Tuesday, October 5, 2010

27/09 Tiếp nhận Tuyên bố chung của APF-6

6:43 PM, 27/09/2010


(Chinhphu.vn) - Thay mặt Hội đồng Điều phối ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã tiếp nhận Tuyên bố chung và ghi nhận các khuyến nghị của Diễn đàn APF- 6.




Ảnh: Chinhphu.vn
Chiều 27/9/2010, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 của Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), đã tiếp xã giao đại diện các nước ASEAN dự Diễn đàn Nhân dân ASEAN lần thứ 6 (APF-6).



26/09 APF – 6 ủng hộ các mục tiêu trong Hiến chương ASEAN

8:37 PM, 26/09/2010

(Chinhphu.vn) – Tuyên bố chung của Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 6 (APF – 6) khẳng định ủng hộ các mục tiêu đề ra trong Hiến chương ASEAN nhằm hiện thực hóa mục tiêu một Cộng đồng ASEAN vì nhân dân.

Bế mạc APF - 6. Ảnh: Chinhphu.vn

Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 6 đã bế mạc chiều nay 26/9 tại Hà Nội sau 3 ngày làm việc với 6 phiên toàn thể và 16 hội thảo, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, thảo luận sôi nổi, đưa ra những khuyến nghị thiết thực, hình thành được chương trình hành động chung để hợp tác giữa các tổ chức nhân dân ASEAN.

Ủng hộ các mục tiêu đề ra trong Hiến chương ASEAN

APF- 6 đã ra Tuyên bố chung khẳng định ủng hộ các mục tiêu đề ra trong Hiến chương ASEAN nhằm hiện thực hóa mục tiêu một Cộng đồng ASEAN vì nhân dân. APF- 6 đã thống nhất trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN những kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội.

Về chính trị - an ninh, các đại biểu khuyến nghị việc hình thành các cơ chế và thỏa thuận hiệu quả để bảo đảm duy trì hòa bình và an ninh khu vực.

Trong lĩnh vực kinh tế, APF- 6 đề nghị các chính phủ rút ra những bài học sâu sắc hơn từ chủ nghĩa tự do mới, có chính sách liên kết thương mại để bảo đảm phát triển bền vững cả về xã hội và sinh thái. ASEAN cần phát triển hợp tác kinh tế trên tinh thần đoàn kết, bổ sung cho nhau thay vì cạnh tranh.

Về văn hóa - xã hội, các đại biểu đã bày tỏ ủng hộ đối với các nạn nhân chất độc màu da cam của Việt Nam và lần đầu tiên vấn đề chất độc màu da cam được đưa vào Tuyên bố cuối cùng.

APF- 6 cũng kêu gọi ASEAN thông qua và triển khai Trụ cột Chiến lược thứ tư về môi trường nhằm giải quyết các dự án phát triển đe dọa sinh kế và môi trường, nhất là các dự án liên lãnh thổ.

Thúc đẩy và bảo vệ tốt hơn quyền của phụ nữ, người dân tộc thiểu số, các nhóm dễ bị tổn thương khác và khuyến khích sự tham hiệu quả của họ vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Các đại biểu cũng đã bày tỏ cảm ơn nước chủ nhà Việt Nam đã đón tiếp trọng thị và giúp đỡ tổ chức diễn đàn năm nay.

Đánh giá về thành công của APF- Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Trần Đắc Lợi cho rằng diễn đàn là cơ hội tốt để chúng ta hiểu hơn về các tổ chức nhân dân trong khu vực, đồng thời cũng là cơ hội để các tổ chức nhân dân trong khu vực hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm và tham dự của các tổ chức trong và ngoài khu vực với 734 đại biểu tham dự với thành phần rất đa dạng, gồm công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên, ngư dân, người khuyết tật, phản ánh được bức tranh cơ cấu xã hội trong ASEAN.

Sáng kiến của Việt Nam

Dân chủ hóa và công khai hóa quá trình chuẩn bị diễn đàn, Việt Nam đã chủ trì và tổ chức 3 hội nghị trù bị; mời các tổ chức nhân dân đến bàn về nội dung chương trình nghị sự, tạo ra sự hưởng ứng của các tổ chức ngay từ đầu.

Việt Nam đã có những biện pháp để tăng cường sự chuẩn bị của các tổ chức về nội dung; mời các tổ chức nhân dân trong khu vực tham gia Ban Tổ chức để diễn đàn thực sự là của nhân dân trong khu vực.

Việt Nam cố gắng tăng cường vai trò tích cực, chủ động trong các vấn đề liên quan đến nội dung, do đó APF không chỉ dừng lại ở chỗ nêu nguyên nhân và vấn đề mà còn đề xuất được những kiến nghị thiết thực.


Ông Sinapan Samydorai, đại biểu của Singapore. Ảnh: Chinhphu.vn

Các đại biểu đánh giá cao vai trò nước chủ nhà

Trao đổi với phóng viên, ông Sinapan Samydorai, đại biểu của Singapore cho hay với số lượng đại biểu lớn cùng với chương trình nghị sự dày đặc, Việt Nam đã tổ chức diễn đàn một cách có hệ thống, không bị gián đoạn, tất cả các đại biểu đều tham gia nhiệt tình.

