Tuesday, July 26, 2011

26/07 Phê chuẩn Hiệp định tài trợ cho Dự án "Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện" vay vốn WB


 (26/07/2011)
Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1205/TTg-QHQT đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định tài trợ cho Dự án "Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện" vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).
Nội dung chính của Hiệp định Tài trợ là WB cam kết cấp cho Việt Nam một khoản tín dụng trị giá 96,1 triệu SDR, tương đương khoảng 150 triệu USD theo các điều khoản quy định trong Hiệp định Tài trợ để thực hiện Dự án, Bộ Y tế là cơ quan chủ quản và cũng là chủ Dự án.

Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện gồm 3 cấu phần: (i) Tăng cường chính sách và năng lực thể chế; (ii) Hỗ trợ đầu tư cải thiện xử lý chất thải bệnh viện; (iii) Điều phối và hỗ trợ thực hiện. Các hoạt động của Dự án sẽ góp phần tích cực vào việc giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người thông qua việc cải thiện và nâng cao năng lực quản lý chất thải y tế phát sinh từ các bệnh viện ở Việt Nam. Dự án sẽ thực hiện trên toàn quốc theo danh mục các bệnh viện được lựa chọn. Thời gian thực hiện của Dự án là 6 năm (2011-2017), ngày hiệu lực của Dự án là vào ngày 29 tháng 8 năm 2011.

Trước đó, được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/5/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký với đại diện WB Hiệp định Tài trợ và các văn kiện pháp lý liên quan cho Dự án này (số hiệu 4899-VN).

SN

26/07 Ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục làm thủ tướng

Cập nhật: 09:58 GMT - thứ ba, 26 tháng 7, 2011


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước phiên khai mạc Quốc hội hôm 21/07
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa được Quốc hội Việt Nam bầu chọn tiếp tục nhiệm kỳ hai (2011-2016) với 94% phiếu bầu.
Đây là điều dư luận nói chung đã trông đợi và không gây bất ngờ vì ông là ứng cử viên duy nhất cho chức thủ tướng.
Tuy nhiên giới quan sát nước ngoài nói đang có lo ngại rằng ông Dũng, một người từng lãnh đạo ngành công an, có thể sẽ tìm cách siết chặt kiểm soát các quyền tự do trong nước vì từ năm 2009 tới nay, trong khi ông nắm chức thủ tướng đã có hàng chục người đấu tranh dân chủ bị bắt và bỏ tù.
Các nhóm hoạt động nhân quyền cũng cáo buộc chính phủ Việt Nam từng tổ chức chiến dịch trấn áp bất đồng chính kiến ngay trước kỳ Đại hội Đảng XI hồi tháng 1/2011.
Một nhà ngoại giao Á châu được AFP dẫn lời nói ông Dũng hiện đang trong thế mạnh vì có sự ủng hộ của phe an ninh và quốc phòng trong Đảng.
Trong khi gia tăng chế ngự và dập tắt các tiếng nói bất đồng, ông Dũng sẽ phải tìm liệu pháp hiệu quả cho nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn trầm trọng.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nhà kinh tế có uy tín trong nước, nhận xét: "Ông thủ tướng sẽ phải đối diện các thách thức to lớn về khắc phục nền kinh tế, vốn đã bị suy yếu nghiêm trọng trong nhiệm kỳ đầu của ông."
Đó là tình trạng lạm phát, thâm hụt thương mại và nợ nước ngoài ngày càng tăng.
Tiến sỹ Doanh cũng nói nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang trên bờ vực phá sản.

Niềm tin suy giảm

Hôm thứ Hai 25/07, Phòng Thương mại châu Âu cho hay các thành viên nói rằng niềm tin của họ vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang suy giảm.
Nhiều năm nay, chính phủ Việt Nam quá chú trọng tăng trưởng mà sao nhãng việc bình ổn nền kinh tế, và các vấn đề tiếp tục sâu thêm.
Tỷ lệ lạm phát trong nước hiện vào mức cao nhất trên thế giới, gây áp lực khổng lồ lên cuộc sống người lao động.
AFP cũng dẫn lời một chuyên gia, ông Vương Quân Hoàng thuộc công ty Nghiên cứu và Tư vấn DHVP, nói: "Người dân ngày càng hết kiên nhẫn với tình trạng lạm phát. Áp lực lên chính phủ trong lĩnh vực này cũng ngày càng mạnh mẽ."
Theo ông Hoàng, nền kinh tế Việt Nam đang trong một cuộc "khủng hoảng trầm trọng".
Tuy nhiên chính phủ nói các nỗ lực bình ổn kinh tế đang mang lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Tấn Dũng sinh năm 1949 tại Cà Mau.
Ông có trình độ chuyên môn là Cử nhân Luật.
Ông tham gia quân đội từ nhỏ, phục viên năm 1981 và công tác nhiều năm tại tỉnh Kiên Giang.
Năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành vị thủ tướng trẻ nhất Việt Nam. Ông là ủy viên Bộ Chính trị bốn khóa liên tiếp.

