Saturday, July 2, 2011

01/07 Đặt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 trong tổng thể 5 năm của nhiệm kỳ QH Khóa XIII


UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2012
07:27 | 01/07/2011
Cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2012, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, cần đặt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 trong tổng thể chung 5 năm của nhiệm kỳ Khóa XIII. Trong tổng thể chung đó, yêu cầu đặt ra là phải rất tập trung. Dự án luật nào thật cần thiết thì đưa vào, còn những dự án luật đã có điều kiện triển khai nhưng chưa thật cần thì phải lui lại, không ham đưa vào nhiều quá. Mặt khác, cần tiếp tục đổi mới cách làm luật theo hướng quyết liệt hơn để bảo đảm chất lượng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước: QH cần có Nghị quyết về trình tự ban hành chính sách dân tộc
Tôi đề nghị cần xem thêm về Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay, bảo vệ và phát triển rừng đang là vấn đề bức xúc, bức xúc thực sự. Từ khi Luật Bảo vệ và phát triển rừng ra (Khóa X) đến giờ thì thấy rừng ngày càng bị tàn phá thêm, dân không làm chủ được rừng. Cần tổng kết việc thi hành luật này để xem có cái gì cần điều chỉnh, bổ sung không?
Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh rất quan trọng trong tình hình hiện nay, ngày càng có nhiều tình hình mới về lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đặc biệt là những vấn đề phi truyền thống, nó xuất hiện nhiều yếu tố mới. Do vậy, tôi đồng tình cao với việc đưa dự án Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh vào chương trình chính thức. Giáo dục quốc phòng và an ninh theo hướng cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân. 
Về Luật Công đoàn, rõ ràng cần có sự bổ sung, điều chỉnh và phải sửa đổi ngay. Vừa qua, xung quanh vấn đề đình công, công đoàn của chúng ta vẫn bị đứng ngoài hết. Hoạt động của công đoàn cũng có nhiều vấn đề, nó không đơn giản, công đoàn vừa là chính trị, vừa là kinh tế, vừa là xã hội.
Có thể trong Khóa XIII, nếu làm tốt được thì có thể làm ở đầu nhiệm kỳ, ngay trong năm 2012, đó là QH cần có Nghị quyết về trình tự ban hành chính sách dân tộc. Việc xây dựng dự án Luật Dân tộc đã trải qua các Khóa X, Khóa XI đến Khóa XII, tinh thần chung là tạm dừng dự án luật này để tập trung cho các dự án luật khác. Tuy nhiên, trong Hiến pháp 1992 quy định rất rõ ở Khoản 5, Điều 84 là QH quyết định chính sách dân tộc; sau này đến năm 2001 có bổ sung thêm chính sách tôn giáo. QH đã quyết định chính sách tôn giáo bằng văn bản cao nhất là Pháp lệnh về tôn giáo, nhưng riêng lĩnh vực dân tộc đến bây giờ QH chưa có. Đặc biệt, trong Hiến pháp 1992 cũng quy định rất rõ ở Khoản 9, Điều 112 về thẩm quyền của Chính phủ: Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo. 20 năm nay vẫn là Chính phủ quyết định chính sách dân tộc.
Khi tôi về làm công tác chuyên trách dân tộc của Chính phủ và bây giờ ở Quốc hội, qua theo dõi thì thấy, chính vì chỗ này nên chính sách luôn luôn thay đổi và có nhiều chính sách chồng chéo nội dung. Đặc biệt, vừa qua chúng ta giám sát việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn 135 thì xuất hiện rất nhiều vấn đề khiếm khuyết trong việc ban hành các chính sách ở vùng dân tộc. Nếu làm hẳn thành Nghị quyết của QH về chính sách dân tộc theo đúng câu chữ của Hiến pháp là Quốc hội quyết định chính sách dân tộc thì không trái luật pháp nhưng rất khó vì sẽ không khẳng định được sự cần thiết có bao nhiêu chính sách và khi nào thì có chính sách? QH đóng khung lại thì khó đáp ứng thực tiễn cuộc sống. Vậy nên, có lẽ ban hành Nghị quyết của QH về trình tự ban hành các chính sách dân tộc thì thẩm quyền quyết định chính sách dân tộc vẫn là QH, còn Chính phủ là cơ quan xây dựng, đề xuất để QH xem xét.
Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Nên đưa ra một số giải pháp mạnh mẽ
Đối với việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, cụ thể là trường hợp một số dự án luật phải điều chỉnh, trong Báo cáo, Ủy ban Pháp luật nhận định, đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm liền cần phải được khắc phục nhưng không đưa ra giải pháp. Mấy năm trước, chúng ta nói là phải sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để chấn chỉnh tình trạng này. Nhiều lần, hai bên đã nói với nhau là phải kiên quyết, dứt khoát nhưng tôi thấy vẫn triền miên, không phải một nhiệm kỳ mà đã nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Tôi đề nghị Ủy ban Pháp luật có thể đưa ra một số giải pháp sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay cách như thế nào để khắc phục đối với vấn đề này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị chuyển sang nhiệm kỳ XIII tiếp tục nghiên cứu khắc phục. Tôi nghĩ nên đưa ra một số giải pháp mạnh mẽ, thử xem có khắc phục được không. Vì thực tế, không kỳ họp nào là không nói tới, cứ bàn chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là y như rằng những tồn tại này được đưa ra, nghe mãi thành thuộc.
Về Luật Thủ đô, tôi không đồng tình lắm với ý kiến của Ủy ban Pháp luật về việc chưa thông qua dự án luật này. Dự án Luật Thủ đô dự kiến thông qua tại nhiệm kỳ XII nhưng chưa thông qua được. Bây giờ cũng lấy lý do này để chưa thông qua dự án Luật Thủ đô thì tôi thấy không hợp lý. Dự án Luật Thủ đô đã đi qua một chặng đường khá dài, đề nghị để Chính phủ chuẩn bị tiếp tục trình QH.
Tôi đồng ý với ý kiến của Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển là đưa Luật Ngân sách Nhà nước vào chương trình chính thức để bảo đảm quy trình vận hành của ngân sách sẽ ngày càng tốt hơn. Chúng ta đã nâng lên, đặt xuống quá nhiều rồi. Tôi thấy đến thời điểm phải sửa. Chính phủ chưa muốn sửa thì cũng phải đề nghị sửa. Luật Ngân sách Nhà nước đã bộc lộ một số điểm không hợp lý trong thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba: Tổng kết, đánh giá thật tốt trước khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng
Trong chương trình chuẩn bị có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Vừa qua Trung ương đã giao cho Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên cứu tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về phòng, chống tham nhũng và 6 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong nghị quyết có nói rõ: nghiên cứu để đề xuất mô hình về cơ quan chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cho phù hợp và đạt hiệu quả. Nếu với tinh thần như vậy mà chúng ta chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này – thì tôi e rằng không đáp ứng được yêu cầu. Nếu sửa đổi, bổ sung một số điều như trong thuyết trình của Chính phủ thì tôi thấy rất hạn hẹp. Nên chăng chúng ta có thể lùi dự án luật này lại để tập trung tổng kết, đánh giá cho tốt để khi sửa đổi thì sửa đổi toàn diện,  đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay về công tác phòng, chống tham nhũng.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền: Cần thay đổi
Trong quá trình thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội hàng năm, kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm, chúng tôi thấy chưa có một văn bản nào quy định về các tiêu chí, các nguyên tắc khi xây dựng kế hoạch 5 năm hoặc kế hoạch hàng năm. Vì vậy, đã có một đôi lần chúng tôi kiến nghị là QH cần có một văn bản dưới dạng nghị quyết của QH quy định về những nguyên tắc, tiêu chí để xây dựng kế hoạch về kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm và những chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà QH thông qua.
