24 Jul 2011
Hồi tháng Tư năm nay, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam giam giữ hàng chục nhà hoạt động chính trị từ cuối năm 2009.
Hãng thông tấn Pháp AFP nói người ta sợ có thêm trấn áp trong nhiệm kỳ hai của TT Nguyễn Tấn Dũng trong khi báo Hàn Quốc khen ngợi.
Trong bản tin ngày 24/7, AFP nói ông Dũng sẽ được quốc hội chọn làm thủ tướng nhiệm kỳ hai trong cuộc bỏ phiếu có tính 'biểu tượng' vì Đảng Cộng sản đã bầu ông vào Bộ Chính trị trước đó.
Theo hãng thông tấn này, trong nhiệm kỳ đầu của ông Dũng, người từng là thứ trưởng công an, tình hình nhân quyền đã xấu đi và các nhà hoạt động sợ rằng Hà Nội sẽ đàn áp giới bất đồng chính kiến "từ trong trứng" vì lo sợ trước làn sóng bạo động ở Trung Đông và Bắc Phi và sự bất mãn của người dân về tình hình kinh tế.
Hồi tháng Tư năm nay, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam giam giữ hàng chục nhà hoạt động chính trị từ cuối năm 2009.
Mới đây nhất, người nhà của blogger Điếu Cày, tức Nguyễn Văn Hải, bày tỏ sự giận dữ sau khi công an báo cho gia đình biết ông bị "mất tay" trong khi đang chịu án tù.
Ông Nguyễn Tấn Dũng bị cáo buộc không dung thứ bất đồng chính kiến và những người chỉ trích ông nói chung.
Vị thủ tướng đã công khai thách thức Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết khi vị dân biểu này đòi Quốc hội điều tra độc lập vụ bê bối Vinashin.
Một nhà ngoại giao giấu tên nói với AFP ông Dũng đang ở thế thượng phong sau khi được bầu lại vào Bộ Chính trị với sự ủng hộ của phe công an và quân đội.
Ông này nói: "Họ sẽ chặn mọi thứ từ trong trứng. Tôi nghĩ họ sẽ không bỏ qua bất kỳ đốm lửa nào."
'Vô vọng'
AFP cũng nói đại diện của ngành an ninh trong Bộ Chính trị đã tăng từ một lên hai với ông Lê Hồng Anh sẽ trở thành nhân vận số hai của Đảng trong khi người phó của ông Anh, Trung Tướng Trần Đại Quang được cho là sẽ thay ông nắm Bộ Công an.
"Ngay sau khi có quốc hội mới, họ sẽ bắt đầu trấn áp. Tôi thấy tình hình ngày càng vô vọng."
Một nhà hoạt động
Một blogger ẩn danh nói với AFP rằng ông Quang là "người cứng rắn" và sẽ không dung thứ các nhà hoạt động trên mạng internet.
Người này nói: "Ngay sau khi có quốc hội mới, họ sẽ bắt đầu trấn áp. Tôi thấy tình hình ngày càng vô vọng."
Một nhà ngoại giao cũng được trích lời nói Hà Nội không muốn những bàn thảo trên internet chuyển thành hoạt động trên đường phố.
Kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng khó khăn với lạm phạt cao kỷ lục từ năm 2008 và nhiều cuộc đình công đòi tăng lương đã nổ ra.
Có những cuộc đình công đã dẫn tới tử vong cho công nhân.
Lãnh đạo 'giỏi'
Trong khi đó chủ tịch của một tập đoàn Hàn Quốc đã có bài đăng trên báo Korea Herald của nước này, hết lời khen ngợi ông Nguyễn Tấn Dũng.
Bài của ông Lee Min-ho nói ông Dũng "xứng đáng được xem là một trong những lãnh đạo giỏi nhất ở Châu Á".
Ông Lee viết: "Trong nhiệm kỳ của ông, kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng, ngay cả khi chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
"Ông Dũng đã cho thấy khả năng tuyệt vời khi giải quyết các vấn đề gây tranh cãi như vụ Vinashin, khai thác bauxite và dẫn dắt đất nước đi đúng hướng, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát."
Trong bài viết với cách nhìn màu hồng như những bài của Thông Tấn xã Việt Nam, ông Lee nói chính phủ Việt Nam đã chi 9.000 tỷ đồng để trợ giúp tài chính cho khoảng 600.000 công nhân viên chức, sĩ quan quân đội và người nghèo trong nửa đầu năm 2011.
Ông Lee cũng đưa ra con số 720.000 công ăn việc làm được tạo ra trong sáu tháng đầu năm nay và nói ông Dũng đặt mục tiêu tạo 1,6 triệu việc làm cho cả năm, giảm 2% số người nghèo trên toàn quốc.
'Diễn đàn quan trọng'
Trong khi đó hãng tin tài chính Bloomberg nói quốc hội mới có thể sẽ giám sát chính phủ chặt chẽ hơn.
"Quốc hội Việt Nam là [cơ quan] độc lập nhất trong hệ thống cộng sản thời nay và cả trong quá khứ. Tôi cho rằng họ sẽ tiếp tục gây sức ép lên chính phủ."
Giáo sư Zachary Abuza
Bloomberg nhắc lại chuyện quốc hội bác bỏ dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ đô la hồi năm ngoái và cho rằng xu hướng mạnh mẽ này sẽ tiếp tục.
Ông Zachary Abuza, giáo sư tại trường National War College ở Washington và chuyên gia về Đông Nam Á, nói:
"Quốc hội Việt Nam là [cơ quan] độc lập nhất trong hệ thống cộng sản thời nay và cả trong quá khứ. Tôi cho rằng họ sẽ tiếp tục gây sức ép lên chính phủ."
Trong khi đó chuyên gia về chính trị của trường University of Bristol, ông Martin Gainsborough, nói quốc hội vẫn có đa số là các đảng viên và người của hệ thống.
Bloomberg cũng trích lời ông Edmund Malesky, phó giáo sư từ University of California ở San Diego, nói số đại biểu chuyên trách đã tăng từ 29% lên 33% và các đại biểu này sẽ tích cực hơn trong thảo luận và chất vấn.
Ông Malesky nói Quốc hội sẽ là 'diễn đàn quan trọng' khi chính phủ chia rẽ.
No comments:
Post a Comment