Thursday, July 28, 2011

28/07 Lạm phát Việt Nam cao nhất khu vực Đông Á


Thứ năm, 28/7/2011, 18:24 GMT+7

Báo cáo Theo dõi kinh tế 6 tháng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy Việt Nam đang phải chịu những tác động nghiêm trọng của lạm phát, trong đó có suy giảm tăng trưởng.
Lạm phát Việt Nam bắt đầu giảm từ quý IV
Đua làm thêm thời lạm phát
Khó giữ lạm phát 17%

So với Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á được công bố hồi tháng 4, ADB không thay đổi nhận định về tăng trưởng của Việt Nam trong ngắn hạn. Theo đó, tốc độ tăng GDP năm 2011 vẫn ở mức 6,1% (giảm so với mức 7% đưa ra vào cuối năm 2010) và sẽ đạt khoảng 6,7% trong năm 2012.
Diễn biến lạm phát (tính theo năm) tại Việt Nam . Nguồn: ADB
Diễn biến lạm phát (tính theo năm) tại Việt Nam kể từ năm 2007. Nguồn: ADB
Theo ADB, việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại chủ yếu là do Chính phủ phải áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ và cắt giảm chi tiêu công nhằm kiểm soát lạm phát. Điều này là dễ hiểu khi mặt bằng giá vào thời điểm kết thúc tháng 6/2011 đã cao hơn tới 20,8% so với cùng kỳ. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 14 nền kinh tế Đông Á mà ADB tiến hành khảo sát và cao gấp đôi so với nước xếp ở vị trí thứ 2 là Lào.
Tiền đồng có mức giảm giá mạnh nhất trong khu vực kể từ tháng 3/2011. Nguồn: ADB
Tiền đồng có mức giảm giá mạnh nhất trong khu vực kể từ tháng 3/2011. Nguồn: ADB
Cùng với lạm phát Việt Nam cũng phải đối mặt với một loạt các vấn đề vĩ mô khác như thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi tỷ lệ cho vay so với huy động của toàn hệ thống tính đến tháng 3/2011, theo số liệu của ADB, đạt gần 106% (cao thứ 2 trong khu vực, sau Hàn Quốc). Bội chi ngân sách tính đến hết tháng 7 cũng lên tới 8%, cao nhất trong số 14 nền kinh tế được khảo sát.
Việt Nam cũng được Ngân hàng phát triển châu Á xác định là nước có dự trữ ngoại hối thấp nhất khu vực Đông Á khi chỉ đáp ứng được 1,6 tháng nhập khẩu. Theo số liệu thương mại 7 tháng đầu năm, con số này tương đương hơn 13 tỷ USD (so với mức 12,4 tỷ USD mà ADB dự báo hồi tháng 4). Do dự trữ ngoại hối thấp, công với thâm hụt thương mại cao, Việt Nam đã phải điều chỉnh giảm 9,3% giá trị tiền đồng so với đôla Mỹ và là một trong số ít những đồng tiền trong khu vực mất giá so với USD.
Vn-Index của Việt Nam cũng là chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh nhất trong thời gian qua. Nguồn: ADB
Vn-Index của Việt Nam cũng là chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh nhất trong thời gian qua. Nguồn: ADB
Theo đánh giá của ADB, những nguy cơ nói trên, đặc biệt là lạm phát với vòng xoáy lương-giá có thể tiếp tục ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế trong khu vực nói chung. Các nguy cơ khác có thể đến từ sự hồi phục chậm chạp của Nhật Bản, khủng hoảng nợ tại Mỹ cà châu Âu… cũng có thể khiến thị trường tài chính biến động mạnh hơn và dòng vốn đầu tư trở nên kém ổn định.
Tuy vậy, báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng ủng hộ quan điểm về việc các Chính phủ nên tiếp tục các chính sách mang tính “thực dụng” để kiềm chế lạm phát, tương tự những biện pháp đã được áp dụng tại Việt Nam kể từ đầu năm. Đồng thời, ADB cũng khuyến nghị Việt Nam và các nền kinh tế khác nên áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, giúp giảm nhẹ tác động của việc tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới đối với mặt bằng giá trong nước.
Theo dự báo của ADB, mức tăng GDP chung của các nền kinh tế mới nổi tại Đông Á có thể đạt 7,9% trong năm 2011 và 7,7% trong năm 2012 (giảm mạnh so với mức 9,3% của 2010). Tăng trưởng của Trung Quốc tuy có chậm lại nhưng vẫn ở mức 9,6% trong năm nay và 9,2% cho 2012. Trong khu vực ASEAN, tăng trưởng của Thái Lan, Malaysia, Philippines sẽ giảm tốc trong khi GDP của Indonesia dự kiến tăng 6,4%, cao hơn so với mức 6,1% của 2010.
Nhật Minh
Ý kiến của bạn