QH biểu quyết những chỉ tiêu về môi trường, chất thải rắn được xử lý là bao nhiêu, bao nhiêu giường bệnh, bao nhiêu m2 nhà ở... Tất cả vấn đề đó đều tương đối, không có căn cứ nào để chúng ta thẩm tra việc này cả. Vậy Khóa XIII chúng ta vẫn tiếp tục biểu quyết theo cách đó hay chúng ta cần thay đổi? Theo tôi, nên thay đổi. Cần quy định một số tiêu chí, một số nguyên tắc và QH chỉ thông qua một số chỉ tiêu chính là chỉ tiêu về kinh tế - xã hội chủ yếu thôi, không đi vào tất cả 25 chỉ tiêu nữa để cuối cùng chúng ta kiểm điểm rõ việc thực hiện chỉ tiêu ấy đến mức độ nào. QH ban hành nghị quyết rồi thì việc kiểm điểm cuối năm cũng phải bám theo nghị quyết của QH thì nghị quyết của QH mới được thực hiện nghiêm túc. Nên cân nhắc, trong những kỳ họp đầu của QH Khóa XIII cần ban hành một văn bản quy định về vấn đề này.
Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có dự án Luật Đô thị. Hiện nay, QH đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị rồi. Luật Quy hoạch đô thị điều chỉnh tất cả những vấn đề về quy hoạch, về quản lý đô thị. Không biết Luật Đô thị giải quyết cái gì? Tôi đề nghị xem xét lại việc này, nếu không sợ sẽ trùng lặp.
Luật Thủ đô, dự kiến đưa vào chương trình để Quốc hội thông qua tháng 10 năm 2012. Tôi đồng ý chương trình này vì Luật Thủ đô được QH Khóa XII xem xét khá nhiều lần và cũng đến thời điểm chín muồi, chỉ còn một số vướng mắc. Cơ quan soạn thảo, nếu không phối hợp chặt với các cơ quan khác liên quan đến vấn đề chính sách kinh tế thì khi anh thiết kế những điều khoản, những chính sách sẽ vướng với các Bộ luật khác. Với dự án luật này, cả khâu soạn thảo và khâu thẩm tra nên kỹ lưỡng thêm một tý nữa để chúng ta ban hành được một số chính sách kinh tế dành riêng cho Thủ đô mà chúng ta gọi là đặc thù. Tôi nghĩ rằng QH hoàn toàn đủ thẩm quyền để làm việc đó.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Luật của chúng ta dài hơi…
Luật ngân sách Nhà nước đã được thông qua năm 2002, đến năm 2012 này đã được 10 năm. Đúng ra Luật này phải được sửa đổi và bổ sung tại nhiệm kỳ Khóa XII và trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2016 thì chúng ta đã phải áp dụng Luật ngân sách mới rồi. Hiện nay Luật ngân sách của chúng ta quá lạc hậu. Nhưng dự án luật này vẫn đưa vào chương trình chuẩn bị, như thế là không thỏa đáng. Luật ngân sách Nhà nướác của chúng ta liên quan đến rất nhiều vấn đề, liên quan đến chiến lược tài chính của quốc gia. Tôi đề nghị không đưa Luật ngân sách vào chương trình chuẩn bị, mà nên đưa ra QH cho ý kiến Kỳ họp thứ Tư (tháng 10.2012) và sẽ thông qua vào Kỳ họp thứ Năm (tháng 5.2013); Luật sẽ được thực hiện vào tài khóa năm 2014, như vậy cũng là 12 năm từ khi luật đầu tiên được ban hành.
Với Luật Thuế thu nhập cá nhân - chúng ta vẫn phàn nàn rằng Luật này vừa mới ra đời nhưng đã lạc hậu. Tôi cho rằng Luật thuế thu nhập cá nhân cũng rất quan trọng, chúng ta cũng nên xem xét để luật của chúng ta dài hơi. Cho nên mặc dù trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và thông qua tại một kỳ họp; nhưng tôi xin đề nghị, nếu cần thiết chúng ta rà soát lại toàn bộ và nên thông qua tại 2 kỳ họp cho chắc chắn. 
