Thursday, August 18, 2011

18/08 Báo Trung Quốc: Nga mới là mối họa lớn của TQ tại Biển Đông

Thứ năm, 18 Tháng 8 2011 13:02
EmailInPDF.
Bài trên Liên hợp tảo báo của Trung Quốc cho rằng Nga mới là mối họa lớn của Trung Quốc tại Biển Đông. Chính Nga là cường quốc bên ngoài đến Biển Đông sớm nhất chứ không phải Mỹ. Nga tích cực đầu tư thăm dò khai thác dầu khí tại Biển Đông, ký nhiều hợp đồng bán vũ khí hiện đại, bao gồm tàu ngầm, máy bay, cho Việt Nam. 

Tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ Clinton phát biểu nhấn mạnh các nước cần giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Sau đó, Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lần lượt có phát biểu tỏ đồng thuận và việc đó đã trở thành chính sách đã rồi của Mỹ đối với Biển Đông. Chính sách của Mỹ tất nhiên có lợi cho việc duy trì bảo vệ lợi ích đã rồi tại quần đảo Trường Sa của những kẻ nhanh chân đến trước, khiến những kẻ đến sau ở vào thế bị kìm kẹp, ngăn trở, đành bó tay hết cách, cũng lại phải hướng đến đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Nga nhanh chân đến trước Mỹ: Trên thực tế, Mỹ cũng là kẻ đến sau tại Biển Đông. Ngoài các nước ASEAN thì kẻ nhanh chân đến trước tại Biển Đông lại là Nga chứ không phải Mỹ.
Trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Liên Xô cũ kết hợp với Việt Nam thành lập công ty góp vốn, cùng liên thủ khai thác mỏ Bạch Hổ ở Biển Đông, sản lượng khai thác chiếm một nửa tổng sản lượng dầu thô của Việt Nam; đến nay, đây vẫn là mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam.
Theo thống kê, đến nay Nga đã trở thành đối tác hợp tác nước ngoài lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Các công ty dầu mỏ phương Tây khác như Exxon Mobil, BP, TOTAL những năm gần đây mới góp vốn với Việt Nam khai thác dầu khí.
Nga hợp tác với Việt Nam vừa có lợi ích an ninh vừa có lợi ích kinh tế, bởi Nga được chia sẻ lợi ích kinh tế to lớn tại Biển Đông, Nga đã trở thành chỗ dựa lớn nhất của cộng đồng kinh tế do Việt Nam liên kết với các cường quốc trên thế giới tạo nên trên vấn đề Biển Đông. Và như vậy dễ thấy rằng tại sao trong những năm gần đây Nga lại đồng ý bán cho Việt Nam những trang bị vũ khí đời mới lợi hại chuyên dùng cho xung đột tại Biển Đông với mức ưu đãi lớn hơn nhiều so với TQ.
Gần dây, VN đặt mua của Nga những hệ thống vũ khí tiên tiến, bao gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo 636, 13 máy bay chiến đấu Su-27, 20 máy bay Su-30 và nhiều tên lửa đối biển, radar…. Vũ khí mà Nga bán cho VN có tính năng tiên tiến hơn hẳn các vũ khí bán cho TQ trước đây, tỷ lệ giữa tính năng và giá cả cũng cao hơn. Cuối năm 2011, loạt máy bay chiến đấu Su sẽ hoàn tất giao hàng. Cuối năm 2013, ngoài các tàu ngầm lớp Kilo, những vũ khí đời mới lợi hại này sẽ bước đầu hình thành sức chiến đấu.
6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo là “tuyệt chiêu” trong hải chiến Trường Sa và cũng được giao hàng lần lượt từ cuối năm 2011 và giao hết trong vòng 5 năm. Trong khi Nga đang chế tạo tàu ngầm thì VN đã đào tạo đồng bộ các sỹ quan làm việc trên những chiếc tàu ngầm đó, hiện Nga và Ấn Độ đang phụ trách việc đào tạo. Từ đó có thể thấy, các tàu ngầm mới và lợi hại này sẽ nhanh chóng hình thành sức chiến đấu và hoạt động khắp nơi thuộc vùng Biển Đông và biển phía Đông TQ, tạo ra sự đe dọa khá lớn đối với các nước láng giềng trong đó có TQ, nhằm đảm bảo an toàn cho việc khai thác các mỏ dầu của VN.
