Sunday, September 19, 2010

Thomas Friedman và giá trị Mỹ

Tác giả: Khắc Giang (tổng hợp)
Bài đã được xuất bản.: 15/09/2010 06:00 GMT+7
RecomendThanks+9RedIn Email Thảo luận TRONG MỤC NÀY (Đọc thêm) PN&HĐ: Trục thẳng, trục cong rồi trục...lên trời?
Viết tiểu thuyết chính trị phải có "máu chính trị"
Thomas Friedman và giá trị Mỹ
Cuộc sống qua “mắt” nhạc sĩ Văn Vượng
Thật khó tin là với một người đã giành được quá nhiều thành tựu trong sự nghiệp báo chí, được giới phóng viên toàn cầu kính trọng như Friedman, thì khóa học về báo chí duy nhất mà ông đã từng tham gia là môn báo chí cơ bản lớp 10.

Trong bất kì thời điểm nào, nước Mỹ cũng luôn có những nhân vật đặc biệt, xuất hiện và làm lan tỏa những nét đặc sắc nhất của văn hóa Mỹ ra toàn cầu. Cùng với những câu chuyện của Mark Twain và Ernest Hemingway, những bài diễn văn của Martin Luther King và Barack Obama, những cuốn sách và bài báo của Thomas Friedman nằm trong số các tác phẩm mang lại cho thế giới những hiểu biết sâu sắc nhất về giá trị Mỹ: luôn nhìn vào thực tế, quyền tự do tuyệt đối, và một khao khát mãnh liệt hướng về tương lai.


Bản năng của người cầm bút


Thomas Friedman là phóng viên kì cựu của tờ báo nổi tiếng The New York Times, nơi ông đã làm việc trong gần 30 năm và kinh qua nhiều vị trí khác nhau trên khắp thế giới. Ông đã từng có mặt tại Trung Đông vào những thời điểm nóng bỏng nhất của cuộc chiến Lebanon trong thập niên 80 của thế kỉ trước, đã từng theo bước ngoại trưởng Mỹ James Baker trong những cuộc hội đàm kết thúc Chiến Tranh Lạnh, sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần I, và cả sự biến Thiên An Môn trong suốt bốn năm phụ trách mảng đối ngoại của Mỹ cho tờ The Times.

Ông còn là một trong những phóng viên xuất sắc nhất về mảng đề tài toàn cầu hóa, ngay từ lúc cụm từ này trở nên phổ biến với sự xuất hiện của Internet, World Wide Web, và sụ sụp đổ của thế giới hai cực Yalta.

Trong cơn giận dữ của người Mỹ về sự kiện 11/9, Friedman cũng được coi là một trong số ít các phóng viên còn giữ tỉnh táo cho ngòi bút của mình. Ông đưa ra những bình luận rất khách quan và công bằng về khủng bố, chiến tranh, và xung đột giữa văn minh phương Tây với các giá trị của Hồi giáo trong loạt bài của mình trên tờ The New York Times.

Đó là những quan điểm rất Mỹ: thực tế, không thù hằn, và có tầm nhìn hết sức rõ ràng. Loạt bài báo này mang về cho ông một giải Pulitzer về mảng bình luận (commentary) trong năm 2002.

Trước đó, vào các năm 1983 và 1988, Friedman cũng giành được thêm hai giải Pulitzer nữa cho mảng phóng sự quốc tế; khi ông phụ trách thông tin về cuộc chiến ở Lebanon và nền chính trị phức tạp ở Trung Đông vào cuối những năm 80, khi phong trào Intifada lần I của người Palestine bắt đầu.



Nhà báo Thomas Friedman, Ảnh The NY Times


Thật khó tin là với một người đã giành được quá nhiều thành tựu trong sự nghiệp báo chí, được giới phóng viên toàn cầu nghiêng mình kính trọng như Friedman, thì khóa học về báo chí duy nhất mà ông đã từng tham gia là môn báo chí cơ bản lớp 10 ở trường trung học St. Louis Park, quê hương ông.

