19 Tháng một 2004, 11:22 GMT+7
Hơn 30 năm bôn ba nơi đất khách quê người, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Chánh Khê, Việt kiều Mỹ, lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ quê hương và mong muốn cống hiến tri thức khoa học cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.
Với 35 bằng phát minh được nhận ở Mỹ và nhiều giải thưởng phát minh, sáng chế khi còn là sinh viên, ông được nhiều công ty hàng đầu thế giới như Eastman, Kodak, Ricoh, Intel, Motorola, biết đến với tư cách là một chuyên gia về công nghệ thông tin và vật liệu bán dẫn.
Hơn 30 năm bôn ba nơi đất khách quê người, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Chánh Khê, Việt kiều Mỹ, lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ quê hương và mong muốn cống hiến tri thức khoa học cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.
Là con thứ 3 trong một gia đình có 5 anh em sống tại Bình Hòa Xã, Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), từ nhỏ ông đã thích quan sát hiện tượng ánh sáng mặt trời xuyên qua các kẽ lá tạo ra những hình thù lạ mắt. Đây cũng chính là điểm khởi nguồn cho những công trình nghiên cứu, sáng tạo về công nghệ vi mạch bán dẫn của ông sau này.
Hoàn cảnh gia đình đã buộc ông phải tự lập từ rất sớm. Song với ý chí quyết tâm và niềm say mê khoa học, ông đã quyết tâm sang du học tự túc tại Nhật Bản. Vừa học vừa làm thuê, cuối cùng ông đã giành được bằng tiến sĩ về vật liệu và khoa học xử lý thông tin tại Trường Đại học Công nghiệp Tokyo.
Cuối năm 2003, ông cùng các cộng sự của mình chế tạo thành công than nano lỏng, một loại vật liệu đặc biệt ứng dụng trong công nghệ thông tin bán dẫn. Đây là phát minh có bước đột phá bởi trên thế giới có rất ít quốc gia chế tạo và phát triển được loại vật liệu này.
Đặc biệt loại vật liệu này được chế tạo từ những nguyên liệu rẻ tiền như đất đèn, than xơ dừa, than dầu, nên khả năng ứng dụng thực tế cao. Hiện phát minh này đã được ứng dụng vào sản xuất mực in 4 màu SHTP với giá thành chỉ bằng một nửa so với giá mực nhập khẩu cùng loại.
Đang hưởng mức lương hàng chục nghìn USD, ông Khê quyết định trở về Việt Nam chỉ với mong muốn cống hiến tri thức của mình để xây dựng quê hương. Trước khi công tác tại Trung tâm nghiên cứu thuộc Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh trên cương vị Giám đốc, kể từ năm 1993 hàng năm ông đều về nước để tham gia các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo trong nước.
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Chánh Khê còn cung cấp cho các viện nghiên cứu trong nước những thông tin mới nhất về những ứng dụng của công nghệ thông tin. Ngoài ra ông còn trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu khoa học và luận văn thạc sĩ cho một nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê cho rằng "Việt Nam phải có công nghệ nguồn của mình mới có thể tạo đà cho nền khoa học công nghệ phát triển, từ đó đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước". Chính những băn khoăn này đã thôi thúc ông hồi hương vào năm 2002 và đang làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam để có thể thực hiện được mơ ước của mình là đưa "công nghệ nano vào Việt Nam".
Theo TTXVN
No comments:
Post a Comment