26/07 Ông Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử Thủ tướng


Thứ ba, 26/7/2011, 15:07 GMT+7


Chiều nay, với 94% phiếu bầu, ông Nguyễn Tấn Dũng (62 tuổi), cử nhân luật đã tái đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016. Bà Nguyễn Thị Doan (60 tuổi) tái đắc cử chức Phó chủ tịch nước.
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng 
Những kỳ vọng vào Thủ tướng

Quốc hội cũng bầu ông Trương Hòa Bình (56 tuổi) làm Chánh án TAND tối cao; ông Nguyễn Hòa Bình (53 tuổi) làm Viện trưởng VKSND tối cao.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày báo cáo kết quả thảo luận đoàn về dự kiến nhân sự Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao. Không có đại biểu nào giới thiệu thêm ứng cử viên cho các vị trí trên.
Với nhân sự Thủ tướng, đại biểu mong muốn Thủ tướng tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn trước mắt, kiềm chế lạm phát, nâng cao hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước, có cơ chế chính sách quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Tiến Dũng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Tiến Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quê Cà Mau, là cử nhân luật. Ông tham gia quân đội từ nhỏ, phục viên năm 1981 và công tác tại tỉnh Kiên Giang, lần lượt giữ các chức vụ Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy.
*Tiểu sử ông Nguyễn Tấn Dũng
Năm 1995, ông nhận nhiệm vụ tại trung ương với các chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Kinh tế trung ương. Hai năm sau, ông được Quốc hội thông qua chức Phó thủ tướng và sau đó được phân công làm Phó thủ tướng thường trực. Tháng 6/2006 ông trở thành Thủ tướng trẻ nhất Việt Nam kể từ năm 1975.
Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng là một trong những ủy viên Trung ương Đảng trẻ nhất khi được bầu vào khóa 6 (1986), lúc 37 tuổi. Liên tiếp các khóa 8, 9, 10, 11, ông là ủy viên Bộ Chính trị. Ông vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 13, khi ứng cử tại thành phố Hải Phòng.
Ảnh: Quang Xuân.
Các vị lãnh đạo Việt Nam nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh: Tiến Dũng.
Trong nhiệm kỳ vừa qua của Thủ tướng, tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn đạt mức cao, tổng sản phẩm quốc nội GDP cuối năm ngoái vượt mốc 100 tỷ USD. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao. Riêng năm 2011, Chính phủ phải ít nhất 3 lần điều chỉnh chỉ tiêu CPI từ 7% lên 17%.
*Ảnh: Năm 2010 bận rộn của Thủ tướng
Trong thông điệp đầu năm 2011, Thủ tướng cho biết, mục tiêu hàng đầu của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm soát lạm phát, khởi động mạnh quá trình tái cấu trúc kinh tế, cắt giảm các công trình chưa cần thiết, tập trung nguồn lực cho các dự án tạo ra năng lực sản xuất...
Như vậy sau 5 ngày làm việc, Quốc hội khóa 13 đã hoàn tất bầu các vị trí lãnh đạo cao nhất gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng 65 tuổi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều 62 tuổi. Cả 3 vị đều là ứng viên duy nhất cho các vị trí trên.
Bà Nguyễn Thị Doan, 60 tuổi, quê Hà Nam, là giáo sư, tiến sĩ về kinh tế, Phó chủ tịch nước nhiệm kỳ 2006-2011, đại biểu Quốc hội khóa 12, 13.
Ông Trương Hòa Bình, 56 tuổi, quê Long An, là thạc sĩ luật, Chánh án TAND tối cao nhiệm kỳ 2006-2011; đại biểu Quốc hội các khóa 10, 11, 12, 13.
Ông Nguyễn Hòa Bình, năm nay 53 tuổi, quê Quảng Ngãi, là tiến sĩ luật, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, đại biểu Quốc hội khóa 13.
Hồng Khánh - Nguyễn Hưng
Ý kiến bạn đọc ()Sắp xếp theo: 
Chúc mừng
Chúc ông hoàn thành trọng trách Thủ tướng Chính phủ do nhà nước và nhân dân giao.
(kim hoa)

Lời chúc mừng
Chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử. Mong ông luôn mạnh khỏe và đầy sự khôn ngoan để xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
(Truong Thanh Long)

Chúc mừng
Chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (bác Ba Dũng) tái đắc cử nhiệm kỳ 2011 -2016. Cháu chúc bác Dũng thật nhiều sức khỏe để lãnh đạo đất nước thêm giàu mạnh và phồn vinh hơn nữa.
(Nhân đạo)

