Thursday, May 27, 2010

26/05 “Đến Việt Nam thì gặp Lợi nhé!”


Thứ Tư, 26/05/2010, 07:14 (GMT+7)
TT - Ngày ngồi bán chè lề đường, tối học tiếng Nhật, khuya lên mạng gặp gỡ bè bạn khắp năm châu. Suốt tám năm qua, Lê Phương Nhật Lợi đã âm thầm giới thiệu không chỉ món chè mình nấu mà cả danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa lẫn tinh thần tốt đẹp của người VN ra ngoài biên giới.

Chị Lê Phương Nhật Lợi và Taka, sinh viên năm 1 khoa Việt Nam học, ĐH Khoa học, xã hội và nhân văn TP.HCM - Ảnh: Mễ Thuận
Một trưa tháng 5, có nhóm người tụ lại bên gốc cây phía đối diện cổng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Giữa vòng vây ấy là chị bán chè tên Lợi đang liến thoắng thuyết minh cho hai cậu sinh viên Nhật Bản tên Taka và Yama hiểu về cách chế biến các món chè truyền thống VN. Nghe Lợi nói, Taka phải thán phục thốt lên bằng thứ tiếng Việt lơ lớ mới học được: “Cô ấy nói tiếng Nhật giỏi quá!”. Còn Yama thì không ngớt quay những thước phim về chị bán chè đặc biệt này.
Từ một tình bạn
"Dù chỉ là người bán chè lề đường nhưng tôi muốn góp phần gửi gắm một thông điệp về đất nước VN hiền hòa, thật đẹp, thật hiếu khách đến bạn bè thế giới"
Lê Phương Nhật Lợi
Những câu chuyện quanh nồi chè lề đường như thế của Lợi đã trở nên quen thuộc từ lâu lắm trước cổng Trường ĐH KHXH&NV. Nhiều sinh viên và giảng viên khi đi ngang quầy chè của Lợi đã phải ngạc nhiên hỏi tới: “Ai phụ Lợi bán chè thế? Sao lại có người phụ việc xinh đẹp thế?”. Lợi nhanh nhảu: ““Học trò” tôi đó. Em ấy là phóng viên truyền hình Nhật Bản, không xinh mới lạ!”. Lần khác, người ngồi với Lợi lại là một cô thạc sĩ, một chàng nghiên cứu sinh... hoặc một người nước ngoài du lịch đến VN.
Chuyện tưởng khó tin ấy bắt nguồn từ việc Lợi có một cô bạn người Nhật vô cùng thân thiết tên Momoko Kozu. Họ kết bạn cũng thật ly kỳ: Năm 2002, Momoko du lịch đến TP.HCM và đánh rơi chiếc bóp bên hông Nhà hát TP. Đang bồng con nhỏ mới 1 tuổi đến chơi ở đó, Lợi nhặt được và tìm trả bóp cho Momoko. “Điều này trái ngược với lời của thầy tôi cảnh báo rằng ở VN không mấy ai đáng tin, nhất là những người gặp ở ngoài đường” - Momoko nói. Hai năm sau, Momoko quyết định trở lại VN thực tập, cô lần theo địa chỉ được Lợi ghi vào sổ tay năm nào để tìm đến nhà.
“Khi nhận ra nhau thì tình bạn giữa chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết. Bởi hai chúng tôi rất giống nhau: giống nhau cười, giống nhau nói và giống nhau vô tư trong suy nghĩ” - Momoko mô tả về Lợi và mình bằng tình cảm và cách phát âm hồn nhiên. Từ đó về sau, Momoko luôn giới thiệu với bạn bè: “Đến VN thì gặp Lợi nhé! Các cậu có thể nhờ cậy Lợi mọi chuyện”. Đúng như lời Momoko, tất cả những ai tìm đến Lợi đều được chị vô tư giúp mọi chuyện: dạy tiếng Việt, dẫn đi chợ mua sắm để không bị “cắt cổ”... và nhất là làm hướng dẫn viên du lịch kiêm thiết kế tour theo dạng “homestay” (hình thức du lịch mà khách tham quan đến ở tại nhà người dân).
Chị bán chè quê gốc Quảng Ngãi này giải thích thêm rằng từ nhỏ vốn rất khát khao trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, ước mơ được giới thiệu những danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa lẫn tinh thần tốt đẹp của người VN với bạn bè trên thế giới. Nhưng do gia cảnh nghèo khó, Lợi phải tự kiếm sống từ năm 13 tuổi, bỏ dở việc học từ năm lớp 10. Vậy nên khi Momoko giới thiệu Lợi quen các sinh viên, nghiên cứu sinh, tình nguyện viên đến từ Nhật là Lợi mừng lắm, luôn sẵn sàng sắm vai một hướng dẫn viên du lịch. “Vừa giúp bạn vừa thỏa đam mê của mình mà!” - Lợi thật thà.