Đây không phải là một ví dụ để đánh giá chất lượng đào tạo phóng viên ở Mỹ, nó chỉ cho thấy một cách đơn giản rằng Thomas Friedman sinh ra là để làm báo.

Friedman đã được trao giải thưởng thành tựu báo chí trọn đời của Hiệp Hội Báo Chí Đối Ngoại Hoa Kỳ (Overseas Press Club of America) vào năm 2004, và được nhận sắc phong của nữ hoàng Anh (Order of the British Empire).

Ông có 2 con gái: Orly Friedman(1985) và Natalie Friedman (1988). Cả 2 đều sinh ra ở Isarel trong khi Friedman làm phóng viên cho The NewYork Times tại đây. Friedman đã dành nhiều tác phẩm xuất bản của ông cho 2 con gái .

Người tiên phong

Người Việt Nam nói riêng và độc giả châu Á nói chung biết tới Thomas Friedman qua những cuốn sách của ông nhiều hơn là những bài bình luận trên New York Times; trong đó nổi tiếng nhất là hai tác phẩm "Chiếc Lexus và cây Ô-liu" (1999), và "Thế giới phẳng" (2005).

Với Thomas Friedman, viết sách cũng là một công việc tương tự như nghề báo: điều cốt lõi là đem lại những thông tin cần thiết, dễ hiểu và tổng quát nhất cho người đọc.

Tác phẩm đầu tiên về toàn cầu hóa, "Chiếc Lexus và cây Ô-liu", được truyền cảm hứng sau khi Friedman đảm nhận chuyên mục đối ngoại của tờ Times từ năm 1995.

Khi nhận nhiệm vụ này, Friedman không muốn chỉ gói gọn lại mảng "đối ngoại" vào quan hệ giữa các quốc gia: ông luôn nỗ lực để làm cho những bình luận của mình gắn chặt với thực tế đang diễn ra sôi động bên ngoài trang báo.

Để làm điều đó, Friedman đã đi rất nhiều nơi, gặp gỡ rất nhiều người nhằm tăng cường sự hiểu biết của mình, cũng như để hoàn thiện khả năng đánh giá sự vật, sự việc một các khách quan nhất. "Nếu bạn không đi, bạn chẳng biết gì cả", ông nói như vậy khi nhìn lại quãng thời gian đó.

Friedman cũng là người sớm nhận ra sự xung đột giữa hai nhóm nhân tố cũ và mới ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ quan hệ giữa các quốc gia mà còn là vận mệnh của cả loài người trong kỉ nguyên mới - Đó là sự xung đột giữa nhóm nhân tố truyền thống như lòng yêu nước, dân tộc, tôn giáo, địa lý, và văn hóa với nhóm nhân tố mới, gồm có công nghệ, Internet, và toàn cầu hóa.

Phát hiện trên thúc đẩy ông niềm khao khát viết một quyển sách để "giải thích quan điểm nhìn của mình về thế giới mới." Tác phẩm "Chiếc Lexus và cây Ô-liu" đã ra đời từ đó, và các quan điểm của nó đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình từ đông đảo các độc giả trên toàn cầu. Tác phẩm được dịch ra 27 thứ tiếng và giành giải thường Overseas Press Club Award cho ấn phẩm xuất sắc nhất viết về chính sách đối ngoại.

Tác phẩm ra đời muộn hơn, nhưng cũng đạt được những thành công không kém, là "Thế giới phẳng" (2005). Trong tác phẩm nằm trong top best seller của New York Times trong hai năm liền này (2005-2007), Friedman đã đưa ra nhiều đánh giá của mình về các xu hướng kinh tế mới như outsourcing, insourcing, và offshoring; đồng thời nhận định về hệ thống kinh tế toàn cầu đang ngày càng gắn kết với nhau, với hệ quả là tạo ra một "thế giới phẳng", khi các rào cản về kinh tế-chính trị-xã hội-tôn giáo đang bị bào mòn dần.

Niềm tin vào tự do tuyệt đối


Thomas Friedman mang tính cách của một người Mỹ điển hình: nhìn nhận vấn đề một cách thực tế và khách quan, thuyết phục người khác bằng lý lẽ sắc bén hơn là bằng quan điểm cá nhân thuần túy.



