Chủ nhật, 20/02/2011, 22:24
Hàng năm sự tổn thất riêng về cá trắng đối với ĐBSCL sẽ là 11000 đến 22000 tỉ đồng, hoặc từ 500 triệu đến 1 tỉ USD mỗi năm
Hiện nay các quốc gia ở vùng hạ lưu vực Sông Mekong đang có kế hoạch xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phần cuối nguồn của sông, chắc chắn sẽ bị tác động rất nghiêm trọng đến mọi mặt: môi trường, kinh tế, xã hội, và văn hóa…Hàng năm sự tổn thất riêng về cá trắng đối với ĐBSCL sẽ là 11000 đến 22000 tỉ đồng, hoặc từ 500 triệu đến 1 tỉ USD mỗi năm
Ngày 22.2 tới, cuộc họp tham vấn cấp quốc gia sẽ diễn ra tại Hạ Long để đóng góp cho quyết định đắp hay không đắp đập Xayabury, đập thuỷ điện đầu tiên ở Lào. Nếu Xayabury được thông qua sẽ tạo tiền lệ cho toàn bộ 11 còn.
Mất nhiều hơn được
Chúng ta cần nhớ rằng, dòng không phải chỉ là nước mà là một hệ bao gồm dòng chảy, đất đai, động thực vật và con người. Mỗi sự thay đổi của dòng sông gây ra những thay đổi về số lượng, chất lượng, và thời gian của dòng chảy sẽ dẫn đến những thay đổi lên toàn bộ hệ thống và ảnh hưởng đến đời sống con người. Trong số 12 đập, 10 đập sẽ chắn ngang toàn bộ dòng sông, trong đó có đập dài đến 18km như đập Sambor ở Campuchia.
Các đập này là “đập dâng” (run of river dam) tức là không có hồ chứa thực sự, mà tạo ra một đoạn ngập trên sông khoảng 150km cho mỗi đập. Trong mùa lũ thì nước sẽ đi ngang qua đập trong ngày nhưng trong mùa khô thì thời gian tích nước tối đa có thể đến 3 tuần. Nếu tất cả các đập này được xây thì khoảng 55% tổng chiều dài 1750km của đoạn Hạ lưu sông Mekong từ một dòng sông sống sang một loạt hồ. Ở những nơi nước chảy chậm này, hệ sinh thái sông sẽ biến thành hệ sinh thái hồ.
Mười hai đập này sẽ được vận hành bởi các nhà đầu tư khác nhau và việc điều phối vận hành các đập này để phục vụ lợi ích cư dân ở vùng hạ lưu của các đập là chuyện không tưởng. Vì các đập thủy điện này là dạng đập dâng, cho nước chảy qua trong ngày trong mùa lũ, nên sẽ không có khả năng cắt lũ và giúp làm tăng dòng chảy mùa khô.
Ngược lại, trong mùa khô các đập này có thể tích nước ngắn hạn và xả ra để phát điện nên có thể tạo ra sự kiệt nước trong thời gian ngắn và sự giao động nhanh chóng của mực nước ở vùng hạ lưu tùy theo sự tích và xả nước của các đập này. Ranh giới mặn đối với ĐBSCL vào mùa khô có thể dịch chuyển lên xuống nhanh chóng vào mùa khô và vì vậy hệ sinh thái và hệ thống canh tác sẽ khó thích nghi.
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), Việt Nam và Thái Lan là thị trường chính của các đập này. Khoảng 90% tổng lượng điện của các đập này là được thiết kế để bán sang Thái Lan và Việt Nam. Đến 2025 lượng điện mua được từ các đập này sẽ thỏa mãn 4.4% nhu cầu năng lượng của Việt Nam hay nói cách khác là phải cần có 23 dòng sông Mekong thì mới thỏa mãn nhu cầu điện của Việt Nam.
Nếu xét tổng lợi ích về năng lượng, báo cáo ĐMC cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi 5% từ tổng lợi ích của 12 đập này. Như vậy, lợi ích về điện năng và tổng lợi ích kinh tế của 12 đập thủy điện này đối với Việt Nam là rất nhỏ.
Mất hàng tỉ USD mỗi năm
Sông Mekong có sản lượng cá nội địa lớn nhất thế giới, khoảng 2.6 triệu tấn đánh bắt hàng năm. Cá sông Mekong bao gồm hai phần ba là cá trắng và một phần ba là cá đen. Thông thường, cá trắng là các loài cá di cư. Cá trưởng thành di chuyển lên phía thượng lưu để sinh sản và trứng, cá con, và cá trưởng thành di chuyển xuống hạ lưu để tìm thức ăn và sinh trưởng.
Các đập thủy điện sẽ tạo ra những bức tường thành mà cá không thể vượt qua được. Các loài cá trắng di cư của sông Mekong sẽ có nguy cơ tuyệt chủng. Công nghệ “cầu thang cá” của châu Âu được các nhà đầu tư đưa ra để giúp cá đi qua đập thủy điện là hoàn toàn không phù hợp với cá sông Mekong vì cá sông Mekong thường có kích thước nhỏ và đa dạng về loài. Cá muốn vượt qua được cầu thang cá thì phải tìm được lối vào cầu thang, đủ sức vượt lên độ cao của đập, có nơi cao đến 76 mét như đập Pak Beng ở Lào.