Chào đón ngài Thủ tướng trong nhiệm kỳ mới
Có thể nói trong nhiệm kỳ vừa qua có rất nhiều yếu tố quốc tế tác động đến việc điều hành nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm qua. Các yếu tố trên thường nằm ngoài dự đoán của các nhà chính sách quốc tế và Việt Nam. Dù vậy nhiệm kỳ qua được xem là thành công của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã giúp Việt Nam vượt qua nhiều thách thức về kinh tế và điều hành vĩ mô.
Có thể nói những thành công rõ ràng nhất là chính sách điều chỉnh về tỉ giá và giá vàng trong nước. Chưa bao giờ chúng ta thấy giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi hay tỉ giá USD/VND của thị trường chợ đen lại thấp hơn tỷ giá ngân hàng. Chỉ những thành công nhỏ này thôi đã giúp Việt Nam giải quyết nhiều tình huống về thiếu hụt ngoại tệ.
Theo tôi vậy là thành công rồi và trong nhiệm kỳ này ngài Thủ tướng cần chú ý đến các vấn đề xã hội khác trong nước như môi trường, chủ quyền biển đảo, khai thác tài nguyên, lạm phát và tăng trưởng kinh tế bền vững...
(Nguyễn Anh Tuấn)

Chúc mừng ông Nguyễn Tấn Dũng
Hy vọng nhiệm kỳ mới, Thủ tướng sẽ điều hành đất nước tốt hơn!
(Lý Kiến Trung)

Hy vọng ở nhiệm kỳ mới
Hy vọng ông Nguyễn Tấn Dũng ở nhiệm kỳ mới sẽ kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, mang nhiều phúc lợi, cải thiện cuộc sống cho người dân, đưa VN ngày càng phát triển giàu mạnh.
(Nhân Đức)

Chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Mặc dù nhiệm kỳ trước của ông (2006 - 2011) rơi vào thời điểm rất khó khăn, khủng hoảng tài chính toàn cầu, rồi đến khủng hoảng nợ công tại châu Âu, lạm phát, khủng hoảng biển Đông... nhưng Việt Nam vẫn giữ vững được ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao được vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Với thế và lực đó, mong ông cùng các vị lãnh đạo của Việt Nam tiếp tục đưa đất nước tiến lên "sánh vai các cường quốc năm châu".
( Lê Hồng Đức )

Đóng góp ý kiến xây dựng đất nước
Hy vong kỳ này Thủ tướng nên quan tâm nhiều đến:
1- Quy hoạch các thành phố và nông thôn,đường giao thông, đường sắt, việc này phải đi trước tránh xây dựng rồi lại phải phá đi (thủ đô Paris của Pháp 300 năm không phải xây dựng lại).
2- Chú trọng công nghiệp phát triển thiết bị nhất là trong lĩnh vực xây dựng tránh phải mua nhiều từ nước ngoại.
3- Nhanh chóng bỏ thi vào đai học để nhiều người có cơ hội hơn.
4- Xây dựng nhiều hơn nữa bệnh viện để đảm bảo nhu cầu của nhân dân và nhất là bệnh viện dành cho trẻ em.
5- Xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí để đáp ứng được nhu cầu khách du lịch nước ngoài, mạnh tay trong viêc miễn visa cho những nước phát triển.
( Hồ Đại Minh )

Hy vọng Việt Nam sẽ phát triển
Hy vọng các lãnh đạo trừng trị kẻ tham những và là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
(dai vuong
)

26/07 Những kỳ vọng vào Thủ tướng


Thứ ba, 26/7/2011, 11:20 GMT+7


Kiềm chế lạm phát, giảm đà tăng giá lương thực, đẩy mạnh chống tham nhũng, cơ cấu lại các tập đoàn, phát triển kinh tế biển... là mong muốn của đại biểu Quốc hội, cử tri với Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục được đề cử làm Thủ tướng