Điểm khác biệt lớn trong diễn đàn lần này là một tổ chức của nhà nước đứng ra mời các tổ chức nhân dân ASEAN tham dự, các hội thảo trong khuôn khổ APF- 6 đều đưa ra những kiến nghị thiết thực đối với các nhà lãnh đạo ASEAN.

"Đến với diễn đàn, chúng tôi đã thay đổi quan điểm về Việt Nam sau khi tham dự phiên toàn thể giới thiệu về Việt Nam. Giờ đây đối với chúng tôi nghĩ về các bạn như một đất nước “rất mở”, rất khác biệt so với cảm giác trước khi đến đất nước các bạn", ông Sinapan Samydorai nói.

Chia sẻ ý kiến trên, đại biểu Indonesia Mida Saragih cho biết “không cảm thấy xa lạ” khi đến với diễn đàn, “chúng tôi có những người bạn tại đây”, đại biểu này nói.

Năm 2011, Indonesia sẽ là nước chủ nhà của Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 7.

Hải Minh

26/09 APF 6 thảo luận vấn đề người dân tộc thiểu số và vai trò của phụ nữ

10:25 AM, 26/09/2010

(Chinhphu.vn) - Trong ngày làm việc thứ 2, Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 6 (APF 6) đã tiến hành 4 cuộc hội thảo cuối cùng trong 16 hội thảo vào chiều 25/9.

Một phiên họp toàn thể của APF 6. Ảnh: TTXVN

4 cuộc hội thảo diễn ra với các chủ đề: Hệ thống tài chính quốc tế và tài chính phát triển - Phản ứng và giải pháp thay thế của nhân dân ASEAN trước các vấn đề và thách thức; Tăng cường hiểu biết và hành động vì sự phát triển công bằng của người dân tộc thiểu số và người bản địa trong ASEAN; Người tị nạn và người bị buộc phải rời bỏ nơi ở; Thay đổi vai trò của phụ nữ ASEAN: Cơ hội và thách thức.

Đặt quyền lợi con người lên hàng đầu

Tại Hội thảo “Hệ thống tài chính quốc tế và Tài chính phát triển: Phản ứng và giải pháp thay thế của nhân dân ASEAN trước các vấn đề và thách thức”, các đại biểu đã thảo luận 2 vấn đề chính về ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính và ứng phó của các chính phủ ASEAN trong thời gian qua; chia sẻ nhu cầu của người dân và đưa ra những khuyến nghị về chính sách và hành động rõ ràng để đối phó với những thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt, sáng kiến tài chính cho giáo dục.

Các tổ chức nhân dân kêu gọi ASEAN đặt quyền lợi con người lên hàng đầu, cụ thể là bảo trợ xã hội cho người nghèo, những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng.

Tôn trọng các quyền cơ bản của người dân tộc thiểu số

Tại Hội thảo “Tăng cường hiểu biết và hành động vì sự phát triển công bằng của người dân tộc thiểu số và người bản địa trong ASEAN”, các đại biểu đã đưa ra những khuyến nghị về công nhận, tôn trọng các quyền cơ bản của người dân tộc thiểu số, tăng cường giáo dục và các dịch vụ cơ bản như: giáo dục, y tế, giao thông; bảo vệ họ trên mọi mặt đặc biệt là để chống lại những thảm họa tự nhiên, đảm bảo sự tham gia của người dân tộc thiểu số vào quá trình hoạch định và ra quyết sách đối với các vấn đề của đất nước.

Hội thảo lần này đã đáp ứng được mục tiêu nâng cao hiểu biết và sự công nhận, mối quan tâm chung và tính độc đáo của các dân tộc thiểu số và người bản địa ở các nước ASEAN.

Tại ASEAN, các chính sách của chính phủ đối với người dân tộc thiểu số và người bản địa là khá đa dạng. Chính phủ nhiều nước ASEAN có chính sách khuyến khích sự phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa cho người dân tộc thiểu số, triển khai các chương trình phát triển người dân tộc thiểu số như bảo tồn các giá trị văn hóa, giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, chăm sóc y tế, phân đất và phân rừng.

Tăng cường hợp tác và đối thoại trong vấn đề người tị nạn

Do nhiều yếu tố đặc thù về địa lý và lịch sử, vấn đề người tị nạn và người phải rời bỏ nơi ở của khu vực Đông Nam Á là một vấn đề phức tạp và chưa được giải quyết hoàn toàn. Vấn đề này đòi hỏi đối thoại và hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ các nước Đông Nam Á. Các tổ chức nhân dân ở Đông Nam Á cũng đã tham gia cùng chính phủ các nước để giải quyết vấn đề này.

Tại Hội thảo “Người tị nạn và người bị buộc phải rời bỏ nơi ở”, các đại biểu tập trung thảo luận về các chính sách và sự phối hợp của chính phủ các nước ASEAN trong việc giải quyết vấn đề này cũng như sự đóng góp của các tổ chức nhân dân trong quá trình này, đồng thời nêu các sáng kiến và kiến nghị với chính phủ các nước ASEAN nhằm đưa ra giải pháp cấp khu vực để giải quyết các vấn đề về tị nạn.