28/07 Xuất khẩu sang châu Âu gặp khó


Ngày 28.07.2011, 09:13 (GMT+7)

SGTT.VN - Cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia châu Âu khiến cho ngân hàng ở nhiều nước hạn chế các khoản vay và điều kiện cho vay, nhà nhập khẩu buộc phải cắt giảm đơn hàng, thậm chí đàm phán hạ giá gây ra rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn hơn trong đàm phán với các khách hàng châu Âu. Ảnh: Lê Quang Nhật
Sáng 26.7, ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agifish An Giang tức tốc mua vé máy bay đi Ai Cập gặp gỡ khách hàng, tìm lối ra cho các hợp đồng xuất khẩu cá tra. “Nhiều khách hàng đề nghị giao hàng chậm vài tuần so với kế hoạch nên tôi phải sang đàm phán lại với họ”, ông Ký nói.
Mất đơn hàng, hạ giá bán
Thị trường châu Âu chiếm 40% sản lượng cá tra xuất khẩu của Agifish. Thông thường, từ cuối tháng 5 đến hết tháng 8 hàng năm, thị trường này bước vào mùa nghỉ hè nên cả người bán, người mua chỉ thực hiện giao hàng đối với hợp đồng đã ký trước. Năm nay, nhà nhập khẩu liên tục thông báo giãn thời gian giao hàng, thậm chí là hạ giá mua do khó khăn tài chính, thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh trong nước cũng siết chặt tín dụng, lãi suất vay và các chi phí quá cao, theo ông Ký, đơn hàng càng chậm giải phóng, doanh nghiệp càng gánh chi phí tăng thêm.
Đầu tháng 6 vừa qua, một doanh nghiệp may tại TP.HCM bị khách hàng châu Âu cắt giảm đơn hàng trị giá 5 triệu USD trong gói hợp đồng 19 triệu USD giao hàng sáu tháng cuối năm, với lý do gặp khó khăn tài chính. Lãnh đạo công ty này chưa công bố thông tin cho các cổ đông, mà vẫn đang ráo riết đi tìm đơn hàng khác bù vào chỗ bị cắt giảm.
Một trường hợp khác là công ty may Garmex Sài Gòn bị giảm khoảng 10% đơn hàng xuất khẩu sang EU. Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cho biết, khách mua hàng của Garmex Sài Gòn là tập đoàn danh tiếng có doanh thu vài tỉ euro/năm, nhưng bây giờ cũng đề nghị công ty hoãn thời gian giao hàng. Họ chấp nhận bồi thường chi phí tín dụng, lưu kho…
Điểm khó khăn chung nhất mà các đối tác châu Âu đang gặp phải, theo doanh nghiệp xuất khẩu, là họ bị ngân hàng hạn chế tín dụng.
Đối với hàng thuỷ sản, do bị cắt giảm định mức tín dụng nên nhà nhập khẩu không thể mua hàng dự trữ cho mùa tiêu thụ cuối năm. Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 828,6 triệu USD, tuy tăng 27% so với cùng kỳ nhưng các thị trường như Tây Ban Nha, Ai Cập, Hà Lan, Đức… đã bị sụt giảm tới 50%, chứ không còn tăng trưởng như các năm trước. Trung bình, giá 1 ký philê cá tra xấp xỉ 3 USD, giảm 0,2 – 0,3 USD. Ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) nói rằng, tình hình xuất khẩu cá tra sang EU tháng 7 này còn tệ hơn, do mọi hoạt động mua bán bị đóng băng.
Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng cho biết xuất khẩu sang EU đang có dấu hiệu chững lại, nhiều doanh nghiệp đang bị giảm đơn hàng.
Phập phồng...
“Chúng tôi đang quẫn trí, lượng nguyên liệu đưa vào chế biến chỉ xuất khẩu được 50%, còn lại phải lưu kho”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở Đồng Tháp rầu rĩ nói. Với giá nguyên liệu 22.000 – 24.5000 đồng/kg như hiện nay, tính ra giá thành của 1 ký philê cá tra xuất khẩu vào khoảng 55.000 đồng. Cứ mỗi ký cá tồn kho, một tháng, doanh nghiệp tốn thêm 1.425 đồng (gồm 825 đồng lãi suất, 600 đồng phí lưu kho).
Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương nói: “Đầu tháng 9 tới đây, khi thị trường châu Âu vào mùa tiêu thụ, khách hàng nhập khẩu trở lại, giá tăng thì bán được hàng, còn nếu khách vẫn khó khăn thì doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro rất lớn”.
Mặt hàng dệt may cũng tương tự. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, trong hơn một tháng trở lại đây, rất khó tìm kiếm hợp đồng mới cho đơn hàng vào EU. Ông Hồng cho rằng, suy giảm xuất khẩu sang EU mới chớm, có thể ảnh hưởng mạnh hơn vào năm 2012 nếu tình trạng nợ công và kinh tế của EU không được cải thiện.
BÍCH THUỶ – ĐẶNG HOÀNG
Nói lại cho rõ
Trên báo Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 25.7 có đăng thông tin “Công ty thời trang FOCI chuyển sang mở trường học”. Do khuôn khổ tờ báo có hạn nên phóng viên Bích Thuỷ và Sài Gòn Tiếp Thị đã không diễn giải đầy đủ các chi tiết, gây nên sự hiểu nhầm và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của thời trang FOCI cùng các đối tác. Nay chúng tôi xin thông tin lại cho rõ: việc mở trường học là dự án đầu tư cá nhân vào lĩnh vực giáo dục của bà Ngô Thị Báu (tổng giám đốc công ty TNHH SX – TM Nguyên Tâm – thương hiệu thời trang FOCI). Dự án mở trường này không thuộc hoạt động sản xuất và kinh doanh của thời trang FOCI.