Ảnh: Tiến Dũng.
Chiều nay, Quốc hội bầu Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh: Tiến Dũng.
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (67 tuổi, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học TP HCM): "Cách chức những người không hoàn thành nhiệm vụ".
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc. Ảnh: Tá Lâm.
Thứ nhất, tôi kỳ vọng Thủ tướng nhiệm kỳ mới sẽ đẩy mạnh chống lãng phí và lạm phát, trước hết là phải giảm chi tiêu công và hủy bỏ dự án đầu tư không hiệu quả. Hiện nay, chúng ta đang rất lãng phí trong quy hoạch và đầu tư. Nhiều quy hoạch không thực tiễn và chưa hợp lý gây lãng phí rất lớn.
Thứ hai, tôi mong Thủ tướng cải cách giáo dục để cho xã hội lành mạnh hơn. Hiện nay, tôi thấy bất an về thực trạng nền giáo dục của nước ta đang xuống cấp trầm trọng trong đào tạo nhân cách con người, dẫn đến nhiều hậu quả xã hội.
Thứ ba, tôi kỳ vọng Thủ tướng mở rộng hành lang pháp lý để khoa học phát triển. Hiện nay khoa học của Việt Nam chưa đóng vai trò là động lực phát triển đất nước, của các doanh nghiệp. Mong Chính phủ tạo điều kiện cho các nhà khoa học làm việc, cống hiến và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế và quốc phòng của đất nước.
Tôi đề nghị Thủ tướng và Chính phủ cách chức những người nào không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời phải lựa chọn những người có tâm huyết và có năng lực để phát triển đất nước.
Chị Nguyễn Thị Nhã (25 tuổi, quận 9, TP HCM): "Kỳ vọng Thủ tướng sẽ đi thực tế nhiều hơn".
Chị Nguyễn Thị Nhã. Ảnh:Tá Lâm.
Tôi kỳ vọng Thủ tướng sẽ dành nhiều thời gian đi thực tế, xuống tận nhà lắng nghe ý kiến của người dân. Nhiều vấn đề dân kêu, chính quyền hứa, chúng tôi mong mỏi, chờ đợi rồi hy vọng, nhưng mãi vẫn không giải quyết được như ngập nước, ô nhiễm môi trường...
Tôi mong Thủ tướng một lần đi chợ sẽ thấy được giá cả leo thang như thế nào. Một ngày không đi chợ thấy giá cả đã thay đổi chóng mặt rồi. Ngày trước 8.000-10.000 đồng tiền mua rau là ăn hoài không hết, bây giờ phải 17.000-18.000 đồng có khi còn không đủ. Các vị lãnh đạo phải có quyết sách kìm giá để người dân bớt khổ.
Đại tá, bác sĩ quân y Lê Quang Toản (83 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội): "Không cần tăng lương, chỉ mong giá lương thực, thực phẩm giảm"
Điều tôi chờ đợi ở Thủ tướng khóa mới là làm sao giữ được giá cả ổn định. Giá lương thực, thực phẩm ổn định mới là điều quan trọng chứ không phải tăng lương, vì lương có tăng bao nhiêu thì cũng không bù được trượt giá hiện nay. Tình hình an ninh đất nước trong thời gian qua có một số vấn đề. Tôi mong Chính phủ không tiếp tục để xảy ra thêm vụ việc nào tương tự như vụ Mường Nhé vừa qua.
Ảnh: Tá Lâm.
PGS Lê Kế Lâm. Ảnh: Tá Lâm.
PGS.TS Lê Kế Lâm (Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP HCM): “Cơ cấu lại nền kinh tế biển”.
Tôi kỳ vọng Thủ tướng sẽ cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế quốc dân, trong đó có kinh tế biển. Năm 2020, kinh tế biển dự báo chiếm 53-55% GDP, nên ngay bây giờ, cần phải có bước thăm dò, điều tra lại thực trạng nền kinh tế biển để có chiến lược phát triển theo từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm…
Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta có phát triển nhưng chưa bền vững (bán tài nguyên, sản phẩm thô, xuất khẩu lao động phổ thông...). Chính phủ phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, gắn kết được phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Tôi cũng mong Thủ tướng quyết liệt chống tham nhũng. Nếu không chống được tham nhũng thì rất khó huy động được sức mạnh của toàn dân.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm: "Không để lặp lại những vụ như Vinashin"

ong kiem
Ông Cao Sĩ Kiêm. Ảnh:Tiến Dũng.
Tôi hy vọng rằng Thủ tướng sẽ điều hành Chính phủ tốt hơn, hiệu lực và tập hợp được lực lượng nhiều hơn. Đấy là hy vọng không chỉ của riêng tôi mà của tất cả cử tri và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
Theo tôi, có 2 việc rất quan trọng với Thủ tướng, đầu tiên là bắt tay vào chống lạm phát vì muốn cho sản xuất ổn định, đời sống được giữ vững, tình hình phát triển bền vững thì phải giải quyết vấn đề này. Nếu không giải quyết được lạm phát thì tất cả các mục tiêu ấy sẽ rất khó khăn. Xa hơn là phải cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới cơ cấu, xem xét hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn lực và hoàn chỉnh hệ thống thể chế.
Vinashin không phải là vấn đề của riêng nó mà là của các tập đoàn ở nước ta. Việc giải quyết cũng phải rất hệ thống và cơ bản. Thứ nhất là phải xác định lại nhiệm vụ, chức năng của tập đoàn. Thứ hai là rất chú ý tới công tác nhân sự. Thứ ba là tăng cường, kiểm soát tập đoàn này. Đây là "địa chỉ" tiêu tiền nhà nước lớn nhất nhưng cũng có đóng góp, là vị trí trụ cột của đất nước. Nếu để lỏng, không kiểm soát được hoặc có những rủi ro, lực lượng này có thể làm cho kinh tế đất nước suy giảm rất nhanh.
Tá Lâm - Nguyễn Hưng - Tiến Dũn
g

26/07 "Sửa Hiến pháp: cưỡng đoạt hay tái sinh?"



