Hai tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may đã thu về 2,2 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm trước.
▪ Y NHUNG
15:25 (GMT+7) - Thứ Ba, 8/3/2011
Hiện vẫn chưa hết quý 1, nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng đến hết quý 3/2011
Những tháng đầu năm không chỉ kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng mạnh mà nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng sản xuất tới hết quý 3/2011.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may đã thu về 2,2 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh tăng về lượng ( trên 30%), giá xuất khẩu cũng đã tăng khoảng 20%.
“Trong vòng bốn năm qua, đây là mức trưởng xuất khẩu cao nhất vào những tháng đầu năm. Thời điểm này, các doanh nghiệp lớn trong ngành như Việt Tiến, May 10, Nhà Bè… đều đã ký được đơn hàng sản xuất đến hết quý 3 năm nay”, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết.
Theo ông Trường, 2011 cũng là năm lượng công nhân trở lại làm việc sau nghỉ Tết tại các khu công nghiệp thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ đạt tới mức 98- 100%, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Nguyên nhân được cho là do đời sống của người lao động gần đây đã được cải thiện đáng kể. Trước và sau Tết, các doanh nghiệp đều có xe đưa đón công nhân ở các địa phương về tới thị xã hoặc thị trấn để tạo thuận lợi cho người lao động.
Tuy nhiên, thời điểm này ông Trường cho rằng điều làm các doanh nghiệp không khỏi lo lắng đó là tỷ giá niêm yết trên thị trường tự do và tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước vẫn có sự chênh lệch. Giá của nhiều nguyên liệu đầu vào gần đây cũng tăng mạnh, giá bông chỉ trong một thời gian ngắn đã tăng tới 300% lên mức 5,2 USD/ kg, rồi lại giảm xuống 4,8 USD/kg, khiến doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào ở mức giá cao sẽ bị lỗ nặng.
Thêm vào đó, mặc dù đơn hàng hiện nay “đổ” về Việt Nam khá nhiều nhưng các doanh nghiệp cũng rất khó khăn trong việc tiếp tục mở rộng các xí nghiệp sản xuất. Ngoài ra, việc đưa các cơ sở sản xuất về nông thôn lại khiến doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng bị cắt điện nhiều hơn vào mùa khô, so với việc đặt cơ sở sản xuất tại các thành phố lớn.
Kết thúc năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tiếp tục tăng 23%, so với năm trước, khi đạt trên 11 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 5 trong các nước xuất khẩu hàng dệt may toàn thế giới. Trong năm 2011, toàn ngành đặt chỉ tiêu phấn đấu là thu về kim ngạch từ 12,7- 13 tỷ USD.
No comments:
Post a Comment