28/07 “Đầu tư 2011-2012: Cơ hội cho ai”

THU NGA
28/07/2011 13:13 (GMT+7)
Đây là hội nghị thường niên được tổ chức từ năm 2008, với mục đích tổng quát và đánh giá lại nền kinh tế Việt Nam trong năm, nhìn nhận và phán đoán những xu hướng mới trong đầu tư và kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp khả thi mang tính ứng dụng cao, tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
E-mailBản để inCỡ chữChia sẻ:facebooktwittergooglerss
Hội nghị với chủ đề "Đầu tư 2011-2012: Cơ hội cho ai" vừa chính thức diễn ra vào ngày 28/7/2011 tại khách sạn Sheraton, Tp.HCM. Đây là hội nghị do Báo Nhịp cầu Đầu tư tổ chức với sự tài trợ chính của ngân hàng Techcombank.


28/07 "Mỹ cần dừng bay do thám gần Eo biển Đài Loan"


28/07/2011 | 10:43:00

EMAILPRINTCỠ CHỮ A A A
Ngày 27/7, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ dừng các chuyến bay do thám gần khu vực ven biển nước này, cho rằng hành động này của Washington "gây tổn hại nghiêm trọng" tới lòng tin của hai bên.

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng nước này cho rằng Mỹ cần dừng các hoạt động bay do thám nói trên, yêu cầu Washington tôn trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đồng thời thực hiện các hành động thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự giữa hai bên.

Trong khi đó, cùng ngày, tại Washington, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Dave Lapan lại cho rằng không có máy bay do thám nào của Mỹ bay vào không phận Trung Quốc và các máy bay của Mỹ chỉ thực hiện các sứ mệnh bay do thám trên không phận quốc tế.

Tranh cãi nổ ra sau khi các phương tiện truyền thông ở Đài Loan (Trung Quốc) đưa tin 2 máy bay chiến đấu Trung Quốc đã phải xuất kích để chặn một máy bay do thám U2 của Mỹ đang có các hoạt động thu thập tình báo về Trung Quốc khi bay dọc Eo biển Đài Loan cuối tháng Sáu vừa qua./.
(TTXVN/Vietnam+)

28/07 Cần xử phạt nặng hơn đối với NĐT làm giá cổ phiếu


(Tamnhin.net) - Trước thông tin UBCK xử phạt 250 triệu đồng đối với bà Đặng Thu Hoài vì hành vi thao túng giá cổ phiếu VIC, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Vincom (VIC) xung quanh vấn đề này.
Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Vincom
Thưa ông, ngày 26/7, UBCK đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Đặng Thu Hoài vì hành vi sử dụng 2 tài khoản giao dịch để liên tục mua, bán cổ phiếu của VIC với tần suất và khối lượng lớn, chiếm tỷ trọng cao trong giai đoạn từ 1/11/2010 đến ngày 25/2/2011 nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo để thao túng giá chứng khoán. Với tư cách là chủ quản của mã cổ phiếu bị vi phạm, Vincom có ý kiến gì về vấn đề này? 