Cập nhật: 11:04 GMT - thứ ba, 26 tháng 7, 2011
Tân Chủ tịch QH Nguyến Sinh Hùng
Quốc hội VN khóa 13 sẽ có nhiệm vụ sửa Hiến pháp quốc gia lần thứ năm, tính từ năm 1946.
Như vậy là các vị trí lãnh đạo Quốc Hội, Nhà Nước, Đảng và Chính quyền Việt Nam đã được xác định cơ bản xong.
Quốc hội khóa 13 hiện nay mà người cầm cương là ông Nguyễn Sinh Hùng, tân Chủ tịch Quốc hội, sẽ có một nhiệm vụ quan trọng là sửa đổi bổ sung bản Hiến pháp được Đảng và Nhà nước dựa vào đó để lãnh đạo toàn thể đất nước và xã hội Việt Nam cho tới nay.
Bài viết này, đồng thời, là một thông điệp mở gửi tới các vị tân Chủ tịch nước, tân Tổng Bí thư, tân Thủ tướng cùng nội các Chính phủ và đặc biệt là tới vị tân Chủ tịch QH và toàn thể Đại biểu Quốc Hội khóa 13.
Như các vị biết, trong những ngày này, nhiều người đã phát hiện ra nguy cơ đất nước bị cưỡng đoạt từ biển, từ biên giới, từ đất, từ nền kinh tế và lên tiếng bảo vệ.
Nhưng có một nguy cơ khác, mà có thể nhiều người chưa quan tâm, là đất nước của toàn dân còn có nguy cơ bị cưỡng đoạt ngay từ sai lầm trong khâu thiết kế những luật gốc mang tính khế ước xã hội, như ở việc sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp (HP) có thể buộc hệ thống lãnh đạo xã hội phải cân bằng quyền lực và giám sát giữa các lực lượng để đảm bảo các quyền cơ bản của mọi công dân. Bộ máy quyền lực muốn tồn tại thì chỉ có con đường duy nhất là phải phục vụ cho lợi ích toàn dân, không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo v.v…
Nhưng thực tế cũng cho thấy, HP có thể mở ra quyền lực vô biên cho một nhóm trong số người cầm quyền, để họ biến đất nước, biến các công dân khác trở thành nô lệ cho họ.
Sửa HP là một công việc rất hệ trọng. Cần phải hết sức cảnh giác. Đất nước có thể được hồi sinh nếu có một HP tốt. Đất nước cũng có thể bị cưỡng đoạt khỏi tay nhân dân, dìm nhân dân vào thảm họa nếu việc sửa đổi đó chỉ nhằm thể chế hóa quyền lợi của một nhóm lợi ích hay một tập đoàn đặc quyền, đặc lợi và các biến thể của chúng.
“Càng sửa càng rối”
Mấy năm nay, đã nhiều lần lãnh đạo Quốc hội (QH) VN mở những cuộc hội thảo bàn đến tính cấp bách của việc sửa đổi Hiến pháp.
Lãnh đạo VN (Reuters)
Ê-kíp lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước VN và Chính phủ VN lần này đều không phải là những khuôn mặt mới.
Và một thực tế là từ năm 1946 đến nay, HPVN đã sửa tới bốn lần, thế nhưng theo nhiều nhà chuyên môn, càng sửa, HP càng giống cương lĩnh hoặc một phần nghị quyết của Đảng CSVN hơn là một HP công bằng và khoa học dành cho toàn dân VN. Càng sửa thì lỗi hệ thống càng rối và tỏ ra càng nặng hơn, chứ không hề thuyên giảm.
Theo cựu Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, trong bài trả lời phỏng vấn Tuần Vietnam ngày 24/6/2010, thì từ HP sửa đổi 1959, nhân dân mất quyền lập hiến đã được quy định trong HP 1946. Quyền lập hiến trực tiếp của dân bỗng dưng phải chuyển cho QH. Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập hiến của dân cho QH cả, mà là do QH tự quyết định giao quyền lập hiến cho mình.
Như vậy, dân từ chỗ là người chủ trực tiếp của đất nước, thì lại bị tước đoạt mất quyền đó và chuyển sang làm chủ gián tiếp thông qua QH. Dân mất cả quyền phúc quyết HP và những vấn đề quan trọng của đất nước.
QH vừa lập hiến vừa lập pháp - vừa “đá bóng vừa thổi còi” –và ngày càng xa rời bản chất dân chủ của nhà nước, “chuyển từ dân chủ sang “quốc hội chủ”. Với khoảng 90% đại biểu QH là đảng viên, “về hình thức thì QH quyết, nhưng thực chất là đảng quyết”. Quyết định của QH chỉ là quyết định mở rộng trong nội bộ Đảng.
