(MPI Portal) - Theo Dự thảo Báo cáo quốc gia Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân hàng năm trong thời kỳ 2000 - 2010 đạt 7,2%. GDP bình quân đầu người năm 2010 khoảng 1200 USD, gấp 3 lần so với năm 2000.
Tỷ lệ nghèo còn khá cao ở một số địa bàn, đặc biệt ở vùng Tây Bắc và nhóm dân tộc thiểu số
Cùng với với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, đã có sự chuyển biến đáng kể trong cơ cấu kinh tế đưa Việt Nam từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu thực hiện quá trình công nghiệp hóa, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng GDP của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, khai thác mỏ giảm từ 24,5% vào năm 2000 xuống còn 21,2% vào năm 2010, trong khi tỷ trọng của khu vực công nghiệp chế biến và xây dựng tăng từ 36,7% vào năm 2000 lên 39,9% vào năm 2010. Trong cùng thời gian, tỷ trọng GDP của khu vực dịch vụ duy trì ở mức gần 38%.
Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế là kết quả một hệ thống các chính sách cải cách sâu rộng nhằm xây dựng và phát triển các thể chế thị trường. Đến thời điểm hiện nay, các loại thị trường đã cơ bản hình thành và từng bước phát triển thống nhất trong cả nước, có sự gắn kết với thị trường thế giới. Môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, hướng đến đảm bảo một “sân chơi bình đẳng” cho các thành phần kinh tế. Những cải thiện trong môi trường đầu tư thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp ngày càng tăng. Khu vực tư nhân trong nước đã có những bước phát triển quan trọng, đặc biệt là sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành (và sửa đổi) đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và của người dân.
Trong quá trình cải cách thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khai thác các cơ hội thị trường quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 170 quốc gia, vùng và lãnh thổ, ký hơn 60 hiệp định kinh tế về thương mại song phương và thiết lập quan hệ đầu tư với khoảng trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã hoàn thành việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại trong khuôn khổ Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA); trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); tham gia tích cực vào Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tự do hóa thương mại và đầu tư đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế mở với tổng giá trị xuất nhập khẩu chiếm đến hơn 150% GDP; đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây có giá trị trong khoảng hơn 60% tổng sản phẩm trong nước.
Bên cạnh những chương trình, chính sách thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng nhằm đảm bảo thực hiện các Mục tiêu này với một số nhóm xã hội đặc biệt như đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở các vùng có điều kiện khó khăn. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (Chương trình 135), Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Chương trình 134).
Với những nỗ lực đó, Việt Nam đạt được những thành quả quan trọng đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ; tiếp tục đạt được những tiến bộ vượt trội về bình đẳng giới. Tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ 58,1% năm 1993 xuống 14,5% năm 2008. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 71 tuổi năm 2002 lên 74,3 tuổi năm 2007. Thu nhập thực tế của mỗi người dân sau 10 năm tăng gấp 3,5 lần.
Việt Nam được xem là một ví dụ điển hình về sự thành công trong việc xóa đói và giảm nghèo. Tính đến cuối năm 2002, Việt Nam đã đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ”giảm ½ tỷ lệ nghèo”, tức là từ 58,1% năm 1993 xuống còn 28,9% năm 2002. Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 14,5% vào năm 2008. Giảm nghèo diễn ra ở tất cả các nhóm dân cư, thành thị, nông thôn, dân tộc Kinh, các dân tộc thiểu số, và ở các vùng địa lý. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo còn khá cao ở một số địa bàn, đặc biệt ở vùng Tây Bắc và nhóm dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2008, hơn 50% người dân tộc vẫn là người nghèo, chiếm tới hơn một nửa tổng dân số nghèo Việt Nam.
Đầu tư cho giáo dục và đào tạo được Nhà nước quan tâm đặc biệt, coi đó là đầu tư cho phát triển. Ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo được tăng lên hàng năm, đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước vào năm 2009. Công tác xã hội hóa trong giáo dục đã thu hút được nhiều nguồn lực từ các tầng lớp nhân dân và cộng đồng tài trợ quốc tế. Vì vậy, Việt Nam tiếp tục đạt được những thành thành tựu đáng kể về giáo dục, đào tạo, xoá mù chữ. Tính đến năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và đang từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học; tiếp tục đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở trong độ tuổi; và đồng thời đặt ra mục tiêu cụ thể cho việc thực hiện mục tiêu phổ cập trung học phổ thông.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ. So với các quốc gia có cùng mức độ phát triển và thu nhập, Việt Nam có các chỉ số về bình đẳng giới khá cao: chỉ số Phát triển liên quan đến giới (GDI) của Việt Nam đứng thứ 92 trong số 177 quốc gia theo Báo cáo phát triển con người năm 2007/2008 của Liên Hợp quốc. Việt Nam đã xoá bỏ được những khác biệt về giới trong giáo dục ở tất cả các cấp học: Tỷ lệ học sinh nữ trong năm học 2008-2009 đạt 47,9% ở cấp Tiểu học; 48,5% ở cấp Trung học Cơ sở; 52,6% ở cấp Trung học Phổ thông; và 48,5% ở cấp Đại học.
Bình đẳng về việc làm và thu nhập là cũng đạt được những bước tiến quan trọng; trong số lao động mới tăng thêm hàng năm, nữ giới chiếm khoảng 49%. Phụ nữ ngày càng bình đẳng hơn trong công tác quản lý lãnh đạo, trong các vị trí đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại, nhất là tại vùng nông thôn, miền núi. Vẫn còn có chêch lệch về trình độ giáo dục giữa nam và nữ ở những người lớn tuổi.