Vậy là từ câu chuyện quanh nồi chè, những chuyến đi Hội An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận... cứ thế được ra đời theo hình thức homestay (thông qua những bạn bè mà Lợi quen biết). Có bạn về Nhật rồi viết lên blog cá nhân trên trang Mixi.jp rằng: “Quảng Ngãi, Bình Thuận chính là những vùng quê nghèo khó nhất VN nhưng con người ở đó vô cùng hiền hòa dễ mến”.
Đọc những trang viết như thế, lúc trước tuy mới mày mò học tiếng Nhật nhưng Lợi cũng cố gắng nhờ bạn lập một tài khoản để có thể “nhảy” vào sửa lưng: “Quảng Ngãi và Bình Thuận chưa phải là vùng quê nghèo khó nhất đâu. Ở trên Tây Bắc hoặc Tây nguyên còn có nhiều người khó khăn hơn nhiều. Những con người ở đó cũng dễ thương lắm”.
Tám năm quen Momoko và nhiều bạn Nhật khác, thêm hai năm chính thức theo học tiếng Nhật để có thể mỗi đêm lên mạng Mixi.jp giao lưu với những người bạn dùng tiếng Nhật từ khắp năm châu một cách thành thạo hơn, Lợi không nhớ đã quen bao nhiêu bạn bè dùng tiếng Nhật. Chỉ nhớ rằng cô cậu Nhật nào tìm đến với mình, Lợi cũng luôn tranh thủ thời gian dẫn các bạn đi chợ, đi ăn, đi dạo phố... để họ cảm nhận và hòa nhập được với lối sống của người Việt để họ thêm quý, thêm yêu VN hơn.
Cứ thế, những tiết học thực tế sinh động đã giúp các bạn sinh viên Nhật có được vốn từ vựng phong phú đến mức có bạn chỉ sau ba tháng gắn bó với Lợi, lúc trở lại trường họ đã có thể thi đỗ bằng B tiếng Việt. Và lời căn dặn “đến VN thì gặp Lợi nhé!” vì thế cứ được các du học sinh Nhật truyền tai nhau.
Lợi (hàng đầu, bìa phải) là bạn thân thiết của các sinh viên, tình nguyện viên Nhật - Ảnh nhân vật cung cấp
Đến nhiều tình bạn mới...
Có lần Momoko bị một người định cướp túi xách trong hầm giữ xe tại một trung tâm mua sắm lớn ở Q.1.
“Momoko kịp gọi điện và lúc tôi lao vào thì gã kia banh áo lao ra theo kiểu vừa ăn cướp vừa la làng. Momoko khóc nức nở, đòi tôi phải đặt vé máy bay cho cô về Nhật ngay trong ngày, dù kỳ thực tập của cô chưa kết thúc - Lợi dừng câu chuyện lại một lúc và nói - Lần đó tôi mà không kiên nhẫn giải thích rằng đó chỉ là tai nạn nhỏ, rằng không nên vì gặp vài ba người xấu mà đánh đồng mọi người Việt đều xấu... thì chắc chắn Momoko sẽ hoàn toàn đánh mất niềm tin, một đi không quay lại”.
Một lần khác, khi các bạn Nhật trong thời gian làm tình nguyện, đi thực tập tại các vùng quê xa lạ ở miền Bắc đã gặp phải những gia đình không trung thực, không giúp đỡ, ngược lại còn hành xử không tốt với các tình nguyện viên. Những lúc như thế Lợi lại trở thành sứ giả, giúp các bạn Nhật khôi phục niềm tin và tình cảm. “Ở đâu cũng có người tốt và xấu, VN cũng thế. Mình làm việc tốt thì trước sau mọi người cũng hiểu và ngược lại sẽ giúp đỡ mình thôi. Đừng bỏ cuộc” - chị nói với họ.
Cứ thế, tình yêu đất nước và muốn những người bạn Nhật hiểu đúng về VN đã níu Lợi và gánh chè của mình làm cầu nối cho các bạn Nhật mới chân ướt chân ráo đến VN. “Tôi không muốn họ gặp phải tai nạn, bất trắc chỉ vì lạ nước lạ cái, bất đồng ngôn ngữ. Như thế thật tội nghiệp cho họ mà cũng khiến họ nghĩ xấu về VN” - Lợi giải thích cho sự đa đoan của mình. Lợi nói chị đọc điều này của ông bộ trưởng ngành du lịch của Nhật và rất tâm đắc. Đại ý ông nói muốn làm du lịch tốt thì trước nhất phải là một người yêu nước, yêu quê hương mình.