Thúc đẩy hơn nữa quyền của phụ nữ

Phụ nữ Đông Nam Á luôn đi đầu trong các phong trào quốc gia và toàn cầu đảm bảo tính đại chúng về quyền bình đẳng nam giới và phụ nữ.

Sau khi ký Hiến chương ASEAN năm 2008, các nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ tại Đông Nam Á đã thành lập Nhóm nghị sĩ Phụ nữ nhằm tham gia các tiến trình và cơ chế về quyền con người của ASEAN, tiến tới mục tiêu hiện thực hóa quyền của phụ nữ trong khu vực.

Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đã phê duyệt và tham gia Công ước loại bỏ hình thức phân biệt chống phụ nữ (CEDAW) cũng như cam kết thực hiện tuyên bố Bắc Kinh và Kế hoạch hành động. Tháng 4/2010, ASEAN trong cam kết thực hiện mục tiêu bình đẳng giới đã thành lập Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em các nước ASEAN (ACWC)…

5 vấn đề trọng tâm được xác định đối với phụ nữ ở Đông Nam Á gồm: bạo hành phụ nữ, quyền tham gia hoạt động chính trị, quyền kinh tế, các luật chống phân biệt đối xử và di cư, các chính sách và công cụ thực hành khác đòi hỏi những biện pháp có tính thống nhất toàn khu vực nhằm thúc đẩy hơn nữa quyền của phụ nữ.

Trong Hội thảo "Thay đổi vai trò của phụ nữ ASEAN: Cơ hội và thách thức" các đại biểu đánh giá cao những tiến bộ trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền cũng như vai trò của phụ nữ Đông Nam Á trong đời sống xã hội; thảo luận về những vấn đề bức thiết đang nổi lên đối với phụ nữ ở các nước ASEAN; xác định những thách thức và khoảng trống trong quá trình thúc đẩy quyền con người tại các nước trong khu vực và đưa ra các kiến nghị nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và hướng tới mục tiêu bình đẳng giới./.

Nguyễn Bình

25/09 Diễn đàn nhân dân ASEAN bàn về 4 chủ đề lớn

4:19 PM, 25/09/2010

(Chinhphu.vn) – Trong khuôn khổ Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 6 (APF-6), ngày 25/9, đã diễn ra 4 hội thảo về thương mại tự do, quyền trẻ em, nông nghiệp và phát triển nông thôn và biến đổi khí hậu.

Hội thảo "Biến đổi khí hậu, môi trường và thiên tai – Tìm kiếm giải pháp công
bằng và bền vững" - Ảnh: Chinhphu.vn

FTA không được ảnh hưởng đến hợp tác khu vực

Trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế là chính sách chính của các nước ASEAN nhằm phát triển kinh tế, thương mại và thu hẹp khoảng cách giữa ASEAN với các nước phát triển. Việc ASEAN kí Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước đối tác đã giúp ASEAN trở thành trung tâm phát triển kinh tế của khu vực.

Tuy nhiên, các Hiệp định trên cũng đặt ra những hệ lụy tiêu cực, như thâm hụt thương mại, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, vấn đề môi trường, xã hội phức tạp gây ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Tại Hội thảo “Các hiệp định thương mại tự do ASEAN và hội nhập khu vực: Quan điểm và giải pháp thay thế của nhân dân”, các đại biểu đều cho rằng cần làm hài hòa các mục tiêu FTA với các mục tiêu của hội nhập và hợp tác khu vực, để các thỏa thuận FTA không làm trật bánh chuyến xe hội nhập.

Để tăng cường các hoạt động thương mại và hội nhập ASEAN, các đại biểu thống nhất cần gia tăng các nỗ lực hợp tác và điều phối giữa các tổ chức nhân dân khu vực, cũng như các mạng lưới chiến dịch trong giải quyết các vấn đề chung và đề xuất kế hoạch hành động cụ thể.

Phối hợp quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em

Tại Hội thảo “Thực hiện quyền trẻ em – Hướng tới cộng đồng ASEAN quan tâm, chia sẻ và bền vững”, các đại biểu đánh giá, mặc dù kinh tế phát triển giúp nhiều trẻ em thoát khỏi đói nghèo, cũng như ASEAN đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc và thành lập Ủy ban khu vực về bảo vệ quyền Phụ nữ và Trẻ em (ACWC), đối tượng này vẫn phải đối mặt với những vấn nạn như buôn bán trẻ em, lạm dụng lao động trẻ em, thất học, chất lượng cuộc sống thấp, bệnh tật…

Hội thảo đã tập trung trao đổi về thách thức liên quan đến việc bảo vệ quyền trẻ em và các biện pháp nhằm thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các tổ chức phi chính phủ hoạt động về quyền trẻ em trong khu vực, giữa các tổ chức này với chính phủ các nước ASEAN và với ACWC.

Phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo quyền lợi nông dân

Về lĩnh vực nông dân, nông nghiệp và phát triển nông thôn, mặc dù đây là một ngành quan trọng nhưng nông nghiệp ASEAN vẫn đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, trong đó có những tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập kinh tế, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Hội thảo “Nông dân, nông nghiệp và phát triển nông thôn” đã đưa ra khuyến nghị đối với công tác phát triển nông nghiệp bền vững, các biện pháp, như tăng cường đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, và các phương thức đảm bảo quyền lợi của nông dân đặc biệt là nông dân nghèo.

Tìm nguồn hỗ trợ cho hoạt động môi trường

Tại Hội thảo “Biến đổi khí hậu, môi trường và thiên tai – Tìm kiếm giải pháp công bằng và bền vững” các đại biểu cho rằng bộ máy ứng phó với biến đổi khí hậu của ASEAN vẫn còn thiếu cơ chế tư vấn cần thiết và quá trình thu hút người dân.

Là nơi cận kề với nhiều thảm họa thiên nhiên nhất, ước tính châu Á chiếm khoảng 40% thiên tai trên thế giới và 60% tổng thiệt hại liên quan đến thiên tai, biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Các đại biểu tham gia Hội thảo nhất trí chia sẻ những nỗ lực bắt đầu từ Diễn đàn nhân dân ASEAN 2009 tại Thái Lan về kêu gọi một trụ cột ASEAN tư vấn về môi trường; thành lập Nhóm Công tác về môi trường để nghiên cứu và xem xét các sáng kiến liên quan tới giải quyết biến đổi khí hậu tại khu vực ASEAN.

Các đại biểu đã nêu kiến nghị Chính phủ các nước trong khu vực tìm nguồn hỗ trợ cho các hoạt động về môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu trong khu vực.

Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến việc kêu gọi sự tham gia của các nước giàu và các nước phát triển trong việc hỗ trợ giải quyết và ứng phó với những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra và các vấn đề về môi trường khác.

Hải Minh

25/09 ASEAN- Hoa Kỳ tăng cường hợp tác

9:58 AM, 25/09/2010

(Chinhphu.vn) - Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 2, các nhà lãnh đạo tập trung kiểm điểm những tiến triển tích cực trong quan hệ đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ, đề ra phương hướng và biện pháp đẩy mạnh quan hệ Đối tác tăng cường trong thời gian tới.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Hoa Kỳ - Ảnh: AP

Chiều 24/9 (giờ địa phương) tức sáng 25/9 (giờ Hà Nội), tại thành phố New York, đã diễn ra Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN- Hoa Kỳ lần thứ 2. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch ASEAN 2010, cùng Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan và lãnh đạo các nước thành viên ASEAN.

Đẩy mạnh quan hệ Đối tác tăng cường

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo tập trung kiểm điểm những tiến triển tích cực trong quan hệ đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ, nhất là kể từ Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ lần đầu tiên tháng 11/2009 tại Singapore; đề ra phương hướng và biện pháp đẩy mạnh quan hệ Đối tác tăng cường trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo những kết quả đạt được trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như quan hệ đối ngoại của ASEAN, trong đó có quan hệ với Hoa Kỳ.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị hai bên đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác ASEAN – Hoa Kỳ theo hướng toàn diện và thực chất hơn trên cơ sở cùng có lợi trên các lĩnh vực từ chính trị- an ninh, kể cả an ninh phi truyền thống, đến kinh tế- thương mại và văn hoá - xã hội, trong đó hợp tác kinh tế-thương mại cần được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên.

Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy liên kết khu vực cũng như triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN; đồng thời, hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là tại khu vực Tiểu vùng Mekong thông qua cơ chế Hội nghị hàng năm giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ và các nước hạ nguồn sông Mekong.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo ASEAN ủng hộ Hoa Kỳ và Nga trở thành thành viên của Cấp cao Đông Á- EAS; nhất trí việc mời Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Nga, đại diện cho Tổng thống hai nước, tham dự EAS sắp tới tại Hà Nội với tư cách là khách mời đặc biệt của Chủ tịch EAS.

ASEAN- Hoa Kỳ ra Thông cáo chung

Nhân dịp này, lãnh đạo hai bên thông qua Tuyên bố chung, đề ra nhiều biện pháp nhằm đưa quan hệ phát triển nhiều mặt và thực chất hơn; đồng thời quyết định thành lập nhóm các nhân vật nổi tiếng nhằm nghiên cứu, đề xuất biện pháp nhằm đưa quan hệ giữa hai bên lên tầm cao mới.


Hội nghị Cấp cao ASEAN- Hoa Kỳ lần thứ 2 - Ảnh Reuters



Các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ nhất trí hai bên cần tăng cường hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực cùng quan tâm. Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các thỏa thuận hợp tác hiện có, nhất là Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ đối tác tăng cường ASEAN - Hoa Kỳ trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn 2011-2015.

Đồng thời, hai bên nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ để đạt được những mục tiêu chung trong khuôn khổ các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, sử dụng năng lượng hiệu quả, an ninh lương thực, nông nghiệp, trao đổi giáo dục, văn hóa và nhân dân, khoa học công nghệ, quản lý thảm họa và ứng phó thiên tai, y tế, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán người, vũ khí và ma túy trái phép và các loại khác.