Nói về lợi ích thực tế trong cấu trúc hiện nay ở Biển Đông, Mỹ là kẻ đến sau và không bằng Nga. Nếu nhìn vấn đề một cách cô lập thì việc Mỹ có mặt ở khu vực Biển Đông là không hề có lợi ích chiến lược to lớn về an ninh và kinh tế. Theo đánh giá, sở dĩ Mỹ ủng hộ ASEAN chống lại TQ trong vấn đề Biển Đông, xét ở góc độ chiến lược thì chủ yếu là để tránh xảy ra cục diện sau khi TQ trỗi dậy sẽ thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực CÁ - TBD, ra tay khi còn sớm để kiềm chế sức mạnh của TQ tiến xuống phía Nam. Còn việc đảm bảo cho máy bay quân sự, tàu thuyển của Mỹ tự do lưu thông giữa TBD, Ấn Độ Dương hay như việc giữ ổn định tình hình Biển Đông thì cũng chỉ là một cách nói.
Cách tiếp cận của Nga ở tầm chiến lược khác xa so với Mỹ. Cách tiếp cận tầm chiến lược nêu trên của Mỹ đều thích hợp với Nga. Ngoài ra, Nga và VN còn có tình hữu nghị truyền thống, như năm 1979, trong chiến tranh biên giới Trung - Việt và “cuộc chiến lưỡng sơn” kéo dài 10 năm sau đó, Liên Xô cũ là cường quốc duy nhất ủng hộ VN chống TQ. Hơn nữa Nga lại là nước có lợi ích kinh tế thiết thực nhất tại Biển Đông. Biển Đông giống như một kho báu, bằng việc hợp tác lâu dài với VN, những khoản ngoại tệ khổng lồ mà Nga kiếm được từ đó dường như không bao giờ cạn.
Ngoài ra, từ chính sách ngoại giao khác nhau của hai nước Nga, Mỹ đối với các nước quanh Biển Đông cũng có thể cảm nhận thấy Nga và Mỹ có lập trường khác nhau đối với vấn đề Biển Đông, từ đó có thể lần ra manh mối. Thái độ can thiệp của Mỹ là nhằm tăng cường trao đổi qua lại với ASEAN, NB và Australia, còn việc ủng hộ ASEAN thì vẫn xoay quanh đồng minh truyền thống là PLP, việc ủng hộ một số quốc gia khác như VN chủ yếu vẫn chỉ dừng lại trên bề mặt ngoại giao và đe dọa. Cùng trên vấn đề Biển Đông nhưng chính sách của Nga lại khác. Nga cũng ủng hộ gián tiếp các nước ASEAN nhưng dành viện trợ thực tế cho VN.
Tóm lại, ngoài việc tăng cường hợp tác với VN về ngoại giao và kinh tế thì Nga còn nâng đỡ VN bằng hành động thực tế. Hiện nay, Nga ngoài mặt vẫn giữ thái độ tươi cười với TQ, trong ngoại giao thì “nói ý cay bằng lời ngọt”, trong hành động thì chỉ làm không nói. Nga giống như “con vịt đạp nước”, trên mặt nước thì dường như không có động tĩnh gì nhưng dưới nước lại giở võ chân.
Đây cũng là nguyên nhân tại sao trong khi VN tăng cường “chuẩn bị đấu tranh quân sự” thì toàn bộ vũ khí cho hải chiến lại lấy từ Nga chứ không phải Mỹ và Mỹ lại chỉ gián tiếp ủng hộ VN về mặt đe dọa chiến lược. Đây là chỗ khác nhau cơ bản về mức độ ủng hộ của Mỹ và Nga cho VN trong tranh chấp ở Biển Đông.
Theo diễn biến tình hình Biển Đông hiện nay, một khi VN và TQ xảy ra một trận hải chiến thì toàn bộ vũ khí sắc bén mà quân đội VN sử dụng để giết hại quân giải phóng TQ là của Nga chứ không phải của Mỹ./.
Tác giả: Tiết Lý Thái - Nghiên cứu viên Trung tâm an ninh và hợp tác quốc tế Đại học Stanford
Hạnh Quyên (gt)

18/08 Tranh chấp các đảo ở châu Á có xảy ra chiến tranh không?

