Tác giả: Robert D. Kaplan
Bài đã được xuất bản.: 09/09/2010 06:00 GMT+7
Có một nghịch lý nằm ở chính những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phô trương sức mạnh tại “Địa Trung Hải của châu Á” và xa hơn nữa. Đó là việc Trung Quốc một mặt có ý ngăn chặn không cho tàu Mỹ tiếp cận vùng gần duyên hải, trong khi thực lực của họ còn xa mới đủ khả năng bảo vệ mạng lưởi thông tin trên biển. Bởi vậy bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào tàu chiến Mỹ cũng đều có khả năng thất bại nếu hải quân Mỹ phong toả nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc bằng việc chặn đứng tàu thuyền nước này ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
LTS: Học giả Mỹ tiếp tục xới xáo, bàn luận về việc Washington liên tiếp chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy Trung Quốc chưa đủ mạnh để có thể soán ngôi bá chủ châu Á. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam lược dịch tiếp bài viết của Robert D. Kaplan, mời độc giả cùng suy ngẫm.
>> Học giả Mỹ kháo chuyện "ngáo ộp" hải quân Trung Quốc
>> Học giả Mỹ bàn chuyện Trung Quốc ngấm ngầm mở rộng lãnh địa
>> Học giả Mỹ bàn về sức mạnh địa lý của Trung Quốc
Tại sao Trung Quốc cố gắng ngăn chặn sự tiếp cận nhưng lại chưa từng có ý định thực thi nó? Theo cố vấn quốc phòng Jacqueline Newmyer thì, mục đích của Bắc Kinh là tạo ra "sự sắp đặt sức mạnh" để "không phải thực sự sử dụng vũ lực nhằm bảo vệ các lợi ích". Phô diễn hệ thống vũ khí mới, xây dựng cơ sở cảng biển, các điểm nghe ngóng tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hỗ trợ quân sự cho các quốc gia duyên hải nằm giữa lãnh thổ Trung Quốc và Ấn Độ Dương... tất cả đều không có gì là bí mật, tất cả đều là nhằm phô diễn sức mạnh. Thay vì lập tức tiến hành cuộc chiến với Mỹ, Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng với lối hành xử của Mỹ để tránh đối đầu.
Tuy nhiên, dường như có điều gì đó nổi lên trong các hoạt động của hải quân Trung Quốc. Nước này đang xây dựng một căn cứ hải quân chính tại đảo Hải Nam, nằm ngay trung tâm của Biển Đông, với những cơ sở ngầm có thể chứa 20 tàu ngầm hạt nhân hoặc bằng điện - diesel. Đây là kiểu vận dụng Học thuyết Monroe, xác định chủ quyền với vùng biển quốc tế lân cận. Trung Quốc có thể không có ý định chiến tranh với Mỹ hiện tại hoặc trong tương lai, nhưng động cơ có thể thay đổi. Tốt hơn là cần theo dõi các khả năng của nước này.
Mỹ bạo chi hơn cho khu châu Á. Ảnh minh họa: Đất Việt.
Tình hình an ninh hiện nay ở những vùng biên giới Á - Âu cơ bản là phức tạp hơn những năm đầu sau Thế chiến II. Mỹ xuống dốc, sức mạnh hải quân sụt giảm trong khi kinh tế và quân sự Trung Quốc đang gia tăng mạnh, cụm từ "đa cực" được sử dụng ngày một nhiều khi định nghĩa về tương quan sức mạnh tại châu Á. Mỹ cung cấp cho Đài Loan 114 tên lửa phòng không Patriot và hàng chục hệ thống thông tin quân sự hiện đại. Trung Quốc thì đang xây dựng căn cứ tàu ngầm ở Hải Nam và phát triển tên lửa chống hạm. Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục hiện đại hoá các hạm đội. Ấn Độ thì nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh. Mỗi quốc gia trong khu vực tìm kiếm việc điều chỉnh cân bằng quyền lực theo hướng có lợi cho mình.
Đây là lý do vì sao Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hoặc sai lầm hoặc không trung thực khi bác bỏ đường lối chính trị cân bằng quyền lực và coi đó là tàn dư của quá khứ. Có một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở châu Á, và Mỹ sẽ phải đối mặt với thực tế này khi đã thực sự giảm bớt lực lượng tại Afghanistan và Iraq. Mặc dù không một quốc gia châu Á nào có ý định gây ra chiến tranh, nhưng rủi ro từ sự hiểu lầm về cân bằng quyền lực sẽ gia tăng với sự tăng cường của lực lượng hải quân và không quân trong khu vực. Căng thẳng trên đất liền có thể "gia cố" căng thẳng trên biển: những khoảng trống quyền lực mà Trung Quốc giờ đây đang lấp đầy có thể dẫn họ tới những sự va chạm, mà ở mức tối thiểu là với Ấn Độ và Nga.
