Tác giả: HUỲNH PHAN
"Cuộc chiến kéo dài quá lâu, tới một thập kỷ rưỡi, khiến tài chính của nước Mỹ bị cạn kiệt, cảm xúc của người dân Mỹ cũng cạn kiệt theo. Nhiều chàng trai trẻ trở về với những vết thương trên người... Chính vì vậy, những hình ảnh hoà bình ở Việt Nam đã khiến người Mỹ tin rằng chiến tranh đã thực sự kết thúc với họ."
Điểm nhấn của Hội ngộ Sài Gòn
Ngày 29.4 đã trở thành điểm nhấn trong cuộc Hội ngộ Sài Gòn, kéo dài 3 ngày (28.4-30.4), của nhóm cựu phóng viên chiến trường quốc tế. Ban ngày, họ được mời tham gia đoàn tham quan địa đạo Củ Chi, Toà thánh Tây Ninh và Núi Bà Đen.
"Chuyên gia về chiến tranh du kích" Peter Arnett đã đứng ngay ở miệng địa đạo Củ Chi để kể cho các đồng nghiệp, nhất là những phóng viên trẻ, về những gì diễn ra ở khu vực này cách đây 4 thập kỷ. Còn ở chân Núi Bà Đen, cựu phóng viên ABC News Don North đã kể lại trận đánh ông đã chứng kiến và đưa tin. Riêng "Movies Star" Nick Út đã bị phóng viên Thomson Reuters Nguyễn Văn Vinh "bắt cóc" đưa về Trảng Bàng để kể lại câu chuyện về Kim Phúc.
Peter Arnett kể về địa đạo Củ Chi |
Đến tối, họ gặp lại nhau trong một chương trình đầy sôi động tại Caravelle. Họ cùng xem những bức ảnh thời chiến tranh do chính những thành viên trong nhóm chụp, được đặt trên dãy bàn ngoài sảnh, trước khi vào phòng tiệc xem một cuốn phim tài liệu về hoạt động của văn phòng AP Saigon trước 30.4.1975.
Cạnh tranh và thủ đoạn
Trong màn tự giới thiệu, ấn tượng nhất là những câu chuyện của Matt Franjola - cựu phóng viên UPI và sau đó là AP, và Jim Laurie - cựu phóng viên NBC.
Matt kể rằng, khi đưa tin về chiến dịch Khe Sanh, ông luôn "hối lộ" các sĩ quan thông tin của Mỹ bằng các ổ bánh mỳ Pháp còn nóng hổi, để họ giúp ông truyền tin trước các hãng thông tấn khác. Khi đó, Matt làm cho UPI.
"Tôi đã gian lận," Matt thú nhận.
Sự "thú nhận" của Matt đã kéo theo sự "sám hối" của Jim. Ông đã "ăn mảnh" được những ngày "hậu giải phóng" đầu tiên, nhờ đánh lạc hướng được các đối thủ cạnh tranh.
Và không chỉ có vậy. Nhờ đó, ông đã "ẵm" luôn cả giải Peabody (giải thưởng dành cho phát thanh và truyền hình) năm 1975.
Matt Franjola kể lại chuyện đã hối lộ thế nào. |
Jim kể rằng vào ngày 29.4.1975, trong làn sóng ồ ạt chuẩn bị di tản, ông cũng phóng chiếc xe hơi hiệu Dallas đến một điểm di tản, và đỗ xe ở một góc khuất. Lao vào đám đông, và khi biết chắc chắn là các phóng viên khác thấy ông ở đó, Jim lại bí mật lẻn ra, và lái xe quay ngược trở lại văn phòng bằng đường khác.
"Chúng tôi biết rằng ở lại vẫn an toàn. Nhưng nếu công khai ở lại, các hãng khác cũng noi theo, và thế là khó có thể có phóng sự độc quyền được", Jim nói. Ông giải thích thêm rằng người quay phim của NBC là Neil Davis có biết một nhân vật thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng, và người này cho biết phóng viên nước ngoài sẽ được đảm bảo an toàn dưới chính quyền mới.
"Ít nhất, NBC đã loại được hai đối thủ cạnh tranh ở Mỹ là CBS và ABC, và khi đó chưa có CNN", Jim cười khoái trá. Ông nói thêm rằng do lo ngại tình hình trở nên nguy hiểm sau 30.4, các hãng này đã huỷ bỏ chính sách bảo hiểm cho phóng viên của mình, và yêu cầu họ rút về nước.
Có một điều trùng hợp nữa là, cũng như Jim, Matt cùng hai đồng nghiệp khác là George Esper và Peter Arnett không chịu rời Sài Gòn vào thời điểm lịch sử đó. AP kịp thời đưa tin, khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, còn nhóm NBC thì quay được cảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập.