Tổng thống Hoa Kỳ Obama khẳng định Hoa Kỳ mong muốn tăng cường quan hệ toàn diện với ASEAN; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực và các diễn đàn hợp tác khu vực do ASEAN nắm vai trò chủ đạo, bao gồm cả Cấp cao Đông Á (EAS); cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, triển khai kết nối ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển và thực hiện MDGs. Hoa Kỳ cũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của ASEAN đối với các diễn đàn đa phương, bao gồm tiến trình G20.

Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh chính sách của Hoa Kỳ tăng cường quan hệ hợp tác xây dựng với khu vực, hoan nghênh Hoa Kỳ và Nga tham gia làm thành viên EAS bắt đầu từ năm 2011 và việc này sẽ được chính thức quyết định tại Cấp cao ASEAN 17 vào tháng 10/2010; hoan nghênh Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Nga sẽ tham dự EAS lần thứ 5 tại Hà Nội vào tháng 10/2010 với tư cách là khách mời của Chủ tịch.

ASEAN đánh giá cao tuyên bố của Hoa Kỳ sẵn sàng tham vấn với ASEAN về việc hướng tới tham gia Nghị định thư Hiệp ước Đông Nam Á phi Vũ khí hạt nhân; hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ các hoạt động của Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền và Ủy ban ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em.

Các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ quan tâm tới ASEAN

Trước đó, sáng 24/9 (theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dự cuộc làm việc giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao việc các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ dành nhiều quan tâm, có chủ trương đẩy mạnh đầu tư vào ASEAN. Chủ tịch nước mong các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường đầu tư vào ASEAN, bởi đây là khu vực ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt và còn nhiều tiềm năng.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Hà Nội vào tháng 10 tới, các nước ASEAN sẽ thúc đẩy cơ chế liên kết các dự án, tiến gần hơn tới việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Những điều kiện này mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ đẩy mạnh đầu tư, thương mại vào một thị trường lớn, tiềm năng.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campball trong phát biểu của mình khẳng định chính sách của Hoa Kỳ mở rộng quan hệ với các nước ASEAN.

Thương mại hai chiều giữa ASEAN và Hoa Kỳ đã đạt trên 200 tỷ USD. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ.

Lê Nam

24/09 AIPA-31 tại Việt Nam thành công tốt đẹp

4:08 PM, 24/09/2010

(Chinhphu.vn) – Âm hưởng chủ đạo của Đại hội đồng là tiếng nói đoàn kết, hữu nghị, hợp tác vì một cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng thịnh vượng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc AIPA - 31. Ảnh:
Chinhphu.vn

Diễn ra trong các ngày từ 20 – 24/9, tại Hà Nội, Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 31 (AIPA-31) đã thành công tốt đẹp.

AIPA-31 có số lượng đại biểu tham dự đông đảo, có tầm nhìn lâu dài với chương trình nghị sự phong phú hơn, nhiều nước quan sát viên tham dự.

Trong buổi họp báo sau phiên bế mạc AIPA -31 sáng 24/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch AIPA -31 cho biết, trong chương trình làm việc, các đại biểu đã bàn nhiều vấn đề trong không khí thẳng thắn, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.

Tất cả những vấn đề nêu trong phiên họp toàn thể Đại hội đồng cũng như phiên họp của các Ủy ban đều được thảo luận và đạt được đồng thuận cao.

Các nước thành viên AIPA đã ra 22 nghị quyết trên các lĩnh vực và toàn bộ chương trình nghị sự dự kiến đều được bàn bạc, thống nhất với tinh thần trách nhiệm cao. Thông cáo chung của AIPA-31 cũng được ký thông qua tại phiên bế mạc sáng nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, âm hưởng chủ đạo của Đại hội đồng là tiếng nói đoàn kết, hữu nghị, hợp tác vì một cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng thịnh vượng.

Trên tinh thần đó, các đại biểu nhất trí cần tăng cường vai trò của AIPA và sự phối hợp giữa ASEAN và AIPA, tăng cường đưa Hiến chương và các nghị quyết của AIPA đến với từng người dân trong khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao vai trò của các nhà báo trong việc thông tin các hoạt động của AIPA và kêu gọi các nhà báo tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền về AIPA.
Chủ tịch AIPA - 31 Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch AIPA - 32, Chủ tịch Quốc hội
Campuchia Heng Samrin ( bên trái) chủ trì họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn

AIPA-31 cũng đã công nhận Quốc hội Ấn Độ là quan sát viên của AIPA đồng thời khẳng định sự coi trọng của các nước thành viên của AIPA đối với vai trò của Ấn Độ trong khu vực.

Tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch AIPA-31, đã chuyển giao chức Chủ tịch AIPA cho Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin. Campuchia sẽ tổ chức AIPA lần thứ 32 từ 18-24/9/2011.