CTCP Vincom cũng vừa nhận được thông tin này từ UBCK cũng như báo chí. Chúng tôi thực sự bất ngờ và hết sức bất bình về hành vi này của nhà đầu tư Đặng Thu Hoài.

Vincom đã triệu tập họp khẩn và quyết định sẽ có những kiến nghị gửi đến cơ quan công an và UBCK để làm rõ bản chất của vụ việc này và kiến nghị áp dụng mức phạt nặng hơn là xử phạt hành chính đối với nhà đầu tư này.

Bởi lẽ, hành vi của bà Hoài đã không những ảnh hưởng đến sự minh bạch của TTCK Việt Nam nói chung mà với riêng Vincom, hành vi này rất có thể sẽ gây ra những hiểu lầm và nghi ngờ không đáng có trong dư luận và của các nhà đầu tư chứng khoán đối với uy tín cổ phiếu VIC trên TTCK.

Theo ông, với khối lượng lượng giao dịch mà bà Hoài đã thực hiện liệu có thực sự đủ sức thao túng thị trường về giá đối với mã VIC? 

Theo quan điểm của tôi thì không, bởi nếu nó đủ sức thao túng thì sau khi bà Hoài ngừng hành vi này, giá của VIC sẽ phải có chiều hướng đi xuống chứ! Nhưng không, bạn thấy đấy, cho đến hôm nay, giá của VIC còn đã lên đến 122.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá đỉnh của thời điểm đó cả chục ngàn đồng.

Nhưng, thực tế là trong giai đoạn này VIC biến động mạnh, tăng từ 65.000 đồng lên 110.000 đồng/cổ phiếu (tăng 70%)? 

Theo quan điểm của chúng tôi, việc VIC tăng trong giai đoạn này là thể hiện thực lực phát triển, hiệu quả kinh doanh của Vincom cũng như uy tín của Công ty với các nhà đầu tư.

Giai đoạn cuối năm 2010 đầu 2011 là lúc chúng tôi triển khai công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý IV/2010 và cả năm 2010 của Công ty với những con số thực sự mỹ mãn, số lãi sau thuế lên đến gần 2.500 tỷ đổng . Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị đại hội cổ đông và lên phương án chia cổ tức.

Đồng thời, ở thời điểm này, Vincom cũng công bố kết quả kinh doanh của Royal City và công bố kế hoạch triển khai hàng loạt các dự án lớn, giàu tiềm năng như Times City, Eden A, Vincom Village... Chính những kết quả kinh doanh tốt và việc công bố những dự án giàu tiềm năng của Vincom đã thức đẩy sự tin tưởng và quyết định của các nhà đầu tư.

(theo ĐTCK-online)

28/07 Buôn bán tiểu ngạch, con dao hai lưỡi: Để tránh phụ thuộc


Phụ thuộc vào thị trường TQ là điều đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo mạnh mẽ, khi xu hướng nông sản xuất khẩu VN bị hút sang thị trường này ngày một rõ hơn.
 