Những khu vực từng vắng vẻ trước đây giờ trở nên đông đúc với người, đường sá, hệ thống ống dẫn, tàu bè và tên lửa. Nhà nghiên cứu khoa học chính trị trường Yale, Paul Bracken cảnh báo năm 1999 rằng, châu Á đang trở thành một vùng địa lý khép kín và đối mặt với một cuộc khủng hoảng "chỗ trống". Qúa trình này vẫn tiếp tục diễn ra từ đấy.
Làm sao Mỹ có thể bảo vệ được ổn định ở châu Á, bảo vệ các đồng minh của nước này tại đây, và hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc mà vẫn tránh được đối đầu với Bắc Kinh? Sự cân bằng ở nơi biển xa sẽ không thể đủ tác động. Một cựu quan chức cấp cao Ấn Độ đầu năm nay nói rằng, những đồng minh chính của Mỹ tại châu Á (như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc) mong muốn hải quân, không quân Mỹ hành động "hoà hợp" với chính lực lượng của họ - nghĩa là Mỹ sẽ là một phần không thể thiếu trên bộ và trên biển của châu Á, chứ không phải là lực lượng ở nơi nào đó xa xôi.
Lầu Năm Góc có một kế hoạch để Mỹ có thể "đối đầu sức mạnh chiến lược của Trung Quốc, mà không trực tiếp đối đầu quân sự". Đó là việc duy trì đội tàu gồm 250 chiếc (thay vì 280 chiếc hiện có) và cắt giảm 15% chi tiêu quốc phòng. Kế hoạch này do đại tá nghỉ hưu Pat Garrett đưa ra rất có ý nghĩa vì nó đề cập tới tầm quan trọng chiến lược của châu Đại Dương.
Guam và Caroline, Marshall, Northern Mariana, quần đảo Solomon đều là lãnh địa của Mỹ, khối thịnh vượng chung có những thoả thuận quốc phòng với Mỹ, hoặc là những quốc gia độc lập có lẽ sẽ cởi mở với những thoả thuận như vậy. Châu Đại Dương sẽ ngày càng quan trọng vì nó khá gần Đông Á, lại ở bên ngoài khu vực mà Trung Quốc muốn từ chối sự tiếp cận dễ dàng của các tàu chiến Mỹ. Guam chỉ mất bốn giờ bay để tới Triều Tiên và hai ngày đi tàu để tới Đài Loan. Sẽ ít "nhạy cảm" nếu Mỹ duy trì các căn cứ tại Châu Đại Dương trong tương lai hơn là đóng quân ở Nhật, Hàn Quốc và Philippines.
Tăng cường sự hiện diện của hải quân và không quân Mỹ tại Châu Đại Dương sẽ là một cách "thoả hiệp" giữa chống lại một Trung Quốc bằng bất cứ giá nào và chấp thuận tương lai để hải quân Trung Quốc giám sát chuỗi đảo thứ nhất. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt cho bất cứ hành động gây hấn nào chống lại Đài Loan, đồng thời cho phép tàu thuyền, máy bay Mỹ tiếp tục tuần tra khu vực.
Dù sao thì sự nắm giữ của Mỹ với chuỗi đảo thứ nhất đang bắt đầu yếu dần. Người dân địa phương trở nên ít chấp nhận sự hiện diện quân đội nước ngoài trong tâm trí họ. Và vị thế gia tăng của Trung Quốc khiến Bắc Kinh vừa đáng sợ vừa có sức thu hút - một cảm giác lẫn lộn có thể ảnh hưởng tới quan hệ song phương giữa Mỹ và những đồng minh Thái Bình Dương.
Một Trung Quốc lớn có thể nổi lên trong nền chính trị, kinh tế hoặc quân sự ở Trung Á, Ấn Độ Dương, Đông Nam Á hay tây Thái Bình Dương. Nhưng ngay cạnh địa hạt ấy là dòng tàu chiến Mỹ, rất nhiều có thể đóng tại Châu Đại Dương và là đối tác với các lực lượng hải quân từ Ấn Độ, Nhật Bản... Và, khi sự tự tin của Trung Quốc gia tăng, lực lượng biển khơi của họ có thể tự mình cuốn vào một liên minh hải quân khu vực rộng lớn.
Tuy vậy, thực tế sức mạnh kinh tế, quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ làm "trầm trọng thêm" căng thẳng Mỹ - Trung thời gian tới. Diễn giải theo lời của Mearsheimer thì là, Mỹ - nước bá quyền nơi Tây Bán cầu sẽ nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc trở thành nước bá quyền nhiều vùng ở Đông Bán cầu...
Thuỵ Phương lược dịch từ FP
No comments:
Post a Comment