Để thúc đẩy thành công của AIPA -31, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin cho biết, Campuchia sẽ theo dõi việc thực hiện những nghị quyết đã được thông qua tại Hà Nội, đồng thời sẽ tập trung vào việc thúc đẩy vai trò của AIPA và mối quan hệ giữa AIPA và ASEAN.

Hải Minh

24/09 Vì một ASEAN hướng về nhân dân

12:08 PM, 24/09/2010

(Chinhphu.vn) - Ngày 24/9, với chủ đề “Đoàn kết và hành động vì một ASEAN hướng về nhân dân”, Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 6 (APF 6) đã khai mạc tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại diễn đàn-Ảnh:Chinhphu.vn

Diễn đàn nhân dân ASEAN là một trong những hoạt động thường niên bên lề của Hội nghị cấp cao ASEAN, được tổ chức theo sáng kiến của Malaysia từ năm 2005.

Mục tiêu chính của Diễn đàn lần này nhằm tăng cường sự đoàn kết và hợp tác giữa nhân dân ASEAN; thúc đẩy một cộng đồng ASEAN thực sự vì nhân dân, vì lợi ích chung của nhân dân ASEAN, vì hòa bình, phát triển, công bằng, bền vững của khu vực.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Diễn đàn nhân dân ASEAN là một cơ chế dân chủ đặc thù của ASEAN mà không phải cộng đồng nào cũng có.

Năm 2010 Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh Hiến chương ASEAN bắt đầu có hiệu lực và ASEAN đang tiến tới xây dựng một cộng đồng vào năm 2015. Chính phủ Việt Nam ý thức được đầy đủ về trách nhiệm của mình, đã và đang tích cực đóng góp để thúc đẩy việc triển khai thực hiện một cách có hiệu quả các kế hoạch đã được thông qua với phương châm "Tiến tới cộng đồng ASEAN-từ tầm nhìn đến hành động".

Nhấn mạnh đến vai trò chủ thể, tích cực của nhân dân trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, phát triển đồng đều hơn và bền vững, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn, tại Diễn đàn lần này, các đại biểu không chỉ thảo luận và đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ các nước ASEAN mà còn thống nhất được các biện pháp nhằm tăng cường sự hợp tác, phối hợp hành động của các tổ chức nhân dân các nước ASEAN để tham gia đóng góp có hiệu quả cho tiến trình xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng về nhân dân.

Bên cạnh đó, Diễn đàn tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các tổ chức nhân dân Việt Nam với các tổ chức nhân dân các nước trong khu vực và bạn bè quốc tế.

Thay mặt các tổ chức nhân dân Việt Nam tham gia đăng cai tổ chức Diễn đàn Nhân dân ASEAN lần thứ 6, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng cho rằng, việc tăng cường đoàn kết, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các tổ chức nhân dân trong khu vực là một yêu cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó cũng là một trong những mục tiêu chính của Diễn đàn lần này.

Các cuộc thảo luận tại Diễn đàn sẽ mang tính hướng tới hành động, sẽ thống nhất và đưa ra được các chương trình phối hợp hoạt động thiết thực của các tổ chức nhân dân các nước ASEAN nhằm đóng góp có hiệu quả trong việc giải quyết những thách thức đang đặt ra

Ông Vũ Xuân Hồng cũng cho biết, các tổ chức nhân dân Việt Nam đều có chung một mong muốn là thông qua Diễn đàn để tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác với các tổ chức nhân dân các nước ASEAN, đóng góp tích cực vào việc phát triển các phong trào nhân dân trong khu vực vì tiêu hòa bình, phát triển công bằng và bền vững, vì dân chủ và tiến bộ xã hội.

Diễn đàn Nhân dân ASEAN lần thứ 6 diễn ra từ 24-26/9 với 6 phiên họp toàn thể và 16 hội thảo, cùng tập trung thảo luận về các vấn đề như hội nhập và hợp tác kinh tế thương mại; biến đổi khí hậu, môi trường và thiên tai; tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và nước; kết nối mạng lưới giải quyết các vấn đề về lao động, di cư, phòng chống HIV/AIDS…

Huy Thắng

23/09 AIPA thảo luận dự thảo Thông cáo chung

6:48 PM, 23/09/2010

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Thông cáo chung đã được nhất trí thông qua để trình Đại hội đồng xem xét, chấp thuận tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai sẽ diễn ra vào sáng 24/9/2010.

Đoàn Việt Nam tại phiên họp Uỷ ban Thông cáo chung.

Theo Chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA lần thứ 31, sáng nay 23/9/2010, Ủy ban Thông cáo chung đã họp để xem xét, thảo luận về dự thảo Thông cáo chung của Đại hội đồng AIPA-31.

Phiên họp diễn ra dưới sự chủ tọa của ông Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam. Tham dự phiên họp có đầy đủ đại diện của 9 nước thành viên AIPA và 1 nước quan sát viên đặc biệt là Myanmar.