70% thanh long xuất khẩu của Bình Thuận đang xuất vào thị trường TQ - ảnh: Quế Hà
Thị trường cao cấp khắt khe
Theo Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), VN hiện có sản lượng rau quả đứng thứ 5 châu Á nhưng chủ yếu là tiêu thụ trong nước (85%), xuất khẩu được rất ít. Trái cây VN gần đây tuy đã bước đầu xâm nhập được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc và sắp tới là New Zealand nhưng kết quả rất khiêm tốn do yêu cầu của các thị trường này rất cao. Chẳng hạn thanh long xuất vào Mỹ phải được chiếu xạ, trong khi cả nước hiện mới có 2 nhà máy chiếu xạ và chi phí cho khâu này không phải rẻ.
Trái cây xuất khẩu vào châu Âu phải đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất GlobalGAP hoặc tối thiểu là VietGAP. Để có được những tiêu chuẩn này nhà vườn phải trồng theo mô hình chuẩn áp dụng kỹ thuật trồng cây an toàn, tạo trái đẹp, kiểm soát chặt dư lượng thuốc trừ sâu, tuân thủ quy trình bón phân, áp dụng bao trái, ghi nhật ký… và chi phí để chứng nhận tối thiểu cũng phải mất 7.000 USD/ha.
Chúng tôi đang giảm dần sản lượng xuất khẩu trái cây sang TQ, vì thị trường này khá bấp bênh và họ chỉ mua với giá rẻ
Bà Nguyễn Hồng Thu, Giám đốc Công ty Chánh Thu
Sự khắt khe này khiến trong nhiều năm qua, trái cây xuất khẩu chủ yếu là qua Thái Lan, Hồng Kông, Singapore và nhiều nhất là TQ (50% sản lượng trái cây xuất khẩu, trong đó trái cây tươi chiếm 80%).
Theo nhiều doanh nghiệp (DN), thị trường TQ có khoảng cách địa lý gần, xuất khẩu tiểu ngạch dễ dàng, nhu cầu thị trường cao và nhất là thị trường này dễ tính. Một ví dụ là Bình Thuận, năm 2010 tỉnh này xuất khẩu được 30.000 tấn thanh long, trong đó hơn 70% là xuất sang TQ, thanh long xuất sang Mỹ chỉ có 48 tấn.
Năm nay, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa lớn khiến doanh nhân TQ tăng cường thu gom nông sản VN bằng mọi giá. Diễn biến này trước mắt đã đem lại lợi ích cho nông dân. Một số mặt hàng như gạo, đường, củ sắn tươi trước đây không bán vào TQ được nhưng nay được tiêu thụ rất mạnh. Từ đầu năm đến nay VN đã xuất sang TQ hơn 300.000 tấn gạo, hơn 100.000 tấn đường và số lượng này vẫn tiếp tục tăng lên.
Tuy nhiên diễn biến này cũng cho thấy một nguy cơ phụ thuộc vào thị trường TQ - thị trường vốn rất bấp bênh. Rõ nhất là việc TQ mua hàng với tiêu chuẩn dễ dãi sẽ khiến người sản xuất không có động lực để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tận dụng nhưng tránh phụ thuộc
PGS-TS Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương - nhận định: “Cả thế giới hiện sợ thị trường này và cũng tận dụng thị trường này. Do vậy, chúng ta phải làm thế nào để hạn chế tác hại, tận dụng sức tiêu thụ của TQ. Chiến lược này phải được thống nhất từ cấp trung ương đến địa phương và đến được với người nông dân”.
TS kinh tế Nguyễn Văn Ngãi, Đại học Nông Lâm TP.HCM, cho rằng nếu chúng ta để bị hút vào thị trường TQ dễ tính thì sẽ không còn bao giờ có thể chinh phục thị trường khó tính. Nền sản xuất nông sản vẫn bấp bênh, phụ thuộc và kém phát triển. Hiện nông nghiệp VN manh mún, nhỏ lẻ, khó kiểm soát kỹ thuật và khó thu mua tập trung được một lượng hàng hóa đủ để cung cấp cho những đơn hàng lớn của các thị trường cao cấp.
Bà Nguyễn Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Tiền Giang), cho biết: “Chúng tôi đang giảm dần sản lượng xuất khẩu trái cây sang TQ, vì thị trường này khá bấp bênh và họ chỉ mua với giá rẻ. Không chỉ thanh long, hầu hết trái cây VN xuất khẩu qua TQ đều bị nước này ép giá. Dù yêu cầu khắt khe nhưng giá trị xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu cao gấp 3-4 lần so với thị trường TQ. Vì vậy, Chánh Thu đang chuẩn bị trong năm nay sẽ đầu tư mở rộng thêm khoảng 150 ha chôm chôm VietGAP sang các vùng lân cận đồng thời phát triển thêm những thị trường xuất khẩu ở châu Âu, Trung Đông để giảm sự phụ thuộc vào thị trường TQ”.
Nhiều DN cũng nhận thức rõ rủi ro khi phụ thuộc vào thị trường TQ, tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ tiềm lực để đầu tư xuất khẩu vào các thị trường cao cấp khác. Để có vùng chuyên canh nguyên liệu lớn và đồng đều về chất lượng, tự thân nông dân không thể làm được nếu sự liên kết, hỗ trợ chặt chẽ từ phía Nhà nước, DN.