Thứ năm, 18 Tháng 8 2011 13:30
EmailInPDF.
Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông ngày càng có xu hướng tăng lên do lối hành xử hung hăng từ phía Trung Quốc đối với các quốc gia tranh chấp, đặc biệt là Việt Nam và Philippin, bài báo đăng trên mạng Sonin (Mông Cổ) nhận định rằng, nếu tình hình cứ tiếp tục, điều này có thể dẫn đến đụng độ nguy hiểm, do vậy, Trung Quốc cần phải tiến hành chính sách mềm dẻo hơn.

Mọi người đều biết Biển Đông đang trở thành điểm nóng mới. Hà Nội lại yêu cầu Bắc Kinh phải chấm dứt bất kỳ hoạt động nào đe dọa đến chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc các tàu  nghiên cứu khoa học của TQ tiến hành thăm dò địa lý gần khu vực các đảo đang tranh chấp với Philippin, Malaysia, Bruney và Đài Loan đã làm cho Hà Nội bức xúc. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động trên biển, TQ đã tập trung binh lính và trang thiết bị chiến đấu của mình tại gần khu vực biên giới với VN. Bắc Kinh giải thích rằng, hoạt động này liên quan đến cuộc tập trận quân sự thường xuyên của TQ.
Trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây thì việc Quân khu Quảng Châu tích cực vận chuyển và tập trung binh lính và vũ khí như vậy được Hà Nội coi là hành động khiêu khích. Điều này chỉ làm cho tình hình càng trầm trọng hơn. Tại VN, phong trào chống đối TQ liên quan đến tranh chấp lãnh thổ đang tiếp diễn ra trong suốt 03 tuần qua. Các tàu TQ luôn gây cản trở các hoạt động của các tàu thăm dò dầu khí và tàu đánh cá của VN tại lãnh hải được coi là có tranh chấp, chính là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình chống đối TQ.
Bắc Kinh đã gửi hồ sơ lên LHQ, trong đó xác định rõ đường biên giới lãnh hải tại Biển Đông với ý đồ biến các hòn đảo đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của mình, kể cả các đảo mà VN đang nắm giữ. Tất nhiên, VN cực lực phản đối lại vấn đề này. Hiện các nước có tranh chấp tại Biển Đông đang tích cực phát triển cơ sở hạ tầng quân sự của mình. Giới phần tích cho rằng, điều này có thể dẫn đến cuộc đụng độ nguy hiểm. Chính sách bành trướng do TQ tiến hành tại Biển Đông đã làm cho các quốc gia láng giềng của TQ tìm kiếm sự bảo vệ từ Wasington, nhất là trong năm 2010, Bắc Kinh đã tuyên bố khu vực này là vùng lơị ich cốt lõi của mình.
Mỹ là đồng minh quân sự của Philippin và hạm đội của hai nước đang tiến hành tập trận chung trên biển. Trong 6 tháng đầu năm 2011, Mỹ đã thúc đẩy mạnh mẽ  hợp tác quân sự với VN. Đúng vậy, Ấn Độ đã tuyên bố rằng, nhờ mở rộng liên minh hải quân giữa Độ và VN nên hạm đội của Ấn Độ sẽ có mặt để đáp lại hành động bành trướng của TQ; đồng thời Ấn Độ cũng muốn bố trí lực lượng hải quân của mình tại Biển Đông. Nhìn toàn cảnh trên cho thấy, trong khu vực này có triển vọng hình thành một liên minh hùng mạnh với sự tham gia của Mỹ để chống lại TQ. Do vậy, Bắc Kinh phải tiến hành chính sách mềm dẻo hơn. Mới đây, tại cuộc gặp cấp Bộ trưởng TQ - ASEAN tại Bali, các bên đã tán thành dự thảo “lộ trình” về quy tắc hoạt động tại Biển Đông.  ASEAN cho rằng, nguyên nhân của văn bản này bị “đình trệ” trong suốt 9 năm qua là do lập trường của TQ. Hơn nữa, quan hệ giữa TQ với VN và Philippin đang căng nên văn kiện này chưa được thực hiện ngay.
Tình hình của các đảo ở Biển Đông đã lặp lại như ở biển Hoa Đông. Vừa rồi, Chánh Văn phòng Nội các NB, ông Yukio Edano đã tuyên bố rằng, nếu bên ngoài sử dụng vũ lực thì Tokyo cũng sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để bảo vệ quần đảo Senkaku (TQ gọi Điếu Ngư). Tuyên bố này ám chỉ gián tiếp tới các hoạt động thăm dò tài nguyên thường xuyên của TQ tại biển Hoa Đông và coi quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ của TQ. Đúng thế, NB cũng đang tranh chấp với HQ về chủ quyền đảo Dokto (NB gọi là Takeshima)./.
Theo Sonin
Trần Quang (gt)