Chính nguyên Chủ tịch QH, ông Nguyễn Phú Trọng, nay đã là Tổng Bí thư Đảng CSVN, đã phát biểu trong cuộc họp UBTVQH ngày 18/4/2009 rằng đầu nhiệm kỳ QH, Đảng đoàn QH đã có tờ trình với Bộ Chính trị về sửa đổi HP.
"Với khoảng 90% đại biểu QH là đảng viên, “về hình thức thì QH quyết, nhưng thực chất là đảng quyết”."
Nhà văn Võ Thị Hảo
Trước đó, tháng 2 năm 2008, Bộ CT đã làm việc với Đảng đoàn QH và trả lời là phải chờ thông qua cương lĩnh mới. Sửa HP cái gì thì phải khớp với cương lĩnh, cho nên mới thôi không đặt vấn đề nữa…giờ có vấn đề gì cấp bách thì các cơ quan chủ trì các dự án luật nghiên cứu, đề xuất, trình xin… Quý vị có thể lật lại để tìm Báo Pháp luật TPHCM, bài “Sửa đổi HP- yêu cầu cấp bách” ngày 18/4/2009 để nhớ lại chi tiết này.
Tôi nghĩ rằng, nếu căn cứ quy định của HP hiện hành, thì QH chỉ được sửa đổi HP theo nguyện vọng của toàn dân, Đảng phải căn cứ các quy định của HP để thiết kế một cương lĩnh hoạt động phục vụ toàn dân chứ không thể buộc QH phải sửa HP theo cương lĩnh của Đảng.
Và ngay tại điều 4 của HP, trích dẫn tại đây, cũng đã ghi rõ: “mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ HP và pháp luật”.
Rõ ràng, ít nhất, theo quy định này, Đảng không thể bắt buộc HP chạy theo cương lĩnh Đảng. “…văn kiện của Đảng là đặc quyền của một số người,” như cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc trong bài “Đã đến lúc không thể né tránh những vấn đề cốt tử” - Tuần Vietnam- 2/9/2010 từng nói.
“Sửa là cần, nhưng…”
HP hiện nay, theo ông Nguyễn Văn An, là “theo khuôn mẫu của Cộng hòa Xô viết,” khi ý kiến của ông được giới thiệu trên Tuần Vietnam , số ngày 24/6/2010.
Tượng lãnh tụ Cộng sản
Thể chế cộng sản ở Liên Xô đã sụp đổ và giải thể cách đây 20 năm sau khi không thể tiếp tục chế độ Đảng trị được mãi.
Theo nhận định của nhiều nguyên thủ quốc gia và giới sử học, như chúng ta đã biết, đó là một khuôn mẫu lạc hậu, gây ra nhiều dị dạng và tác hại cho nhân dân Liên Xô cũ, mà chính bản thân nước này đã tự từ bỏ thể chế này cách đây đã 20 năm.
Toàn hệ thống XHCN đã tự sụp đổ là do “lỗi hệ thống”, mà người ta không thể dùng luận điệu đổ cho “diễn biến hòa bình” để che giấu lỗi hệ thống này.
Tại các nước trong hệ thống XHCN, Hiến pháp, thay vì là bản khế ước xã hội để đảm bảo các quyền đương nhiên và cơ bản của mọi công dân, thì lại bị một nhóm người có quyền lực coi đó chỉ là công cụ để thể chế hóa đường lối của Đảng CS mà thôi.
VN cần cảnh giác với “vệt bánh xe đổ” này. Cần ngăn chặn nguy cơ càng sửa, càng xa rời nền dân chủ, càng sửa càng là một sự cưỡng đoạt.
Trong nhiều cuộc góp ý sửa đổi HP, cựu Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc thừa nhận nguyên tắc tập trung dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghĩa là sự phân công nhiệm vụ của đảng cho ba nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Mỗi cơ quan đó đều có một đơn vị đảng và các đảng viên nắm giữ chủ chốt cơ quan đó. Điều này tạo nên sự chồng chéo quyền lực và trách nhiệm. Khi quyền lực không được kiểm soát, có thể tạo sự cấu kết giữa ba lực lượng trên vốn đã bị thâu tóm về một mối, gây hại cho xã hội.
Từ bản chất ấy, đã sinh ra một “lỗi hệ thống” trầm trọng. Hậu quả ngày càng rõ ràng và đe dọa sự tồn vong của đất nước. Sự tham nhũng, mất dân chủ và tác hại của các phe nhóm trục lợi dựa vào quyền lực ngày càng trầm trọng và không có giới hạn. Nền kinh tế bị tàn hại, nạn thất nghiệp tăng cao và nhiều người dân bị bần cùng hóa do lạm phát…
"VN cần cảnh giác với “vệt bánh xe đổ” này. Cần ngăn chặn nguy cơ càng sửa, càng xa rời nền dân chủ, càng sửa càng là một sự cưỡng đoạt."
Nhà văn Võ Thị Hảo