Để khuyến khích nông dân sản xuất hàng hóa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính, TS Ngãi cho rằng trước hết Nhà nước cần hỗ trợ thông tin cho người sản xuất nắm bắt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng sản phẩm của thị trường; triển khai các chương trình huấn luyện, tập huấn; đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho nông dân; có chính sách chuyển đổi quy mô sản xuất…
Ngoài ra, các cam kết và chính sách phát triển nông nghiệp chất lượng cao phải được thể hiện rõ ràng. Những nhà đầu tư vào lĩnh vực này cần được ủng hộ bằng những chính sách cụ thể. TS Ngãi cho rằng có thể áp dụng kinh nghiệm về thành công của sản xuất lúa gạo tập trung. Khoảng 20 năm trước, so với Thái Lan, giá gạo của ta thấp hơn 10 - 20%, do nhiều yếu tố như công tác xuất khẩu không tốt, thương hiệu chưa cao… Nhưng gần đây, giá gạo của ta đã áp sát Thái Lan, nhờ đã phát triển công nghiệp chế biến, đầu tư kỹ thuật vào sản xuất và việc thu mua cũng đã cải thiện.
Ông Trần Công Thắng - Trưởng bộ môn nghiên cứu chiến lược chính sách (Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn): Khai thác cơ hội nhưng phải giữ uy tín
TQ là một thị trường lớn của VN. Thương nhân TQ tăng cường mua nông sản VN cũng là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, gần đây nông dân lại sản xuất nhiều mặt hàng chất lượng thấp, chẳng hạn như tôm bơm tạp chất hay chè “bẩn” bán cho TQ. Với lợi ích trước mắt (chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận cao, người mua dễ tính với yêu cầu chất lượng không cao) nông dân sẵn sàng sản xuất ồ ạt, không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Những vấn đề này ảnh hưởng rất lớn tới uy tín và chất lượng sản phẩm VN trên thị trường quốc tế. Đấy là chúng ta chưa nói đến chuyện sản xuất ồ ạt với tiêu chuẩn thấp và trong nhất thời thì khi thương nhân TQ ngừng không mua nữa, người sản xuất thua lỗ là điều không tránh khỏi. 
Để có thể khai thác tốt cơ hội do thị trường TQ đem lại đồng thời ngăn chặn những nguy cơ do chạy theo thị trường TQ, cần có những biện pháp can thiệp kịp thời. Trước mắt, chúng ta cần có những biện pháp hành chính mạnh nhằm ngăn cấm chuyện sản xuất những sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh (ví dụ như cấm sản xuất, tịch thu, phạt đối với sản phẩm chè “bẩn”). Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát việc xuất khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu. Không cho phép sản phẩm vi phạm luật vệ sinh an toàn thực phẩm được xuất qua cửa khẩu. Đồng thời, cần có giáo dục, khuyến khích nông dân hiểu được những tổn hại của việc sản xuất sản phẩm chất lượng thấp gây mất uy tín hàng VN, gây hại tới người tiêu dùng và những thiệt hại nếu bên TQ họ ngưng nhập khẩu. 
Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược toàn diện cho việc xuất khẩu sang thị trường TQ. Để làm điều này cần nghiên cứu rõ thị trường TQ để hiểu thêm thị trường này. Xem tại sao họ nhập khẩu ồ ạt, tại sao họ nhập sản phẩm chất lượng thấp, đâu là sản phẩm cuối cùng, giá trị gia tăng của họ khi nhập sản phẩm của VN ở đâu. Chúng ta cũng phải thay đổi cách thức tiếp cận thị trường TQ, chủ động liên hệ trực tiếp không qua thương lái, hay chuyển sang xuất khẩu chính ngạch; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng tại các cửa khẩu nhằm tăng uy tín hàng VN, hạn chế những sản phẩm không đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Các DN VN phải thay đổi cách thức làm ăn với hộ sản xuất, chuyển mạnh sang liên kết chặt chẽ với hộ sản xuất để giúp họ có thị trường đầu ra ổn định không bị tác động mạnh bởi những tư vấn không tốt từ phía các tư nhân TQ, từ đó họ sẽ chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt mà quên đi hệ lụy, hậu quả sau này. Đồng thời, cùng với những thay đổi này, các DN VN cũng nên có những chính sách phát triển khác nhằm nâng cao sự cạnh tranh đối với các tư thương TQ ở thị trường nội địa, nếu không họ sẽ thua ngay tại trên sân nhà trong việc tranh giành nhà cung cấp là những nông dân VN.
Cần tổ chức liên kết người nông dân thành những tổ nhóm nhằm tăng cường sức mạnh thị trường, khả năng đàm phán và trao đổi học hỏi kinh nghiệm để có những hiểu biết sâu hơn về các vấn đề lợi hại (trước mắt, lâu dài) khi giao thương hay khi nhận được những yêu cầu từ các tư thương TQ.
Quang Duẩn
N.Trần Tâm - Quang Thuần

