Chủ Nhật, 24/07/2011, 06:12 (GMT+7)
TT - Sống và làm việc ở VN được hai năm, tôi vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi trên từ đứa con 7 tuổi của mình.
Khi mới được điều chuyển qua VN công tác, tôi rất háo hức vì mình sẽ có cuộc sống “đế vương” tại đây bởi tôi nghe nói mức sống ở VN khá thấp. Nhiều bạn bè của tôi còn tay bắt mặt mừng, giọng nửa đùa nửa thật: “Sướng nhé. Làm ở VN mà lãnh lương nước ngoài thì tha hồ để dành tiền mua sắm nhà, đất”.
Cả đám chúng tôi đâu biết mình đã “bé cái lầm”!
Những ngày đầu sống tại đây, tôi từng trố mắt không ít lần khi thấy nhiều chiếc xe hơi đắt tiền vi vu ngược xuôi khắp phố phường VN. Nhiều chiếc trong số đó trị giá cả trăm ngàn USD, một con số không hề nhỏ ngay đối với những cá nhân thành đạt trong xã hội phương Tây như chúng tôi. Điều đáng nói hơn cả là rất nhiều người ngồi sau vôlăng có gương mặt non choẹt. Cái cách họ tiêu tiền cũng khiến tôi và bạn bè phương Tây nhiều lần phải kinh ngạc khi chứng kiến.
Tôi từng thấy cảnh một nhóm bạn trẻ (chỉ trạc 20 tuổi) thản nhiên rút tờ 500.000 đồng để “boa” cho người giữ xe ở một quán bia Đức. Người bạn Việt đi cùng tôi nói: “Anh bảo vệ vừa khen xe của họ nhìn thật sành điệu. Câu nói đó khiến họ cảm thấy vui nên quyết định “boa” là vậy”. Lời giải thích của anh bạn người Việt khiến tôi choáng váng. Cá nhân tôi cũng vài lần gặp những câu chuyện tương tự, nhất là ở những tụ điểm thiên về ăn chơi, giải trí...
Những mặt hàng điện tử đắt tiền như iPad, iPhone... cũng được tiêu thụ với tốc độ chóng mặt ở VN dẫu thu nhập trung bình của người dân nơi đây khá thấp. Trong cơ quan tôi, hầu hết nhân viên người Việt đều sở hữu một trong những sản phẩm công nghệ trên, dẫu nhiều người trong số họ hoàn toàn chỉ dùng những chức năng rất căn bản của máy. Lẽ dĩ nhiên tôi rất ủng hộ việc mọi người ứng dụng công nghệ mới phục vụ cuộc sống của mình, tuy nhiên chúng ta cần xác định thật rõ đâu là thứ bản thân thật sự cần để tránh sự lãng phí không cần thiết.
Nói họ giàu là vậy, nhưng tôi từng nhiều lần chứng kiến những cá nhân trên tải nhạc miễn phí trên mạng thay vì đi mua đĩa, họ cũng thờ ơ với những hoạt động tình nguyện cần sự hỗ trợ về mặt vật chất lẫn tinh thần. Có lần công ty chúng tôi quyết định kêu gọi mọi người đóng góp tiền đi xây nhà tình thương cho một số hộ nghèo ở ngoại thành. Nhất trí 100% nhưng khi đóng góp thật sự thì con số trên chỉ còn lại khoảng 40%. Lẽ dĩ nhiên chẳng ai muốn làm to chuyện nên mọi việc vẫn tiến triển như dự kiến.
Tuy vậy, tôi biết đâu đó trong suy nghĩ của mình đã có một khoảng không hụt hẫng thật sự...
MARK T. (người Mỹ, doanh nhân)
CÔNG NHẬT ghi
CÔNG NHẬT ghi
25/07/2011 3:59:43 CH
NGỌC HOA
25/07/2011 2:21:45 CH
PHẠM TUÂN
25/07/2011 2:19:43 CH
TRUC
25/07/2011 1:01:42 CH
HOÀNG GIANG
25/07/2011 11:24:59 SA
LẠC VĂN
25/07/2011 11:12:41 SA
TRUC.NT.VN
25/07/2011 10:11:27 SA
PHẠM NGỌC HÙNG
25/07/2011 10:02:39 SA
THANH THẢO
25/07/2011 9:29:01 SA
NGUYỄN ĐỨC AN