sản trùng với thời gian áp dụng lệnh cấm đánh cá.
Hơn nữa, sau một thời gian nghỉ dài, hoạt động đánh cá sẽ tăng đột biến, dẫn đến nguy cơ nguồn cá bị cạn kiệt sẽ cao hơn.
Cuối cùng từ góc độ kinh tế, việc bảo đảm lệnh cấm đánh cá được tuân thủ sẽ là rất tốn kém và ngư dân cũng chịu thiệu hại do không có việc làm.
Bỏ qua những tranh luận về tính khoa học và hiệu quả của lệnh cấm đánh cá,[3] việc Trung Quốc đơn phương theo đuổi một biện pháp bảo tồn như vậy chứa đầy sự bất hợp lý từ góc độ pháp luật quốc tế.
Hơn nữa, nếu thực sự Trung Quốc quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển nguồn cá ở Biển Đông thì thực tiễn quốc tế, mà trong đó Trung Quốc cũng đóng góp một phần, thực chất đã chỉ ra cho Trung Quốc một giải pháp hữu hiệu và hợp lý hơn nhiều so với lệnh cấm đánh cá đơn phương đầy tranh cãi.
Bất hợp lý
Sự bất hợp lý trong lệnh cấm đánh cá đơn phương của Trung Quốc bắt nguồn từ phạm vi áp dụng của lệnh cấm đánh cá. Trong tuyên bố về lệnh cấm đánh cá của mình, Trung Quốc chỉ quy định ranh giới phía Nam và phía Đông khu vực áp dụng, đó là từ vĩ độ thứ 12 Bắc trở lên phía Bắc và từ kinh độ 113 độ kinh đông trở sang phía Tây. Với phạm vi như vậy, lệnh cấm đánh cá bao trùm không chỉ lên khu vực đang tồn tại tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn lên cả vùng biển hoàn toàn thuộc Việt Nam, tại đó Trung Quốc không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật quốc tế.
Trước hết, khu vực mà Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh cá liên quan đến quần đảo Hoàng Sa - đối tượng tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bất chấp việc Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ Hoàng Sa từ năm 1974, trong gần 40 năm qua, chưa bao giờ Việt Nam ngừng khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này - chủ quyền được ghi nhận rõ ràng trong sử sách của Việt Nam.[4] Hơn nữa, đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là với ngư dân, quần đảo này là phần máu thịt vì từ lâu họ đã khai thác hải sản ở đó.
Ngoài tranh chấp về chủ quyền đảo đối với quần đảo Hoàng Sa, giữa Trung Quốc và Việt Nam còn tồn tại tranh chấp về phân định biển ở bên ngoài Vịnh Bắc Bộ, liên quan cụ thể ở đây là vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.
Theo quy định tại các Điều 56 và 57 của Công ước Luật biển, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên, bao gồm cả hải sản, trong vùng đặc quyền kinh tế tối đa là 200 hải lý. Quy định vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý dẫn đến thực tế là ở những nơi bờ biển của hai quốc gia cách nhau ít hơn 400 hải lý thì vùng đặc quyền của hai quốc gia đó sẽ chồng lấn lên nhau và do đó cần phải tiến hành phân định trên cơ sở thỏa thuận giữa hai quốc gia.[5]
Cho đến nay, Việt Nam và Trung Quốc chưa đạt được thỏa thuận về việc phân định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn bên ngoài Vịnh Bắc Bộ.[6]
Trong khi chưa có một đường ranh giới biển rõ ràng giữa Việt Nam và Trung Quốc bên ngoài Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc lại "mập mờ" về giới hạn phía Tây của phạm vi áp dụng lệnh cấm đánh cá. Sự "mập mờ" này dẫn đến khả năng là lệnh cấm đánh cá không chỉ áp dụng ở trên vùng biển thuộc Trung Quốc mà còn áp dụng cả ở vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc bên ngoài Vịnh Bắc Bộ và thậm chí còn bao trùm lên cả vùng biển chỉ có thể thuộc chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng các tiêu chuẩn về vùng biển và phân định biển của luật biển quốc tế hiện đại.
Theo quy định của pháp luật quốc tế, chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia là riêng biệt theo nghĩa đó là mọi hoạt động liên quan đến tài nguyên trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đều phải được sự đồng ý của của quốc gia này.
Cũng theo quy định của pháp luật quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển. Điều này có nghĩa là việc cố tình thực hiện hành vi quản lý tài nguyên của một quốc gia trong vùng biển thuộc chủ quyền hay quyền chủ quyền của quốc gia khác mà không được phép của quốc gia khác này, như lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc, sẽ bị coi là vi phạm nghĩa vụ quốc tế.