Dự thảo Thông cáo chung đề cập toàn bộ diễn biến nội dung hoạt động của Đại hội đồng AIPA lần thứ 31, từ phiên khai mạc, phiên họp toàn thể lần thứ nhất, các cuộc họp của các Ủy ban đến các cuộc đối thoại với các bên quan sát viên, đồng thời ghi nhận địa điểm và thời gian sẽ tổ chức Đại hội đồng AIPA 32; công tác tổ chức Đại hội đồng AIPA 31 của nước chủ nhà Việt Nam.

Với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên tham dự phiên họp đã thảo luận chi tiết về các mục của dự thảo Thông cáo. Các ý kiến đã được nghiên cứu tiếp thu ngay tại phiên họp.

Hải Minh

22/09 AIPA-31: Nhất trí nhiều nghị quyết do Việt Nam đề xuất

7:38 PM, 22/09/2010

(Chinhphu.vn) - Hôm nay, 22/9, các ủy ban của Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 đã đồng thời tiến hành các phiên họp, trong đó, tập trung thảo luận nhiều dự thảo nghị quyết do Việt Nam đề xuất.

Phiên họp của Ủy ban về các vấn đề Chính trị - Ảnh TTXVN

Tại Ủy ban về các vấn đề chính trị, các đại biểu đã nghe đoàn Việt Nam trình bày Báo cáo kết quả cuộc gặp giữa lãnh đạo AIPA và ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN 16 và Báo cáo kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN 16 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4 năm 2010 và tập trung thảo luận 3 dự thảo Nghị quyết về Thúc đẩy hợp tác giữa AIPA – ASEAN; Tình hình an ninh khu vực và thế giới; Tăng cường đoàn kết và thống nhất trong đa dạng ở ASEAN. Đây là các dự thảo Nghị quyết do Đoàn Việt Nam đề xuất.

Các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị các dự thảo Nghị quyết của Đoàn Việt Nam, nhất trí về cơ bản với nội dung của các dự thảo nghị quyết. Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp những ý kiến cụ thể.

Về dự thảo Nghị quyết về thúc đẩy hợp tác giữa AIPA và ASEAN, các đại biểu đề xuất ngôn ngữ của dự thảo cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn của AIPA trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Về dự thảo Nghị quyết về tình hình an ninh khu vực và thế giới, các đại biểu đã nhất trí bổ sung vào dự thảo nguyên tắc khuyến khích giải quyết những khác biệt giữa các quốc gia trong nội bộ ASEAN bao gồm cả những khác biệt về lãnh thổ thông qua các biện pháp hòa bình, đàm phán song phương hoặc đa phương và trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Về dự thảo Nghị quyết về tăng cường đoàn kết và thống nhất trong đa dạng trong ASEAN, ủy ban đã thống nhất bổ sung nguyên tắc tôn trọng quyền của lao động nhập cư trên cơ sở tôn trọng luật pháp của quốc gia sở tại; khuyến khích cơ chế đối thoại song phương về một số vấn đề mà nghị sĩ các quốc gia ASEAN quan tâm khi cần thiết. Các dự thảo nghị quyết này đã được Ủy ban nhất trí và sẽ trình Đại hội đồng AIPA-31 thông qua tại phiên toàn thể lần thứ 2.

Tại Ủy ban về các vấn đề kinh tế, các đại biểu đã tập trung thảo luận và nhất trí trình Đại hội đồng 3 dự thảo nghị quyết gồm Dự thảo Nghị quyết về Hội nghị chuyên đề của AIPA về Vai trò của nghị sĩ quốc hội trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính – kinh tế và phát triển bền vững; Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Báo cáo của Hội nghị nhóm tư vấn AIPA lần thứ 2 (AIPA Caucus II); và Dự thảo Nghị quyết về vấn đề thúc đẩy đối thoại với khu vực kinh tế tư nhân.

Đối với dự thảo Nghị quyết về Hội nghị chuyên đề của AIPA về vai trò của nghị sĩ quốc hội trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính – kinh tế và phát triển bền vững, các đại biểu đã đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị và nhất trí nội dung nghị quyết để trình Đại hội đồng.

Đồng thời, trong quá trình thảo luận, các đại biểu cũng đã trao đổi nhằm tìm ra các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế vừa qua, trong đó nhiều đại biểu nhấn mạnh cần xem nạn rửa tiền là một trong những nguyên nhân đó.

Về dự thảo Nghị quyết về vấn đề thúc đẩy đối thoại với khu vực kinh tế tư nhân, các đại biểu nhất trí với đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân và khẳng định cần tiếp tục tăng cường đối thoại giữa chính phủ với khu vực kinh tế này để đảm bảo tính minh bạch và nhất quán của các chính sách.

Các đại biểu cũng đã nhất trí bổ sung vào nghị quyết việc thúc giục chính phủ các nước chú trọng đến việc thiết lập và áp dụng mô hình đối tác công – tư (Public Private Partnerships - PPP) để tăng cường mối quan hệ tương tác giữa chính phủ và khối kinh tế tư nhân không chỉ bằng đối thoại mà còn cả qua hành động.

Ủy ban cũng đã đánh giá cao và nhất trí với dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Báo cáo của Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA lần thứ 2 (AIPA Caucus II) do Đoàn Singapore đề xuất.