28/07 [DDCL] Biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tại Nhật Bản

From: Dien bien hoa binh
To: 
Sent: Thursday, July 28, 2011 1:38 PM
Subject: [DDCL] Biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tại Nhật Bản

 





Biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tại Nhật Bản

Nguyễn Thị Yêu Nước

Tôi Theo Gót Đồng Hương Đi Biểu Tình Chống Trung Quốc Ở Tokyo
Hai tuần trước tôi biết được Cộng đồng người Việt ở Tokyo và vùng phụ cận sẽ tổ chức xuống đường vào ngày chủ nhật 24 tháng 7 nhằm phản đối Trung quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, nhưng vì công việc hãng khó thu xếp được để tham gia khiến lòng tôi áy náy vô cùng. Thứ ba ngày 19 tháng 7, tôi nhận được tin người em trai tôi bị công an đến nhà răn đe chỉ vì hôm chủ nhật 17/07 đã đi biểu tình chống Trung quốc ở Hà Nội; thế là tôi quyết định ngay phải tham gia biểu tình với bà con mình ở Nhật cho dù bị bà Xếp hãng cằng nhằng. Trái với sự dự tưởng của tôi, khi trình bày lý do xin nghỉ để đi biểu tình thì được Xếp vui vẻ chấp nhận ngay và còn cho thêm mấy ngàn yen để đi xe, uống nước rồi còn nói một câu làm tôi rưng hai hàng nước mắt, “Tụi Trung quốc xấu lắm, chuyên ỷ mạnh hiếp yếu, em phải đi biểu tình chống tụi nó xâm lăng đất nước của em chứ, tôi sẽ giận lắm nếu biết em không đi”. Bà ta kể rằng có nghe tin tức về chuyện người dân Việt Nam ở Hà Nội, Sài Gòn đi biểu tình rất ôn hòa để chống Trung quốc xâm lược bị công an đàn áp mạnh tay, và thắc mắc tại sao lại như vậy? Cả nhà bà xem tin mà chẳng ai lý giải nổi, nhất là đứa con gái lớn của bà cứ bảo làm gì có chuyện đó, nếu có thì Việt Nam đâu khác gì tình trạng của Tây Tạng bây giờ.
Sáng sớm chủ nhật ngày 24/07, bà Xếp phone cho tôi bảo rằng đứa con gái của bà muốn đi biểu tình chung với tôi có được không, nếu được thì nhờ đến đón dùm; một lần nữa tôi phải ứa nước mắt vì quá cảm động. Hai chị em chúng tôi đến ga Ebisu lúc 12 giờ trưa thì thấy nhiều người Việt Nam đi thành từng toán đổ về công viên nơi làm lễ khởi hành cuộc biểu tình. Công viên Ebisu này nổi danh với nhiều cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ mà mới đây nhất là những cuộc biểu tình ủng hộ Cách mạng Hoa Lài của người Tunisia hay của người Ai Cập đòi lật đổ chế độ độc tài Hosni Mubarack.
Ở Nhật, học được cái hay của người ta là đúng giờ, đúng giấc nên buổi lễ đã diễn ra theo như chương trình đã ghi. Sau phần chào cờ và hát quốc ca Nhật và Việt, ông Nguyễn Phương Khanh, Trưởng ban Tổ chức biểu tình, đã trình bày lý do của cuộc biểu tình ngày hôm nay, ông nói lý do thì ai cũng hiểu còn mục đích là lôi kéo người dân bản xứ ủng hộ người dân Việt Nam chống Trung xâm lược và bày tỏ sự quyết tâm ủng hộ của người Việt tại Nhật đối với đồng bào quốc nội trong việc bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ. Tiếp đến là lời phát biểu của một vị khách người Nhật, Giáo sư Tono Oka thuộc Đại học Keio (một trong sáu đại học nổi tiếng nhất ở Tokyo). Giáo sư Tono Oka chia sẻ rằng ông rất cảm kích trước việc người dân Việt Nam ở Sài Gòn, Hà Nội đã liên tục xuống đường biểu tình chống Trung quốc xâm lược bất chấp sự đàn áp của nhà cầm quyền; ông cũng nói cho những người Nhật có mặt tại chỗ biết rằng tại Việt Nam người dân bị cấm không được biểu tình cho dù mục đích của cuộc biểu tình là phản đối Trung quốc xâm lược Việt Nam: “Tôi đã từng nói vói nhà cầm quyền Việt Nam rằng phải xem những cuộc biểu tình đó như là một thông điệp gởi đến cho những người lãnh đạo ở Bắc Kinh biết về tinh thần sẵn sàng bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của ngưòi dân Việt Nam. Ngăn cấm biểu hiện lòng yêu nước của người dân sẽ mở rộng thêm đường cho Bắc Kinh xâm lăng mà thôi. Tôi không buồn vì những lời của tôi bị nhà cầm quyền Hà Nội bỏ ngoài tai mà chỉ buồn cho người dân Việt Nam có một nhà cầm quyền như vậy thì khó mà bảo vệ biển đảo trước bá quyền Trung quốc luôn tìm cách xâm lược các nước lân bang.”