17/08 PVF đã thu hồi 232 tỷ đồng nợ từ Vinashin trong 6 tháng


Thứ Tư, 17/08/2011 | 16:36

(Vietstock) – Tại báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm của Tổng CTCP Tài chính Dầu khí (HOSE: PVF), đơn vị kiểm toán Deloitte Việt Nam tiếp tục đưa ra lưu ý về tổng nợ tín dụng mà PVF đã cấp cho một số công ty thuộc Vinashin.

Theo đó, các khoản tín dụng tính đến 30/06 là hơn 1,129 tỷ đồng (giảm khoảng 170 tỷ đồng so với cuối năm 2010), trong đó gần 1,061 tỷ đồng là nợ quá hạn.
Deloitte Việt Nam cho biết đến thời điểm này PVF vẫn không thực hiện phân loại dư nợ gốc thành nợ xấu và không thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đối với các khoản vay.
Theo Deloitte Việt Nam, Ban Giám đốc của PVF đã tin tưởng vào khả năng thu hồi toàn bộ nợ từ các đơn vị của Vinashin. Thực tế là trong 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty đã thu hồi được khoảng 232 tỷ đồng (bao gồm 140 tỷ VND và hơn 4.47 triệu USD). 
Được biết, trong 6 tháng đầu năm, Công ty mẹ PVF đạt 232 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 12 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Viết Vinh

17/08 Giám đốc Nghiên cứu KEVS: 'VN-Index sẽ đạt 600 điểm vào giữa năm 2012'