Tệ nạn côn đồ cướp bóc chém giết công khai ngày càng phát triển. Người thi hành công vụ ở nhiều nơi đã hung hãn tới mức giết chết dân lành ngay trước mặt nhiều người mà vẫn được cấp trên và đồng nghiệp che chắn bảo vệ.
Ngay cả lòng yêu nước và tinh thần bảo vệ Tổ quốc hoàn toàn chính đáng và không trái Hiến pháp, pháp luật, cũng đã bị công khai đàn áp theo xu hướng vi phạm pháp luật hoặc lạm quyền.
Như thế, sửa HP 1992 là cần thiết. Nhưng các Đại biểu QH và toàn dân cần hết sức đề phòng, ngăn chặn xu hướng cưỡng đoạt quyền tự do dân chủ của nhân dân trong khi sửa HP, mà như chính cựu lãnh đạo QH Nguyễn Văn An công nhận:
“…trên thực chất là tập thể chuyên chế. Đó là sự biến tướng, tiếm quyền. Tức là về mặt hình thức có thể là cộng hòa hay dân chủ cộng hòa, nhưng thực chất vẫn có thể là chuyên chế.”
“Không thể tước đoạt”
Quốc hiệu của VN ghi rất rõ hai chữ “cộng hòa”. Điều này quy định về thể chế chính trị. Người chủ đất nước không phải là Vua, hay một tập thể, đảng phái nào đó, mà thay vào đó, phải là dân – không phân biệt thành phần, giới tính, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo…
Quốc hội Việt Nam
Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục là công cụ pháp lý của riêng Đảng Cộng sản VN trong bao lâu nữa?
Để minh định vấn đề này, có thể hình dung qua một thí dụ khách quan.
Giả sử có một Đảng- tạm gọi là Đảng Ăn – tồn tại ở VN và đảng này hấp dẫn tới mức 99 % dân số VN đều là đảng viên của đảng Ăn - ai mà chẳng phải ăn cơ chứ - thì về nguyên tắc lập hiến và lập pháp, đảng này có quyền ghi vào Hiến pháp rằng: “Đảng Ăn là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” được không?
Đương nhiên là không! Đảng Ăn dù chiếm tới 99% dân số cả nước, nhưng vẫn còn 1% công dân không thuộc Đảng Ăn, họ chọn Đảng Uống chẳng hạn, hoặc không đứng trong Đảng nào.
Không ai có thể tước đoạt quyền làm chủ đất nước của 1% dân số đó bằng cách hợp hiến hóa, thể chế hóa quyền lợi của đảng Ăn. Thiên vị người này, nhóm người này, tức là tước đoạt quyền lợi của người khác.
Nếu quy định tại HP rằng đảng này hay đảng kia là lực lượng lãnh đạo xã hội, vô hình chung là bất công, lạm quyền, là đường ray đưa tới lạm dụng và bạo lực.
Để đảm bảo quyền tự do, quyền sống đương nhiên của mọi người, thì không một giai cấp, tầng lớp nào của đất nước lại được coi hoặc tự bầu chọn là nền tảng của thể chế chính trị của nước đó.
"Một đảng nào đó, dẫu có chiếm tới 99% dân số, nhưng đó chỉ là một tình trạng nhất thời của một đất nước, không thể đại diện lâu dài cho quyền lợi của toàn dân, cho cả nước được. Vì thế, hoàn toàn không có quyền ghi vào HP rằng họ là lực lượng lãnh đạo đất nước"
Nhà văn Võ Thị Hảo
Tương tự, cũng không ai được phép thể chế hóa sự ưu đãi cho một lực lượng nào đó bằng HP, vì như thế là đã dùng quyền lực mà triệt tiêu hoàn toàn sự lựa chọn của người dân trong mọi trường hợp và tạo ra một thể chế chính trị sớm muộn gì cũng đi tới sự độc tài và méo mó.
Một đảng nào đó, dẫu có chiếm tới 99% dân số, nhưng đó chỉ là một tình trạng nhất thời của một đất nước, không thể đại diện lâu dài cho quyền lợi của toàn dân, cho cả nước được. Vì thế, hoàn toàn không có quyền ghi vào HP rằng họ là lực lượng lãnh đạo đất nước.
Trong tương quan đó, có thể hiểu được ý kiến phản đối của nhiều nhà chuyên môn khi Đảng CS - hiện có khoảng 3 triệu đảng viên, chiếm chưa đầy 3% dân số VN, mà lại quy định trong HP rằng đó là lực lượng lãnh đạo xã hội.
Đảng Cộng sản có thể lãnh đạo xã hội, nhưng họ phải giành được điều đó bằng thông qua cạnh tranh công bằng, xác đáng và chứng tỏ uy tín, năng lực thực sự, qua các kỳ bầu cử tự do dân chủ không phải giả hiệu, và phải cạnh tranh sau mỗi nhiệm kỳ, không phải bằng sử dụng sức mạnh hay bạo lực để hợp hiến hóa quyền lợi và quyền lực.
