Thứ năm, 20/8/2009, 16:23 GMT+7
Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo dự kiến đến năm 2015 nước ta mới bước vào giai đoạn dân số già, nhưng với tỷ lệ người trên 65 tuổi năm 2008 là 7,5% thì dân số nước ta đã già hóa.
> Việt Nam có gần 86 triệu người
> Việt Nam có gần 86 triệu người
Thông tin được ông Dương Quốc Trọng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình cho biết trong hội thảo sáng 20/8 về định hướng công tác dân số Việt Nam giai đoạn 2010-2020, diễn ra tại Hà Nội.
Một nước được gọi là dân số già khi số người trên 60 tuổi chiếm 10%; và trên 65 tuổi chiếm 7,5%. Năm 2008 tỷ lệ người trên 60 tuổi ở nước ta là 9,5% - xấp xỉ già hóa. Nhưng nếu dựa theo tỷ lệ người trên 65 tuổi thì dân số nước ta đã thuộc vào giai đoạn già hóa.
"Như vậy quá trình già hóa dân số của chúng ta đến sớm hơn dự kiến. Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới dân số già khi chưa giàu, chưa tích lũy được gì thì đã già", ông Trọng cho biết.
Cũng tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về vấn đề mất cân bằng giới khi sinh tại nước ta đã ở mức rất cao, nhưng vẫn tiếp tục tăng nhanh. Từ năm 1979 đến 1999, cứ 10 năm mới tăng 1 điểm % (ví dụ 110 nam trên 100 nữ thành 111 nam trên 100 nữ), nhưng trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2008, mỗi năm đã tăng 1 điểm %, đạt mức 112 vào năm 2008.
Mức gia tăng này của Việt Nam nhanh hơn nhiều so với một số nước có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao như Ấn Độ, Trung Quốc. Năm 2007, có 33 trên 64 tỉnh, thành trong cả nước có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 110, đặc biệt một số tỉnh rất cao như Hải Dương là 135.
"Chúng ta vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để khống chế sự gia tăng này. Hiện nay vẫn chủ yếu là tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát nhà xuất bản, trang web, cơ sở siêu âm nhưng chỉ mang tính chất giáo dục, để có bằng chứng rõ ràng để xử phạt là rất khó", ông Đinh Công Thoan, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính cho biết.
Tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài có xu hướng gia tăng, càng làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng giới tính. Biện pháp quan trọng nhất để giải quyết tình trạng này là sớm sửa đổi quy định về nạo phá thai theo nguyện vọng chuyển sang nạo phá thai có điều kiện. Ngoài ra công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, thanh tra vẫn được tăng cường.
Ngoài ra, một vấn đề đáng lo ngại là số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 14-49 tuổi tăng nhanh. Trong 10 năm tới, nhóm phụ nữ 20-34 tuổi (giai đoạn mắn đẻ nhất trong cuộc đời) sẽ đạt mức cực đại là 12,3 triệu người. Lý do là vì số phụ nữ sinh ra trong những năm 1975-1995 (thế hệ 8x, 9x) có quy mô đông nhất trong lịch sử nhân khẩu học Việt Nam. Các nhà nhân khẩu học gọi hiện tượng này là "bùng nổ dân số lần hai".
Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh khá thấp, xếp thứ 116 so với 174 nước trên thế giới. Bình quân mỗi người dân có tới 12 năm là ốm đau bệnh tật so với 72,2 tuổi sống.
Trước đây, mục tiêu quan trọng nhất của ngành dân số là giảm mức sinh, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ tập trung để nâng cao chất lượng dân số, cải thiện chất lượng giống nòi. Trong đó tập trung vào tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Nam Phương
|