Thứ 4, 17/08/2011, 16:28
TTCK VN đã ảm đạm trong suốt một thời gian dài. Sự ảm đạm này bao giờ sẽ chấm dứt? Theo ông Michael Kokalari, GĐ Điều hành Bộ phận Nghiên cứu Phân tích của KEVS, VN-Index sẽ đạt mốc 600 điểm vào giữa năm 2012.
"VN-Index sẽ đạt 600 điểm vào giữa năm 2012" - Đó là dự báo khá lạc quan của ông Michael Kokalari, Giám đốc Điều hành Bộ phận Nghiên cứu Phân tích của KEVS, về sức bật của chỉ số VN-Index.
NCĐT đã trao đổi với ông Michael Kokalari, Giám đốc Điều hành Bộ phận Nghiên cứu Phân tích Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS), xung quanh vấn đề này. 
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang xuống dốc. Theo ông, chỉ số VN-Index sẽ còn giảm xuống bao nhiêu nữa?
VN-Index sẽ xuống mốc 330-340 điểm và tôi nghĩ thị trường sẽ khó giảm hơn nữa. So với các thị trường khác trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đổ dốc nhưng từ từ.
Khi nào VN-Index rơi xuống mốc 340 điểm và tại sao lại là mốc này?
Tôi đã có 17 năm kinh nghiệm về thị trường chứng khoán nhưng cũng không thể dự đoán “khi nào”. Nhưng 330-340 là các mốc chiến thuật tốt và thị trường có thể bật lên trở lại từ các mốc này. Những điều kiện tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay không mấy khả quan vì lạm phát và lãi suất cao, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, triển vọng thị trường trong năm tới là khá sáng sủa.
Những nhà đầu tư đã lỗ hơn 50% vốn thì có nên cơ cấu lại danh mục đầu tư không?
Đương nhiên họ phải làm như vậy. Thông thường khi lỗ khoảng 10% hoặc hơn, nhà đầu tư nên nghĩ đến chuyện bán đi, cho dù điều này là không dễ.
Thị trường sẽ đi lên trong vòng 1 hoặc 2 năm tới?
Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu thị trường không đạt 600 điểm vào giữa năm sau. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư đã đến đây để khảo sát; một số đã gọi điện thoại hỏi ý kiến tư vấn của chúng tôi. Công ty chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo cho một nhóm nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 9 tới.
Họ đại diện cho 12 trong số 30 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, quản lý số vốn lên đến 1.500 tỉ USD. Nếu những nhà đầu tư này đến Việt Nam, quỹ của họ có thể sẽ đầu tư vào đây trong quý I hoặc quý II năm tới.
Ông thực sự tin rằng họ sẽ đầu tư?
Đúng vậy. Đại diện của một quỹ đầu tư lớn tại Mỹ từng dành ra 1 tiếng rưỡi để nói chuyện với tôi qua điện thoại. Điều này cho thấy họ tin tưởng vào thị trường Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Sau những bước tiến của Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan, Việt Nam là minh chứng mới cho mô hình chuyển đổi kinh tế của châu Á. Việt Nam đang bắt đầu quá trình chuyển đổi và tăng trưởng có được là nhờ tầng lớp trung lưu mới nổi và những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Cá nhân tôi rất tin tưởng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Nếu nhìn vào trình độ tay nghề, sự đầu tư cho giáo dục, tính cần cù và thông minh của người lao động, cơ cấu dân số trẻ thì rất dễ để nhìn thấy điều gì sẽ đến trong 5-10 năm tới.
Ông có cho rằng nhà đầu tư mới vẫn có thể kiếm tiền trong điều kiện hiện nay?
Hiện tại thì không nên mua vào. Tuy nhiên, giá nhiều cổ phiếu tại Việt Nam đang rẻ hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhà đầu tư có thể kiếm được nhiều tiền trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cần chú ý đến thời điểm lạm phát đạt đỉnh và bắt đầu đi xuống.
Lạm phát hiện nay vào khoảng 22%/năm. Tôi nghĩ lạm phát và lãi suất sẽ giảm đáng kể cùng một lúc, có thể vào cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay. Đó sẽ là chất xúc tác thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trở lại.
Làm thế nào để xác định đâu là cổ phiếu tốt?
Chúng ta có thể trông chờ vào làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm những cổ phiếu liên quan đến nhu cầu tiêu dùng nội địa và đến tầng lớp trung lưu mới nổi như cổ phiếu của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận hay Masan, Vinamilk.
Cũng có một số cổ phiếu nhỏ tốt, giá đang rất rẻ như cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty Cổ phần Đá ốp lát cao cấp Vinaconex hoặc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh.
Ông có mua cổ phiếu của Việt Nam không?
Đối với người nước ngoài, mở tài khoản giao dịch chứng khoán ở Việt Nam khá là phức tạp. Nhưng tôi muốn kiếm tiền thì tất nhiên phải mở tài khoản. Những người làm công việc như tôi, nếu không đầu tư tiền của mình vào thị trường, làm sao có thể đưa ra lời khuyên cho người khác?
Điều gì thực sự quan trọng trên thị trường hiện nay?
Thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ. Do đó, hệ số P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu), tăng trưởng thu nhập, lợi nhuận ròng và ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) là những chỉ số quan trọng.
Có cách nào để dự đoán được sự thay đổi giá cổ phiếu?
Trên thị trường chứng khoán, rất khó để dự đoán “khi nào” nhưng lại dễ dự đoán “ở đâu”. Nếu một công ty vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hằng năm, có thể dự đoán giá cổ phiếu công ty đó rồi sẽ tăng.
Nhìn vào giá trị và triển vọng của Việt Nam, tôi có thể nói rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng gấp đôi trong vòng 2 năm tới. Tôi nghĩ đây là điều chắc chắn. Nhưng đúng là trong năm ngoái tôi đã quá lạc quan và những gì tôi dự báo đã không xảy ra.
Theo Ngọc Trung
NCĐT