thứ ba, 26 tháng 5, 2009
Một trong hai nhà báo chính điều tra cáo giác lót tay liên quan tiền polymer nói với BBC rằng đây là một bài học cho các công ty Phương Tây.
Nick McKenzie, cùng Richard Baker của báo The Age, đã mở loạt bài điều tra, trong đó họ cáo buộc Securency, công ty làm giấy nền polymer để in tiền, đã ký các hợp đồng đáng ngờ qua trung gian ở nhiều nước, liên quan đến cả con trai cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cáo buộc tung ra cuối tuần rồi, và Ngân hàng Trung ương Úc - sở hữu 50% cổ phần của Securency - đã yêu cầu Cảnh sát Liên bang Úc vào cuộc.
BBC Việt ngữ đã phỏng vấn phóng viên Nick McKenzie hôm nay 26/05/09:
Nick McKenzie: Chúng tôi có được sự chỉ điểm vài tháng trước từ một nhân vật biết rõ hoạt động của công ty [Securency] và chúng tôi theo dấu đó mà điều tra.
Bài báo mới nhất của chúng tôi ngày hôm nay viết rằng hàng triệu đôla đã được chuyển cho phía Việt Nam như tiền hoa hồng.
Chúng tôi cũng tiết lộ rằng theo một cuộc phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài với một lãnh đạo công ty năm 2007, thì hóa ra các dịch vụ mà công ty môi giới Việt Nam cung cấp khá là bình thường. Vì thế, bài báo đặt câu hỏi mặc dù hàng triệu đôla hoa hồng được trả cho CFTD, nhưng theo mô tả thì những gì mà CFTD cung cấp có đáng đắt tiền thế hay không, ví dụ dịch thuật, đưa đón ở sân bay, đặt khách sạn...
Theo mô tả thì những gì mà CFTD cung cấp có đáng đắt tiền thế hay không, ví dụ dịch thuật, đưa đón ở sân bay, đặt khách sạn...
Nick McKenzie
BBC:Tức là đằng sau danh sách công việc đó là những câu hỏi quan trọng khác?
Nó đặt ra câu hỏi mà Securency cần trả lời: tại sao họ trả nhiều tiền như thế? Nếu có những dịch vụ khác được công ty đó đáp ứng, ví dụ vận động giới chức ngân hàng, thì chúng tôi cần biết rõ nội dung.
Hiện thời chúng tôi đặt câu hỏi số tiền hoa hồng có phản ánh đúng tầm mức công việc của công ty môi giới Việt Nam. Theo tôi, khi trả lời câu hỏi đó, người ta cũng phải ghi nhớ lo ngại của nhiều người trong công ty rằng khi anh làm ăn ở những nước dễ có tham nhũng, anh phải bảo đảm là tiền trả cho bên môi giới cũng ở mức hợp lý thôi. Để giảm bớt nguy cơ là một phần tiền sẽ bị dùng để lót tay cho chính trị gia hay giới chức ngân hàng nhà nước.
BBC:Các ông đã biết về tác động của các bài báo trên The Age đối với truyền thông hay chính phủ ở Việt Nam?
Chúng tôi cũng có quen biết người trong giới báo chí Việt Nam. Rõ ràng có những hạn chế về tự do báo chí ở Việt Nam; tôi đoán nó sẽ tác động đến các vụ điều tra.
Nhưng còn tại Úc, ảnh hưởng đã rất rõ. Cảnh sát liên bang Úc đã mở điều tra công ty sau khuyến nghị của Ngân hàng trung ương Úc. Ngày hôm nay cảnh sát cũng nói với Quốc hội rằng họ xem cuộc điều tra này là nghiêm túc.
BBC: Theo kinh nghiệm của ông, cuộc điều tra sẽ kéo dài bao lâu?
Còn nhiều việc phải làm. Cuộc điều tra của cảnh sát sẽ mất nhiều tháng, có khi lâu hơn. Họ có nhiều quyền lực mà chúng tôi không có. Ví dụ họ có thể kiểm tra những tài khoản nhất định, hay phỏng vấn những người mà chúng tôi không thể phỏng vấn.
BBC:Theo ông, có thể rút ra những bài học gì cho người Úc?
Vấn đề rộng lớn hơn từ chuyện lần này là các công ty và các nước Phương Tây làm ăn ở các nước đang phát triển như thế nào. Họ phải có những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để không dính vào những hành vi có thể biến thành tham nhũng hay phi đạo đức.
Ít nhất, từ những gì chúng tôi đã thấy, thì nhiều hành vi có lẽ đã không nghiêm ngặt theo đúng chuẩn mực phải có.