Nhà báo Thomas Friedman, Ảnh The NY Times

Những bài báo và cuốn sách của ông luôn làm cho người đọc thấy thỏa mãn về tính hoàn chỉnh và logic trong các ông lập luận, dù cho đồng tình hay không đồng tình với quan điểm của ông.

Tính cách đó giúp Friedman luôn thành công trong suốt 14 năm phụ trách chuyên mục Op-ed của New York Times (op-ed-opposite the editorial page-là mục tranh luận của các ý kiến trái với quan điểm của ban biên tập trong một tờ báo, thường xuất hiện trong các ấn phẩm báo chí phương Tây), chuyên mục luôn nhận được nhiều ý kiến tranh luận phản hồi nhất của độc giả.

Friedman là người bảo vệ trung thành cho nền dân chủ kiểu Mỹ. Theo quan điểm của ông, dân chủ là nguồn gốc của mọi vấn đề phức tạp, kể cả khủng bố. Ông cho rằng, sự thù địch của người Hồi giáo ở Trung Đông đối với thế giới phương Tây phần lớn là do sự thiếu dân chủ mà ra.

"Không ai đi rửa chiếc ô tô mà họ đi thuê cả", và dưới góc nhìn của Friedman, người Hồi giáo đã "thuê" đất nước mình từ các thế lực nước ngoài, các ông hoàng bà chúa, chế độ độc tài,...trong suốt chiều dài lịch sử của họ, và đó là nguyên nhân sâu xa cho tình trạng tuyệt vọng về xã hội và kém phát triển về kinh tế ở đây. Cảm giác bị bỏ lại phía sau và bị lợi dụng bởi văn minh phương Tây khiến cho người Hồi giáo giận dữ.

"Khi chúng ta xây dựng lại một thể chế dân chủ mà cho phép người dân nhiều quyền tự do hơn, chúng ta mới hợp tác được với họ vì một tương lại tốt đẹp hơn cho khu vực này và cả thế giới." Friedman đã giải thích như vậy khi được hỏi lý do vì sao ông ủng hộ cuộc chiến và công cuộc tái thiết Iraq của chính quyền George Bush.

Thất bại của chính quyền Mỹ trong việc xây dựng một nền dân chủ ở Iraq khiến cho nhiều ý kiến chỉ trích quan điểm trên của Friedman; tuy vậy, góc nhìn về dân chủ của ông trong cuộc chiến chống khủng bố là rất đáng lưu ý. Và sự thực là khi chưa có một nền dân chủ nào được thiết lập ở đây, thì quan điểm của ông vẫn chưa thể bị coi là sai lầm.

Đứa con của thần Tự Do


Giá trị Mỹ lớn nhất trong con người của Thomas Friedman là niềm tin tuyệt đối vào tự do. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong quan điểm mới đây của ông về việc xây một thánh đường Hồi giáo gần "khu vực số không" ở New York, địa điểm hai tòa tháp đôi nổi tiếng đổ sụp bởi vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.

Trong sự phản đối dữ dội của rất nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người đã mất người thân trong ngày đen tối tên; Friedman thể hiện sự cảm thông với họ nhưng cũng cho rằng việc xây một thánh đường hồi giáo ở "Khu vực số không" sẽ "nối liền chia rẽ và hàn gắn vết thương" trong lòng nước Mỹ.

Việc phản đối xây dựng thánh đường trên sẽ là một sự phân biệt đối xử với người Mỹ Hồi giáo, đồng thời cũng khép lại cánh cửa của sự đa dạng với nước Mỹ. Một đất nước khép mình với các nền văn hóa, tín ngưỡng, và tôn giáo khác sẽ là một đất nước thiếu sáng tạo, không thể trở thành lá cờ đầu đi trước thời đại.

Và dù không nói ra, có lẽ ông đã tin rằng chỉ có một nước Mỹ như vậy thì mới có một Thomas Friedman như ngày hôm nay.

No comments:

Post a Comment