Kế đến là ông Kojiama, một khuông mặt trẻ đang nắm chức Chi bộ trưởng Tokyo của đảng Kofuku Jitsugen (Thực hiện Hạnh Phúc) đã lên phát biểu như sau: “Không một người dân nào hạnh phúc được khi đất nước mình đang bị ngoại bang xâm lược; khổ tâm nhất là muốn đứng lên bảo vệ tổ quốc mà bị nhà cầm quyền ngăn cấm; tệ hại hơn nữa là ra tay đàn áp với lý do đây là chuyện của nhà nước. Không thể như thế được, nhà cầm quyền có phần việc của nhà cầm quyền, người dân có bổn phận bảo vệ đất nước của nguời dân; phải kết hợp cả hai mới mong chống lại bá quyền phương Bắc. Hôm nay chúng tôi tham gia cuộc biểu tình này là muốn bày tỏ sự ủng hộ ngưòi dân Việt Nam trong công cuộc chống Trung quốc xâm lược.”
Cuộc biểu tình bắt đầu đúng 13 giờ 30 phút. Dẫn đầu là một xe phóng thanh mà tôi thấy trên đó có hai phụ nữ bận áo dài ngồi trên đó cầm và hô to các khẩu hiệu cho đoàn biều tình đáp lại. Khác với cách suy nghĩ thành nếp của tôi là người hô khẩu hiểu phải là đàn ông, thế nhưng khi nghe giọng nữ hô to khẩu hiệu trên loa phóng thanh thì tôi thấy nó hiệu quả vô cùng, cộng thêm với những tà áo dài đi đầu đã làm cho đoàn biểu tình được hầu hết những người đi đường quan tâm. Tôi để ý có nhiều người đứng nhìn với cặp mắt đầy thiện cảm, vỗ tay ủng hộ và đưa camera, điện thoại di động lên chụp hình. Đoàn biểu tình khoảng 200 người sắp thành hàng 4 vừa đi vừa hô to những khẩu hiệu “Đả đảo Trung quốc xâm lược!” làm rung động nhiều khu phố đông đúc người qua lại của một buổi chiều chủ nhật. Tôi thường liếc mắt nhìn người con gái của bà Xếp tôi để xem phản ứng như thế nào về cuộc biểu tình này thì thấy cô ta vỗ tay cũng nhiều mà hô đáp theo các khẩu hiệu cũng to hơn tôi. Lộ trình biểu tình khá dài, đi bộ gần cả tiếng rưởi đồng hồ, thế mà chẳng ai than mỏi chân hay hô rát cổ họng. Sau khi đến địa điểm giải tán, đoàn biểu tình còn kéo đến trước cổng sứ quán Trung quốc hô to khẩu hiệu “Đá đảo Trung Quốc xâm lược” trước khi ra về. Ngồi trên xe điện trở về nhà, cô con gái người Nhật đó nói với tôi rằng tối nay về em sẽ viết lại cuộc biểu tình này trên Facebook, Twitter để cho mọi người biết, chắc chắn sẽ có rất nhiều phản hồi tốt vì hầu như ai cũng bực mình về hành động cá lớn muốn nuốt cá bé của Trung quốc; và còn nói thêm lần sau có biểu tình cho em biết trước một tuần để em kêu gọi trên Facebook thì sẽ có nhiều người tham gia.
Cám ơn em, cám ơn Ban tổ chức biểu tình đã cho tôi một ngày chủ nhật đầy ý nghĩa và tôi muốn nói với người em trai tôi rằng: Chị ở xứ người đi biểu tình chống Trung quốc xâm lược tổ quốc Việt Nam được sự ủng hộ hết mình của người dân bản xứ, cảnh sát của người ta thì rất lịch thiệp giữ trật tự giao thông cho mình đi; trong khi em ở ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội muốn bày tỏ lòng yêu nước thì lại bị nhà cầm cấm cản, công an hăm dọa!
Tokyo, chủ nhật ngày 24 tháng 7 năm 2011
Nguyễn Thị Yêu Nước

JPEG - 68.6 kb
JPEG - 66.1 kb

JPEG - 64.4 kb
JPEG - 71.3 kb

JPEG - 74 kb
JPEG - 63.2 kb
http://www.viettan.org/spip.php?article11358