Với lý do trên, hoàn toàn có thể hiểu lý do tại sao Việt Nam không thể không phản đối lệnh cấm đánh cá đơn phương của Trung Quốc.
Từ góc độ pháp luật quốc tế, việc phản đối này cũng là cần thiết để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Theo quy định của pháp luật quốc tế, nếu trong một thời gian dài mà Việt Nam không phản đối các hành vi có tính chất nhà nước của Trung Quốc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp thì có thể giải thích là Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này.
Ngoài ra, việc khẳng định rằng lệnh cấm đánh cá bao trùm cả lên vùng biển thuộc về Việt Nam cũng hết sức cần thiết để tránh những hiểu lầm, ngộ nhận về quy chế của vùng biển này trong khi hai nước chưa có thỏa thuận rõ ràng về ranh giới biển bên ngoài Vịnh Bắc Bộ.
Cũng theo quy định của pháp luật quốc tế, dù hai quốc gia có thể chưa ký kết một điều ước về phân định biển, một tòa án quốc tế có thể xem xét các hành vi của hai quốc gia đó để suy ra có tồn tại một "thỏa thuận ngầm" về đường phân định hay không.
Nói một cách cụ thể hơn đó là nếu Việt Nam không phản đối lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trong một thời gian dài thì sự không phản đối đó có thể được giải thích là Việt Nam công nhận rằng vùng biển nằm trong phạm vi của lệnh cấm đánh cá là thuộc Trung Quốc.
Việc Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh cá có nghĩa là lệnh cấm đánh cá sẽ không có giá trị đối với ngư dân Việt Nam.
Thực vậy, các cơ quan chức năng nghề cá của Việt Nam cũng như ngư dân Việt Nam đều bày tỏ "quyết tâm không tôn trọng" lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc đơn phương áp đặt. Hệ quả đó là mục đích "bảo tồn" mà Trung Quốc muốn theo đuổi thông qua lệnh cấm đánh cá sẽ khó mà có thể đạt được.
Nói cách khác, việc đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông của Trung Quốc chứa đựng một sự bất hợp lý nội tại.
Sự bất hợp lý sẽ càng được thấy rõ hơn khi biết rằng để bảo tồn và phát triển nguồn cá ở những khu vực tranh chấp, pháp luật và thực tiễn quốc tế thực ra đã đưa ra những giải pháp hợp lý và hiệu quả hơn nhiều so hành động đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá như cách Trung Quốc đang làm.
Còn nữa
Phần 2: Đơn phương cấm đánh cá Biển Đông: Liệu có giải pháp khác?
Hiệp định "vùng xám" - một loại thỏa thuận hợp tác về nghề cá hữu hiệu trong việc khai thác và bảo tồn nguồn cá tại vùng biển tranh chấp là một lựa chọn khả dĩ, về mặt pháp lý và thực tiễn. 
* * *
Tác giả Nguyễn Đăng Thắng là Nghiên cứu sinh luật, Vương quốc Anh, Thành viên không thường trú, Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam. Tác giả cám ơn PGS, TS Nguyễn Hồng Thao và anh Vũ Hải Đăng đã đọc và góp ý cho bài viết. Các trang mạng trích dẫn trong bài viết đều được kiểm tra ngày 16/6/2011.


Chú thích
[1] Theo G Xue, China and international fisheries law and policy (Martinus Nijhoff Publishers, Leiden, 2005), trang 111, lệnh cấm đánh cá cùng với những biện pháp hạn chế đánh bắt khác được tiến hành từ năm 1955 tại biển Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông.
[2] Xem Xue, như trên, trang 114.
[3] Có thông tin cho rằng ngư dân Trung Quốc vẫn đang ra khơi trong thời gian cấm đánh cá và cạnh tranh với ngư dân Việt Nam. Xem Đức Huy, "Ngư dân bị tàu cá Trung Quốc chiếm ngư trường", trên báo Tuổitrẻonline, tại http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110529/Ngu-dan-bi-tau-ca-Trung-Quoc-chiem-ngu-truong.aspx .
[4] Xem Nguyễn Nhã, Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa(Luận án tiến sỹ lịch sử, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 2002).
[5] Công ước Luật biển, khoản 1 Điều 74.
[6] Năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ. Văn bản Hiệp định có tạihttp://biengioilanhtho.gov.vn/vie/hiepdinhgiuanuocchxhcnviet-nd-bca98eb3.aspx .