Ở Nhật, những câu chuyện về việc Lợi giúp đỡ các sinh viên, du khách Nhật được truyền tai khiến ngày càng nhiều bạn đến VN kết bạn với Lợi. Riêng lớp học của Momoko ở Trường ĐH APU có đến hơn nửa lớp đã đến VN thực hiện các chương trình tình nguyện, thực tập thay vì đến châu Phi như dự kiến ban đầu.
Hiện nay có thể kể như Yuki và Nanako - những cô gái từng được Lợi “cưng” như em gái, đang làm việc cho một trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi ở Đồng Nai từ hơn một năm nay. Nhóm bạn Nhật khác đang dự định mở các lớp học dạy làm gốm miễn phí cho các trẻ em lang thang. Riêng Momoko đang lên một kế hoạch quay lại VN trong năm tới để bắt đầu chương trình xây nhà vệ sinh cho trẻ em vùng cao.
“Chúng tôi làm điều này vì hiểu và yêu VN hơn thông qua chị bạn bán chè lề đường dễ thương này” - họ bảo vậy.
Và căn phòng trọ nhỏ của gia đình Lợi (nằm trong hẻm trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh) luôn là địa chỉ quen thuộc được nhiều thế hệ sinh viên, tình nguyện viên Nhật lui tới, ăn ở và học tập như thể đó là ngôi nhà thứ hai của họ ở VN.
Lên mạng xã hội Nhật quảng bá văn hóa Việt
Từ tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Mixi.jp, mỗi ngày Lợi đều lên đó đăng tải hình ảnh, bài viết giới thiệu bằng tiếng Nhật về món chè, các điểm đến du lịch, kiến trúc nhà cửa và văn hóa ứng xử, cả các nghi thức lễ cưới... của người VN.
Nhiều người bạn Nhật Bản và du học sinh nước ngoài đọc được những bài viết thú vị của Lợi về VN. Nhiều người trong số họ nung nấu mong muốn tìm hiểu về VN và đã quyết định đến VN.
MỄ THUẬN - KIM TUYẾN


Việt nam cần nhiều "đại sứ nhiều những đại xứ du lịch"
16/04/2011 2:36:14 CH
Y1 tưởng của mình đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện được nay Lợi đã làm mình rất vui và hãnh diện. Mình muốn cùng Lợi làm một điều gì đó để hình ảnh Việt Nam thật đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Lợi cho mình xin email của bạn!
HOANGHIEP
chi Lợi thật tuyệt
30/12/2010 12:18:15 CH
Thật tuyệt quá vì em có thêm được 1 chị đồng hương tốt bụng. Chúc gia đình chị khoẻ và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống nhé và có thật nhiều bạn bè phương xa yêu mến.
TUYEN
Việt Nam cần có những người như chị
28/11/2010 6:10:49 CH
Những việc chị làm, những tình bạn chỉ đã xây dựng, thật sự là những vốn quý của cuộc đời này. Việt Nam cần thêm nhiều phẩm chất đẹp như chị để góp phần xây dựng thế giới tươi đẹp.
LONG NGUYỄN
Việc chị làm thật có ý nghĩa!
26/05/2010 8:16:37 CH
Dù hoàn cảnh không thể tiếp tục theo đuổi mơ ước của mình nhưng không vì thế mà chị từ bỏ nó. Em rất khâm phục chị! Đất nước mình cần lắm lắm những con người yêu nước và tự hào về dân tộc như chị. Việc chị làm thật đáng trân trọng biết bao.
LÊ HÙNG
Tôi rất ngưỡng mộ em Lợi, muốn được làm quen
26/05/2010 2:31:44 CH
Tôi đã đọc bài về em Lợi, rất mong được làm quen với em để có thể cùng em làm 1 việc gì đó để quảng bá văn hóa Việt Nam. Nếu được em cho tôi địa chỉ mail để liên lạc nhé!
HANH.NGUYEN1951@YAHOO.COM.VN
Tôi muốn kết bạn với Lợi
26/05/2010 11:46:46 SA
Toà soạn làm ơn cho Hải xin địa chỉ mail của lợi hay địa chỉ cụ thể, mình muốn nói chuyện với cô ấy.
BÙI THỊ THUÝ HẢI
Tôi tự hào về chị
26/05/2010 10:21:44 SA
Cảm ơn chị Lợi! Có lẽ bằng một niềm tự tôn dân tộc lớn lao, chị mới làm được điều tuyệt vời như vậy. Tôi tự hào về chị, nếu tới TP HCM tôi sẽ gặp chị.
TRƯƠNG HUY