Việt Nam bắt đầu hoà bình - Mỹ kết thúc chiến tranh
Những gì AP làm được, Peter Arnett đã kể rõ trong cuốn sách "Từ chiến trường khói lửa", và cũng được các báo lớn như Tuổi Trẻ, hay Tiền Phong, trích đăng. Còn những gì diễn ra với nhóm NBC, theo người viết (sau khi tìm trên google), dường như chỉ đến dịp Hội ngộ Sài Gòn 2010 Jim mới kể cho các đồng nghiệp.
Hai phóng viên NBC quay tất cả những gì họ có thể quay. Từ cuộc tiếp đón của Tướng Trần Văn Trà vào ngày 2.5, đến lễ duyệt binh vào 7.5.
"Chúng tôi phỏng vấn được Tướng Trà hôm ông tiếp ông Dương Văn Minh", Jim nói.
"Ba ngày đầu tiên các cửa hiệu hầu như đóng cửa. Trên mặt người dân Sài Gòn lộ vẻ rất bất an, lo lắng. Họ băn khoăn không hiểu bộ đội Bắc Việt sẽ cư xử với họ ra sao, bởi hình ảnh những đoàn xe tăng tiến vào thành phố để lại cái ấn tượng chinh phục quá mạnh", Jim tiếp tục.
Jim kể rằng sang tới ngày thứ tư, họ đã quay được cảnh một tốp bộ đội trên phố với những người dân bao quanh, nói chuyện với nhau khá thân thiện. "Chúng tôi cảm nhận rằng người dân miền Nam đang cố hiểu bộ đội miền Bắc, và bộ đội miền Bắc cũng vậy", Jim nhận xét.
Không chỉ quay ở Sài Gòn, họ còn chạy xe xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long. "Mọi chuyện đều suôn sẻ, đúng như ông cán bộ Mặt trận đảm bảo với chúng tôi trước đó. Trở ngại duy nhất là sau 30.4, xăng xe cực kỳ khó kiếm", Jim nhớ lại.
"Để đảm bảo an toàn cho tôi, Neil có dăn đi dặn lại là khi đi quay tôi luôn phải đứng sau ông. Để khi người ta hỏi ông sẽ trả lời là người Úc, và tôi chỉ cần gật đầu theo.
Nhưng càng gần về cuối, khi người ta hỏi với ánh mắt thiện cảm, tôi cũng mạnh dạn trả lời rằng tôi là phóng viên người Mỹ, nhưng là "người Mỹ tiến bộ", Jim bật cười.
Jim Laurie đang kể cho "các thiên thần" của mình câu chuyện 35 năm trước. |
Trong quá trình quay phim suốt một tháng trời, chỉ có một lần duy nhất họ gặp rắc rối. Đó là vào khoảng giữa tháng 5.1975, khi bộ đội đang đốt một đống sách to ở gần chợ Bến Thành (là những văn hóa phẩm tư sản đồi trụy, theo cách nhìn của thời bấy giờ - NV)
"Tình cờ lúc đó chúng tôi đi ngang qua, và lập tức bấm máy. Một viên sĩ quan đã giơ tay ngăn lại, và lịch sự tiễn chúng tôi về tới tận cổng khách sạn ở đường Lê Lợi", Jim kể.
Nhưng, bù lại, một cảnh thú vị khác diễn ra cũng ở chợ Bến Thành lại được quay trọn vẹn mà không gặp phải sự cản trở nào. Đó là cảnh một tốp bộ đội trẻ đi mua sắm.
"Chúng tôi lẽo đẽo đi theo họ để quay. Hay nhất là chúng tôi quay được nét mặt ngỡ ngàng, pha chút choáng ngợp, của những anh lính từ nông thôn xã hội chủ nghĩa miền Bắc lần đầu tiên lạc vào một đô thị tư bản hào nhoáng ở miền Nam", Jim vừa nói vừa nheo mắt.
Jim ở Sài Gòn cho tới ngày 26.5.1975, trước khi khệ nệ vác đống phim quay được về Hongkong, có transit qua Vientiane và Bangkok, để tráng và biên tập lại thành một phóng sự đặc biệt dài 30 phút. Khi bộ phim được phát trên NBC đã có hàng triệu khán giả theo dõi.
"Cuộc chiến kéo dài quá lâu, tới một thập kỷ rưỡi, khiến tài chính của nước Mỹ bị cạn kiệt, cảm xúc của người dân Mỹ cũng cạn kiệt theo. Nhiều chàng trai trẻ trở về với những vết thương trên người...
Chính vì vậy, những hình ảnh hoà bình ở Việt Nam đã khiến người Mỹ tin rằng chiến tranh đã thực sự kết thúc với họ", Jim nói trong dòng suy tưởng.
-----------
*Vì lý do kỹ thuật, bài "Những thiên thần của Laurie" sẽ được giới thiệu trong chùm bài riêng về chuyện nghề. Xin cáo lỗi cùng độc giả.
No comments:
Post a Comment