“Những quyền đương nhiên”
Điều này đã được khẳng định trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc mà VN đã cam kết thực hiện từ nhiều năm nay. Trong đó quy định rõ:
Trấn áp biểu tình
Quốc hội không thể không có ý kiến trước các sai phạm vi hiến của Đảng và Chính quyền.
‘Những quyền tự nhiên của con người không thể bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Những quyền này cũng không được xóa bỏ hay chuyển nhượng.
‘Các chính phủ được thành lập không phải để ban phát quyền tự do cơ bản, mà CP được lập ra để bảo vệ các quyền tự do đó- các quyền mà mọi cá nhân hiển nhiên có do sự tồn tại của mình và được tạo hóa ban cho.
‘Các quyền đó chỉ có được trong một nền dân chủ, không bị pháp luật bãi bỏ cũng như không phụ thuộc ý muốn nhất thời của đa số cử tri nào đó.’
Để bảo vệ những quyền đương nhiên này, HP sửa đổi tới đây cần đề ra những quy định nghiêm cấm QH hay bất kỳ ai thông qua các luật vi phạm tới các quyền tự do của người dân, như quyền phúc quyết HP, quyền tự do ngôn luận, tự do hội hop, tự do tôn giáo và bày tỏ chính kiến…
Phải quy định rõ, những quyền đương nhiên của người dân phải được đảm bảo trong mọi trường hợp và trong mọi thời đại và tất cả mọi quy định, hành xử trái HP dù của bất kỳ ai, cũng đều phải bị coi là phạm tội và bị pháp luật trừng trị.
Và cũng phải cảnh giác ngăn ngừa ngay cả sự giả hiệu hoặc ngầm ép buộc trong việc trưng cầu dân ý, việc phúc quyết HP và nhiều vấn đề khác. Bởi vì, trong hoàn cảnh quyền tự do căn bản của người dân chỉ mang tính hình thức, như chính các vị cựu lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, QH đã thừa nhận, thì nhiều khi kết quả trưng cầu dân ý thực chất chỉ là sự đánh lừa, sự hợp thức hóa cho một chế độ phi dân chủ.
“Cơ hội hay chết?”
Cần xác định rõ rằng, sửa HP là một thời cơ để trả lại quyền tự do và dân chủ, quyền lập hiến trực tiếp của toàn dân. Đây cũng là cơ hội để cứu nước, bảo vệ chủ quyền VN, lấy lại lòng tin của nhân dân.
Đây là cơ hội vàng cho thể chế chính trị của VN chuyển đổi một cách nhẹ nhàng, trong danh dự, sang một thể chế thích hợp hơn.
"Nếu nhà cầm quyền không muốn tự tay châm ngòi cho một cuộc “cách mạng hoa lài” hay “hoa sen” hay bất cứ thứ hoa gì nữa vốn được cho là tất yếu diễn ra tại VN, với nhiều trả giá xương máu cho cả hai bên, thì chớ bỏ qua thời cơ này"
Nhà văn Võ Thị Hảo
Thực ra, chưa bao giờ nhà cầm quyền VN lại được đứng trước một cơ hội chuyển đổi thuận lợi như bây giờ, để họ lấy lại được lòng tin của nhân dân, cải cách thể chế, bảo vệ chủ quyền đất nước mà vẫn giữ được quyền lợi to lớn của họ như hiện nay.
Thực ra, đó chỉ là nghệ thuật xử lý khủng hoảng, tỉnh táo nhận ra đâu là chỗ cần phải dừng vĩnh viễn bàn tay trấn áp lại, trước khi quá muộn để không đẩy nhân dân phẫn nộ thêm nữa khiến họ quyết liệt hơn bao giờ hết quay lưng lại với chính quyền.
Nếu nhà cầm quyền không muốn tự tay châm ngòi cho một cuộc “cách mạng hoa lài” hay “hoa sen” hay bất cứ thứ hoa gì nữa vốn được cho là tất yếu diễn ra tại VN, với nhiều trả giá xương máu cho cả hai bên, thì chớ bỏ qua thời cơ này.
Tái sinh hay cưỡng đoạt? Câu hỏi và cơ hội mở. Cây gậy phù phép đang nằm trong tay những nhà sửa đổi HP. Nhưng toàn dân cần giám sát và không thể thờ ơ, nếu không muốn đi tới “một cái chết được báo trước”./.
Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm riêng của tác giả, nhà văn, nhà báo, họa sỹ Võ Thị Hảo, đang sinh sống tại Hà Nội.

Thêm về tin này