Sức khoẻ của trẻ em tiếp tục được quan tâm và cải thiện đáng kể. Dù tốc độ giảm các tỷ suất này có xu hướng chậm lại và không thay đổi trong vài năm gần đây nhưng Mục tiêu MDG4 có thể đạt được với những nỗ lực của Việt Nam đến năm 2015. Chương trình tiêm chủng mở rộng được tiếp tục thực hiện với quy mô rộng hơn và chất lượng hơn, mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhiều.
Trong thời gian tới, thách thức đối với Việt Nam tiếp tục thúc đẩy giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi để đạt được Mục tiêu MDG4, trong điều kiện tốc độ giảm tỷ suất tử vong trẻ em đã chậm lại trong thời gian gần đây. Quan trọng hơn nữa là đảm bảo thu hẹp chênh lệch giữa các vùng; giữa thành thị và nông thôn; đặc biệt là đảm bảo việc đạt được các chỉ tiêu này đối với các khu vực khó khăn, các nhóm dân tộc thiểu số.
Tỷ suất tử vong mẹ giảm mạnh trong hai thập kỷ qua: từ 233/100.000 trẻ đẻ sống trong năm 1990 xuống còn 75/100.000 trẻ đẻ sống trong năm 2009. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai và tiêm phòng đã tăng lên rõ rệt trong thời gian qua. Mạng lưới y tế cơ sở về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ được củng cố và nâng cấp. Tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ được sự trợ giúp của các cán bộ được đào tạo cũng tăng lên.
Việc thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai dưới nhiều hình thức. Đại dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã bước đầu được kiềm chế tốc độ gia tăng và có xu hướng giảm trong hai năm gần đây nhưng xu hướng giảm chưa bền vững, và có thể còn có sai sót nhất định về số liệu thống kê. Bệnh sốt rét đang được khống chế và nhiều vùng đã được loại trừ. Chương trình phòng chống lao đã thu được những kết quả tích cực, được thế giới đánh giá cao.
Tuy nhiên, diễn biễn của HIV/AIDS vẫn còn phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao và phạm vi ngày càng rộng. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS còn cao, cản trở công tác điều trị và hòa nhập cộng đồng của người bệnh. Việc tiếp cận được các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị tại các trại giam, trại tạm giam, trung tâm giáo dục lao động xã hội vẫn còn hạn chế.
Việt Nam triển khai tích cực thực hiện Chương trình Nghị sự 21, thực hiện mục tiêu đảm bảo bền vững về môi trường và đạt được một số kết quả trong lĩnh vực phát triển bền vững: nâng cao độ che phủ của rừng, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái và xử lý các sự cố môi trường; phục hồi và cải thiện môi trường sinh thái; đẩy lùi tình trạng suy giảm tài nguyên môi trường.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế; tài nguyên thiên nhiên vẫn đang bị khai thác lãng phí và sử dụng kém hiệu quả, nhiều nguồn tài nguyên không được bảo vệ tốt, bị suy thoái và hủy hoại. Phần lớn các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đặt ra cho Kế hoạch 5 năm 2006-2010 không đạt được. Việt Nam là một trong những nước chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và thường xuyên bị thiên tai, làm cho việc đảm bảo môi trường bền vững đòi hỏi nỗ lực hơn nhiều trong thời gian tới.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển; thực hiện hiệu quả vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (2008-2009) và vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010; triển khai thực hiện các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và nhiều các cam kết tự do hóa thương mại khác. Nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu đã giúp Việt Nam huy động được các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tận dụng các cơ hội của tự do hóa thương mại, thị trường quốc tế cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.
Thách thức lâu dài đối với Việt Nam là xu thế chuyển dịch vốn ODA trong tương lai theo hướng giảm dần tỷ lệ của viện trợ không hoàn lại và các khoản cho vay có tính ưu đãi cao, thời hạn dài và tăng tỷ lệ các khoản cho vay kém tính ưu đãi hơn. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc tiếp tục tiếp tục thu hút, tránh lãng phí và tăng hiệu quả sử dụng vốn ODA.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong việc thu hút vốn ODA. Mặc dù tình hình phát triển kinh tế của nhiều nước tài trợ chủ chốt có nhiều khó khăn, song cộng đồng tài trợ quốc tế tiếp tục đặt niềm tin mạnh mẽ vào Việt Nam. Tổng vốn ODA cam kết của cộng đồng tài trợ quốc tế tại Hội nghị thường niên Nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (Hội nghị CG) trong 3 năm (2006-2008) đạt 18,7 tỷ USD. Tại Hội nghị CG tháng 12/2009, các nhà tài trợ đã cam kết trên 8 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước tới nay.
Nguồn vốn ODA đã bổ sung một nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển. Trong thời kỳ 1993 - 2007, ODA đã bổ sung khoảng 11,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 17% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 10 trong số các nước nhận được lượng kiều hối nhiều nhất thế giới trong năm 2008 với tổng trị giá ước khoảng 7,2 tỷ USD. Lượng kiều hối năm 2009 ước đạt khoảng 6,8 tỷ USD, là mức giảm không đáng kể trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái. Với chính sách đẩy mạnh xuất khẩu lao động, dự kiến năm 2010, lượng kiều hối sẽ tăng mạnh trở lại khi nền kinh tế thế giới phục hồi. Đây sẽ là nguồn ngoại lực quan trọng giúp Việt Nam tăng cường đầu tư phát triển, ổn định đời sống người dân, nâng cao sức tiêu dùng của xã hội./.
(Dự thảo báo cáo toàn văn kèm theo)
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
No comments:
Post a Comment