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng: Phải khẳng định rằng dự án luật của Chính phủ
Có một hiện tượng cũng tương đối kéo dài: khi một dự án luật của Chính phủ được trình để UBTVQH cho ý kiến trước khi trình ra QH thì cơ quan chủ trì là Trưởng Ban soạn thảo thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày một dự án luật; nhưng trong đó Bộ khác lại có ý kiến không đồng tình điểm này, điểm khác, đôi khi điểm không đồng tình đó lại có những nội dung khá quan trọng. Từ đó nó đặt một suy nghĩ là: có phải là dự án của Chính phủ không hay của riêng Bộ đó? Nếu của riêng Bộ đó thì sao lại đóng dấu Chính phủ, rồi lại nhân danh Chính phủ để trình ra UBTVQH và QH? Ý thức tổ chức kỷ luật của thành viên Chính phủ như thế nào đối với một dự án luật của Chính phủ?
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khi Chính phủ trình một dự án luật thì Chính phủ phải thảo luận rất kỹ và phải khẳng định đấy là dự án luật của Chính phủ, phải bàn kỹ trong đó và Chính phủ phải kết luận. Bây giờ chúng ta cũng phải hết sức quan tâm đến chất lượng dự án luật vì cũng còn nhiều luật hoặc trong những luật còn nhiều nội dung mà chất lượng chưa tốt.
Tôi tán thành nội dung cụ thể về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Về nguyên tắc tôi đồng ý, nhưng sau Đại hội Đảng có một vấn đề mà chúng ta phải làm là tổ chức bộ máy nhà nước phải đồng bộ, đồng bộ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp bởi vì nó có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu không giải quyết một cách đồng bộ sẽ có trục trặc. Do đó, tôi tán thành rằng để phục vụ cho việc sửa đổi Hiến pháp thì các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước được đưa vào để ở chương trình chuẩn bị, nhưng vào chương trình chuẩn bị không có nghĩa là khi nào dự án luật được đưa vào chương trình chính thức chính thức thì lúc đó mới thành lập Ban soạn thảo. Bởi nếu như vậy thì đưa vào chương trình chuẩn bị cũng vô nghĩa.
Nguyên tắc và căn cứ lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012
Ủy ban pháp luật tán thành với các nguyên tắc và căn cứ lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy nhà nước; lựa chọn để đưa vào Chương trình các dự án luật, pháp lệnh còn lại trong Chương trình nhiệm kỳ Khóa XII nhưng chưa được xem xét, thông qua; các dự án đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 phải là các dự án được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị tốt và phải bảo đảm các yêu cầu, quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật... Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nêu rõ lý do một số dự án thuộc Chương trình chính thức trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Khóa XII chưa được thông qua song không được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 như Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Giáo viên...; một số dự án chưa có hồ sơ hoặc báo cáo đánh giá tác động như Luật Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh; Luật Hộ tịch; Luật Tạm giữ, tạm giam.
Năm 2011 là năm chuyển giao giữa nhiệm kỳ QH Khóa XII và QH Khóa XIII, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 được xem xét, thông qua trước Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Khóa XIII. Do đó, cần phải xem xét tổng thể đối với việc lập Chương trình năm 2012, nhất là Chương trình chuẩn bị để làm tiền đề cho việc chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Đồng thời, việc bố trí các dự án trong từng kỳ họp cần theo thứ tự ưu tiên, xem xét đưa vào Chương trình các dự án cần thiết đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, không dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để bảo đảm tính khả thi của Chương trình và chất lượng của dự án.
Cần đưa vào dự kiến Chương trình việc QH ban hành Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 1992
Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam “Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới”(1) Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH đưa vào dự kiến Chương trình việc QH ban hành Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII (tháng 7.2011).
(Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012)
________________
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011, tr247.
Nguyễn Vũ ghi

No comments:

Post a Comment