Tại Ủy ban về các vấn đề xã hội, các đại biểu tập trung thảo luận và nhất trí với nội dung các nghị quyết về biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và phòng chống dịch bệnh; về phát triển nguồn nhân lực; về người khuyết tật; và về việc thông qua báo cáo của Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban điều tra thực trạng nhằm đấu tranh chống hiểm họa ma túy của AIPA (AIFOCOM). Các dự thảo nghị quyết đều do Việt Nam đề xuất.

Tại Ủy ban về các vấn đề tổ chức, ý kiến của đại diện nghị viện các nước đều cho rằng việc bổ sung các vị trí của Ban thư ký AIPA là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh tình trạng quá tải của Ban thư ký.

Ủy ban đã nhất trí với đề xuất của Tổng thư ký AIPA về việc bổ sung chức danh phụ trách về thông tin, truyền thông để quảng bá hình ảnh và hoạt động của AIPA với điều kiện không ảnh hưởng đến ngân sách của AIPA.

Bên cạnh đó, trong phiên họp sáng nay, Ủy ban cũng đã nhất trí với 7 nghị quyết khác để trình Đại hội đồng trong đó có việc công nhận tư cách quan sát viên của Ấn Độ và xác định Quốc hội Campuchia sẽ là chủ nhà của Đại hội đồng lần thứ 32 và kỳ Đại hội đồng này sẽ được tổ chức vào tháng 9/2011.

Hồng Phong

22/09 Diễn đàn nhân dân ASEAN diễn ra từ 24-26/9

5:09 PM, 22/09/2010

(Chinhphu.vn) – Diễn đàn nhân dân ASEAN là một trong những hoạt động thường niên bên lề của Hội nghị cấp cao ASEAN, được tổ chức theo sáng kiến của Malaysia từ năm 2005.

Ảnh minh họa

Theo đại diện của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam – cơ quan đầu mối tổ chức sự kiện trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 22/9, Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 6 (ASEAN PEOPLES' FORUM- APF 6) với chủ đề “Đoàn kết và hành động vì một ASEAN hướng về nhân dân” sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24-26/9, trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN 17.

Mục tiêu chính của Diễn đàn ở Việt Nam lần này nhằm tăng cường sự đoàn kết và hợp tác giữa nhân dân ASEAN; thúc đẩy một cộng đồng ASEAN thực sự vì nhân dân, vì lợi ích chung của nhân dân ASEAN, vì hòa bình, phát triển, công bằng, bền vững của khu vực.

Dự kiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân sẽ có bài phát biểu tại Lễ khai mạc diễn ra vào sáng 24/9.

Việc đăng cai và tổ chức tốt Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 6 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chương trình hoạt động chung của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010, đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các tổ chức nhân dân Việt Nam và các nước ASEAN.

Hải Minh

28/09 Trao đổi kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết chống phổ biến vũ khí hủy diệt của LHQ

2:16 PM, 28/09/2010
(Chinhphu.vn) – Tại Hội thảo triển khai Nghị quyết 1540 của Hội đồng bảo an LHQ về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cấp khu vực Đông Nam Á, các đại biểu sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết 1540 nhằm thiết lập cơ chế hợp tác giữa LHQ với ASEAN trong lĩnh vực này.


Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: Chinhphu.vn

Sáng 28/9 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao nước ta phối hợp với Văn phòng các vấn đề giải trừ quân bị của LHQ tổ chức Hội thảo cấp khu vực Đông Nam Á về triển khai thực hiện Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an LHQ về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Đại diện 10 nước thành viên ASEAN và một số tổ chức quốc tế như Cộng đồng Caribean (Caribbean Community), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Cấm sử dụng vũ khí hóa học sẽ trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết 1540 nhằm thiết lập cơ chế hợp tác giữa LHQ với ASEAN trong lĩnh vực này.

Một loạt tham luận liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 1540, kinh nghiệm quản lý xuất khẩu, tái xuất khẩu và quá cảnh, thuận lợi hóa và an ninh thương mại, chương trình hành động quốc gia... sẽ được trình bày tại Hội thảo.

Các nước ASEAN đã nhất trí hình thành một khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và Hội thảo này cũng hướng tới mục tiêu thiết lập cơ chế tham vấn giữa các nước thành viên ASEAN.

Kể từ khi Nghị quyết 1540 được ban hành năm 2004 đến nay, các nước Đông Nam Á đã tham gia vào hầu hết các hiệp định quốc tế và khu vực khác liên quan đến lĩnh vực này.

Việt Nam, trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA năm 2008-2009, đã tích cực tham gia vào các công việc của Ủy ban về Nghị quyết 1540 của LHQ, tham gia thương lượng và thông qua Nghị quyết 1810 về việc kiểm điểm và gia hạn Nghị quyết 1540.

Đây là lần thứ 7, hội thảo về thực hiện Nghị quyết 1540 của LHQ được tổ chức trên phạm vi toàn thế giới và là lần đầu tiên được tổ chức ở khu vực Đông Nam Á.

Các hội thảo lần trước lần lượt diễn ra các khu vực khác như Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi, Đông Âu…

Hải Minh