(02/02/2011-04:23:00 PM)
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau 5 năm nỗ lực thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo của Chinh phủ, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010.
Cây đậu tương ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên giúp người
dân nơi đây không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu lên
Chương trình giảm nghèo Quốc gia đạt thành quả bước đầu
Có thể nói Chương trình Giảm nghèo Quốc gia đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi, cải thiện đời sống đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay cả nước có 15 tỉnh, thành phố tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%, trong đó có 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% và không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương.
Đối với 62 huyện nghèo, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, tỷ lệ hộ nghèo trung bình đã giảm từ 47% (năm 2008) xuống còn khoảng 37% (vào cuối năm 2010), bình quân giảm 5%/năm, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40% như Nghị quyết 30a đề ra.
Các con số trên minh chứng cho những nỗ lực không ngừng suốt 5 năm qua trong công cuộc giảm nghèo.
Từ 2006 – 2010, khoảng 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn với mức vay bình quân 7 – 8 triệu đồng/lượt/hộ, đạt 103,3% kế hoạch năm. 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật được triển khai. 150 ngàn lao động nghèo được dạy nghề miễn phí.
2.500 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư ở 273 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo. 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 500 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), kết quả giảm nghèo thời gian qua chưa thực sự bền vững, khả năng tái nghèo còn cao do thu nhập bình quân của người dân các xã đặc biệt khó khăn chỉ 4,6 triệu đồng/năm, bằng 1/6 mức bình quân chung cả nước.
Chuẩn nghèo mới và nỗ lực cao hơn để xóa nghèo
Để tiếp tục thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo trên cả nước, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015.
Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống; Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm) trở xuống; Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng;
Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.
Nếu tính theo chuẩn mới (thu nhập 400.000 đồng/người/tháng), tỷ lệ hộ nghèo ở các xã này sẽ tăng lên đến 60%, với 1,4 triệu hộ và khoảng 6,3 triệu người nghèo. Nhiều xã ở Tây Bắc, tây Nghệ An, tây Thanh Hóa, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 80- 85%. Vì vậy, cần xây dựng một Chương trình Giảm nghèo quốc gia mang tính toàn diện và bền vững, theo hướng phân cấp và trao quyền tự chủ cho địa phương trong quá trình giải ngân triển khai các dự án phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo quốc gia cho rằng, “5- 10 năm tới, phải tạo ra bước đột phá trong công tác giảm nghèo”.
“Đây là cuộc đầu tư cả tâm lực, trí lực, tình cảm và trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị cho 15- 16 triệu đồng bào còn ở mức đáy của thu nhập xã hội. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần chủ động trong việc triển khai các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước để làm sao chúng ta tạo được một bước chuyển nhanh hơn, vững chắc hơn về Chương trình Giảm nghèo. Dứt khoát phải tạo ra được sự ổn định của đất nước, để chênh lệch giàu nghèo đỡ giãn ra hơn. Chúng ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI cũng là để thực hiện 5 năm đầu tiên của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2010 -2020”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói.
Với những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị định về công tác dân tộc và Chương trình 135 giai đoạn 3 sắp được Chính phủ ban hành sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho công tác giảm nghèo quốc gia, nhằm giảm 1/3 số hộ nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực này lên bằng 1/3 bình quân cả nước.
Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: “Tiếp tục tạo cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội. Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo theo chuẩn mới phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn khác. Khuyến khích người dân làm giàu theo pháp luật, tăng nhanh số hộ có thu nhập trung bình khá trở lên, giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm, hạn chế phân hoá giàu nghèo”.
Công Trí
Cổng thông tin điện tử Chính phủ
No comments:
Post a Comment