Chỉ tính riêng phần ĐBSCL, hàng năm sẽ có khoảng 220.000 đến 440.000 tấn cá trắng bị rủi ro, chưa tính đến lượng cá đen ăn cá trắng để tồn tại. Nếu tính trung bình giá cá trăng là 50,000 đồng một kg, hàng năm sự tổn thất riêng về cá trắng đối với ĐBSCL sẽ là 11000 đến 22000 tỉ đồng, hoặc từ 500 triệu đến 1 tỉ USD mỗi năm.
Tổn thất này là vĩnh viễn và không phục hồi được và chỉ riêng tổn thất này đã có thể lớn hơn lợi ích về năng lượng do các đập này mang lại… Việc mất thủy sản tự nhiên sẽ làm cho lợi nhuận của thủy sản nuôi sụt giảm nghiêm trọng.
Ngoài ra, ngăn sông đáp đập còn ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản biển. Hệ sinh thái sông Mekong không phải kết thúc ở cửa sông. Hàng năm phù sa sông Mekong đổ ra biển ở Việt Nam cung cấp dinh dưỡng cho một vùng biển rộng lớn tạo nên năng suất thủy sản biển. Số liệu của Cục thống kê cho thấy sản lượng thủy sản biển đánh bắt của ĐBSCL vào năm 2009 ước lượng vào khoảng 606.500 tấn. Sự giảm phù sa sông Mekong, năng suất thủy sản của vùng ven bờ biển ĐBCSL sẽ suy giảm.
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào đưa ra ước lượng sự tổn thất về thủy sản biển đối với ĐBSCL do sự giảm phù sa sông Mekong. Sự giảm năng suất thủy sản biển sẻ ảnh hưởng lớn đến ngành đánh bắt thủy sản biển và đời sống ngư dân ĐBSCL và ảnh hưởng đến ngành nuôi thủy sản nội địa vì giảm nguồn bột cá biển làm thức ăn cho thủy sản nuôi.
Tổn thất vĩnh viễn
Tổn thất vì ngăn sông xây thuỷ điện là vĩnh viễn, không phục hồi được và còn quá nhiều điều chưa chắc chắn. Các tổn thất gây ra do các đập thủy điện dòng chính Mekong sẽ là vĩnh viễn và không thể phục hồi được. Các biện pháp để tránh, khắc phục, và đền bù các thiệt hại thì rất hạn chế, tốn kém, chưa chắc có hiệu quả, và đòi hỏi phải có những cơ chế minh bạch, công bằng, và sự đồng thuận.
Tổn thất về phù sa
Theo định luật bảo toàn năng lượng, việc lấy đi đến 14,000MW năng lượng dòng sông cho việc sản xuất điện sẽ chắc chắn ảnh hưởng đến chế độ thủy văn và phù sa của Sông Mekong. Hàng năm lượng phù sa về ĐBSL là 160-165 triệu tấn. Theo báo cáo ĐMC, nếu toàn bộ 12 đập này đựơc xây thì trong tương lai, lượng phù sa về ĐBSCL hàng năm sẽ chỉ cón 1/4 hiện nay, tức còn khoảng 42 triệu tấn/năm.
Giảm phù sa, nguồn phân bón tự nhiên, sẽ đồng nghĩa với tăng chi phí sản xuất nông nghiệp và gia tăng sạt lở bờ sông.
Lợi ích về năng lượng thì rất dễ tính toán từ công suất thiết kế của các đập nhưng những tổn thất thì rất khó định lượng vì tổn thất xảy ra trên một vùng rộng lớn và rất nhiều người, trong đó người nghèo phụ thuộc vào tài nguyên dòng sông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi Lào, Thái Lan và Campuchia cũng sẽ có những thiệt hại đáng kể do tác động của các đập này, ĐBSCL của Việt Nam ở cuối vùng hạ lưu sẽ bị thiệt hại nhiều nhất.
Hiện nay còn một danh sách dài những tổn thất đối với có thể có đối với ĐBSCL nhưng chưa định lượng được. Ví dụ, tổn thất về thủy sản tự nhiên nội địa, thủy sản biển, thủy sản nuôi, năng suất nông nghiệp, sạt lở bờ sông, sự sụt lún của đồng bằng do thiếu phù sa, sự dịch chuyển khó đoán của ranh giới mặn trong mùa khô, tác động lên ngành du lịch, và tác động dây chuyền lên các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ thuộc vào nông nghiệp và thủy sản.
Ngoài ra, trong tình huống có thiên tai như động đất thì sẽ có nguy cơ vỡ đập. Không thể có đập nào an toàn 100% không thể vỡ. Một khi một đập bị vỡ thì có thể kéo theo hàng loạt đập khác bên dưới bị vỡ và tác hại đối với vùng bên dưới đập là không thể lường được.
Đơn cử một ví dụ, trong số 12 đập thì đập Sambor ở gần ĐBSCL nhất có chiều cao thiết kế là 56 mét từ đáy sông lên đỉnh đập, chiều dài của đập chắn ngang sông là 18km, tạo ra một vùng ngập 620km2 ở phía trên đập ở mực nước có cao trình 40m trên mực nước biển.
Trong khi đó, ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển là 1 mét. Nếu có một trận động đất hoặc một nguyên nhân nào đó gây vỡ đập này thì khối nước khổng lồ 465 triệu mét khối này sẽ gây ra tác hại vô cùng to lớn đối với ĐBSCL…
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện
Chuyên gia độc lập, thành viên nhóm chuyên gia Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mekong thuộc Ủy hội Mekong quốc tế (MRC)
Nguồn SGTT
No comments:
Post a Comment